Thơ của nhiều tác giả
LTS - Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2021, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người yêu thơ.
Hai đề tài thiêng liêng và gần gũi là Tổ quốc và Mẹ đã lay thức mạch nguồn cảm hứng chân thành của rất nhiều người yêu thơ từ mọi miền của Tổ quốc, cả người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Hàng trăm bài thơ xúc động về tình yêu Tổ quốc, con người, cuộc sống, về những người mẹ Việt Nam anh dũng, kiên cường, nhân hậu, được cất lên từ những mạch nguồn cảm xúc chân thành và thiêng liêng ấy.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2021 phải dừng tổ chức. Sự kiện công bố kết quả Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” sẽ diễn ra theo phương thức trực tuyến trên Tạp chí điện tử Văn nghệ Thái Nguyên và các trang, nhóm của Văn nghệ Thái Nguyên trên mạng xã hội (Facebook, YouTube) vào ngày 26/2/2021.
Văn nghệ Thái Nguyên số này đăng tải một số tác phẩm tham dự và hưởng ứng Cuộc thi.
Trịnh Hoàng Nghi
Ngày mẹ sinh
Mẹ kể:
Mẹ hoài thai con cuối mùa rơm rạ
Những con chim gáy cườm đen từ giã cánh đồng
Những cơn heo may mùa đông
Đã về qua cửa sổ
Mẹ bắt đầu trải ổ rơm
Nhìn lên cây khế sau vườn
mẹ thèm hơn cả cơm thơm
Mẹ kể:
Mẹ sinh con
Khi bàn chân mẹ vẫn lấm bùn
Đồng sâu cuối ngày mẹ lội
Bỏ rơi bó mạ đầu bờ
Khi cơn đau dữ dội
Mẹ bảo:
Cơn đau chín tháng mẹ chờ
Cơn đau mẹ nghe tiếng con thơ
Chân mẹ vẫn lấm bùn
Tay mẹ run run
Ôm hình hài con như hình hài bó mạ.
Rưng rưng mẹ cấy trên đồng
Mẹ nghĩ về ngày mai
Nghĩ về rơm rạ
Mẹ hát:
Bé con là vầng trăng
Lớn con là mùa vàng
Người cày cấy trông mong.
Nguyễn Văn Biên
Cánh đồng thanh xuân
Xã phường nào cũng nghĩa trang
Cũng râm mộ gió dưới hàng phi lao.
Cũng uy nghi những cổng chào
Cũng từng ướt vạt chiêm bao mẹ già!?
Hòa bình mấy chục năm qua
Nén nhang tháng bảy túi quà cuối năm.
Giang sơn trải áo anh nằm
Một vuông đất nợ mấy trăm cuộc đời.
Cánh đồng của tuổi đôi mươi
Mãi xanh kỷ niệm thiếu thời hoa niên?
Máu xương rải khắp mọi miền
Xây thành bờ cõi dựng nên tượng đài.
Mẹ ngồi chiều đậu trên vai
Hương tàn trên những dãy dài thanh xuân.
Lê Hòa
Xin người chớ vội lãng quên
Máu người thấm lịm đường biên
Đỏ trời Hữu Nghị triền miên sắc đào
Xe tăng gục giữa chiến hào
Dã tâm bành trướng đổ nhào thung sâu
Mùa xuân Bảy Chín còn đau
Mấy mươi năm gió vẫn gào. Gọi tên:
Sóc Giang, Pò Mã, Vị Xuyên
Hằn sâu trong đá một miền liệt oanh
Mây giăng trắng lũy, trắng thành
Trắng trên tóc mẹ dỗ dành nắm xương
Bao năm con vẫn tìm đường
Đồng Đăng, Bản Chắt, Na Dương, Lộc Bình...
Lối về quê mẹ. Cỏ xanh
Người đừng xao lãng, kẻo thành quên ân
Mùa này biên giới mùa xuân
Trăng xanh đứng gác trên tầng đá xanh.
Trần Ngọc Hòa
Bao giờ bom mới hết rung
Tóc màu khói, buộc đuôi gà
Đang đêm mẹ vác xẻng ra cuối vườn
Vừa xắn xúc, vừa bê bưng
Hát bài cô gái mở đường thật hay.
Chuyển giông mọng nước đám mây
Sấm rền mẹ hụp thân gầy xuống ao
Hết giông lên cuốc ào ào
Bảo rằng lấp hố bom mau vá đường.
Có đôi khi rất bình thường
Lại đôi khi thấy vô phương chữa lành
Vết thương chiến tranh nhức hành
Viên bom bi trốn lanh quanh trong đầu.
Thu, hạ thì chẳng sao đâu
Đông, xuân lấy ván bắc cầu bằng vai
Trườn, bò, ngắm nghía loay hoay
Suỵt! Yên, để tớ ra tay gỡ mìn.
Canh ba thọt lét vào đêm
Mắng yêu "cái thứ yếu mềm dở hơi
Giữa rừng chỉ chúng mình thôi
Lấy đâu ra nụ hôn môi mà thèm".
Có hôm ôm đất ru hiền
Ơ… Tổ quốc, ơ... thiêng liêng tự hào
Chiến tranh kết thúc đã lâu
Bom còn rung mãi trong đầu mẹ tôi.
Trương Tuyết Nhung
Những giọt sao trời gác biển đêm nay
Chỉ giọt này thôi
Sẽ không rơi thêm một giọt nào nữa
Vốn dĩ biển mặn lắm rồi.
Nước mắt đã đổ xuống
từ hơn bốn nghìn năm trước,
Bão tố bao phen dập vùi
Bao dòng máu đổ xuống biển mặn mòi.
Mà biển chưa một ngày bình lặng.
Trùng dương cuồn cuộn
Sóng từ phương Bắc sục sôi…
Lớp lớp tầng mây kết hoa trên tóc mẹ
Nỗi đau hóa đá
Ngày cha đi
về phía bên kia biển trời
Còn đọng giọt chát trên môi!
Chiều nay
biển động
em và mẹ tiễn anh ra khơi
theo cánh buồm nâu
theo bước chân ông cha thuở trước,
Đi về phía ngọn hải đăng
Vồng ngực căng chắn sóng
Chắc đôi tay giữ hương biển cho đời...
Chỉ giọt này rơi
Biển mặn lắm rồi,
Giọt yêu thương, giọt nhớ
Em gửi nơi mạn thuyền
Những đêm không ngủ
Sẽ hóa sao trời
Gác biển cùng anh.
Trương Công Tưởng
Trước biển
Đáng lẽ bây giờ tôi đang ngồi chờ
những con tàu đang trôi về ngoài bãi
như mẹ tôi đã chờ
sóng đánh một đời tóc bạc
Mẹ đi biển một mình
giữa mùa hè biển động
cắt rốn mang tôi về giữa cơn giông
những người đàn bà đi biển
không bóng dáng đàn ông
họ mang về những đứa trẻ trai
lớn lên làm nghề biển
Có những con tàu cứ đi mải miết
lênh đênh không trở về
những người đàn bà vá lưới trong cơn mê
cơn đau xanh um lồng ngực
mùa biển động họ thường ra bãi
một mình khấn vái mênh mông
Làng chài mỗi năm những đứa trẻ lớn lên
lại theo cha trên những chuyến khơi xa
mắt nối vào chân trời đang mở
mặc kệ gió giông sóng dữ chực chờ
Tôi ra phố đi tìm giấc mơ
những ngôi mộ gió vẫn dội vào lòng mỗi mùa gió trở
mẹ tôi và những người đàn bà vẫn ngồi trước biển
vá lưới âm thầm
khấn vái mênh mông.
Nguyễn Thanh Hải
Nè bấc ơi bao giờ bớt gió
Cây chổi quê nghèo mẹ lại gửi cho con
có thể đếm hết bao nhiêu cọng dừa khô
nhưng làm sao đếm đong được lòng của mẹ
nè, bấc ơi bao giờ bớt gió
lá còn rụng nhiều chắc chưa hết mùa đông
mấy hôm nay cây ngoài vườn lá buồn khô đánh võng
gian bếp nhà mình chắc gió cũng rộng rinh
mẹ ngồi chuốt chổi nhớ thương những đứa con
hồi còn nhỏ cứ giành nhau mẹ của mình
giờ tứ tán, có đứa còn neo nỗi buồn mọt xứ
lá Cẩm, rau Cần cũng muốn mau xanh
để đền đáp những vục nước từ tay người
bó ớt, lọn hành niềm vui ra chợ
trầy trọ nào xót xa đôi tay này của mẹ
từng cọng dừa khô dịu dàng
nên những bó chổi quê hương
tự nghĩ có phải mình đã lạc dấu những con đường
bàn chân đã đi quá xa bỏ quên tháng ngày về lại
từng đó từng đây, biết yêu biết làm thơ,
giờ nghĩ không bằng loài cỏ dại
có chữ nghĩa nào đâu vẫn biết tròn bổn phận,
ngày tối trước sau vườn,
cỏ còn biết quanh quẩn với mẹ ta.
Hồ Triệu Sơn
Cơm nắm mẹ tôi
Cao Bằng bồn chồn nỗi nhớ
gạo trắng nước trong thơm thảo
gọi con về
nhà mẹ ở chênh vênh sườn núi
hoa dẻ vàng dẫn lối con đi
vẫn y nguyên trận đánh ngày
chiến tranh biên giới
dù rừng xanh cố xóa dấu rồi
nhưng trận đánh trong lòng người
ai xóa được
khi kẻ xấu còn rình rập chưa thôi
vẫn y nguyên trận địa chốt tiền tiêu bên bản
ngày ấy kẻ thù nã pháo tiến công
mẹ ngã xuống chiến hào
lúc mang cơm cho bộ đội
những nắm cơm của mẹ trộn máu hồng...
nhà mẹ chênh vênh sườn núi
41 năm nghi ngút khói nhang dài
cũng không dài
bằng lòng thương nhớ Người!
Cao Bằng vời vợi chiều biên giới
mây trên nền trời
hình cơm nắm mẹ tôi
hình nấm mộ mẹ tôi!
Lê Thị Hương
Trong bóng lia thia
Dìu em về nơi phùn giăng đầy lưng mẹ
bóng làng lờ mờ phía miền kí ức
con sông quê phố uống cạn mạch nguồn
rễ tre già gặm rách mảng sân vuông
thả vu vơ trong nỗi buồn lạnh ngắt
thương con còng
mòn chân đào hố chôn vũng cát
cát đen ngòm mặn chát
úp mặt thở dài
thương khóm vẹt tay chới với tìm tay
níu giữ chân đê gầy những ngày giông bão
ngọn triều dâng sóng chẻ lòng đau
thấp thoáng áo nâu
tấm chăn đông đắp kín lưng căm căm giá
thương cây mạ queo quắt tìm nắng
lắt lẻo cõi lòng
miền đau không tên
gié lúa quằn quặn
mơ giấc trĩu bông
đất quê
chiếc lá tre cũng mang hình hạt gạo
xào xạc gọi về nhóm lửa ngày đông
thương đàn ròng ròng
ngày chưa đủ để thay màu
biết dạt về đâu mùa dâng nước
cá lia thia thổi bọt núp xứ người
dìu em qua miền bàng bạc sóng lơi
mắc cạn nhau góc phố chênh chao mưa đổ
dìu em qua bờ sông tuổi nhỏ
gặp bóng làng trong bóng cá lia thia.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...