Thấy gì qua việc người dân Thụy Sĩ phản đối nhận lương suốt đời?
1. Thụy Sĩ là đất nước mà nền dân chủ trực tiếp luôn luôn được đề cao. Hầu hết các vấn đề từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều được đem ra trưng cầu dân ý để người dân trực tiếp quyết định. Đề xuất trả lương toàn dân này cũng không nằm ngoài qui luật đó. Người đưa ra đề xuất này là ông Daniel Haeni, chủ một quán cà phê Basel và một vài người khác. Theo qui định, những người chủ xướng sau khi thu thập đủ số chữ kí của cử tri cần thiết thì nội dung này sẽ được đem ra trưng cầu dân ý, cụ thể đối với kế hoạch này là 100.000 chữ kí. Điều đặc biệt nhất là trong 100.000 chữ kí này hầu như không một chính trị gia Thụy Sĩ nào ủng hộ, cũng không một chính đảng nào trong Quốc hội Thụy Sĩ đứng về phía kế hoạch này. Tuy nhiên, theo luật Thụy Sĩ, khi đề xuất nhận được hơn 100.000 chữ kí sẽ được đưa ra để trưng cầu dân ý.
2. Có tới 77% người dân Thụy Sĩ đã nói không với kế hoạch này và chỉ 23% đồng ý. Có nghĩa là người dân Thụy Sĩ đa phần không đồng ý “không làm mà vẫn có ăn”, bởi nếu kế hoạch này được thông qua đồng nghĩa với việc mỗi công dân Thụy Sĩ sẽ nhận mỗi tháng một khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện hơn 2.500 USD (tương đương hơn 55 triệu VND) cho một người lớn và 640 USD cho một trẻ em cho dù họ có làm việc hay không làm việc. Một tính toán đã chỉ ra rằng nếu kế hoạch này được thông qua đồng nghĩa với việc mỗi năm Thụy Sĩ sẽ phải chi khoảng 200 tỉ USD để thực hiện và ngân sách Thụy Sĩ hoàn toàn có thể cáng đáng nổi việc này. Thế nhưng vì sao người dân Thụy Sĩ quyết định không thông qua kế hoạch này? Câu trả lời hoàn toàn không khó trả lời. Thứ nhất, nếu kế hoạch này được thông qua, đương nhiên lúc đầu ngân sách Thụy Sĩ có thể “kham” nổi nhưng về lâu dài sẽ làm cho nền kinh tế Thụy Sĩ đi xuống vì làm tổn hại sự cạnh tranh của các công ty, gây tăng thuế. Thứ hai, sẽ xuất hiện một bộ phận người dân có thu nhập thấp không muốn làm việc vì đi làm cũng không thu nhập hơn không làm. Tất cả những nguyên nhân ấy về lâu dài sẽ làm cho nền kinh tế Thụy Sĩ đi xuống.
3. Chuyện xưa kể rằng có ông quan rất thích ăn cá. Biết ông thích ăn cá, nhiều người vì lí do riêng mang cá biếu ông nhưng ông nhất định không nhận và đều cho người mang trả lại. Bà vợ ông nói với ông rằng ông thích ăn cá, người ta mang cá biếu ông sao ông không nhận đi mà lại trả lại. Ông nói sở dĩ ông thích ăn cá nên ông muốn mãi mãi có cá để ăn nên ông không nhận cá người ta biếu vì như vậy là ăn đút lót sẽ mất chức không còn tiền mà mua cá để ăn, chi bằng không nhận thì mãi mãi làm quan sẽ có tiền mua cá ăn dài dài.
Không phải người dân Thụy Sĩ không thích tiền và dại dột đến mức muốn làm việc vất vả nhưng họ hiểu rằng nếu kế hoạch được thông qua sẽ làm nền kinh tế mất dần tính cạnh tranh và suy yếu. Có thể đến một lúc nào đó, kiếm được việc làm đã khó chưa nói ngồi không lĩnh lương. Vì vậy mà người dân Thụy Sĩ đã rất sáng suốt lựa chọn phương án bảo đảm cho đất nước phát triển lâu dài. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng đối với Việt Nam chúng ta, thiên nhiên quả tình có ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản. Để phát triển đất nước chúng ta tất dựa vào thế mạnh này. Thế nhưng, nếu ta quá dựa dẫm và cứ khai thác tận diệt tài nguyên thiên nhiên đất nước chẳng phải chúng ta đang tự triệt đường sống của mình trong tương lai.
Như Ái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...