Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:39 (GMT +7)

Thêm ba di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia

VNTN - Ngày 18/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng và cấp Bằng xếp hạng cho 3 di tích lịch sử Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Địa điểm tổ chức Lớp Huấn luyện đầu tiên và đóng quân của Trường Cán bộ cung cấp (1951 - 1954), xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (số 1870/QĐ-BVHTTDL); Địa điểm đóng quân của Cục Quân khí (1951 - 1954) xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (số 1898/QĐ-BVHTTDL); Địa điểm thành lập và đóng quân của Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (1951 - 1953), xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (số 1899/QĐ/BVHTTDL). Đây là địa điểm ghi dấu nơi ra đời hoặc đóng quân của các đơn vị trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp.


 

Di tích Quốc gia “Địa điểm thành lập và đóng quân của Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (1951 - 1953)” tại xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đang được chỉnh trang, tu sửa.

1. Địa điểm thành lập và đóng quân của Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (1951 - 1953)

Quán triệt Nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã đặt công tác giáo dục chính trị thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng quân đội nhân dân.

Tháng 7 năm 1951, Tổng Quân ủy – Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Đây là trường lý luận chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong những ngôi trường đào tạo đã góp phần quan trọng vào công cuộc đào tạo cho lực lượng quân đội của nước nhà. Địa điểm đóng quân của trường tại xóm Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa.

Bộ máy lãnh đạo của Nhà trường: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được Tổng Quân ủy cử làm Giám đốc - đây là Giám đốc đầu tiên của trường; đồng chí Võ Hồng Cương - Cục trưởng Cục Tuyên huấn làm Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy và trực tiếp phụ trách.

Nhiệm vụ chính trị của nhà trường được Tổng Quân ủy xác định là: Giáo dục cho cán bộ trung cấp quân đội thấu suốt đường lối, nhiệm vụ cách mạng, bản chất và nhiệm vụ quân đội; trên cơ sở đó phân biệt rõ bạn, thù, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc, giác ngộ cách mạng.

Trong thời gian gần 3 năm đứng chân trên địa bàn xã Phượng Tiến (1951 - 1953), Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức và hoàn thành 6 khóa học cho khoảng 2.000 cán bộ trung, cao cấp chính trị của quân đội. Kết quả đào tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường sức chiến đấu của quân đội trong những năm cuối của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Ảnh tư liệu lịch sử.

Niềm vinh dự, tự hào của Nhà trường là trong gần 3 năm (1951 - 1953), Nhà trường đã 3 lần được Bác Hồ đến thăm và huấn thị; được các  đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà  nước, quân đội đến thăm, động viên. Sự chăm sóc ân cần và những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường, chỉ lối cho Đảng bộ Nhà trường hơn nửa thế kỷ qua và mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần, giáo dục, cổ vũ, động viên các cán bộ, học viên, chiến sĩ nhà trường nâng cao lòng tin và trách nhiệm chính trị ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học.

Hiện tại Di tích đã được Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng Nhà bia khang trang trên đồi cao hướng xuống chiếc ao quanh năm trong mát. Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử đồng thời thể hiện tình cảm tri ân cội nguồn cách mạng sự gắn kết các thế hệ học viên Nhà trường với Đảng bộ và nhân dân vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hoá.

2. Địa điểm tổ chức Lớp Huấn luyện đầu tiên và đóng quân của Trường Cán bộ cung cấp (1951 - 1954)

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 5/1951), Tổng cục Cung cấp mở Lớp Huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên thuộc địa bàn xóm Hạ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp chỉ đạo lớp học.

Bia Di tích

Tháng 6, Bác Hồ viết thư cho lớp học, động viên cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội yên tâm phục vụ bộ đội.

Sang năm 1953, cuộc kháng chiến của dân tộc có bước chuyển biến quan trọng, Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập Trường Cán bộ cung cấp trên cơ sở Lớp Huấn luyện cung cấp đầu tiên trực thuộc Tổng cục. Ngày 14 tháng 9 năm 1953, Trường tổ chức lễ khai giảng lớp Luân huấn hậu cần khóa I.

Trong khoảng 4 năm (1951 - 1954) đóng ở xóm Hạ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, công tác huấn luyện cán bộ cung cấp tại Trường đã nhanh chóng được tổ chức, có định hướng đúng và có bước phát triển đáng kể. Từ Lớp Huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên đã phát triển thành Trường Cán bộ cung cấp. Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn của hoàn cảnh chiến tranh, những bỡ ngỡ bước đầu, nhà trường đã hoàn thành 5 khóa huấn luyện, bồi dưỡng được 486 cán bộ cung cấp. Tập thể cán bộ, giáo viên đã biên soạn được bốn tài liệu cơ bản về nghiệp vụ cung cấp và đã được Tổng cục sử dụng làm tài liệu học tập cho cán bộ cung cấp toàn quân.

Ngày 26 tháng 6 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Thái Nguyên. Theo Quyết định 790/QĐ-TTg, xã Yên Đổ huyện Phú Lương được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp.

Từ Lớp Huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (1951) đã phát triển thành Trường Cán bộ  cung cấp (1953), Trường cán bộ Hậu cần (1957), Học viện Hậu cần (1974). Theo Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, tháng 8 năm 1980, một bộ phận của Học viện Hậu cần được tách ra để thành lập Trường Sỹ quan Hậu cần. Ngày 16 tháng 3 năm 1996 Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất Trường Sỹ quan Hậu cần vào Học viện Hậu cần. Ngày 18 tháng 3 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 86/TTg về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho 4 học viện thuộc Bộ Quốc phòng, Học viện Hậu cần là một trong bốn đơn vị được giao nhiệm vụ tại Quyết định số 86. Từ tháng 4 năm 1996, Học viện Hậu cần trở thành nhà trường duy nhất đào tạo cán bộ hậu cần cho quân đội, đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhằm ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Học viện, Đảng ủy Học viện Hậu cần (nhiệm kỳ 1995 - 2000) đã báo cáo Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đề nghị lấy ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho lớp Huấn luyện Cán bộ cung cấp đầu tiên làm Ngày Truyền thống Học viện Hậu cần.  Ngày 28 tháng 4 năm 1999, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 547/QĐ-BQP công nhận ngày 15 tháng 6 năm 1951 là Ngày Truyền thống của Học viện Hậu cần.

Hiện nay, tại Khu Di tích, Học viện Hậu cần đã xây dựng bia ghi dấu sự kiện và khuôn viên. Đây là “địa chỉ đỏ” thường xuyên lui tới tham quan, về nguồn của học viên thuộc Học viện cũng như nhân dân huyện Phú Lương, một công trình mang đầy ý nghĩa gắn kết tình cảm keo sơn gắn bó của Học viện Hậu cần với Đảng bộ và nhân dân địa phương.

3. Địa điểm đóng quân của Cục Quân khí (1951 - 1954)

Ngày 1 tháng 9 năm 1951, tại thôn Thẩm Vậy, xã Yên Thông (nay là xã Bình Yên), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam ký Nghị định số 277/NĐ về việc thành lập Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Cung cấp. Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 171/NĐA về việc cử đồng chí Trần Thùy, Trưởng ty Quân giới Khu 3 giữ chức Cục phó, quyền Cục trưởng Cục Quân khí thuộc Tổng cục Cung cấp” (trích theo cuốn: Lịch sử ngành Quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954),  NXB. QĐND xuất bản năm 2006).

Nền lán tại nơi đóng quân của Cục Quân khí (1951 - 1954)

Đầu tháng 11 năm 1951, sau khi Cục Quân khí thành lập, do biên chế cơ quan Cục đã tăng thêm (tổ chức biên chế có 7 phòng, 1 ban, tổng số toàn Cục Quân khí là 300 người) nên điều kiện ăn ở và làm việc tại xã Yên Thông, huyện Định Hóa gặp nhiều khó khăn. Được sự đồng ý của thủ trưởng Tổng cục, Cục Quân khí tổ chức di chuyển toàn bộ cơ quan về địa điểm mới ở Bản Tò, xã Phượng Tú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nay thuộc xóm Làng Quyền, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đóng quân, ở và làm việc tại đây.

Ngay sau khi có quyết định của Bộ Quốc phòng, cán bộ, nhân viên cơ quan Phòng Quân khí khẩn trương triển khai các mặt để toàn bộ cơ quan chuyển sang làm việc với một tư thế mới là Cục Quân khí. Do quân số của Cục tăng lên, nên ngoài 3 nhà lán hiện có, toàn cơ quan Phòng Quân khí phải tập trung làm thêm một số lán làm việc và lán ăn, ở của cán bộ, nhân viên cơ quan Cục. Sau khi được Tổng cục Cung cấp đồng ý, cơ quan Cục Quân khí chọn ngày Chủ nhật 16/9/1951 chính thức bước vào hoạt động. Sau này, ngày 16/9 hằng năm là được lấy làm Ngày Truyền thống của ngành Quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, 4 năm đóng quân tại ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Cục Quân khí đã tham mưu với Tổng cục Cung cấp, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng và ngành Quân khí toàn quân, từ Bộ Quốc phòng đến các liên khu, các đại đoàn, các cơ sở trong đó Cục Quân khí với chức năng là cơ quan chỉ đạo đầu ngành. Đồng thời, bảo đảm Quân khí cho 7 Chiến dịch, trong đó tiêu biểu như: Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 – 25/2/1952); Chiến dịch Tây Bắc (1952); Chiến dịch Thượng Lào (1953); Chiến dịch Đông Xuân (1953 – 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Cơ quan Cục Quân khí trong quá trình hoạt động lịch sử đã gắn với tên tuổi các đồng chí như: Trần Thùy, quyền Cục trưởng Cục Quân khí (1951 -1952); Phan Tử Lăng, quyền Cục trưởng Cục Quân khí (1952 – 1953); Nguyễn Văn Nam, Cục trưởng Cục Quân khí (1953 – 1958); Hoàng Xuân Cục phó Cục Quân khí (1954 – 1955).

Trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, từ tháng 11 năm 1951 đến năm 1954, Cục Quân khí đã đóng quân ở và làm việc tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cục đã triển khai xây dựng hệ thống kho quân khí các cấp, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cung cấp một khối lượng lớn sản phẩm vũ khí, khí tài, đạn dược cho các lực lượng vũ trang nhân dân trên các chiến trường. Trong 7 chiến dịch lớn mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngành Quân khí đã cung cấp cho bộ đội trên 17 nghìn tấn vũ khí đạn dược, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đơn vị đã thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Quân khí: “Vũ khí là mô hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý” (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ngành Quân khí tại Hội nghị chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc ngày 9/9/1952).

Hiện nay, tại Di tích, Cục Quân khí đã xây dựng bia ghi sự kiện, Nhà văn hoá, hàng rào bảo vệ và công trình phụ trợ phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời gắn với nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân xóm Làng Quyền xã Lam Vỹ. Ngày 16/9 năm nay (2021) là kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của ngành Quân giới. UBND huyện Định Hoá sẽ phối hợp với Cục Quân giới tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia này.

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử, 3 di tích trên xứng đáng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Các di tích được xếp hạng là cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho việc lập quy hoạch, dự án bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình Hưng

(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy