Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
04:47 (GMT +7)

Thêm cơ hội cho đồng bào vùng ATK

VNTN - Cách đây không lâu, đồng bào vùng ATK khó khăn của tỉnh thực sự vui mừng khi Bộ Xây dựng chính thức công bố Quy hoạch vùng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Cạn - Tuyên Quang. Và hiện tại, không chỉ bà con vùng ATK mà cả đồng bào dân tộc thiểu số khu vực đặc biệt khó khăn trên địa bàn lại có thêm cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho cả vùng mà UBND tỉnh đang trình phê duyệt.

Khi Chương trình được thực hiện, các di tích lịch sử ở khu vực ATK

Định Hóa có cơ hội được đầu tư trùng tu, tôn tạo và bảo vệ

Theo đánh giá của UBND tỉnh thì Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở nhu cầu cấp thiết của đồng bào khu vực khó khăn này và cũng là chiến lược phát triển cân đối vùng miền của tỉnh. Chương trình này manh nha ý tưởng xây dựng từ các thế hệ lãnh đạo trước, song phải đến tận nhiệm kỳ này mới chính thức được đưa vào Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và được coi là một trong 8 chương trình trọng điểm triển khai 5 năm tới.

Do tỉnh ta có tỷ lệ xã, thị trấn và các xóm thuộc diện ATK và vùng đặc biệt khó khăn nhiều nên đối tượng thụ hưởng và phạm vi tác động của Chương trình tương đối lớn. Đặc biệt, có những địa phương toàn bộ số xã, thị trấn đều nằm trong diện được hưởng từ Chương trình này. Không khó để có thể đoán ra đó là huyện Định Hóa, an toàn khu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Điều đáng mừng là trước khi UBND tỉnh xây dựng Chương trình này, huyện Định Hóa đã có động tác đi trước đón đầu, hoàn thành một chương trình phát triển riêng cho địa phương mình để trình tỉnh phê duyệt. Chia sẻ về điều này, người đứng đầu Đảng bộ huyện, ông Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy khẳng định chắc nịch: Chúng tôi biết địa phương mình sẽ là trọng tâm của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK của tỉnh nên đã chủ động xây dựng trước để có điều kiện hoàn thiện hơn. Hơn nữa, cũng là để tranh thủ ý kiến đóng góp và sự tham gia, ủng hộ của các thành phần kinh tế, nhất là sau khi Chương trình được phê duyệt.

Trong 24 xã, thị trấn ATK của Định Hóa thì có tới 20 xã và 8 thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng Chương trình 135. Cũng bởi vậy, có thể dễ dàng nhận thấy quy mô kinh tế của huyện còn nhỏ bé, thu nhập bình quân đầu người mới gần đạt 52% mức bình quân chung của tỉnh và của cả nước. Nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc sản xuất nông - lâm nghiệp với trên 80% lao động làm nông nghiệp và hầu hết chưa qua đào tạo. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, công nghiệp - dịch vụ còn hạn chế. Việc huy động nội lực tại địa phương rất khó khăn. Năm 2015, tổng thu ngân sách toàn huyện chỉ được 29 tỷ đồng trong khi nhu cầu chi ngân sách là trên 404 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện đã mạnh dạn xây dựng Chương trình phát triển với lượng vốn đầu tư được đề xuất lên tới trên 1.338 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương cân đối khoảng 448 tỷ đồng. Mục tiêu của Chương trình là phát triển toàn diện từ kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông - lâm nghiệp đến văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Đồng chí Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho rằng, Chương trình được triển khai sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội cho cả tỉnh, đặc biệt là cho vùng lõi ATK Định Hóa. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng, làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, bảo vệ và giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng, phát triển du lịch...

Từ thực tế ở Định Hóa mới thấy hết giá trị của Chương trình đối với đồng bào vùng ATK và vùng đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Cũng bởi vậy mà trong 5 năm tới, tỉnh đặt ra mục tiêu huy động trên 7.476 tỷ đồng để đầu tư và hỗ trợ cho cả vùng phát triển. Đây là một lượng vốn tương đối lớn, nếu so với nguồn ngân sách thu chưa đủ bù chi hàng năm của tỉnh thì có vẻ khó khả thi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc xây dựng dự toán vốn như trên không phải không có cơ sở khả thi, bởi thực tế nguồn vốn huy động từ các chương trình, đề án, dự án đã phê duyệt đến nay là trên 6.638 tỷ đồng, chiếm tới gần 90%. Số còn lại khoảng trên 800 tỷ đồng tuy chưa được phê duyệt nhưng đã có phương án đề nghị bổ sung sớm nhất. Như vậy, nỗi lo về khả năng tài chính là không đáng ngại trong khi nguồn ngân sách tỉnh chỉ phải cân đối thực hiện hơn 1.618 tỷ đồng, còn lại là vốn trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác.

Với tổng vốn huy động này, theo phân kỳ từng năm từ nay đến năm 2020, dự kiến tỉnh ta sẽ tập trung ưu tiên và phát triển mạnh những hạng mục còn thiếu trong từng lĩnh vực. Trong đó, các hạng mục xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh được quan tâm số 1. Đối với giao thông, ngoài nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh, tỉnh sẽ tập trung vốn cải tạo, nâng cấp đường liên xã, bê tông hóa trục giao thông từ trung tâm xã đến xóm, bản vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, hệ thống cấp điện, nước, hạ tầng viễn thông cũng được ưu tiên đầu tư cải thiện. Trong đó, chú trọng kéo điện lưới quốc gia cho 76 xóm, bản vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện. Về công nghiệp, dù không phải là thế mạnh của vùng, song vẫn khuyến khích phát triển trên cơ sở phục vụ ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chú trọng phát triển các cụm công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Nông - lâm nghiệp được quan tâm với việc tăng diện tích trồng rừng, cây ăn quả, phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp. Hệ thống giáo dục, y tế được ưu tiên cải thiện với mục tiêu cải thiện hệ thống các trường trung học cơ sở nội trú ở tất cả các huyện trong vùng, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất xây dựng trường Đại học chuyên ngành văn hóa tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa. Ở lĩnh vực văn hóa, du lịch, tỉnh sẽ dành lượng vốn xứng đáng để đầu tư, ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện và cấp xã trên địa bàn Định Hóa. Đẩy mạnh liên kết du lịch vùng ATK với các khu du lịch quốc gia thuộc các tỉnh lân cận...

Kinh tế nông, lâm nghiệp các xã ATK Định Hóa

cũng được quan tâm cải thiện.

Như vậy, có thể thấy Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn hứa hẹn không chỉ thuần túy mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem đến lợi ích xã hội nhiều mặt, nhiều lĩnh vực từ môi trường sinh thái, an ninh trật tự, đoàn kết dân tộc, đến bảo đảm công bằng xã hội. Ngoài ra, thực hiện Chương trình còn nhằm phát huy truyền thống cách mạng, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống. Đây không chỉ là cơ hội lớn đối với đồng bào vùng ATK và bà con dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong tỉnh mà còn là cơ sở để các cấp, ngành thể hiện trách nhiệm, vai trò của mình với cộng đồng xã hội.

 

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, toàn tỉnh hiện có 85 xã, thị trấn ATK và xã đặc biệt khó khăn. Có 28 xóm đặc biệt khó khăn thuộc 13 xã nằm ngoài xã ATK và xã đặc biệt khó khăn. Tổng diện tích đất tự nhiên của khu vực này là trên 2.484km2, dân số trên 434 nghìn người, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 48%. 

 

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy