Thơ Hoàng Xuân Tuyền
PHÚT BÙ GIỜ CỦA CUỘC CHƠI DƯƠNG GIAN
- Sao chỉ còn cái tối cái tồi cái tội ?
Cái Tôi của tôi đâu ?
Tôi mất Cái Tôi rồi !
- Ai nhặt được
ai lỡ cầm nhầm
thì cho người ta xin.
Ai bỏ tiền mua
thì làm phúc làm ơn
cho người ta chuộc.
- Tôi mất Cái Tôi rồi !
Cái Tôi của tôi đâu ?
- Này những tay móc túi
hay những kẻ cướp đường :
cuộc sống dương gian
mỗi người chỉ một
mỗi người riêng một Cái Tôi
thó đoạt của người ta
làm gì
thứ ấy
trả đi thôi.
- Làng nước hỡi…
Bớ người ta…
- Cái Tôi
mỗi người tạo dựng
cuộc đời định danh
nào phải phần quà tài trợ
gói sẵn
tất tật
chia đều.
Mất ?
Thương ơi!
ĐẠI LỘ
1
Píp píp
Đón đầu.
Quý ông trâu, quý ngài trâu thân mến!
đây - đại lộ Rồng bay
đường xe hơi trăm cây số mỗi giờ
không tiệc tùng, không hội nghị
duyên do gì mà đứng ngẩn, đứng ngơ
luật giao thông bỏ ngoài tai lá mít?
Píp píp
Tai lá mít không thèm động đậy.
2
Píp píp
Đi tắt.
Quý cô trâu, quý bà trâu thân mến!
đây - đường cao tốc lên khu công nghệ cao
không bán hàng hạ giá, không lễ hội thời trang
dù đi đâu về đâu xin gọn đít lồng bàn
cho xe tôi qua với!
Píp píp
Đít lồng bàn nguây nguẩy giăng ngang.
3
Píp píp
Kính bà trâu nguyên là đầu cơ nghiệp
Thưa ông trâu cựu chủ đạo kéo cày
Thế giới phẳng chúng mình cùng tiến bước
Lối văn minh không đi đứng thế này.
Píp píp
Tai lá mít không thèm động đậy
Đít lồng bàn nguây nguẩy giăng ngang.
Píp píp píp
Stop! No píp píp!
Thôi thì hát váng trời câu nghé ọ
Trâu là ai mà ai cũng là ta ?
05/2010
HÀ NỘI, 2015
1.
Chú bé đánh giày
thêm chàng trai đánh giày
thêm ông cụ đánh giày
mép phố.
Bà cụ trà chén
thêm cô em trà chén
thêm bé gái trà chén
vỉa hè.
Thăng Long
1005 tuổi.
2.
Bà cụ trà chén lập cập tập đánh giày.
Chú bé đánh giày
mấy bữa nay
chắc mỏi chân đi
ngồi lì
ngóng khách đánh giày, lóc cóc học bán thêm trà chén.
3.
Cuộc sống:
- Tái cấu trúc nghề đánh giày trên phố
đội ngũ gia tăng
độ tuổi hành nghề gia tăng;
- Tái cấu trúc nghề bán trà chén vỉa hè
đội ngũ gia tăng
độ tuổi hành nghề gia giảm.
4.
Sự sống:
- Tự tìm đường sống.
Hà Nội, năm 2015.
KINH KHA
Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh ghê
Tráng sĩ một đi không trở về.
(Dịch Thủy ca)
Đến ngồi chợ nước Yên
rượu và thịt chó
hát và khóc
khóc và rượu
rượu và thịt chó
hát
xem như chung quanh không có người.
Kinh Kha đó
Kinh Kha người nước Vệ
tổ tiên người nước Tề
đọc sách, đánh gươm
đi khắp chốn
bàn kiếm thuật
chẳng ai buồn nghe.
Bàn không nghe
Kinh Kha bỏ đi.
Tới Hàm Đan đánh cờ với Lỗ Câu Tiễn
mải ăn thua, Tiễn mắng
lại trốn ngay.
Trốn sang Yên để mà ngồi giữa chợ
hát với rượu và khóc cùng thịt chó
xem như chung quanh không có người.
Kinh Kha, Kinh Kha
Kinh Kha là thế thôi
Tư Mã Thiên - Sử ký đã chép rồi.
Giết Tần vương
đâu phải tại Tần vương
Giết Tần vương
đâu phải vì nước Tề, nước Vệ, nước Yên …
Giết Tần vương
Dịch Thủy, Kinh Kha
lưu danh thiên hạ
Giết Tần vương.
Kinh Kha, Kinh Kha
Kinh Kha là thế thôi.
Gió hiu hiu hề, Dịch Thủy lạnh tái tê
Tráng sĩ một đi không trở về.
Hỏi vạn kiếp lau muôn bờ Dịch Thủy -
những anh hồn tráng sĩ:
Tần Thủy Hoàng chết rồi
bạo quyền có hết đâu?
Giết Tần vương, rồi thì làm gì?
Gió hiu hiu hề…
Câu trả lời:
trắng buốt bến sông mê.
Giết Tần vương, rồi thì làm gì?
KHÁC BIỆT
Nửa vòng trái đất bên kia
Người ta vắt tay lên trán
Hỏi:
- Vì sao táo rụng xuống đất
Mà không rụng vút lên trời?
Nửa vòng trái đất bên này
Người mình vắt tay lên trán
Hỏi:
- Sung sẽ rụng chỗ nào nhỉ
Để miệng há trúng điểm rơi?
Khác biệt của bao khác biệt
Bắt đầu chỉ bấy nhiêu thôi.
ĐỜI CUỘI
Không tự chọn tên, không chọn tuổi
Chẳng tự chọn núi, chẳng chọn sông
Ai chọn anh để làm hòn cuội?
Không tự chọn ghét, chẳng chọn yêu
Ấm lạnh, méo tròn - đâu quyền anh chọn
Thời gian chọn nốt cả mầu rêu.
TÔI - MỘT PHẦN CỦA ĐÁM ĐÔNG TA
- Tôi - một phần của đám đông Ta
dù khước từ văng tục,
từ chối dzô dzô mặt đỏ tía mào gà.
Tôi - một phần của đám đông Ta
dù khước từ nói dối,
những trận vỗ tay vào
vô nghĩa lý
quyết chẳng tham gia.
Tôi - một phần của đám đông Ta
ngập trong gió bụi,
trả nợ riêng mình
cùng gánh nợ quốc gia.
- Tôi vắng mặt trong đám đông kia
những nói cười rầm rập,
những à ơi, những gầm thét, những rên la…
Tôi - vẫn một phần của đám đông Ta.
- Chúng ta - Người Việt.
Những đứa con tôi, những đứa con của bạn
dù sinh ở làng, ở phố
hay ở Bắc Kinh, Niu Oóc, Mát-xcơ-va;
dù sống ở Pa-ri, Luân đôn, Tô-ky-ô
hay ở phường, ở xóm
chúng - vẫn lại một phần của đám đông Ta.
- Ai có thể cất lời
để nói với đám đông
giữa ngùn ngụt thanh âm
tua tủa những Cái Tôi
thương khó?
Tôi - một phần của đám đông Ta
nuốt
câu thơ buồn
ngày nước mình Giỗ Tổ.
17.4.2016.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...