Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
18:03 (GMT +7)

Thay đổi để hạnh phúc

VNTN - Gần đây cộng đồng mạng xã hội hào hứng chia sẻ một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một cô giáo tại Trường tiểu học Malabon (Philippines) đón các học sinh của mình vào lớp bằng những cử chỉ dễ thương, các em được tùy ý lựa chọn bắt tay, đập tay, cụng tay hoặc ôm cô. Thật ấn tượng bởi hình ảnh những đứa trẻ vui vẻ, tràn đầy năng lượng; một tinh thần tương tác, liên kết giữa cô và trò vô cùng thân thiện, ấm áp. Mới đây, khoảnh khắc hai thầy trò tại Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang) cùng nhau đấu cờ caro ngay trên bảng cùng lời thách đấu hài hước “Thắng thầy, cộng cho 1 điểm” được ghi lại cũng tạo một hình ảnh đẹp về sự kết nối thầy - trò. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, bên cạnh những tiến bộ vượt trội thì môi trường giáo dục cũng nảy sinh đầy rẫy những bất cập: áp lực thành tích, bạo lực học đường, vấn nạn thi cử… Trẻ em thời nay được ví như “gà công nghiệp” với tuổi thơ bị đánh cắp bởi tham vọng của người lớn. Được chăm lo, đáp ứng phần lớn nhu cầu vật chất cho đến tinh thần, nhưng có khi nào cha mẹ, thầy cô đặt ra câu hỏi, rằng những đứa trẻ của chúng ta có đang hạnh phúc không? Nhắc đến “hạnh phúc”, người ta nghĩ ngay tới Hà Lan - đất nước đứng đầu top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo khảo sát của Liên Hợp Quốc. Ở đó trẻ con rất thích đến trường, bởi mục tiêu của hệ thống giáo dục Hà Lan là tạo điều kiện cho đứa trẻ hài lòng trong quá trình học tập và bộc lộ bản thân. Trước 12 tuổi không có các kỳ thi và kiểm tra, môi trường học tập không thi cử, không điểm số và không cạnh tranh, chương trình giáo dục chú trọng đến việc vui chơi của trẻ nhỏ, các em luôn được khuyến khích học tùy theo năng lực của mình. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là kỳ thi chuyển từ cấp Tiểu học (7 năm) lên Trung học, và nó mang tính chất phân loại học sinh mà thôi. Mỗi lớp học ở Hà Lan có trung bình khoảng 16 học sinh, vì thế các giáo viên có thể theo dõi sát sao, nắm bắt được trình độ, năng lực, năng khiếu của từng em để giao bài tập phù hợp. Giấc mơ về trường học hạnh phúc ở Việt Nam đã dần nhen nhóm và thực hiện vài, ba năm trở lại đây. Trong số đó phải kể đến chương trình truyền hình thực tế mang tên “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 thực hiện. Phát động từ tháng 6/2017, chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được hơn 1.000 đơn tham gia của các thầy cô giáo trên toàn quốc; Ban Tổ chức đã chọn được 8 người dũng cảm công khai lớp học của mình và bước vào hành trình “thay đổi để hạnh phúc”. 9 tập phim với thời lượng gần 60 phút/tập ra mắt từ tháng 11/2017 đến nay, thực sự đã tạo nên bước ngoặt. Bước ngoặt trong vòng gần một năm đồng hành cùng “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, các giáo viên được đội ngũ chuyên gia tâm lý, giáo dục giàu kinh nghiệm chia sẻ những kỹ năng, phân tích và huấn luyện, giúp họ hiểu rõ hơn về cảm xúc của bản thân và học trò. Những góc máy quay chi tiết, chân thật đã hiển lộ cách ứng xử của thầy và trò. Rất nhiều cử chỉ, hành động mà chính giáo viên không nghĩ (nhận) ra nó là vấn đề. Thực hiện các yêu cầu thay đổi mà chương trình đưa ra, các thầy cô không những được hướng dẫn để thiết kế các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, hiệu quả, mà còn nhận diện rõ về ưu điểm, hạn chế trong phương pháp giảng dạy và cách thể hiện tình cảm đối với học sinh của mình. Là một trong tám người tham gia chương trình, cô giáo Lê Thanh Nga (hiện là giáo viên dạy sử tại trường THPT Bến Tre, Vĩnh Phúc) đã “lột xác” hoàn toàn khi nhận thức về giá trị của sự tôn trọng: “sự tôn trọng không phải xuất phát từ khoảng cách giữa cô và trò, ngược lại nó bắt nguồn từ tình yêu. Với học sinh, cần lắng nghe nhiều hơn và cần lắng nghe bằng tâm chứ không chỉ bằng tai”. Sự thay đổi của các thầy cô làm sáng rõ thông điệp: khi cả hai bên cùng cười thay vì chỉ một bên cười, đó mới là khi có sự tôn trọng trong một mối quan hệ. Trường học hạnh phúc được định nghĩa là: Thầy cô thay đổi = học sinh hạnh phúc = thầy cô hạnh phúc = lớp học hạnh phúc = trường học hạnh phúc! “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” không chỉ tác động riêng môi trường giáo dục trong nhà trường, nó còn gián tiếp truyền cảm hứng thay đổi đến các bậc phụ huynh, và cả học sinh. Mưu cầu về thành quả, kỷ luật trong học tập dường như đã dần thay đổi, thay vào đó là việc cha mẹ - con cái, thầy cô - học sinh dựa trên yếu tố lớn nhất là tình yêu thương để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, xử lý các trạng thái cảm xúc cá nhân và lan truyền cảm xúc tích cực cho nhau. Giấc mơ về những đứa trẻ hạnh phúc và trường học hạnh phúc như ở Hà Lan dường như quá táo bạo vào lúc này. Nhưng nào có ai đánh thuế ước mơ, bởi nó là điều rất đáng để cha mẹ, thầy cô và cả học sinh nỗ lực thay đổi từ hôm nay. Chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh cảm xúc để nhận ra điều tích cực, tìm kiếm những điều tốt đẹp và chia sẻ chúng; thiết kế môn học "hạnh phúc" bên cạnh các môn toán, văn, lý, hóa… Trường học hạnh phúc, sẽ không là giấc mơ xa vời!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 12 giờ trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước