Thứ năm, ngày 05 tháng 12 năm 2024
02:02 (GMT +7)

Thiết kế đô thị – lý luận và thực tiễn

Kỳ 1: Tổng quan về thiết kế đô thị

Từ lâu nay, trong giới quy hoạch kiến trúc luôn tồn tại những tranh cãi dai dẳng về sự phân chia vai trò giữa các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch đô thị trong một dự án quy hoạch đô thị.

Giới kiến trúc sư luôn buộc tội các nhà quy hoạch đã quá quan tâm đến những vấn đề thẩm mỹ trong khi không có chuyên môn về lĩnh vực này, áp đặt những chỉ tiêu quy hoạch (về diện tích, chiều cao, mật độ thậm chí cả phong cách kiến trúc) mang tính bắt buộc với công trình trong đô thị với tư duy cái đẹp phải mang tính đồng bộ, ngăn nắp, đồng điệu…

Câu hỏi đặt ra là lập luận như vậy có sai không? Còn giới quy hoạch lại cáo buộc các kiến trúc sư chỉ biết xây dựng các công trình như những vật thể đơn thuần chứ không cân nhắc tới những tác động của chúng đối với không gian xung quanh và cấu trúc đô thị.

Thiết kế đô thị là gì?

Nếu chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm đến quy hoạch mà không chú ý tới kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị, thì đô thị của chúng ta sẽ không có nét đặc sắc riêng, sự tinh tế từ tổng thể đến chi tiết. Nét đặc sắc riêng này không phải chỉ riêng những công trình kiến trúc cổ hay hiện đại, mà nó còn là những vật thể nhỏ nhất, những vật thể phi kiến trúc. Nét đặc sắc này cũng chính là những nỗi nhớ tiềm ẩn trong mỗi con người đô thị đã ở đó và khi vừa đến đó. Việc không để ý đến kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị là một trong những nguyên nhân làm cho không gian quy hoạch đô thị bị sai lệch rất nhiều với ý tưởng nguyên bản của nó. Đấy là chưa kể công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế mà từ người dân bình thường đều hiểu được, cảm nhận được đến các nhà chuyên môn về thiết kế và quản lý quy hoạch.

Những tư duy của riêng mình và những vấn đề vấp phải của cả phạm trù quy hoạch và kiến trúc tạo ra những tranh cãi không có hồi kết cho đến khi thiết kế đô thị ra đời. Để dung hoà bất đồng này, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực đô thị ở Anh đã tập trung đi tìm những điểm chung giữa hai nghề này thay vì khai thác những khía cạnh tạo nên sự chia rẽ. Chính trong bối cảnh đó, chuyên ngành thiết kế đô thị đã chính thức bắt đầu từ đầu những năm 1980.

Ở Việt Nam đã luật hóa trong Luật Quy hoạch đô thị từ năm 2010, gần đây là Luật Kiến trúc, nhưng để hiểu được, đồng bộ và thống nhất trong lý luận và thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi trước tiên là thay đổi từ nhận thức. Vậy thiết kế đô thị được hiểu như thế nào cho đúng, có gì khác và giống nhau giữa thiết kế đô thị và bộ môn cảnh quan.

Theo Luật Quy hoạch đô thị thì thiết kế đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị hoặc có thể là một đồ án thiết kế đô thị riêng. Nội dung thiết kế đô thị bao gồm việc xác định tầng cao xây dựng cho từng công trình; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố; xác định màu sắc, vật liệu, hình thức, chi tiết kiến trúc của các công trình và các vật thể kiến trúc khác; tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước. Thiết kế đô thị thường được lập cho các khu vực quan trọng đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ cao.

Đấy là ngôn ngữ pháp luật, nhưng để hiểu được thiết kế đô thị thật sự là như thế nào, ta cần nắm được thế nào là kiến trúc cảnh quan: Có hàng trăm định nghĩa, nhưng tôi thấy định nghĩa này là sát nghĩa và dễ hiểu nhất: “Kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật, lập kế hoạch phát triển, thiết kế, quản lý, bảo tồn và phục chế lại cảnh quan của khu vực và địa điểm xây dựng của con người. Phạm vi hoạt động của kiến trúc cảnh quan liên quan đến thiết kế kiến trúc, thiết kế tổng mặt bằng, phát triển bất động sản, bảo tồn và phục chế môi trường, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị, thiết kế các công viên và các khu vực nghỉ ngơi giải trí và bảo tồn di sản”. Định nghĩa này đã chỉ cho ta cái nhìn kiến trúc cảnh quan và tương quan với thiết kế đô thị.

Thiết kế đô thị có thể được định nghĩa như là một quá trình tạo lập các không gian đô thị, một nghệ thuật tạo dựng các địa điểm khác nhau trong một thành phố. Chuyên ngành này sinh ra từ lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị nhưng tập trung vào việc thể hiện các địa điểm quy hoạch về mặt hình thể. Dáng vẻ của các công trình hay của quần thể các công trình cũng như những không gian và cảnh quan xung quanh đều được tính đến. Tính phức tạp của chủ đề cần xử lý đòi hỏi phải có khả năng tạo sự cân đối và phối hợp giữa nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, kỹ thuật thi công và vật liệu xây dựng. Thiết kế đô thị rất quan trọng do vừa chú trọng đến sự hài hòa tổng thể của một không gian trên quy mô lớn nhưng đồng thời cũng quan tâm tới cấp độ từng chi tiết con người cảm nhận được trước tầm mắt, tầm tay.

Như vậy, chuyên ngành này tạo thuận lợi cho việc thiết kế - quy hoạch những địa điểm có sức hấp dẫn lớn, nơi hình thành và duy trì vĩnh viễn một đặc điểm riêng mang tính bản sắc mạnh mẽ. Có thể coi sự biểu hiện những giá trị đó về mặt thị giác như là chìa khóa để tạo ra những không gian mang nhiều tính ưu việt cả về mặt xã hội và kinh tế, đồng thời tạo cảm giác thân thiện cho cả những người sinh sống tại đó hay chỉ đơn thuần ghé thăm.

Trên thực tế, có quá nhiều dự án quy hoạch hiện nay đã bỏ qua yếu tố làm đẹp cho không gian đô thị khi đưa ra những kiểu kiến trúc nhàm chán, không tạo được bản sắc riêng, không hài hòa với cấu trúc chung của thành phố, các không gian xanh không được quy hoạch một cách phù hợp hoặc thậm chí không có. Những nhược điểm đó về thiết kế đã dẫn đến hậu quả là tạo ra những không gian lộn xộn, ít hiệu quả sử dụng, đồng thời làm giảm giá trị của toàn bộ không gian đô thị. Chính vì vậy, thiết kế đô thị chú trọng tới việc tạo ra những địa điểm có chất lượng cao, được sử dụng theo nhiều cách khác nhau và dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Đây thực sự là một công cụ đắc lực đảm bảo cho sự phát triển đô thị bền vững.

Ở Việt Nam, sự tự do trong hình thức kiến trúc, miễn là đáp ứng chỉ tiêu quy hoạch tạo ra sự tương phản tiêu cực, khập khiễng. Ảnh: Q.K

Trước hết cần có một tầm nhìn

Vậy, cụ thể thì các nhà thiết kế đô thị làm những gì? Vai trò chính của nhà thiết kế đô thị là phải có được một tầm nhìn đối với các không gian cần thiết kế - quy hoạch. Họ sử dụng trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo cũng như những hiểu biết về kỹ thuật và các nguyên tắc cơ bản để tạo lập hoặc tái tạo những không gian mà chúng ta đang sống và làm việc. Họ diễn tả những thuận lợi và khó khăn của mỗi tác nhân tham gia vào quá trình phát triển đô thị. Điều đó đòi hỏi cần có sự hiểu biết cả về thực hành quy hoạch phát triển đô thị và về lợi ích của các chủ thể tham gia làm quy hoạch. Họ bắt đầu công việc của mình bằng những cuộc điều tra nhằm phân tích sự vận hành của các địa điểm không gian cần thiết kế - quy hoạch và hoạt động của những người thường xuyên qua lại tại những địa điểm này. Trên thực tế, đó là việc tìm hiểu toàn bộ bối cảnh thực thể, kinh tế, chính trị, không gian và xã hội của địa bàn.

Tiếp theo đó, các nhà thiết kế đô thị sẽ mô tả các không gian đô thị - bằng những phác thảo đơn giản hoặc những bản vẽ kỹ thuật - từ tỷ lệ của cả một thành phố hay một khu vực tới tỷ lệ một đường phố hay một không gian xanh quy mô nhỏ. Họ sử dụng công cụ diễn tả bằng thị giác như một yếu tố chính để truyền đạt ý tưởng tới các chủ thể tham gia quy hoạch và công chúng. Những hiểu biết về địa bàn và năng lực chuyên môn sẽ cho phép họ hỗ trợ các chủ thể tham gia quy hoạch tạo lập được những không gian phát huy giá trị của cảnh quan đô thị.

Tại Anh có rất nhiều nhà chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị tự nhận mình là nhà thiết kế đô thị. Xét theo một nghĩa nào đó, tất cả các tác nhân tham gia làm quy hoạch đều là những người làm thiết kế đô thị. Điều quan trọng là phải hiểu rằng đó không phải là một nghề chính thống mà chỉ được thừa nhận qua thực tế hành nghề quy hoạch phát triển đô thị. Tất nhiên, người thiết kế đô thị không phải là người thành thạo tất cả các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị mà chủ yếu phải là người có khả năng bao quát được tất cả mọi điểm mạnh, điểm yếu để có thể đưa ra một cái nhìn tổng quát phù hợp nhất.

Hiện nay tại Anh, nghề này ngày càng thu hút nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị bởi nó mang lại thu nhập rất cao và luôn đòi hỏi nhiều sáng tạo. Mặc dù các chính quyền địa phương cũng như các văn phòng nghiên cứu tư vấn của tư nhân đều có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng chuyên gia thiết kế đô thị, song số lượng những nhà thiết kế đô thị chuyên nghiệp vẫn quá ít, nhất là do thiếu những nhà quy hoạch được đào tạo bài bản trong các trường đại học.

Ở Tây Âu, quy hoạch và thiết kế đô thị đồng bộ tạo sự tương phản trong thống nhất từ công trình đến đường phố và tiện ích, trang trí đô thị

(Còn nữa)

KTS. Lê Cao Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy