Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:19 (GMT +7)

Thế Chính – Người lính làm thơ với những nỗi niềm đau đáu nhân sinh

LTS: Nhà thơ Thế Chính ( sinh năm 1939 - mất năm 2019) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Cuộc đời, con người và tác phẩm của ông được nhiều bạn văn chia sẻ, trân trọng. PGS.TS Trần Thị Việt Trung gửi đến Báo Văn nghệ Thái Nguyên tiểu luận phê bình về thơ Thế Chính. Vì khuôn khổ, dung lượng của chuyên mục, Tòa soạn xin trích đăng tiểu luận này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đọc đầy đủ cả 7 tập thơ của Thế Chính, tôi nhận ra trong đó những nỗi niềm đau đáu, những suy tư trăn trở, những ẩn ức, những khát vọng, những đam mê cháy bỏng cùng những nỗ lực tới tuyệt vọng của anh trong quá trình sáng tạo thơ - để thể hiện tình yêu, tình thương, nỗi đau đớn tuyệt vọng, cũng như những niềm vui sướng, tin yêu và hạnh phúc của tác giả đối với con người, với cuộc sống, với thế gian đầy phong phú và phức tạp này! Nhà thơ Thế Chính "lớn" hơn tôi nghĩ; những đóng góp của anh đối với thơ ca Thái Nguyên thật đáng ghi nhận và đáng trân trọng.

1. Thơ chiến tranh - tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước, nỗi đau về thân phận con người Thế Chính là một nhà thơ đã từng tham gia quân ngũ (từ năm 1966 đến năm 1970) và có mặt nơi chiến trường khốc liệt với nhiệm vụ sản xuất vũ khí (quân giới). Vì thế chăng mà trong thơ anh luôn hiển hiện một hình ảnh người chiến sĩ với những năm tháng nơi chiến trường khói lửa, đầy ắp những kỷ niệm về một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, dũng cảm, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, luôn tin tưởng mãnh liệt về một chiến thắng vẹn toàn của dân tộc. Nhưng có điều, khác với một số "nhà thơ mặc áo lính" khác, thơ viết về những năm tháng chiến tranh của anh lại không ầm ào, rít gầm tiếng súng, tiếng đạn bom; không có nhiều hình ảnh nói về sự khốc liệt đầy máu và nước mắt ở nơi chiến trường... Hầu hết các bài thơ (khoảng trên 50 bài) mảng đề tài này đều viết về những tâm trạng, kỷ niệm tình yêu, thân phận của những con người bước ra từ cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ về với cuộc sống đời thường sau chiến tranh, với bao niềm vui, nỗi buồn, với bao thiệt thòi, bất hạnh bởi hậu quả, di chứng của chiến tranh và bởi cả sự vô lý, bất công của cuộc đời. Đây là một cách nhìn, cách phản ánh hiện thực đa diện, đa chiều, trung thực và rất nhân văn của một nhà thơ đã từng sống trong quân ngũ và cũng đã có một độ lùi nhất định về thời gian (sau chiến tranh) để suy ngẫm, trải nghiệm, thấm thía về cuộc sống, con người, quê hương, đất nước.

Nhà thơ Thế Chính

Thơ viết về chiến tranh của Thế Chính vừa thể hiện được lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước, quê hương của con người Việt Nam thời chống Mỹ, nhưng đồng thời vừa thể hiện được những nỗi buồn, nỗi đau đớn bởi sự chia ly, bởi sự mất mát, bởi những bi kịch về thân phận con người (đặc biệt là thân phận con người thời hậu chiến). Trong thơ anh, ta thấy lấp lánh những niềm vui, niềm tự hào, tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm, sẵn sàng lên đường, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nền độc lập tự do của đất nước ở những người trẻ tuổi: "Ôi cái đêm/ Ta trở thành chiến sĩ/ Khoác trên lưng cả thành phố - lên đường/ Chỉ có người đi/ Chỉ có người đi mới hiểu/ Quê hương/ Nặng đến nhường nào! (Hồi ức người đi). Nhưng "chiến tranh đâu phải trò đùa", nên cái "ngày ra trận" ấy không phải chỉ là niềm vui, không phải chỉ có tiếng reo hò, mà sự thật với chiều sâu nhân văn của nó thì: "Ngày ra trận nói vui thì chẳng đúng/ Nhưng bảo buồn - tất cả lại là không/ Chuyến tầu chạy... kéo theo nghìn nỗi nhớ/ Người hò reo - cho kẻ ở yên lòng!/ .../ Đi là thế/ Mà ngày về không đủ/ Hà Nội buồn thắt ruột những câu thơ" (Chuyến tầu đêm). Bởi là "người trong cuộc", nên khi viết về những vấn đề này - anh như "rứt ruột" mình ra: trung thực tới tận đáy, cảm động tới đau buốt, khiến cho trái tim của người đọc phải tứa máu. Đặc biệt khi anh viết về những mất mát, những bi kịch trong cuộc sống con người, những thân phận bất hạnh của chính những chàng trai, cô gái đã từng chiến đấu dũng cảm trên chiến trường xưa. Đây là những hình ảnh bao người mẹ xa con, mất con, sống trong nỗi đợi chờ dằng dặc đầy hy vọng và tuyệt vọng: "Đã bao đêm/ Cánh cửa khép hờ/ Gió thổi/ Cửa lay/ Giật mình mẹ ngỡ.../ Bao năm ròng như thế/ Mẹ khép hờ cánh cửa chờ con!" (Cánh cửa khép hờ). Bao đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không thể có một tình yêu kết trái đơm hoa. Họ đã chia tay nhau và xa nhau mãi mãi. Có người con gái đã nằm lại vĩnh viễn trên dải Trường Sơn lộng gió; Có người con trai ra đi không bao giờ trở lại… "Bát cơm chưa chan đã mặn/ Đắng cay mình lại uống mình/ Nén nhang thương người ra trận/ Cháy hết mình tàn rụng xuống đời xanh" (Gió mùa đông). Đau đớn hơn, xót xa hơn cả cái chết (nơi chiến trường) - đó là những số phận bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, những cuộc đời đầy bi kịch của những người đã từng lăn lộn, chiến đấu nơi chiến trường xưa - nay trở lại với cuộc sống đời thường với bao nỗi trớ trêu, nghiệt ngã: "Người đàn bà/ Có đôi chân khỏe/ Gánh trọn non sông/ Không gánh nổi đời mình" (Góc khuất thời gian); "Đến thăm đồng đội cũ/ Nơi xóm nghèo bên sông/ Vợ buồn như lá úa/ Chồng đau lửa đốt lòng...; Thằng lớn hai mươi tuổi/ Như đứa bé lên năm/ Đầu to như trái bưởi/ Chân tay tựa que tăm; Đứa bé mười bẩy tuổi/ Chẳng nhận biết cùng ai/ Liệt cả hai chi dưới/ Lăn như là củ khoai; Chất độc mầu da cam/ Đã chui vào da thịt/ Mặt bạn tôi bây giờ/ Mụn sần như gai mít..." (Cái dằm). Tôi tin rằng những bài thơ Thế Chính viết về chiến tranh sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc, bởi giá trị hiện thực và giá trị nhân văn thấm đẫm trong từng câu thơ, từng hình ảnh thơ như thế trong các sáng tác của anh!

2. Thơ tình yêu - say đắm, ngọt ngào nhưng cũng đầy xót xa, đắng đót Thơ tình yêu trong các sáng tác của Thế Chính chiếm một số lượng khá cao (đến trên 60% tổng số các bài thơ mà anh đã công bố). Chỉ riêng điều này thôi có thể xếp Thế Chính vào danh sách các nhà thơ tình của Việt Nam! Hình như anh sinh ra để mà yêu, để mà đắm say, để mà tự đốt cháy mình trong ngọn lửa tình yêu đầy đam mê, đầy hạnh phúc và đầy khổ đau, day dứt, tuyệt vọng. Ngay từ khi còn rất trẻ, Thế Chính cũng đã cảm nhận, hình dung ra được hình hài, bản chất, sức mạnh của tình yêu cùng những nỗi buồn, nỗi xót xa, vị đắng cay, chua chát của tình yêu. Thế nhưng, là một thi sĩ đa tình, "con chiên ngoan đạo" của "Đạo Tình yêu", anh vẫn mải mê đi tìm, khát khao chiếm lĩnh và đam mê tột cùng trong tình yêu, để rồi khổ đau tuyệt vọng, tan nát vì tình yêu. Anh đã từng thốt lên và tự thú với chính mình: "Tình yêu là điều có thật/ Sao như đáy biển tìm nhau/ Hạnh phúc là điều có thật/ Càng tìm càng chẳng thấy đâu?" (Đấng linh thiêng). Anh đã luôn trân trọng và biết ơn tình yêu - thứ tình yêu đích thực của đời mình, thứ tình yêu khiến cho anh sống thật mình hơn, cao thượng hơn, và giúp cho anh không rơi vào "bến lạc" của cuộc đời với đầy phức tạp, vàng thau lẫn lộn, thiện ác song hành này: "Tôi yêu em/ Vì em là chiếc phao vô hình/ Đưa tôi trở về từ bến lạc" (Linh cảm); "Em là quả đợi ngày ta chín/ Ngọt trong nhau như mưa nắng kiếp người" (Tựa). Trong những bài thơ tình của Thế Chính, người đọc luôn cảm nhận được nỗi buồn đau, nỗi đắng đót của anh với những ám ảnh khôn nguôi về tình yêu - nói như nhà văn Bảo Ninh là "Thân phận tình yêu" - của những người con trai, con gái thời chiến tranh chống Mĩ. Anh viết gần ba chục bài thơ về những mối tình của những người chiến sĩ, không ủy mị, không yếu đuối - nhưng sao thật xót xa, thật day dứt trước những mối tình dang dở bởi chia ly, bởi sự mất mát không gì bù đắp nổi: "Một nụ hôn sao xa xót nghĩa tình/ Treo lơ lửng giữa hai đầu trời đất/ Người sống nghĩ về lòng đau như cắt/ Người cõi vĩnh hằng/ Không yên nghỉ với thời gian (Người đi tìm kỷ niệm); "Nỗi đau lạnh đất se trời/ Tiếng em - chim hót gọi tôi giữa rừng/ Tôi thì giầy sách, vai sưng/ Cõng bao thương nhớ đi cùng tìm em" (Tìm em); "Gốc cây xưa - hình em như sương khói/ Hoàng hôn rơi tím ngắt cả khu vườn/ Ta nhẹ bước trên nền tơ cỏ mới/ Xót xa từng chiếc lá ướt đầm sương" (Khu vườn mầu tím). Chính vì vậy, suốt những năm dài sau khi chiến tranh kết thúc - những mối tình thời trẻ trai vẫn là những nỗi niềm, những ám ảnh, những kỷ niệm không thể nào quên trong trái tim của người lính năm xưa. Nó luôn cựa quậy, luôn trở về trong những giấc mơ, nó "bất tử" trong lòng người lính hôm nay, khiến cho người đọc cũng phải thảng thốt, nghẹn ngào, cay xè nước mắt: "Đạn bom giờ đã hết/ Nỗi đau xưa vẫn còn/ Người đi người đi mãi/ Lỡ cả mùa trăng non" (Lỡ thì). Có thể thấy - thơ tình yêu của Thế Chính - chính là thơ tình của người lính năm xưa và cũng là thơ tình của người lính già thủy chung nhất mực hôm nay, son sắt nghĩa tình với đồng đội hôm nay. Điều này thật đáng trân quý làm sao!

3. Một nỗi niềm đau đáu với Thơ Chỉ làm một con số thống kê đơn giản - với 28 bài thơ nói về thơ, bàn về thơ và định nghĩa thơ - Thế Chính quả là một người rất nghiêm túc trong quá trình theo đuổi, rồi đến đam mê, đến hết lòng dâng hiến, thờ phụng "nàng thơ" của mình. Thơ - với anh, trước hết đó là "Ngôi đền thiêng trong thế giới vô hình/ Hồn cốt của mọi giấc mơ đi tìm cái Đẹp" (Tản mạn thế giới siêu hình); Thơ là "Một trong tứ trụ dụng nên trời đất/ Thơ có thật mà như không có thật"; Thơ chỉ có thể sánh với những gì cao cả nhất, thiêng liêng nhất, có quyền năng nhất thế gian này: "Thượng đế/ Thánh/ Thần/ Thơ/ Chung một phép mầu" (Thơ là gì?). Theo anh - Thơ có thể "Không nuôi sống người", nhưng "Người có thể vịn vào thơ để sống" - bởi thơ có sức mạnh vô biên, có quyền năng ngang với Thượng đế, chúa trời, có thể "ngăn chặn bão tố", "cứu độ nhân gian" với những "lời khôn ý đẹp" của nó. Thơ chính là "Lòng trời, ý đất" và nhà thơ chính là "Người thợ kim hoàn" (Thơ) - để ngày đêm gọt giũa, tinh cất, chạm khắc nên những câu thơ, những bài thơ góp phần thanh lọc tâm hồn con người, góp phần làm cho "cõi nhân gian" trong trẻo hơn, "những kiếp người" có cuộc sống vui vẻ, sạch sẽ ít lầm lỗi hơn (Tiếng chim). Chính vì suy nghĩ và quan niệm về thơ như thế, nên Thế Chính đã nguyện "sống chết cùng thơ", đã coi thơ với mình là "duyên trời định", và đã nghiện thơ, đam mê, say đắm, đau khổ, vật vã vì thơ. Nhà thơ "thú nhận" là mình đã "nghiện thơ" tới mức không thể nào "cai" được, cho dù là bị ốm đau, bị cấm đoán vì sức khỏe quá yếu, cho nên đã có nhiều đêm anh "chờ lúc vợ ngủ say", lẻn dậy "Móc nỗi đau ra khỏi trái tim mình/ Tờ giấy trắng trên bàn run rẩy", tuôn tràn cảm xúc với những nỗi niềm, những suy tư, trăn trở, dằn vặt và đau đớn. Là người có trách nhiệm cao với ngòi bút của mình, với tư cách của một "người thợ kim hoàn" - anh đã rất nghiêm túc, đã cật lực lao động trên cánh đồng văn chương của mình để viết nên những câu thơ, bài thơ có ý nghĩa, có tính mới, tính sáng tạo, không dễ dãi, không lặp lại mình: "Đã bao đêm/ Tôi rình chữ/ Như gấu rình mật ngọt/ Tấy những canh chầy" (Chữ); "Ươm con chữ khô rang bờ cát/ Hoa mỗi mùa máu thịt người ơi!" (Cánh đồng). Anh đã từng sống, từng đối diện và vượt qua bao bão tố của cuộc đời, rồi đã "ngộ" ra và đã cảm ơn những "sóng gió" cùng "bão tố" đó: "Cảm ơn nghìn lần cơn bão/ Cảm ơn muôn thuở sóng xô/ Người đã cho tôi tất cả/ Cội nguồn của những câu thơ" (Hoa trong bão). Bởi anh đã cảm nhận được rất rõ một điều: "Nỗi đau" chính là "cội nguồn cái Đẹp" (Cội nguồn cái Đẹp), còn Thơ lại là "Tột đỉnh của những nỗi đau" (Đau); Thơ chính là "Trầm tích của dòng thời gian đọng lại" mà "mỗi tế bào thời gian" ấy đã làm "hồi sinh nghị lực" cho anh (Bóng thời gian). Thơ - với anh được "tính bằng độ sang chấn của tâm hồn" (Linh cảm) - mà cuộc đời anh có quá nhiều "sang chấn" với những "Nỗi buồn chồng xếp lên nhau/ Thành những con trăn đá khổng lồ/ Bò trên ngực thời gian" (Đá). Song - thơ với anh còn mang trong nó những ý nghĩa lớn lao, vượt lên "cái tôi cá nhân" bé nhỏ đó, Thơ chính là "thước đo hồn dân tộc" (Cội nguồn cái Đẹp); "Thơ dựng nên thế dáng cuộc đời"; và trước ác, cái xấu xa, trước cái nguy cơ thế giới đảo điên, tan rã vì bạo lực - thì thơ sẽ là "Sợi dây níu buộc địa cầu" (Huyền ảo Tago). Yêu thơ, đắm đuối vì thơ, nên Thế Chính không biết bao lần trăn trở, suy nghĩ về sự tồn tại của thơ, sự đổi mới của thơ, về sự sáng tạo đầy vật vã trong "lãnh địa Thơ". Anh đã từng băn khoăn, trăn trở trước cái trào lưu, xu hướng đổi mới thi ca: "Ngồi dưới trăng tiền cổ/ Nói với nhau về trào lưu ánh sáng/ Hiện đại và hậu hiện đại/ Mọi ngờ vực vẫn đâm cành, nở hoa, kết trái/ Qui luật đất trời, ngọn nến siêu linh" (Tản mạn thế giới siêu hình); Rồi anh đã từng hoài nghi về sự thay đổi phương thức làm thơ, lối tư duy thơ thời @.com này, bởi anh vẫn còn tha thiết lắm với lối thơ xưa: "Cái thời cật nứa đề thơ/ Lời châu ý ngọc nhởn nhơ cánh diều/ Bây giờ hiện đại đua leo/ Nuốt nhau ngay giữa đa chiều không gian" (Chấm com). Nhưng rồi - vốn là người ưa sự sáng tạo, không muốn lặp lại mình, nên ở cái tuổi "cổ lai hy" ấy, anh vẫn luôn tự làm mới mình, lại "gieo" những hạt giống thơ trên những cánh đồng thơ mới: "Câu thơ chuyển hướng lúc giao mùa/ Tập tễnh cơn mưa dậy thì con gái/ Anh mê mải cuối sông đầu bãi/ Chợt nhận ra em - cơn gió đổi chiều/... Đồng đất sang trang - Thơ lại đến gieo vần" (Gió đổi chiều). Vì thế, nên càng về sau (những sáng tác từ sau 2005 cho tới nay), thơ của Thế Chính có sự đổi mới khá rõ rệt trong lối tư duy, trong cách viết; thơ anh giàu hình tượng hơn, đậm chất suy tư, chất triết lý, mang mầu sắc của thơ hiện đại (đặc biệt là các bài thơ trong tập thơ Gió trong lòng đất, 2007; Nơi cánh rừng trụi lá, 2011; Cúc đơm thưa, 2015). Đọc thơ Thế Chính - có thể có người thích, có người không thích, tùy theo "tạng", theo "gu" của mỗi người! Thơ anh không "tân kỳ" về chữ nghĩa, không cố "làm duyên" hoặc cố "lạ hóa trong câu chữ", không "giật tít" trong các tiêu đề bài thơ, cũng không cực đoan khi khai thác những nỗi đau, nỗi buồn của con người cá nhân thời kỳ hiện đại. Thậm chí, thơ anh còn mang dáng vẻ hơi "cổ điển" với lối kể, lối tả đôi khi dài dòng và "quá thật"! Nhưng vượt lên hết những điều đó - là lòng thành thực của anh, là sự rung động như những cơn địa chấn trong tâm hồn anh; là nỗi đau đớn, xót xa, trước những hoàn cảnh, thân phận không may mắn của con người mà anh đã gặp, đã chứng kiến trong cuộc đời; là nỗi niềm đau đáu, sự tôn thờ và sự thủy chung nhất mực của anh với "Nàng thơ", cùng ý thức trách nhiệm cao của một người nghệ sĩ suốt đời tôn thờ và đi tìm cái Đẹp, góp phần "cứu rỗi" linh hồn con người, góp phần thanh lọc tâm hồn con người trong cuộc sống vốn còn nhiều lỗi lầm, nhiều góc khuất, nhiều thách thức hôm nay. Với tôi - như thế đã là quá đủ để yêu mến và trân trọng một nhà thơ, một con người "sống cho thơ" và khi từ biệt cõi đời vẫn cứ tha thiết với thơ như tác giả viết trong bài Đêm hành quyết: "Chữ ở lại/ Ta về với cỏ/ Xanh nỗi buồn một thuở ta yêu!".

Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy