Thơ một chữ đến bảy chữ, một thể thơ hay và lạ của Trung Quốc
VNTN - Nhắc đến thi ca Trung Quốc, người ta không thể không nhắc đến thơ Đường, một trong những đỉnh cao của thơ ca Trung Hoa nói riêng và thơ ca nhân loại nói chung. Thơ Đường phân làm 2 loại lớn: thơ cổ thể (cổ phong) và thơ cận thể (Đường luật). Tuy nhiên khi tìm hiểu về thơ ca cổ Trung Hoa chúng tôi phát hiện ra nhiều tiểu loại, trong đó có một tiểu loại khá đặc biệt thơ một chữ đến bảy chữ.
Thể thơ này đặc biệt trước hết là ở hình thức, nhan đề của bài thơ thường chỉ có một chữ, đồng thời chữ đó cũng chính là câu đầu tiên của bài thơ. Theo đó, câu thứ nhất chỉ có một chữ, câu thứ 2 có 2 x 2 là 4 chữ, tiếp theo đó câu thứ 3 sẽ có 3 x 2 là 6 chữ.... ngoại trừ câu thứ nhất, mỗi câu phân làm 2 vế đối nhau rất tương xứng.
Từ những khảo sát đó có thể đi đến một công thức chung cho thể thơ này như sau:
- Nhan đề 1 chữ, làm câu đầu tiên trong bài thơ.
- Số câu x 2 = số chữ trong câu.
Như vậy khi sắp xếp lại các câu trong bài thơ sẽ được một khối hoàn chỉnh có hình tam giác cân với đỉnh chính là nhan đề bài thơ và sự vật được vịnh trong nội dung bài thơ, đáy tam giác là câu thơ có 14 (7x2) chữ. Đây là ấn tượng đầu tiên tác động vào thị giác của độc giả khi họ đọc những bài thơ này. Đồng thời đây cũng là một sản phẩm thể hiện được tư duy hình khối của người phương Đông đã có từ lâu đời (Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa...). Lối tư duy này thể hiện một phần ở sự đăng đối hài hòa trong các kiến trúc, từ đó dẫn đến sự đăng đối trong sáng tác thi ca (hình khối này sẽ được minh họa rõ hơn ở những bài thơ được trích dẫn dưới đây). Chính vì lẽ đó mà thể thơ này còn được gọi là “ngọc tháp thi” (thơ tháp ngọc).
Điều đặc biệt thứ hai là ở cách gieo vần trong mỗi bài thơ. Bài thơ một chữ đến bảy chữ sẽ bắt đầu bằng chữ chủ đề - chữ đó sẽ quyết định vần gieo của toàn bài thơ. Tức kết thúc mỗi câu phải hiệp vần với chữ chủ đề. Chẳng hạn bài thơ về trà gieo vần “a”. Theo đó, kết thúc của mỗi câu sẽ là chữ có vần “a” chẳng hạn: nha, gia, sa, hoa, hà, khoa (xin xem bài thơ Trà, được chúng tôi trích dẫn dưới đây). Tùy vào chữ chủ đề mang vần bằng hay trắc mà bài thơ gieo vần bằng hay vần trắc theo chữ chủ đề đó, chẳng hạn, bài thơ Thi gieo vần bằng, bài thơ Trúc gieo vần trắc.
Điểm thứ ba chúng tôi muốn đề cập đến khi tìm hiểu thể thơ này là nội dung. Như đã nói ở trên, thể thơ từ một chữ đến bảy chữ lấy nhan đề làm câu đầu tiên. Theo đó, nhan đề thường chỉ có một chữ duy nhất, chữ đó là một danh từ chỉ sự vật được nhắc đến, được vịnh trong toàn bộ nội dung bài thơ.
Người Trung Quốc xưa thường lấy các sự vật tao nhã làm đề tài ngâm vịnh như: hoa, nguyệt, họa, thi, thư... Những sự vật đó là nguồn thi liệu truyền thống không chỉ trong văn học Trung Hoa mà còn trong văn học các nước đồng văn.
Trong quá trình tìm hiểu về Thơ một chữ đến bảy chữ chúng tôi mạn phép giới thiệu bốn bài thơ rất hay, có thể coi là một bộ tranh tứ bình: Thi - Trà - Trúc - Thư.
Từ xưa Tô Vũ viết câu tiễn Đô Úy tướng quân, đến nay quan Tư Không làm câu thơ tiễn đưa Bạch này.
Qua bản dịch nghĩa người đọc hoàn toàn có thể thấy nội dung của bài thơ xoay quanh sự vật tác giả muốn bình, đó là Thơ. Bạch Cư Dị đề cao vai trò của thơ, giá trị, vẻ đẹp của thơ và sức mạnh của thơ khi tác động vào lòng người như “giúp người cười vui”, “xót thương li biệt”, “làm vàng đá oán”, “khiến quỷ thần buồn”. Đặc biệt nhà thơ còn đề cao vai trò của thơ khi coi đó là một “sợi dây” kết nối những tâm hồn đồng điệu, “sợi dây” rút ngắn lại khoảng cách thời gian. Khi xưa, thời Hán có Tô Vũ ngâm câu thơ tiễn đưa Đô Úy Lý Lăng thì hôm nay, thời Đường có quan Tư Không Bùi Độ hạ câu thơ tiễn đưa Bạch Cư Dị. Như vậy, phải chăng Bạch Cư Dị muốn khẳng định lại một lần nữa, thơ ca muôn đời vẫn thế, là tiếng lòng ngân lên. Hiểu thơ, hiểu tâm tư, ấy là tri âm vậy.
Tẩy hết mệt mỏi của bất kể người xưa hay người nay, đến lúc say rượu sau khi uống trà thì tránh được nói khoác.
Tương tự Thi Ma Bạch Cư Dị, nhà thơ Nguyên Chẩn thời Đường tìm đến một đề tài khá quen thuộc trong văn hóa phương Đông, đó là Trà. Qua bài thơ, người đọc có thể thấy Nguyên Chẩn vừa bình trà, vịnh trà, tán trà, thưởng thức trà và tôn vinh trà. Bài thơ mở đầu bằng một chữ Trà như một khởi ngữ để bắt đầu cho hàng loạt những mĩ từ tiếp theo, từ lá thơm, mầm non đến cối ngọc, sàng gấm... tất cả tạo nên tinh hoa trong văn hóa trà.
Một điều đặc biệt ở bài thơ này nói riêng và những bài Thơ một chữ đến bảy chữ nói chung là sự phát triển từ chữ chủ đề. Mở đầu bài thơ là chữ Trà. nếu nhìn từ trên xuống, từ một chữ nảy ra nhiều chữ (tức diễn dịch). Nếu nhìn từ dưới lên từ nhiều chữ diễn giải nội dung và quy nạp thành một chữ chủ đề (tức quy nạp). Do đó những bài Thơ một chữ đến bảy chữ có thể đọc xuôi hoặc đọc ngược đều được.
Chỉ có nỗi buồn thổi lên tiếng biệt li, quay đầu theo thế trận múa nhanh.
Ngay từ câu thứ hai trong bài thơ tác giả đã dùng điển cố, từ “lâm trì” được lấy từ sách Tấn thư, thiên Vệ Hằng truyện, kể về nhân vật Trương Bá Anh thường đến ao dùng nước ao làm mực để tập luyện thư pháp chữ thảo, từ đó về sau từ “lâm trì” được dùng để nói đến việc luyện tập thư pháp. Trong bài thơ, tác có ý nhấn mạnh vai trò của trúc trong việc chép lại thư tịch. Đến câu thứ ba nhà thơ lại tiếp tục dùng điển cố, Vương Gia khán bất túc ở đây gợi đến câu chuyện thú vị về Vương Vi Chi (còn gọi là Vương Hy Chi), một thư pháp gia tài hoa thời Đông Tấn (317 - 420). Điển cố này xuất phát từ cuộc trò chuyện giữa Vương Hy Chi và viên tướng Hoàn Xung, sau một loạt những câu hỏi của Xung, Hy Chi đều ứng đáp trôi chảy đồng thời thể hiện được khí tiết, Xung lấy làm quý mến mời Hy Chi uống rượu. Sau khi trò chuyện vui vẻ, Hy Chi cáo từ và chỉ cây trúc nói rằng: “sao có thể một ngày mà không có ông này đây?”. Ở đây ý nói đến cây trúc như một chân của người quân tử. Việc sử dụng nhiều điển cố có thể thấy tác giá muốn nhấn mạnh vai trò của cây trúc gắn bó mật thiết trong cuộc sống của con người.
Sau khi biệt li có thể thay lời thăm hỏi ngàn dặm, mấy lời gói kín gửi đến chốn nhàn cư.
Từ xưa, sách đã là một sản phẩm không thể thiếu trong tri thức nhân loại. Và trong bài thơ trên, một lần nữa Phạm Nghiêu Tá khẳng định giá trị của sản phẩm tri thức ấy. Sách là tài sản vô giá của nhân loại. Thế gian đã có những bậc danh sĩ coi trọng sách như Cát Hồng (một đạo gia thời Đông Tấn) hay như Huệ Tử (một triết gia thời Chiến Quốc). Và trong sách chứa đựng những vi diệu của nhân gian như thư pháp, thi cú... Đồng thời nhà thơ cũng khẳng định vai trò khai trí của sách, sách giúp con người thêm trí tuệ, khiến cho đạo sáng rỡ như giữa chốn trong sạch hư không. Từ “thanh hư” xuất phát từ quan điểm của Đạo giáo với ý nghĩa là thanh tĩnh, hư vô. Lão Tử từng nói “thanh hư giả thiên chi minh dã, vô vi giả trị chi thường dã”, tức “thanh hư là trời chiếu sáng vậy, vô vi là sự yên ổn hằng thường vậy”.
Mỗi bài thơ một chữ đến bảy chữ xứng đáng là một “tòa tháp ngọc” trong ngôn ngữ và thi ca Trung Hoa. Mỗi bài thơ là một viên ngọc quý tôn vinh một sản phẩm tinh hoa của văn hóa phương Đông nói riêng và của nhân loại nói chung. Tòa tháp thơ đó được xây dựng từ ngôn từ chau chuốt, tinh mĩ thể hiện tài năng của thi nhân thời cổ. Thể thơ này vừa mang đến sự bất ngờ trong thị giác, vừa mang đến sự thú vị trong “thi cảm” của độc giả. Giới thiệu chùm thơ một chữ đến bảy chữ này, chúng tôi mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn mới về thi ca Trung Hoa.
(1): Nguyên Chẩn (779 - 831), tự Vi Chi, người Hà Nam, Lạc Dương, Trung Quốc, là nhà thơ danh tiếng thời Trung Đường.
Như Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...