Thơ Định Hóa
VNTN - Ngày 5/10/1987, ba tháng sau khi thành lập Hội VHNT tỉnh Bắc Thái, Chi hội Văn học nghệ thuật Định Hóa, cũng là Chi hội VHNT địa phương đầu tiên của tỉnh, đã được Huyện ủy Định Hóa ra quyết định thành lập. Đó là tiền thân của Hội VHNT huyện Định Hóa hôm nay.
Suốt chặng đường 30 năm xây dựng, trải qua bao khó khăn và biến cố, Hội VHNT Định Hóa đã từng bước phát triển và khẳng định được vị trí trong đời sống VHNT của địa phương.
Thành tựu nổi bật nhất của Hội VHNT huyện Định Hóa là đã tập hợp, kết nối được một đội ngũ đông đảo những người lao động các ngành nghề ở trên địa bàn, say mê với hoạt động VHNT. Từ 15 hội viên ban đầu, đến nay Hội đã phát triển được 70 hội viên cấp huyện, 520 hội viên cơ sở sinh hoạt tại 18 Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật; tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở cơ sở. Đây cũng là thế mạnh của Hội trong việc khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Về xuất bản, đã cho ra mắt 12 đầu sách in chung, 63 đầu sách in riêng.
Nhân dịp Hội VHNT Định Hóa tròn 30 năm xây dựng và trưởng thành, báo Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng chúc mừng và chung vui. Chúc Hội VHNT Định Hóa tiếp tục phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới trên quê hương cách mạng ATK.
Xin giới thiệu với quý bạn đọc trang thơ của các thế hệ hội viên Hội VHNT Định Hóa.
Vi Văn Thư
Bản mình
30 năm trước
Bản mình như ngủ quên
Lúa đồng khát nước cháy khô
Người người đi tìm khoai sắn
Lòng như lũ trôi
Đường về bản vương cây vấp đá
Bàn tre ghế tròn trường mái lá
Học trò đi đâu về đâu?
Bản mình thức dậy
Xây đập đắp hồ
Nước về đầy ắp mương phai
Đất ruộng cựa mình
Đẻ thêm vụ lúa vụ ngô
Đất rừng thay cây thay lá
Chè giống mới thêm hương
Rừng ATK xanh lá
Phiên chợ gặp em gái gùi măng
Cười vui như dự hội Lồng Tồng
Trẻ con đi học
Trường xây, mái son
Lớp thêm bàn vi tính
Đồng phục áo trắng ríu ran
30 năm sao mà nhanh
Vượt núi thênh thênh đường rộng
Ơn biết mấy lớp lớp người ở lại
Đã chung tay làm mới bản mình.
Nông Đình Long
Sắc chàm quê hương
Tấm áo chàm mẹ trao
Đã cùng em
Lớn lên theo năm tháng
Theo con chim liệng
Cất lên lời ca
Lên nương, xuống chợ!
Ngày hội xuân về
Màu chàm nhận từ bà
Khắc khổ mỗi đường chỉ dệt
Thắm bền sợi vải thời gian.
Sinh tự núi rừng
Màu áo chàm dung dị
Như hạt thóc, củ khoai
Em gái xinh tươi
Trong tấm áo chàm tha thướt
Màu lá rừng nguyên sơ...
Cùng tháng năm
Theo “Tiếng lượn vượt đèo”
Sắc chàm tươi màu núi
Tấm áo chàm nguồn cội
Xin đừng quên, đừng quên!
Phạm Văn Vũ
Mái nhà
Này là gió nổi
Này là mưa sa
Bao nhiêu mùa cũ
Rớt vào mái nhà
Hồn thánh hồn phật
Vong quỷ vong ma
Bao nhiêu tàn khói
Rớt vào mái nhà
Trầm luân ngạo nghễ
Nước mắt thoảng qua
Một trời lặng lẽ
Rớt vào đời ta.
Hạc Văn Chinh
Bẩu tắng
Tua pò chài
Bấu nòn
Nghị tời pây cón
Têm bưởng lăng
Tua mè nhình
Mì tôi tha lậc khăm
Tam cần nòn vạ căn
Vận hăn lộng tềnh toàng.
Thoong tôi tha
Dú toong bưởng quây lai
Đắc đỉ
Củng khay cả kừn.
Dịch:
Không hẹn
Người đàn ông
Lạc giấc
Thấy sự đời
Đầy ắp trước sau
Người đàn bà
Có đôi mắt quầng thâm
Hai người một giường
Mà rộng thênh đến thế
Hai cặp mắt
Dẫu xa vời cách trở
Lặng thầm
Chong suốt đêm dài.
Nguyễn Hữu Bài
Mẹ
Nhà mẹ vẫn tựa lưng vào bóng núi
Mái lá reo, hòa tiếng gió chuyển mùa
Núi Phượng Tiến chia nắng chiều nắng sớm
Bóng Mẹ ngả dài, bóng nắng đong đưa.
Vẫn dáng khô gầy từ thuở xa xưa
Nếp nhăn hằn sâu, bạc phơ tóc Mẹ
Hai con Mẹ mấy chục năm vẫn trẻ
Con đường Mẹ chờ vẫn rợp bóng đa!
Nơi các anh nằm là chiến trường xa
Người cửa ngõ Sài Gòn người Thành Cổ.
Ấp áp xóm làng càng sâu nỗi nhớ
Khi tình riêng thành nghĩa lớn cuộc đời!
Những ngôi sao về thắp sáng bầu trời
Gió rất nhẹ, bay ngạt ngào hương khói
Như tạc vào mây, tạc vào đá núi
Hình tượng Người sống mãi với quê hương!
Ma Đình Thu
Xuân về
Trời rây màn bụi sang xuân
Lúa chiêm thơm ngát đồng gần đồng xa
Như men rượu rót la đà
Đưa ta đi giữa quê nhà đồng chiêm
Ấm lòng khi đỏ lửa lên
Bữa cơm chiều đợi bên thềm ai mong
Doãn Long
Khi tôi thức dậy
Tôi đang đau
Sau một đêm giận dữ của núi rừng
Nước không ở lại nơi đầu nguồn
Chảy qua những thân cây bị đốn gục.
Bàng hoàng khi bị tước đi quyền sống
Đang quằn quại bên đống vỏ bào
Người thợ cầm cưa cắt phần
miếng cơm manh áo
Quên đi giọt nhựa chưa phút hồi sinh.
Sau cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên
Tôi bật lên
Bị cơn lũ đẩy trôi
Bộ rễ tôi bất lực
Sự ra đi chưa biết ngày trở lại
Qua một đêm mưa!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...