Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
16:57 (GMT +7)

Thành phố Thái Nguyên – nhìn từ quá khứ về tương lai

VNTN - Nhìn lại quá trình phát triển của thành phố Thái Nguyên, những người sống lâu năm ở đây đều nhìn thấy sự thay đổi từng ngày, nhất là về giao thông và xây dựng đô thị. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, thành phố đã trở thành một đô thị của tỉnh và cũng là trung tâm vùng Việt Bắc. Từ một thị xã của vùng giải phóng, sau 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) với những dãy nhà lá trên quốc lộ từ Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và qua các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, nay trở thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm đào tạo có chất lượng của đất nước. Thành phố Thái Nguyên ít phải chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu thời tiết. Từ xa xưa, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, nơi có truyền thống lúa nước, khi tìm vùng đất để mưu sinh đã có câu nói “có tiền xuôi đông, không tiền ngược thái” - đất Thái Nguyên trở thành nơi sinh cơ lập nghiệp của nhiều cư dân trong vùng.

Là trung tâm của tỉnh, từ thành phố đến các huyện, thị xã trong tỉnh chỉ trên dưới 50km, giao thông thuận tiện. Với trên 39 vạn dân, sinh sống trên 170km2, nằm giữa hai con sông - sông Cầu và sông Công, nơi đây đang từng bước hình thành một đô thị xanh - đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên là nơi hội tụ và giao lưu của nhiều nơi trong vùng. Thành phố Thái Nguyên là nơi thể hiện sự hội tụ và giao lưu rõ hơn cả. Người đến từ những năm trước 1945; người được điều động di dân xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước; người đi làm khu công nghiệp Gang thép; người đến học tập và ở lại giảng dạy, công tác tại các trường đại học, chuyên nghiệp; người đến từ các cơ quan của khu tự trị Việt Bắc; người từ các huyện, thành, thị trong tỉnh về sinh cơ lập nghiệp ở thành phố Thái Nguyên. Những đặc điểm về địa lý, dân cư của thành phố Thái Nguyên đã làm nên một đô thị năng động mà ít có đô thị trực thuộc tỉnh trong nước ta có được như Thái Nguyên.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố đã qua 17 kỳ đại hội, có 70 Chi, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy với gần 20 nghìn đảng viên; phần lớn là đảng viên có trình độ chính trị và trình độ chuyên môn. Đó là hạt nhân của công cuộc phát triển bền vững của thành phố (chiếm hơn 6% dân số). Trong lịch sử phát triển của thành phố, nhiều thời kỳ Đảng bộ đã lãnh đạo, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thành phố xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Trong thời kỳ đổi mới, thành phố vẫn là đô thị trung tâm phát triển của tỉnh Thái Nguyên, là nơi rèn luyện, đào tạo nhiều cán bộ chủ chốt cho tỉnh và cho đất nước. Nơi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đặt nhiều niềm tin vào xây dựng và phát triển. Thành phố Thái Nguyên vẫn là nơi có chất lượng sống tốt nhất của tỉnh Thái Nguyên, người dân được hưởng nhiều ưu đãi về kết cấu hạ tầng đô thị và các dịch vụ cuộc sống.

Lợi thế đô thị bên sông Cầu có tiềm năng từ xa xưa, mới đây được đánh thức bằng các dự án xây dựng đô thị phía đông của thành phố. Cùng với lợi thế khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc đang được khai thác bằng các dự án giao thông đô thị và du lịch sinh thái. Các dự án này sẽ làm cho diện mạo thành phố Thái Nguyên có một dáng vẻ mới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, có lẽ thành phố cần có một tổng công trình sư để xây dựng quy hoạch tổng thể, từ đó quy hoạch chi tiết. Quy hoạch tổng thể phải được Chính phủ phê duyệt và phải được công bố để nhân dân tham gia ý kiến, hiến kế. Từng bước tiến tới chấm dứt tình trạng xây lên lại phá đi, nhiều đoạn đường đào lên, lấp xuống nhiều lần. Sự lãng phí tiền của cũng là lớn nhưng làm mất lòng tin của dân vào quy hoạch, xây dựng để mất tiền bạc của dân còn lớn hơn nhiều.

Sau 55 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Nguyên, dấu ấn của tư duy nhiệm kỳ còn để lại ít nhiều ở lịch sử các tòa nhà, các con đường, nhiều hồ nước,… nhưng tính bền vững, tính trường tồn lịch sử như nhiều đô thị lớn trong nước và trên thế giới ở Thái Nguyên thì dấu ấn ấy còn nhạt nhòa.

Là một công dân của thành phố, với lòng yêu mến vô bờ nơi đây, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của mình và cũng là mong muốn của người dân thành phố Thái Nguyên về một thành phố thực sự văn minh hiện đại - một đô thị “đất lành chim đậu”, nơi đến của nhiều người trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Hy vọng điều ấy sẽ sớm là hiện thực trong tương lai.

(*): Tác giả nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Thái.

Bùi Điệp (*)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy