Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
09:09 (GMT +7)

Thơ Thái Nguyên: nghĩ từ thơ trẻ

VNTN - Cuộc thi thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên khép lại với những giải thưởng có phần hơi “khiêm tốn” về phía những người làm thơ Thái Nguyên. Mặc dù trên 150 tác giả dự thi lần này có đến vài ba chục là người Thái Nguyên, từ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến hội viên các câu lạc bộ thơ trên địa bàn, song giải thưởng lại chỉ thuộc về những người trẻ, giải nhì (không có giải nhất) cho Nguyễn Nhật Huy và giải khuyến khích cho Phạm Văn Vũ. Họ đều là những chàng trai 8X, cả tuổi đời lẫn tuổi viết còn khá trẻ. Tuy nhiên, thơ của họ cùng giải thưởng của họ (một giải thưởng mà chúng tôi cho rằng khá khách quan và công tâm khi giám khảo là những bậc “trưởng lão” của thơ Việt hiện đại), lại khiến cho những người làm thơ và quan tâm đến thơ Thái Nguyên một sự ngẫm ngợi: phải chăng thơ Thái Nguyên đã bắt đầu rẽ sang một chiều hướng mới, một ngã khác không/ít quen thuộc với số đông những người làm thơ Thái Nguyên. Dù chưa thật sự công nhận song cũng phải khẳng định, Thái Nguyên đang có những người làm thơ-một thứ thơ khác, không dễ đọc nhưng không thể bỏ qua.

Dấu ấn và sự khẳng định

Những năm gần đây, Văn Nghệ Thái Nguyên đã thực sự tạo được ấn tượng với bạn đọc cả nước. Đặc biệt là từ khi tờ báo trở thành tuần báo - một hiện tượng khá hy hữu trong các tờ văn nghệ địa phương. Và cũng khá lâu, Văn Nghệ Thái Nguyên mặc dù vẫn là sân nhà nhưng không còn là sân riêng của những người làm thơ Thái Nguyên nữa mà đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi và giới văn chương cả nước, từ các tỉnh phía Bắc đến Thủ đô Hà Nội, từ Tây Nguyên đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ đều có những tác giả/bạn đọc của Báo. Điều này góp phần làm cho chất lượng của Báo ngày càng cao, thương hiệu Văn Nghệ Thái Nguyên ngày càng được khẳng định.

Trên một phông nền như vậy, đôi khi, với những người luôn quan tâm đến thơ Thái Nguyên, có cảm giác thơ của các tác giả Thái Nguyên ngày càng mỏng dần, những cái tên một thời vang bóng trên Văn nghệ Thái Nguyên như Ma Trường Nguyên, Thế Chính, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh, rồi cả những Phan Thức, Ngọ Quang Tôn, Minh Thắng, Hồ Triệu Sơn, Xuân Nùng… ngày càng thưa thớt trên trang thơ của báo. Thay vào đó và bên cạnh các tác giả tỉnh ngoài, có những gương mặt thơ Thái Nguyên ngày càng trở nên quen thuộc hơn như Phạm Văn Vũ, Doãn Long, Nguyễn Nhật Huy, Trần Thị Nhung, Hoàng Thị Hiền, Gia Hân…, Họ là những người trẻ một cách đúng nghĩa, từ tuổi đời đến lối viết. Điều quan trọng là thơ của họ dường như đang có sự vênh lệch, nó chệch ra hẳn đường ray của thơ Thái Nguyên truyền thống, nó là một cái gì đó mơ hồ, khó đoán định, không dễ đọc và không dễ chấp nhận. Và vì thế, cần phải viện đến những vị quan tòa công tâm để phán xét, để bình giá thơ của họ.

Và các vị quan tòa đã phán xét.

Những phán xét hùng hồn bằng các giải thưởng.

Họ đã có được và được khẳng định.

Đâu là sự khác biệt?

Nếu diễn đạt một cách nôm na, thì theo tôi, hành trình của thơ luôn là một sự vận động, từ thứ thơ tỏ chí, tỏ lòng (thơ trung đại), nhưng là cái sự nói chí, tỏ lòng với chính mình, cho mình; tiếp đến là thứ thơ dốc lòng,tự gặm nhấm mình, thưởng thức mình (thơ lãng mạn giai đoạn 1930-1945); rồi lại đến thứ thơ viết ra để cho người khác, vì cái khác (thơ kháng chiến); lại tiếp đến cái thứ thơ tự mình moi gan ruột để cắt nghĩa mình, lí giải mình (thơ sau Đổi mới). Dĩ nhiên, đó chỉ là cách cắt nghĩa nôm na. Và dĩ nhiên, không thời nào chỉ có một thứ thơ như bữa cơm chỉ rặt một món. Thời nào cũng có thứ thơ như con nuôi, con đẻ, thậm chí cả con cầu tự là sản phẩm của những thi sĩ coi thơ là ngôi đền thờ đấng tối cao. Sự đa dạng, khác biệt trong cảm nhận/ thưởng thức thơ đã hình thành nên các khái niệm mà giới lí luận phê bình gọi là trung tâm- ngoại biên với những lí thuyết cầu kì. Trong giới hạn của bài viết này, tôi chỉ nói về thơ Thái Nguyên, và với thơ Thái Nguyên, tôi tìm cho mình một cách định danh đơn giản: đó là thơ của Người mới và Người cũ. Người mới là người phá vỡ tính ổn định của mĩ học truyền thống trong thơ; vượt qua biên giới của cách tư duy, biểu đạt vốn dĩ được coi là ổn định, tiếp cận và chịu ảnh hưởng của những lí thuyết mới. Họ độc hành trên đại lộ thơ. Người cũ là người mà tư tưởng, tình cảm chịu sự chi phối tuyệt đối của hệ giá trị cũ đã hằn thành nếp nhăn trong não bộ. Họ chan hòa trên con đường thơ được giới hạn bằng những đường biên cố hữu. Giữa Người mới và Người cũ, dù vô tình hay hữu ý, vẫn đăm đắm hình thành một thế đối lập, phủ định lẫn nhau. Và dĩ nhiên, điều đó cũng cho chúng ta nhận diện sự khác biệt trong quan niệm về thơ và thơ của họ.

Cho đến bây giờ, nhiều người làm thơ Thái Nguyên vẫn không chịu nổi và không chấp nhận một thứ thơ không có vần điệu, không có những mĩ từ. Tất cả những ai yêu thơ được sinh ra vào những thập kỉ 70 về trước, đều ít nhiều mê đắm một thứ thơ mượt mà đầy cảm xúc.Thơ của họ cũng vậy, hay và ấn tượng. Ví như những câu thơ sau của Võ Sa Hà: Mùa thu ấy Bằng Giang rờn sóng nước/ Mã Phục run trong gió lạnh biên thùy/ Pháo đài cổ loáng ánh trăng xanh mướt/ Núi Sa Hà u uất tiễn tôi đi (Mùa thu ấy). Chuẩn và chỉnh về câu chữ và vần điệu, cảm xúc mạnh, hình ảnh đẹp. Hay những câu thơ của Hồ Triệu Sơn, một nhà thơ-đại tá quân đội:Gió heo may rồi sao em còn quên/ Thuở tóc đuôi gà đi nhặt hương sen/ Nhí nhảnh trượt chân xuống miền thương nhớ/ Thôi nhé ngủ yên mùa hoa xoan nở/áo mỏng em ướt tuổi dậy thì (Ngoảnh lại mùa thu). Ma Trường Nguyên là nhà thơ dân tộc Tày với những bài thơ có cấu tứ độc đáo với những cái tên rất ấn tượng như “Lòng đi yêu về thôi”, “Câu hát vắt qua vai”.  Xuân Nùng có những câu thơ khá lạ về tình cảm vợ chồng của những người đã lên ông lên bà nhưng vẫn còn hồn nhiên, lãng mạn như thuở mới yêu: “Lấy lưng anh làm phách/ Gõ nhịp câu chèo vào giữa canh khuya”, “Đêm cổ tích là những đêm mất điện”. Nguyễn Đức Hạnh nổi tiếng với những câu thơ tài hoa của một thi nhân đa tình, lãng tử: Những người yêu là những con đường/ Gọi thăm thẳm một đời lãng tử (Những người yêu là những con đường), “Nụ hôn đầu lơ đãng chạy đi đâu/ Lời yêu cũ xanh rờn trong mắt lạ (Tìm)…

Nhưng thơ của họ lại không giống thơ trẻ. Nói cách khác, những người trẻ làm thơ ở Thái Nguyên hôm nay không đi trên con đường thơ mà chúng ta (những người không trẻ) đang đi. Họ không tả, không kể, không biểu hiện những rung cảm thẩm mĩ trước một đối tượng thẩm mĩ nhất định nào đó trong cuộc sống.Cái họ nhìn không phải là thứ ta vẫn thấy. Chẳng hạn, nó không giống như cách nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đã nhìn thấy (đúng hơn là cảm thấy) những ánh mắt ngây thơ, sợ hãi đến tội nghiệp của những chú vịt bị đem đi tiêu hủy trong đại dịch H5N1,để từ đó viết những câu thơ nhức nhối lòng người đọc: Triệu cặp mắt tròn kinh hãi xoáy vào đêm. Nó cũng không giống như sự tinh tế, đầy cảm xúc về tình đất, tình người Hà Giang trong thơ Võ Sa Hà: Hà Giang đấy rượu ngô vàng như nắng/ Hương mật ong ướp ngọt búp tay mời. Hoặc những triết lí vừa hợp lí vừa đầy tính chủ quan trong câu thơ của Nguyễn Đức Hạnh: Bạn bè như mưa đi ngoài phố/ Vừa chạm đến tiền đã vỡ tan

Một điều dễ nhận, một trong những đặc trưng cơ bản nhất của những người làm thơ (tôi gọi là thơ cũ), là khi viết, ta cần viện vào một cái gì đó như một cái cớ để lập tứ. Thông thường, người làm thơ ghi lại cảm xúc thẩm mĩ trước một đối tượng thẩm mĩ trong cuộc sống, từ đó khái quát lên và triết lí về một cái gì đó rộng hơn, lớn lao hơn mà hiện tượng thẩm mĩ đó gợi ra. Chẳng hạn, ở trên, Nguyễn Thúy Quỳnh đặt sự đồng cảm về phía những con vịt trước một thảm họa của sự hủy diệt, từ đó phần nào nói lên/ báo động/ cảnh tỉnh sự vô cảm của con người. Võ Sa Hà viết về cái nồng nàn, ngọt ngào của men rượu để nhận ra đó là cái nồng nàn, ngọt ngào của tình người Hà Giang. Nguyễn Đức Hạnh suy ngẫm về những giá trị giả-chân trong tình bạn… Đặc điểm chung trong thơ của họ là viết về cái-nhìn- thấy, cái-phổ- biến. Với việc làm thơ, họ đã tạo ra một phép màu, làm cho những cái vô tình trở nên gần gũi, những cái xa lạ trở nên quen thuộc, những cái hy hữu trở thành phổ biến, những cái riêng trở thành cái chung, từ thơ của một người đã thành thơ của mọi người. Thơ, vì vậy, gánh một sứ mệnh cao cả là giúp người đọc khám phá rõ hơn về những chiều kích của sự vật hiện tượng ở góc độ nhân văn, nhân bản.

Tuy nhiên, thơ của những người trẻ lại không như thế.

Hãy thử đọc vài câu thơ của họ: Ngày em đem xác con chuồn chuồn ra đồng/ Chôn ngây thơ vào đất/ Ngày em đem xác tình yêu vào facebook/ Chôn buồn vào vui/ Ngày người ta mang xác em ra đồng/ Con chuồn chuồn đầu thai (Chôn- Nguyễn Nhật Huy).

“Hôm qua cựa mình kê gối ngày mai/ Trong trẻo đắp cho lầm lạc/Mẹ Sáng khép mắt/ Bóng cựa mình/ Cuối đêm mọc tiếng khóc rất trẻ thơ” (Mọc- Phạm Văn Vũ).

Câu chuyện trong bài thơ của Nhật Huy không giống như câu chuyện về một ám ảnh quá khứ như trong bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm. Nhật Huy kể một câu chuyện không có thật, mà dẫu có, đó cũng nhất quyết không phải là một ám ảnh tuổi thơ.Vì sao ư? Đơn giản là tác giả không có ý định kể câu chuyện con chuồn chuồn, dù câu thơ đầu được mở ra như thế: Ngày em đem xác con chuồn chuồn ra đồng/ Chôn ngây thơ vào đất.

 

Nếu là một thứ thơ quen thuộc, ta đã có thể hình dung mạch cảm xúc tác giả sẽ triển khai. Nhưng không, câu chuyện con chuồn chuồn chỉ dừng lại ở đó. Khổ thơ thứ hai là một câu chuyện khác: Ngày em đem xác tình yêu vào facebook/ Chôn buồn vào vui. Đây lại là một câu chuyện tình buồn của chàng trai đang bị những ám ảnh nặng nề từ dư âm của một mối tình, mượn cái vui tầm phào để giết thời gian, để quên nỗi buồn. Câu chuyện tình yêu cũng chỉ dừng lại ở đó. Sức nặng của bài thơ dồn tụ ở khổ thơ thứ ba: Ngày người ta mang xác em ra đồng/Con chuồn chuồn đầu thai. Đây là cái kết không có- kết của bài thơ, từ đó mở cho người đọc vô số những suy ngẫm liên tưởng về con người, về cuộc đời. Ba khổ thơ tưởng như ngắt quãng, đứt đoạn, hoặc được chắp vá một cách rời rạc. Đấy là chúng ta cảm thế. Thực ra, nó là một sự kết nối hoàn chỉnh, thậm chí, một sự kết nối hoàn hảo. Trước tiên, chìa khóa của bài thơ như một liên tưởng được lặp lại, đó là những hành động có thể khác nhau về tính chất, ý nghĩa nhưng đều cùng biểu đạt một khái niệm: “chôn”. Ở khổ một là chôn-sự -thơ-ngây; khổ hai là chôn-tình-yêu và khổ thứ ba là chôn-thể-xác hay chôn-cuộc-đời. Hai hành động chôn ban đầu là của chủ thể với tâm thế chủ động, hành động chôn cuối cùng là hành động bị động, bị chôn. Xét về tâm thế, thì hành động chôn xác con chuồn chuồn mà tác giả định danh đồng nhất với việc “chôn ngây thơ vào đất” là hành động mang tính nhân văn sâu sắc nhất, nó biểu thị một trái tim thơ ngây, một niềm tin thơ ngây bằng những rung cảm chân thật đến thánh thiện. Nhưng đến khi chàng trai chôn tình yêu vào face book thì đã khác. Đó không phải là hành động của tình cảm mà là hành động của lí trí, của sự ý thức một cách rõ rệt vào cái vô nghĩa của hành động ''chôn” ấy. Vì vậy, thay vào sự thương cảm lại là một nỗi xót xa, thay vào sự cả tin thơ ngây là sự mất niềm tin/ hoài nghi và thất vọng trong tình yêu. Trong chu kì vòng đời từ tuổi thơ-trò chơi đến tuổi trẻ-tình yêu và tuổi già-cái chết, suy cho cùng, đều là sự chôn theo một cách nào đó. Vì thế, bài thơ tạo một ám ảnh tâm lí cho người đọc, về phần nào cái vô nghĩa lí của kiếp người. Câu thơ cuối “Ngày người ta mang xác em ra đồng/ Con chuồn chuồn đầu thai” biểu đạt nhiều ý nghĩa. Đó là những ẩn dụ không chỉ về kiếp luân hồi, mà chứa đựng cả ý thức về cái luân hồi ấy. Có nhiều cách để hiểu, để diễn giải. Chẳng hạn, theo tâm nhà Phật để luận về thuyết nhân quả, hay theo tư duy của kẻ vô thần mà đoán định: Cuộc đời chẳng qua chỉ là một thứ trò chơi, đó là trò chơi tự-chôn-mình. Tôi tin, dù hiểu theo nghĩa như thế nào, bài thơ cũng gây ra những ám ảnh.

Trở lại với những câu thơ của Phạm Văn Vũ. Những câu thơ trong bài Mọc được anh lấy làm tên gọi cho cả tập thơ.Tập thơ hoàn toàn không dễ đọc. Nó không phải là tiếng nói của lí trí hay tình cảm, nó là những con chữ thoát ra từ vô thức. Đó là một thế giới lạ của một cái tôi khác đã thoát ra khỏi hình hài và tâm thức nhà thơ, không để mắt đến những ai đang cố hình dung ra nó, tưởng câu chữ ngôn từ là hình xác của nó. Không, nó là linh hồn bay trên những xác chữ:

Hôm qua cuộn mình kê gối ngày mai/Trong trẻo đắp cho lầm lạc/Mẹ Sáng khép mắt/Bóng cựa mình/Cuối đêm mọc tiếng khóc rất trẻ thơ (Mọc). Không có những đối tượng trữ tình hiện hữu để nhà thơ soi mình vào đó. Không có những sự vật hiện tượng cụ thể, chỉ có những khái niệm mang nhân tính. Một giấc ngủ trong đêm nối hai đầu thế giới. Giấc ngủ là ranh giới của đêm và ngày, của sáng và tối. Những câu thơ của Phạm Văn Vũ không kể chuyện đêm, không kể chuyện giấc ngủ, mà kể chuyện mọc, kể chuyện về sự hồi sinh. Khi mà những bươn chải, toan tính của con người trong cuộc mưu sinh được phủ khắp một ngày chật chội, thì đêm và giấc ngủ không chỉ là để giải lao mà còn giải thoát cho con người khỏi những lỗi lầm trần tục. Mượn đêm làm thánh thần để mình thành con chiên xưng tội. Và chính sự khoan hậu, bao dung của đêm, của sự tĩnh tại đối lập với cái ồn ã, của sự tĩnh tâm đối lập với cái rắp tâm, đã chấp thuận an ủi, động viên cho sự sám hối của con người. Cái bóng chính là con người từ chiều sâu bản thể, sự hoài thai tính nhân bản của con người. Tiếng khóc mọc ra từ cuối đêm là mầm thiện sinh ra từ sự sám hối của cái ác, là sự trong trẻo hồn nhiên sau khi đã tẩy rửa những u ám vẩn đục của xấu xa, tội lỗi.  Vậy nên, với những câu thơ như thế, ai bảo không trong trẻo và đầy tính nhân văn?

Tôi muốn nói đến một phía khác của thơ trẻ, từ những người viết thuần hậu hơn. Thơ của họ không có những liên tưởng ngắt quãng, không cần đến những cuộc truy tìm, dấn sâu vào những mô tầng văn hóa để giải mã những giá trị đích thực của lớp câu chữ được ngụy trang bằng những biểu tượng, những ẩn dụ miệt mài. Họ là những Doãn Long, Trần Nhung, Hoàng Thị Hiền, Gia Hân…Họ là những người viết trẻ Thái Nguyên đang viết thơ bằng thứ ngôn ngữ của chính mình, bình thản và tự tin, không choáng ngợp và bị lạc lối giữa mênh mông đại ngàn trùng điệp thơ của các bậc tiền bối. Thêm một lần hãy lắng nghe thơ của họ: Em đã từng/Miệt mài/ Gỡ nếp hằn trên đuôi mắt những tháng ngày không anh/ Gỡ cả những vết thương, chưa có nổi một giây lành lặn (Nhận ra- Trần Nhung)

Em vẫn chờ người giữa màn đêm/ Bếp lửa nhà mình đợi anh cháy tàn viên than muộn/ Cả nỗi mong manh trong gian nhà nữa/ Còn thanh củi cuối mùa/ Cho ấm nước vừa sôi… (Chờ- Doãn Long)

Thơ Doãn Long và Trần Nhung là một hướng khác, có thể đó chỉ là một ngã rẽ trên đường thơ Thái Nguyên vốn không có nhiều giao lộ. Song, nếu như Doãn Long còn đang chần chừ, đang phân vân, thì Trần Nhung đã đặt những bước chân đầu tiên vào ngã rẽ. Chờ của Doãn Long, đơn giản chỉ là cảm xúc hóa cho các sự vật hiện tượng để nó nói hộ tâm trạng, nỗi nhớ mong của cô gái đang yêu chờ người xa trở về: đăm đắm chờ, da diết nhớ và khắc khoải hy vọng… Trong khi cái gọi là nhận ra của Trần Nhung lại vẫn là một cái gì mơ hồ, chưa rõ nghĩa và khó cắt nghĩa. Hình như ở đó, vượt lên sự đau khổ, những ưu tư dằn vặt là một tâm thức, một nghị lực và bản lĩnh của cô gái trong tình yêu. Gỡ nếp hằn trên đuôi mắt những ngày không anh không chỉ là gỡ đi nỗi nhớ, mà lớn hơn, gỡ đi những ám ảnh của một cuộc tình. Nếp nhăn trên đuôi mắt, không gì hơn, chính là những hằn sâu của vết thương lòng. Gỡ đi nếp nhăn ấy, thực không là điều gì dễ dàng. Nhưng cái nhận ra ở đây là nhận ra một hiện tượng, một hiện thực, rằng những vạt cỏ mềm/ Nằm mỏi mòn trong tâm trí em/ Đã từng/ đau vết tím hằng đêm hay Cánh đồng/ đã từng/ Ngồi vuốt nỗi buồn bạc râu những chú dế/ngơ ngác cả mùa xanh vốn dĩ đều chỉ là những điều bình thường, tất yếu của cuộc sống này. Nhận ra được những điều ấy mới có thể bình tâm mà “nằm mơ cỏ ướt tóc mưa phùn/Thấy người đánh thức lại mầm non”. Khi nhà thơ nhận ra được qui luật vĩnh hằng của cuộc sống cũng là khi có được thang thuốc đặc trị để chữa lành những vết thương, để bắt đầu một cuộc sống mới, một tình yêu mới.

Dẫu sao, tất cả những điều viết ở trên cũng chỉ là những phác họa, chỉ là những lát cắt để nhận diện bước đầu cái gọi là thơ cũ-thơ mới. Hành trình của thơ luôn là một sự vận động với những sáng tạo không ngừng nghỉ. Vậy nên, không thể chỉ nhìn cánh đồng sau vụ gặt mà đánh giá được sự phì nhiêu của đất. Các nhà thơ Thái Nguyên, dầu không phải là những người trẻ, họ vẫn luôn ý thức rất rõ về sự cần thiết phải làm mới thơ mình. Không khó để nhận ra một Nguyễn Thúy Quỳnh ngày càng cập tới những nơi khuất nẻo nhất của tình người để mà khơi gợi, mà nhen lên ngọn lửa yêu thương bằng những lời thơ hết mực giản dị; một Võ Sa Hà đang ươm vào thơ mình những gân guốc của cuộc sống, bên cạnh những mượt mà cố hữu, để thơ anh ngày càng trở thành những sắc màu hoa văn thổ cẩm qua cái nhìn sâu sắc, bộc trực mà tài hoa của một người thơ nặng tình với núi. Hay một Hồ Triệu Sơn quyết liệt giã từ với êm ả, thơ mộng của một cái tôi trữ tình trong veo hoài niệm, mạnh dạn dấn thân vào ngưỡng cửa của cuộc cách tân chữ nghĩa, thay máu cho thơ mình. Hay một Nguyễn Đức Hạnh không còn lãng mạn, phong trần mà tỉnh táo và đa đoan hơn trong những “khoảng lặng” cần thiết của cuộc sống. Họ đang đổi mới nhưng là sự đổi mới với sự dẫn dắt, đưa đường của nhận thức, của lí trí, của kinh nghiệm và bản lĩnh thi sĩ đang hối thúc, sục sôi trong những nhịp đập trái tim vừa tỉnh táo, vừa đa cảm của họ. Còn những người trẻ, họ viết thơ như một nhu cầu tự thân, không hề ý thức về sự cũ mới. Đơn giản, họ viết những gì họ nghĩ, họ mạnh dạn dấn thân theo chân lí của chính họ. Ở đó, những khái niệm và mọi sự giảng giải, cắt nghĩa đều trở nên vô nghĩa, vô can với họ. Họ không cần phải thay đổi và không có ý thức về sự thay đổi.

Dường như, đó sẽ là con đường tất yếu của thơ

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy