Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
22:59 (GMT +7)

Thiết thực hỗ trợ ngành giáo dục “vượt khó”

VNTN - Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách, hỗ trợ để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục. Tuy vậy, đến nay ngành giáo dục vẫn chưa hết khó. Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2021 được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua là một trong những chính sách quan trọng, giúp ngành giáo dục sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Thuê, khoán định mức… - bài toán chưa có lời giải

Theo định mức, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Thái Nguyên cần hơn 22 nghìn cán bộ, giáo viên. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của các tổ chức chính trị, từ năm 2016 đến nay toàn ngành giảm hơn 2.000 cán bộ, giáo viên. Năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh thiếu 5.200 cán bộ, giáo viên và hầu như trường nào cũng thiếu giáo viên, có trường thiếu cả cán bộ quản lý giáo dục. Trước tình hình đó, để tháo gỡ khó khăn, từ năm 2018, tỉnh đã trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non, trường phổ thông để thực hiện thuê, khoán theo định mức phục vụ giảng dạy, nấu ăn tại các trường mầm non (sau đây gọi chung là định mức khoán). Năm 2018, tỉnh hỗ trợ 149 tỷ đồng; năm 2019 hỗ trợ 216 tỷ đồng và năm 2020 là 271 tỷ đồng. Đây là những chính sách kịp thời để bảo đảm hoạt động giáo dục trong toàn tỉnh thời gian qua.

Việc thuê thêm giáo viên định mức sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu giáo viên, quá tải trường lớp. Trong ảnh: một tiết học của các em học sinh trường Tiểu học Sông Cầu. Hiện trường đang thuê 10 giáo viên định mức để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, việc thuê khoán định mức trong các nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chính là do mức tiền hỗ trợ còn thấp, người được thuê, khoán không được hưởng chế độ, chính sách gì. Thời gian tính hưởng của một định mức khoán (ĐMK) là 10 tháng/năm với mức chi trả (năm 2020) cụ thể là: Nhóm nhà trẻ, cấp tiểu học 4.400.000 đồng/tháng; cấp THCS 4.800.000 đồng/tháng; cấp THPT 5.300.000 đồng tháng; nhiệm vụ nấu ăn cấp mầm non là 3.500.000 đồng/tháng. Giáo viên hưởng khoán không được tham gia bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ được tham gia bảo hiểm tự nguyện tại xã, phường nơi cư trú. Do cơ chế hỗ trợ thuê khoán không thực hiện hợp đồng không thời hạn đối với người lao động, điều này dẫn đến những khó khăn cho cả nhà trường và giáo viên, như: Đa số đội ngũ giáo viên diện thuê, khoán đều trong độ tuổi sinh đẻ (từ 22 đến 30 tuổi), lại chiếm đến trên 80% là nữ. Chính vì vậy, khi nghỉ chế độ thai sản, giáo viên không được hưởng bất cứ chế độ gì (vì không tham gia bảo hiểm bắt buộc), lại không có thu nhập do nghỉ dạy học. Mức thu nhập thấp nên nhiều giáo viên định mức buộc phải tìm công việc khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Nhiều người “giấu bằng” để đi làm công nhân, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Phổ Yên, Sông Công, Phú Bình. Lúc này, nhà trường buộc phải tìm người thay thế. Sự thay thế này không dễ, bởi lẽ, người thay thế cho dù tốt nghiệp đúng bằng cấp, chuyên ngành..., nhưng chưa qua sát hạch, thi tuyển của ngành, của Hội đồng thi tuyển địa phương thì chưa thể hành nghề. Trong khi việc thi sát hạch mỗi năm chỉ tổ chức một lần.

Trường Tiểu học Xuân Phương (huyện Phú Bình) là một trong những trường hiện đang thiếu giáo viên nhất huyện. Trường có 26 lớp và 31 giáo viên. Theo định mức, trường thiếu 13 giáo viên, nhưng đến nay mới thuê khoán được 8 giáo viên. Cô giáo Dương Thị Trinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đang phải bố trí giáo viên dạy tăng giờ để bảo đảm thời khóa biểu theo quy định. Do thiếu giáo viên mà không thể hợp đồng đủ nên có trường đã tính đến việc cắt giảm số buổi học, như Trường Tiểu học Tức Tranh (huyện Phú Lương) thiếu hai giáo viên nên dự kiến cắt số buổi học xuống 8 buổi/ tuần thay vì 9 buổi/tuần theo quy định”.

Trường Mầm non Điềm Mặc, huyện Định Hóa có tổng số 275 em học sinh cùng hơn 55 giáo viên, cán bộ viên chức nhà trường. Việc nấu nướng phục vụ chỉ do 6 người thuộc diện thuê theo định mức khoán đảm nhận nên công việc vô cùng vất vả, áp lực. Cô giáo Hạc Thị An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Số lượng thuê định mức phục vụ nấu ăn còn thấp, tiền hỗ trợ ít, công việc nhiều nên không mấy ai mặn mà, làm một thời gian rồi nghỉ khiến việc tuyển người khó khăn. Giáo viên nhà trường sau giờ giảng dạy là lại tranh thủ mỗi người một tay phụ giúp nhà bếp để đảm bảo chất lượng cho bữa ăn của các cháu”.

Hiện, thành phố Thái Nguyên còn thiếu 200 giáo viên, cán bộ cho cả ba cấp học, nhưng chưa thể bố trí đủ, vì kinh phí thuê khoán còn thấp, những môn ít tiết dạy không thuê khoán được giáo viên. Tương tự, huyện Đồng Hỷ cần tuyển 465 giáo viên và nhân viên nấu ăn cho cấp học mầm non, nhưng thực tế mới tuyển được 361 lao động. Vì không tuyển được giáo viên nên năm học 2019 - 2020, ngành GD và ĐT thị xã Phổ Yên phải trả lại ngân sách nhà nước gần 8 tỷ đồng đã cấp trước đó để thuê khoán giáo viên hợp đồng. Đến nay, toàn ngành GD và ĐT tỉnh Thái Nguyên còn thiếu 800 giáo viên các cấp học do không thuê khoán được.

Những giải pháp thiết thực

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời đáp ứng việc quy mô trường lớp tiếp tục tăng lên nên tại Kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm Kỳ 2016 - 2021 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2021. Nghị quyết sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, trong năm 2021, tỉnh sẽ tăng đáng kể mức hỗ trợ cho các nhà trường để thuê định mức khoán với tổng số tiền là 348 tỉ đồng (năm 2020 là 271 tỉ đồng) được trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Việc thực hiện hỗ trợ sẽ được căn cứ: 01 nhóm nhà trẻ được 2,5 ĐMK; 01 lớp mẫu giáo được 2,2 ĐMK, 01 lớp tiểu học được 1,5 ĐMK; 01 lớp THCS được 1,9 ĐMK; 01 lớp THPT được 2,25 ĐMK. Đối với nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non thì cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được hỗ trợ bằng 01 ĐMK. Dự kiến sẽ có 291 nhóm nhà trẻ, 645 lớp mẫu giáo, 1.142 lớp tiểu học, 611 lớp THCS, 92 lớp THPT được hỗ trợ trong kỳ II năm học 2020 - 2021. Đối với kỳ I năm học 2021 - 2022 sẽ có 314 nhóm nhà trẻ, 602 lớp mẫu giáo, 1.269 lớp tiểu học, 682 lớp THCS, 92 lớp THPT được hỗ trợ.

Số lượng thuê theo ĐMK với mỗi trường được tăng lên và đặc biệt số tiền hỗ trợ với mỗi ĐMK cũng được tăng lên đáng kể. Cụ thể, từ kỳ II năm học 2020 - 2021 đến hết kỳ I năm học 2021 - 2022: với nhóm nhà trẻ tăng 756 ĐMK, lớp mẫu giáo tăng 1.371 ĐMK (01 ĐMK là 4.900.000 đồng/tháng, tăng 500.000 đồng so với năm 2020); cấp tiểu học tăng 1.808 ĐMK (5.500.000 đồng/ tháng/ĐMK, tăng 1.100.000 đồng so với năm 2020); cấp THCS tăng 1.228 ĐMK (5.300.000 đồng/ tháng/ĐMK, tăng 500.000 đồng so với năm 2020); cấp THPT tăng 207 ĐMK (5.300.000 đồng/tháng/ ĐMK); nhiệm vụ nấu ăn cấp mầm non tăng 1.962 ĐMK (3.500.000 đồng/tháng/ĐMK). Số tiền trên đã bao gồm cả phụ cấp ưu đãi; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, ban giám hiệu các nhà trường, những giáo viên, người làm công tác nấu ăn mầm non thuộc diện định mức khoán đều đã có những phản hồi tích cực. Cô giáo Dương Ngọc Minh, giáo viên thuê khoán định mức môn ngữ văn tại trường THCS Nga My (huyện Phú Bình) cho biết: mỗi tháng thu nhập được 4 triệu 8, đóng bảo hiểm cũng hết hơn 1 triệu, phải chi tiêu rất tằn tiện, dè sẻn. Nay, được tăng thêm 5 trăm ngàn mỗi tháng, đời sống sẽ được cải thiện, là động lực giúp chúng tôi gắn bó, đam mê với nghề hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thông qua chính sách hỗ trợ này của tỉnh sẽ góp phần khắc phục tình trạng quá tải về trường lớp, học sinh cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh; đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho các đơn vị về nhu cầu lao động nhân viên nấu ăn trong các nhà trường, giúp các nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Hưng cũng cho biết thêm: “để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên với số lượng rất lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay, chúng tôi tiến hành sắp xếp lại trường, lớp. Ðồng thời, đề nghị tỉnh sắp xếp lại một số trường cao đẳng; rà soát lại biên chế các bệnh viện của tỉnh đã thực hiện tự chủ, biên chế viên chức của toàn tỉnh để dành biên chế cho ngành GD và ÐT. Qua đó, toàn bộ giáo viên sẽ yên tâm công tác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Tin và mong rằng với sự trách nhiệm của những người làm công tác lãnh đạo của ngành giáo dục, cùng với những chính sách cơ chế hỗ trợ thiết thực của tỉnh thì tình trạng thiếu giáo viên, quá tải trường lớp sẽ sớm được khắc phục, chất lượng giáo dục của tỉnh nhà cũng ngày càng được nâng lên.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy