Thứ hai, ngày 23 tháng 09 năm 2024
00:35 (GMT +7)

Thơ của các nhà thơ Việt trong và ngoài nước

Đêm lục bát

đêm đêm

ám khói muội đèn

phòng tôi đóng cửa cài then nhớ người

đêm đêm

ẩn hiện cánh dơi

người yêu đã hóa thành người yêu tinh

đêm đêm

ghì lấy ngực mình

cho hồn vỡ nát những thành quách ma

đêm đêm

u uẩn trăng tà

bóng rời khỏi vách hình là đà bay

đêm đêm tôi thấy tôi gầy…

Ngô Tịnh Yên (Hoa Kỳ)

Những tấm lưng lấm cát Mỹ Khê (*)

Cát Mỹ Khê trắng ngàn đời vẫn trắng

Giày viễn chinh từng in dấu người đi

Rồi trở lại bình yên như khách

Tấm thân lăn tròn lấm cát Mỹ Khê

Mẹ làm sao nhẹ lòng chuyện cũ

Những đứa con… lần lượt không về!

Người chết không có tương lai. Mẹ sống

bằng quá khứ

Mắt trân dòm lượn sóng thỏa thuê…

Người chẳng ước thời gian quay lại

Như núi đá kia chẳng vĩnh viễn trên đời

Bầy con mẹ trở về, hóa thân gương cát ấy

Ôm những tấm lưng trần tin cậy, xa xôi…

(*) Mỹ Khê: Bãi tắm đẹp nổi tiếng của Đà Nẵng.

Đinh Ngọc Diệp

Đất nước miếng trầu cay

Thuở Lạc Long Quân - Âu Cơ đi khẩn đất

Phác thảo nét hoa văn trên mặt trống đồng

Miếng trầu cay đã mang hình chim lạc

Câu mẹ ru hời như núi như sông.

Sự tích trầu cau hoài thai duyên nợ

Dải yếm sồi hong lửa hồng hoang

Tao nôi mắc bên thềm trăng mái rạ

Những núm nhau lập nên xóm nên làng.

Gióng trúc mai chuốt gừng cay muối mặn

Năm nắng mười mưa chia ngọt sẻ bùi

Mấy nghìn năm cấy trồng, đánh giặc

Chẳng tháng năm nguôi đưa tiễn ngậm ngùi.

Cánh trầu thắm trong tình quan họ

Loan phượng trao duyên lúng liếng tích chèo

Tiếng chuông chùa bay lên thành cổ tích

Khúc đồng dao nồng nã đất quê nghèo.

Chỉ miếng trầu cay một ngày nên nghĩa

Núi đợi chờ hóa dáng mẹ bồng con

Vai gánh núi cao chân lấm bùn châu thổ

Câu ca dao đau đáu nỗi vuông tròn.

Bầu bí, giá gương thơm cơi trầu cánh phượng

Nhang khói tổ tiên mùng một ngày rằm

Cau sáu bổ ba, lá lành đùm lá rách

Đất nước mình huyền thoại cả ngàn năm!

Phan Thái

Có lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông 

Có lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông

Đó là lúc Thuyền trưởng Phan Vinh

cho nổ tung con tàu không số

Anh đã lấy máu mình vẽ nên màu đỏ

Tổ quốc chan hòa trong câu hát đại dương

Có lá cờ Tổ quốc giữa biển mênh mông

Đó là lúc sáu mươi tư chiến sĩ đảo Gạc Ma

kết vòng tròn bất tử

Chúng nó bắn

Có nham hiểm nào nhẫn tâm hơn thế?

Biển Gạc Ma hôm ấy gió vỗ về

Hát câu hát quê hương trong ầm ào sóng nắng

Máu chiến sĩ đỏ như mặt trời xuống tắm

Chí anh hùng thay cột mốc trùng khơi

Có lá cờ Tổ quốc. Mẹ hiền ơi

Đại úy Vũ Quang Chương mỉm cười,

chào đất liền, anh chào đồng đội

Một cơn sóng chồm lên dữ dội

Anh mỉm cười, đâu cũng quê hương

Đâu cũng xóm làng, đâu cũng thân quen

Cờ Tổ quốc còn nguyên trên ngực

Biển thẳm sâu ru anh vào bất tận

Điểm tựa Nhà Giàn dâng bát ngát tình ca

Có lá cờ Tổ quốc vươn xa

Giữa biển Đông, như tấc lòng chiến sĩ

Máu có đổ nhưng vẹn nguyên màu đỏ

Tổ quốc tự hào lồng lộng gió đại dương.

Có lá cờ Tổ quốc ở trong tâm

Máu trộn biển xanh, máu hòa nhịp sống

Đất nước thêm một lần kiêu hãnh

Có lá cờ Tổ quốc mãi tung bay.

Nguyễn Trọng Văn

Đất nước tôi

Máu cha ông tôi đã thành sông thành biển

Nhuộm thắm màu cờ Tổ quốc tôi

Màu áo các anh tôi đã thành huyền thoại

Một Trường Sơn xanh sừng sững ngang trời

Ám ảnh giấc mơ dân tôi mùi đạn bom, thuốc súng

Mấy ngàn năm giấc ngủ chập chờn

Thương mẹ một đời vọng phu hóa đá

Cha nằm lại rừng già ngút mắt quê hương

Hạt gạo tảo tần, mẹ góp lại nuôi quân

Để một Điện Biên lớn lên kiêu dũng

Hai mươi mốt năm… máu, bùn và nước mắt

Những phát xít, tay sai

Những thực dân, đế quốc

Chúng phải gục đầu trước Tổ quốc uy nghiêm

Sông Thạch Hãn gầm lên khúc hát hùng thiêng

Các anh gửi tuổi hai mươi của mình cho sóng nước

Cũng có một cái tên cha khai, mẹ đặt

Mà dòng bia lạnh lẽo: vô danh!

Đất nước!

Từ Lũng Cú xa xôi, Mèo Vạc, Đồng Văn

Cặp bến Ninh Kiều ngân nga câu vọng cổ

Ở đâu cũng dáng núi hình sông - dải lụa mềm vắt vẻo

Câu ví ân tình đằm ngọt đất miền Trung

Biển cả xót lòng bao chuyện riêng, chung

Vẫn vững chãi vươn mình ôm rộng dài bờ cõi

Hoàng Sa, Trường Sa trùng trùng sóng gội

Kết một tràng giai điệu giữa ngàn khơi

Hạt gạo trắng trong thơm thảo những kiếp người

Lời ru à ơi bón chăm màu cổ tích

Câu Kiều lội trăng, dòng sông lúc lắc

Chảy ngàn đời đất nước một dòng thơ...

Ngô Thế Lâm

Tháng Tư

Tháng tư một người thức một trăm người thức

một nghìn người thức

tháng tư một điều mất ngủ một trăm điều mất ngủ

một nghìn điều mất ngủ

tháng tư qua bao nhiêu tháng tư

xanh ngắt mầu áo lính

tháng tư qua bao nhiêu hy vọng niềm tin

qua bao nhiêu nỗi nhớ tháng tư lắng nghe

từng hơi thở

từng hơi thở bồn chồn

tháng tư anh không về

mẹ không còn nước mắt nữa để buồn

nhưng tất cả các anh các chị

tất cả Nhân Dân đã về trong Ngôi Nhà Tổ Quốc

vỡ òa một tháng tư niềm vui sum họp lớn hơn

mọi tháng tư

tháng tư thơm lên từng ruộng lúa bờ tre

mộc mạc quá quê hương những tâm hồn Việt

tháng tư qua chân cứng đá mềm qua bao nhiêu

nỗi chờ mong trong

lời ru của mẹ thắc thỏm tháng tư

tháng tư qua bao nhiêu tháng tư ước hẹn

các anh về

xanh ngắt mầu áo lính

xanh vào niềm thương mến

vào lời ru của mẹ

hóa cánh cò!...

Hồ Triệu Sơn

Người Việt

Quyển hộ chiếu, tôi luôn mang bên ngực

Bức ảnh trắng đen, một khuôn mặt bình thường

Đã lắm lúc, trong tay nhà chức trách

Khẽ hất hàm, sẵng giọng hỏi: Việt Nam?

- Tôi là người Việt Nam thứ thiệt

Từ màu da, đến vóc dáng, cách nhìn

Hiểu chỗ đứng của mình nơi xứ lạ

Áo dẫu sờn, vẫn biết trọng đường kim

Chúng tôi sống hồn nhiên như cây cỏ

Ăn miếng thơm, biết trả lại miếng bùi

Chỉ biết cho, ít khi chìa tay nhận

Những thứ gì không trả giá mồ hôi.

Chúng tôi sống âm thầm vai nặng gánh

Đi muôn nơi, vẫn nhớ đến cội nguồn

Lòng nhẫn nhục trước bao điều ngang trái

Lau sạch dòng nước mắt, lại bao dung.

Nếu nước Nga trải dài thiên niên kỷ

Có chiến công, có dâu bể, thăng trầm,

Thì nước Việt niềm vinh quang chói sáng

Phù sa bồi văn hiến bốn ngàn năm!

Từng sát cánh những năm dài cầm súng

Máu nhân dân cùng đổ một chiến hào

Chúng tôi muốn chặng đường dài phía trước

Ta sẽ cùng thân ái nắm tay nhau.

Và chắc chắn điều này không xa nữa

Dân tộc tôi cất cánh vượt ngang tầm,

Nhà chức trách khi đó cầm hộ chiếu

Sẽ nghiêng mình, trân trọng nói: - Việt Nam!

Nguyễn Huy Hoàng (Nga)

Nhớ rờn rợn xa 

Ngồi buồn nhớ đẩu nhớ đâu

Nhớ con dế khóc

Nhớ bầu rượu quê

Nhớ từ trên tỉnh nhớ về

Nhớ cô bạn gái miệt quê hái trầu

Nhớ người lên phố bán rau

Nhớ bông điên điển bông bầu bông lang

Nhớ đêm mơ vắng bóng nàng

Nhớ cà phê Sạch 

Nhớ hàng thơ hay

Nhớ mi mắt

Nhớ lông mày

Nhớ da trăng trắng

Nhớ hoa quế hòe

Nhớ chiều áo mới đem khoe

Nhớ con đom đóm lập lòe tuổi thơ

Nhớ ngày nước lũ tràn bờ

Mẹ con nhà cá nhảy vô sân nhà

Nhớ ngày khoai ủng khoai hà

Nướng tro nướng trấu cả nhà cùng ngon

Nhớ yêu thương

Nhớ mất còn

Nhớ tre

Nhớ trúc

Nhớ rờn rợn xa...

Nhớ gì như nhớ giấc mơ

Có chàng thi sĩ đọc thơ nhớ nàng...

Nguyễn Trọng Tạo

Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời 

hãy để chim chóc làm đầy bầu trời

hãy để muối

làm đầy môi chúng ta hãy để bông hoa

đứng thẳng lên

khi trên màn hình

một thường dân bị bắn hạ

hãy để chiều rơi

xuống mí mắt mệt mỏi hãy hỏi

đường ở rễ cây hãy để mưa bôi

xoá khuôn mặt anh ngoài cửa kính

hãy để kẻ tử tù

trốn thoát qua mái nhà hãy để hắn

nhảy xuống một sân ga khi tàu vừa chuyển bánh

hãy săn đuổi cái chết như phóng viên nhiếp ảnh

hãy để mắt em hiu quạnh trong

mắt anh hãy để ong bay

trên váy hoa goá bụa

hãy để bữa ăn sáng dọn ra như bữa

ăn cuối cùng của bạn

hãy để những gì bạn để lại phía sau là tất cả

những gì bạn có thể mang theo

được hãy bay đi thật xa

nếu chúng ta còn nhớ đường về

hãy chờ anh

ở chỗ dòng sông nước chảy chậm

hãy để chiếc lá

chẻ đôi

sự giận dữ của chúng ta

trước cuộc đời

hung

hãn

này

hãy

gõ cửa

chiều mưa

như người láng giềng

để mất

chiếc bật lửa.

Nguyễn Đức Tùng (Canada)

Áo lông ngỗng 

Ngày xa nhau áo lông ngỗng trao tay

anh trải dấu yêu thương dọc bến bờ chờ đợi

sao cứ phải xa nhau cho tháng năm rẽ lối

có điều gì day dứt quá người ơi!

Đêm sân ga sôi động tiếng không lời

em ở lại anh bước vào xa lắc

chiếc lông ngỗng đầu tiên trong chuyến đi dằng dặc

qua sông rồi anh thả vào đêm

Đường anh đi đất lạ chân quen

những xóm làng hiu hắt

em tìm anh đừng để lông ngỗng kia bay mất

cây đứng bên đường nhìn lông ngỗng anh gieo

Thôi! Phải biết quên đi nỗi nhớ tháng năm

để đọng lại một tấm lòng chờ đợi

anh mở hết hồn anh cho gió thổi

chiếc lông ngỗng cuối cùng rơi xuống giữa mùa thu

Anh đi trong khói rạ hiền từ

cây xấu hổ dẫn anh vào lối nhỏ

đèn đom đóm soi anh qua lối cỏ

lập lòe yêu và le lói niềm tin

Ngày xa nhau áo lông ngỗng em trao

anh trải hết dọc con đường thiên lý

cho tới khi thơ anh gặp biển

anh mới biết niềm tin mình

trắng trinh!

Trần Ngọc Tuấn (Cộng hòa Sec)

Gió xuôi chín khúc sông rồng 

Để lại phía sau nỗi đau trận mạc

tình yêu lứa đôi không còn bão lửa cắt chia

gió nối những ngả đường xuân thì 

                                               mỏi mòn chờ đợi

dựng những chiếc cầu lãng mạn 

                           như mắt môi thôn nữ hát dân ca

Gió ngược phương ta năm eo duyên hải 

gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng

đường gió minh mang tình tang đồng bằng

rực đỏ vùng vùng phù sa

nóng chảy dòng dòng xích đạo

giàn lửa hoa em mông muội đồng nội Cửu Long 

hỏa thiêu từng tế bào ta ngựa hoang 

                                             đại ngàn Trường Sơn

hỏa thiêu cả giấc mơ bí mật giống đực

giấc mơ sinh trưởng

giấc mơ không trọng lực

Gió xuôi chiều em sông rạch êm đềm 

gió ngược phương ta đại dương ầm ào sóng vỗ 

Sông em đã rạch

biển ta khó lường

thuyền em neo đá

ngựa ta buông cương

thịt da nhiệt đới

hừng hực ngực lửa

hực hừng đùi hương

bềnh bồng suối tóc

bồng bềnh môi trầm

bềnh bồng mông núi 

bồng bềnh lạch hoa

bồng em lốc xoáy

bềnh ta bão rung

ta bồng em đắm

em bềnh ta say…

Sông rồng chín khúc mây bay

sông tình chín lúc gió ngây hương nồng

em làm vợ ta làm chồng

yêu nhau thì cứ bềnh bồng bập bênh. 

Phan Hoàng

Tứ khúc cho thạp đồng Đào Thịnh (*)

1

Tôi nghe nồng nã đất trời

ở trong sấp ngửa của thời hồn nhiên

nghìn năm thăm thẳm lặng yên

gái trai, ai khéo đúc nên dáng hình.

2

Mới hay cái nhịp tang tình

cất lên là lửa, lặng chìm là than

nghìn năm bão dập mưa chan

cõi yêu vẫn của thế gian thuở đầu.

3

Ngỡ như môi vẫn đỏ trầu

tưởng rằng tóc vẫn ánh màu trăng sao

nghìn năm đằng đẵng binh đao

nét son gìn giữ gửi trao người hiền.

4

Sống có tuổi, chết còn tên

dẫu thành tro bụi hẹn bên nhau về

nghìn năm quấn quýt đam mê

hồn quê quyện lấy hồn quê vuông tròn!

(*) Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh thời Hùng Vương

có đúc hình các đôi trai gái ân ái ở nhiều tư thế rất gợi cảm.

Nguyễn Hữu Quý

Tết Ta

Tết của Ta người Tây đâu có nghỉ

Việc làm ăn giao dịch chẳng thể dừng,

Tám giờ tối khi vừa rời công sở,

Pháo giao thừa đã nổ ở quê hương.

Người Việt ở cùng với người bản xứ

Giữa chung cư - thành phố chục triệu dân,

Như giọt nước lẫn vào trong biển cả,

Không pháo hoa, Tết lặng lẽ âm thầm.

Bạn bè thân chúc Tết qua điện thoại

Thời giờ đâu để tụ tập cùng nhau,

Sáng mồng một, người phải ra đứng chợ,

Trẻ đến trường, người xuống trại trồng rau…

Vẫn sắm sửa để không quên ngày Tết

Dạy các con hiểu truyền thống, cội nguồn,

Mơ mai ngày khi trở về đất Việt,

Hưởng mùa Xuân trọn vẹn ở quê hương.

Châu Hồng Thủy (Nga)

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay

Tháng tư tôi đến rừng chưa thức

Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya

Có môi chưa nói lời chia biệt

Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt

Chim bảo cây cành hãy lắng nghe

Bước chân ai dưới tàng phong ốm

Mà tiếng giày rơi như suối reo

Tháng tư khao khát, đêm, vô tận

Tôi với người riêng một góc trời

Làm sao anh biết trăng không lạnh

Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư hư ảo người đâu biết

Cảnh tượng hồn tôi: một khán đài

Với bao chiêng, trống, bao cờ xí

Tôi đón anh về tự biển khơi

Tháng tư xe ngựa về ngang phố

Đôi mắt nào treo mỗi góc đường

Đêm ai tóc phủ mềm da lụa

Tôi với người chung một bến sông

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa

Riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi

Làm sao anh biết khi xa bạn

Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn

Đêm với ngày trong một tấm gương

Thịt, xương đã trộn, như sông, núi

Tôi với người, ai mang vết thương?

Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ

Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài

Mắt ai rồi sẽ như bia mộ

Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư người nhắc làm chi nữa

Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ

Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng

Mưa đã chờ tôi Mưa...đã ...mưa

Mai kia sống với vầng trăng ấy

Người có còn thương một bóng cây

Góc phố còn treo đôi mắt bão

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay? 

Du Tử Lê (Hoa Kỳ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 1 tuần trước

Sau vũ hội

Thơ 1 tuần trước

Bên kia nỗi nhớ là làng

Thơ 1 tuần trước

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Thơ 1 tuần trước

Thơ Nguyễn Đức Tùng

Thơ 1 tuần trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 1 tuần trước