Thơ của nhiều tác giả
NGUYỄN VĂN SONG
Thầy ơi
Hiu hiu ngọn gió heo may
Se lòng con nhớ tới thầy ngày xưa
Thân gầy cặm cụi sớm trưa
Mong manh tấm áo gió mưa bạc màu
Trò nghèo một đám lau nhau
Áo bầm vết mực, quần nhàu nếp nhăn
Chia bàn, chia ghế, tranh ăn
Cãi nhau chí chóe giành phần viên bi
Đọc bài, tính toán, chép ghi
Vẫn bao nhiêu chuyện rầm rì, nhỏ to
Như người dệt sợi, quay tơ
Thầy gỡ trăm mối cuộn vò rối ren
Giọng thầy như suối êm đềm
Gọi vầng trăng rọi bên thềm đêm thơ
Đem vầng dương xóa mây mờ
Đưa trò đến những bến bờ xa xôi
Đám trò xưa đã đi rồi
Mình thầy lặng lẽ, nỗi đời quạnh hiu
Ba gian nhà tím mây chiều
Đơn sơ giáo án, cái nghèo thâm niên
Một chiều mưa gió triền miên
Thầy theo mưa gió về miền thẳm xa
Mưa cùng nước mắt nhạt nhòa
Lũ trò xưa bỗng khóc òa: Thầy ơi!
LÊ HÀO
Đến trường mùa đông
Còn hai ngọn núi nữa là tới trường
chữ ướt đầm sương muối
giọng cười đóng băng
mà chẳng lạnh trong tim mình
Người yêu em ở bản Mông
thì em đưa chữ về bản Mông
đường xa ngại gì
từng con chữ xinh xinh tròn tròn
theo em băng đèo lội suối ...
Mùa này dốc trơn trợt
một lần hai lần
ngã giúi giụi
chữ bật dậy lấm lem bùn
Ngày bấc như kim châm
bầy trẻ cần chăn ấm
đêm ai đốt lửa sưởi?
mùi khoai sắn co ro, mà mơ mùi cơm lam
chữ rụng chỗ này chỗ nọ
câu chưa tượng vóc tượng hình
Đường gập ghềnh, chữ chồm chồm trong giáo án
một ngày đường lên rải nhựa
bản làng chữ mọc xanh xanh
từ tấm lòng
chuyện tình như hoa ban nở mãi
Còn hai ngọn núi nữa là tới lớp
sương không giăng được trong lòng
chữ em nóng hổi
dự báo thời tiết ngày mai nắng về
nhờ Mẹ phơi váy áo.
PHAN THÁI
Mình tôi chiều trở về làng
Leo heo vài giậu mùng tơi
Lẻ loi cây gạo bên trời lặng im.
Mùa thôi rót nắng vào tim
Nhà cao lên để tiếng chim chợt gầy.
Bời bời lối dốc cỏ may
Chạc chìu tím cả sang ngày vắng nhau.
Phố dài thưa mái rêu nâu
Thuở tròn trăng ngọn đèn dầu bên song…
Ngõ gầy gói nhớ vào trong
Tiếng ve mặc gió tràn cong bước ngày.
Quán xiêu sấp mặt luống cày
Lân rân chiều chín lên tay men đồng.
Lạ quen gặp vạt nâu sồng
Ngu ngơ tìm phía thinh không bóng làng!
Chiều mưa về lại chợ Chờ
Trời không kết tóc se tơ
Tìm nhau thuở nắng chợ Chờ, kệ mưa.
Gương ô che lại ngày xưa
Đầy vơi nhau mỏng mảnh thừa bến sông.
Vãn mùa ai nhớ ai không
Gió lênh lang nẫu cánh đồng ca dao.
Mây trôi mòn nhịp cầu ao
Bến rêu còn hẹn hò nào vắng đâu…
Men làng đằm ngậy cơi trầu
Rạ rơm quê mặn mòi câu đợi chờ
Cỏ may đãi sóng lên bờ
Ngày xưa ơi! Đến bao giờ nguôi nhau.
Ráng chiều nhẫy vạt mưa mau
Vành ô chợt ngập ngừng màu trăng xa!
Em rằm cả một đời tôi
Câu ru ngời ngợi chân đồng
Hanh heo vắn rát ngày không có mình.
Tuổi xưa buộc nắng sân đình
Phố xa khuya chật trăng hình bóng xưa.
Nhọc nhằn năm nắng mười mưa
Làng chín đợi mười chờ chưa chút gầy.
Chuông chùa cất gió vào mây
Nhỏ nhoi hạt gạo trong đầy tiếng quê.
Bọt bèo ngậy ngợp cơn mê…
Nhặt lên đã rạc câu thề cỏ may.
Thôi đành thắp vị trầu cay
Làm câu thơ mắc luống cày, tao nôi.
Em rằm cả một đời tôi
Bước đêm đãi thuở tinh khôi thành mùa!
TRẦN LÊ KHÁNH
ngày như chiếc lá
ngày lìa tháng rơi rơi
như chiếc lá xa cành
bước chân mềm đau nhói
khi dẫm lên một sáng trong lành
lá dài ngắn
ngày vàng xanh
ngày đỏ trắng nhanh
lá rụng khỏi cành
chất đầy đêm trăng
ngày
mọc ra như lá
đêm đón mai về
để ngọn gió đông
trong gốc cây không
linh hồn trầm mình bao kiếp
tháng năm sâu chớp mắt một ngày
ngày dài ngắn
lá vàng xanh
dưới bạt ngàn lớp lớp cây cành
một bóng trăng thanh.
mà thôi
mà thôi như cánh hoa nhài
hương thơm vẫn ngủ trên vai người tình
phẩy tay xua ánh bình minh
ngày xanh non nớt trong hình giọt sương
phố xa lo lót con đường
hàng cây cúi xuống mà buông lá vàng
ngọn đèn nghĩ ngợi miên man
người đi qua phố chẳng màng bước chân.
kể cả khán giả
thời gian như tấm rèm
che dần sân khấu
cuối cùng
nhân vật chính đi đâu.
kiếm
dưới hồ nước
con cá
cọ mình vào vệt nắng
cho sáng mùa đông.
bối thủy
dần dần
sông cạn đến mức
con cá đớp được
đám mây khô.
thủy
ký ức
là một dòng sông
anh theo đàn cá
bơi ngược dòng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...