Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:51 (GMT +7)

Thanh gươm và cây đàn tính tẩu

VNTN - Trống đốc trận của quân Tống nổi lên dồn dập. Tiếng phèng la, ngựa hí chen tiếng hò hét tạo thành mớ âm thanh hỗn tạp. Đợt tấn công lên chiến tuyến của địch bắt đầu. Đội kỵ binh thúc chiến mã, gươm vung sáng lòa, cả rừng lính phía sau rùng rùng chuyển động. Khói bụi mịt mù quét lên vạt trời xám xịt. Trên gò đất cao, vị chủ tướng quân đội Đại Việt hãm ngựa, tay giữ khiên, tay giơ kiếm lặng phắc như bức cổ thạch. Lê Vũ Tân xốc đốc kiếm, giương cung. Chờ đội kỵ binh lọt vào tầm bắn, vị chủ tướng ra lệnh: “Giết…”.

Làn mũi tên dày đặc bay vào đội hình địch. Nhiều con ngựa tung vó, hí lên thảm thiết rồi đổ vật. Chẳng mấy chốc đội hình kỵ binh rối loạn, chen chúc cùng đám quân bộ binh. Dàn máy bắn đá, bắn cầu lửa được lệnh khai hỏa. Lê Vũ Tân rút gươm, dũng mãnh cùng đồng đội xông tới chém liên tiếp những tên giặc hung hãn. Đàn tượng binh vung chùy sắt quật tới tấp vào người ngựa địch. Trận đánh diễn ra ác liệt. Cánh đồng bên sườn núi đen đặc lửa khói. Tiếng kêu la thống thiết át tiếng gươm giáo. Vài tên lính liều chết quay ngựa lao giáo mác vào một tượng binh. Nhanh như cắt, Tân chồm lên chém lìa chân ngựa và chọc ngang người tên giặc đang vung đao. Chưa kịp rút gươm, nhát kiếm của tên giặc bên cạnh chớp sáng, đầu Tân bay lên rồi rơi xuống…

 

Hoàng hôn tím lựng. Không gian tanh nồng mùi tử khí. Đàn quạ phát hiện mồi nhao nhác. Cánh đồng rộng mênh mông chồng chất xác người ngựa, từng đám cháy vẫn leo lét. Nhiều tên lính giặc bị thương quằn quại, khóc than ai oán. Tân nhìn rõ vị chủ tướng của mình xuống ngựa, cùng vài người lính dính đầy máu kiểm tra chiến trường. Ông nhặt từng thủ cấp bị đứt lìa đặt vào vào xác. Nâng đầu Tân, ông nhìn quanh rồi đặt vào một thi thể bên cạnh. “Trời ơi! Xác đó là xác giặc. Chủ tướng ơi!...”. Dường như ông không nghe được lời Tân, quay sang lệnh cho viên cận vệ tùy tùng: “Truyền gấp: Kiểm quân. Ngừng truy sát tàn binh”. “Thưa tướng quân, xác giặc ta phải làm sao đây?…”. Vị chủ tướng lặng người, nghiêm mặt rành rọt: “Giặc cũng là con người, phải chôn cất tử tế”. Bên cạnh Tân, người lính trẻ măng thều thào bằng tiếng Việt lơ lớ: “Cứu...Cứu…!”. Vị chủ tướng bước lại gần, rút mũi tên xuyên ngang người lính, giọng trầm nhẹ như gió: “Ta rất muốn cứu chữa cho ngươi, nhưng các mũi tên đều đã tẩm thuốc độc…”.

Tân biết mình đã chết. Một cái chết không hề có cảm giác đau đớn. Đành rằng đất nước có giặc, không ai tiếc đổi mạng mình giữ yên hàn bờ cõi. Nhưng Tân chết vì lưỡi gươm giặc, lại có thể hóa thây ma giặc sao?

Đêm. Hằng hà sa số những ngọn đuốc sáng rực. Xác quan quân nhà Tống được binh lính và dân phu thu gom chất thành từng đống. Tân thấy mình bị lèn chặt giữa ngàn ngạt thi thể lạnh lẽo. Không cam chịu ẩn ức nghiệt ngã, Tân gắng hết sức bay lên…

Từ trên cao, nhìn việc ân huệ cuối cùng quân dân Đại Việt có thể làm cho đội quân xâm lược tử trận, Tân rùng mình xót xa và rẽ sương trôi trong vô định.

***

Tiếng đàn tính tẩu trầm bổng níu Tân rẽ làn mây bay tới. Bên ngọn núi, người lính mặc binh phục Đại Việt đang ngồi chơi đàn, mắt dõi chân trời xa thẳm. Tân bước lại, người như tỉnh như say trong tiếng đàn vấn vít. Hình ảnh núi rừng trùng điệp, bản làng trầm mặc nhẹ nhàng lướt qua trong mơ màng sương khói. Từ tiếng đàn, những đoàn quân vung gươm, dũng mãnh lao vào đội hình địch, ánh chớp đường gươm lóe sáng. Người lính vồn vã:

- Kìa Hưng! Tao đi tìm mày mãi.

Tân giật mình:

- Không tôi là Lê Vũ Tân.

- Mày là Triệu Hải Hưng. Tao là Lừ Cắm Sải, lính mày chỉ huy đây.

Tân đứng chôn chân, không hiểu. Người lính bèn lẳng lặng chơi đàn và se sẽ cất tiếng hát: Rẩy slẳn kheo ón dú pù khau

Quá kéo bấu hăn ngàu cần điếp

Tọ cằm lượn slương sliết bân quây

Chắn đáy dám…Đấy là tiếng tiếng Tày, mày nhớ chưa? Tao hát tiếng người xuôi:

Rẫy sắn xanh mướt ở trên đồi

Qua đèo không thấy bóng người thương

Mà tiếng lượn vấn vương lòng mãi

Giữ được bước chân quay trở về

Dặn từ tháng bảy đến tháng giêng

Mùa nối mùa lúa ngô chật gác

Ngày xuân về ta đi tìm nhau…

Lồng ngực Tân chợt nhói lên se thắt. Ký ức bất chợt dồn dập ùa về, không gian binh trại và chiến tuyến hiện lên ngời ngợi. Bếp thập nhị binh sưởi ấm bập bùng ánh lửa.

Phút chốc Tân nhòa trong dáng Triệu Hải Hưng ôm đàn, giọng hát cất lên tha thiết:

Rẩy slằn kheo ón dú phù khau

Quá kéo bấu hăn ngàu cần điếp

Tọ cằm lượn slương sliết bân quây

Chắn đáy dám kha bây tẻo thắt

Slắng căn tằm bươn chất mà chiêng

Màu tem màu các phiêng khẩu, bắp

Vẳn xuân mà hây thắp xa căn…

Tổng quản đội binh Lý Cảnh Vân bước vào, người ướt dượt sương đêm:

- Các huynh đệ cơm cháo gì chưa? Lại có việc rồi đây! Ông xuýt xoa vì lạnh, chìa tay hơ lên bếp lửa: - Đội bắn lửa đưa hai cỗ máy lên đồi, quân Tống vừa tiến chiếm. Các tướng quân giao đội binh phá hủy. Ta cần ba người.

Triệu Hải Hưng buông đàn, nhanh nhảu:

- Đại quan cho tại hạ.

- Tại hạ - Lừ Cắm Sải bật dậy.

- Tại hạ nữa. Giàng A Pư ngồi cạnh đứng dậy theo.

- Tốt lắm! Các huynh đệ bí mật đốt các quả đạn rồi lui binh.

Sải cùng Hưng và Pư mang theo cây đuốc buộc giẻ đã tẩm sẵn dầu lạc lên ngựa ngay. Con đường sang vị trí đặt máy bắn lửa bị quân Tống chiếm vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân Đại Việt. Buộc ngựa xong, cả ba men theo chân dốc lặng lẽ tiếp cận mục tiêu. Khu vực đặt hai cỗ máy bắn lửa, quân Tống dựng lều lán dày đặc. Trườn thêm một đoạn, Hưng phát hiện các quả đạn đã tẩm dầu thông được xếp thành đống gần hai cỗ máy. Cạnh đống đạn bọn lính đốt lửa sưởi. Trời rét căm căm, ngoài số lính trong lều, bên ngoài có hai tên lính gác. Hưng thì thầm:

- Đạn bén lửa, nó sẽ thiệu rụi hai cỗ máy. Diệt lính gác rồi châm đuốc vào đống đạn.

Phá hủy hai cỗ máy và các quả đạn không khó, nhưng lửa cháy cả ba sẽ không thể thoát khỏi vòng vây. Sải bặm môi quan sát, lắc đầu:

- Như thế cả ba sẽ chết. Chúng mày phải sống. Giết hai tên lính gác rồi rút, còn lại để tao. - Thấy Hưng và Pư ngần ngừ, Sải giằng cây đuốc từ tay Pư:

- Lên cung đi!

Không để ý Hưng giật áo kéo lại, Sải rút kiếm. Hai tên lính gác dính mũi tên đổ gục. Sải lao tới châm lửa rồi ném ngọn đuốc vào đống đạn. Một quầng sáng bùng lên dữ dội. Sải vung kiếm chém bọn lính canh gần đó và chạy về hướng bờ sông đánh lạc hướng. Ngay lập tức nhiều cây giáo mác quật Sải ngã xuống. Hưng nghiến răng nhìn Sải đau đớn nhưng bất lực.

Chung quanh Sải lố nhố quân lính Tống với chi chít bó đuốc cháy. Tên lính gầm lên chọc nhát giáo vào đùi Sải. Những tràng cười khả ố và ồn ã tiếng nói, tiếng nhí nhéo rú rít man dại. Một tên cao lớn lách đám đông đi vào nhăn nhở:

- Ngộ không giết mày á. Ngộ tùng xẻo mày á. Mày phải chết á! Vừa nói tên lính vừa lia dao găm xẻo từng miếng thịt trên người Sải. Như không cảm thấy đau đớn, Sải gằn to từng lời:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Lưỡi dao chớp từ ngực xuống bụng, ruột gan Sải xổ ra mặt đất…

Gương mặt ấy, phong thái ấy… Không thể lẫn vào ai khác. Tân ôm choàng Lừ Cấm Sải:

- Trời ơi Sải! Chúng nó đâu rồi?

- Chúng nó cũng như mày với tao… Trận chiến ấy… Vì sơn hà, bách tính…

Nhìn binh phục của Sải và ngó lại mình trong bộ đồ thể thao lạ mắt, Tân ngạc nhiên:

- Sao bộ dạng tao lại thế này?

- Mày đầu thai sang kiếp khác. Không phải ai cũng may mắn. Chả sao cả, cõi nào cũng khoảnh trời Nam…

Tân thấy chân mình rung rinh, người lễnh loãng như sắp tan ra. Không thể lý giải, Tân ngập ngừng:

- Khi chết, họ nhặt đầu tao đặt vào tên lính Tống?

- Quan tổng quản đội binh đã tìm lại đầu cho mày.

- Nếu vậy, tao biết làm gì bây giờ?

- Mày chỉ cần là chính mình. Hãy để cây tính tẩu nói về ngàn xưa. Thôi, tao phải đi rồi. Gặp nhau chắc còn lâu đấy!

Thoắt cái Lừ Cắm Sải đã tan vào mây. Tân bàng hoàng chạy với theo tiếng đàn xa dần. Bất chợt cơn gió mạnh cuốn Tân ném vào miền băng giá lạnh lẽo. Thân mình như vỡ làm trăm mảnh, thịt xương vương vãi. Chưa biết làm thế nào nhặt lại cơ thể mình, một ông lão râu tóc trắng như cước hiện ra, lặng lẽ vung thanh bảo kiếm. Phút chốc Tân đã nguyên vẹn hình hài. Cảm kích, Tân định quỳ xuống bái lạy, ông đã giơ tay ngăn lại:

- Chiến binh Đại Việt không được phép quỳ gối. Chỉ kẻ phạm trọng tội mới quỳ gối xin tha mạng.

- Ông là ai?

- Ta là người đánh trống trận cho các ngươi xông lên.

- Tại sao ông ở đây?

- Chuyện dài lắm. Vuốt nhẹ thanh bảo kiếm, ngọn núi sừng sững hiện ra trước mắt. Thoắt cái ông lão và Tân đã ngồi bên chiếc ban thờ đá nghi ngút ánh chớp như khói hương từ thanh bảo kiếm đặt trên lư đồng. Ông lão nhỏ nhẹ: - Linh hồn các chiến binh đã tụ khí trên đất đai này. Ta chỉ là người coi giữ để họ khỏi bị lưu lạc.

- Cháu không hiểu chuyện gì đã xảy ra?

Ông lão nhìn Tân hồi lâu như tìm kiếm điều gì đó trên gương mặt, cười nhẹ:

- Ngươi không hiểu là phải. Thời vua Lý thế kỷ 11, quân và dân Đại Việt tại các châu phủ miền biên viễn lập chiến lũy tại Linh Sơn chặn bước tiến của quân xâm lược nhà Tống, không cho chúng kéo về Bắc Giang hợp binh tiến công phòng tuyến sông Như Nguyệt. Nơi này từng xảy ra những trận chiến đẫm máu.

-Và cháu là một chiến binh tử trận?

- Đúng. Nhà ngươi vừa gặp lại đồng đội đó thôi. Sau trận đánh, linh hồn các tướng lĩnh và binh lính lang thang. Nguyên phi Ỷ Lan trong một lần kinh lý đã ban chiếu lập đền thờ. Chiến tranh tao loạn và cả sự ngu muội của người đời, ngôi đền ấy không còn. Ta không có chức hàm trong binh ngũ, nhưng là người thúc các ngươi lao vào chỗ chết, ta không nỡ…

Càng nghe Tân càng thấy mình rỗng rễnh mơ hồ, không thể hoài niệm:

- Sử sách nhắc nhiều tới trận chiến sông Như Nguyệt. Nhiều người cũng như cháu, chỉ nghe lưu truyền trong dân gian về trận chiến này. Ông có thể nói kỹ hơn không?

- Không phải chuyện gì cũng ghi trong sử sách. Mới đó đã gần 1.000 năm. Ngươi đã trở lại làm người, không am tường sẽ đắc tội với máu xương đồng đội, trong đó có cả máu của ngươi. Bằng chất giọng trầm đục nhưng đầy hào sảng, ông chậm rãi: - Năm 1072, vua Lý Thánh Tông chết, con vua là Lý Nhân Tông mới 8 tuổi lên nối ngôi. Nhà Tống cho đây là cơ hội tốt nên chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ông đã cử Nùng Tông Đản làm phó tướng và huy động hơn 10 vạn quân thủy bộ tấn công vào đất Tống, phá tan các căn cứ Ung Châu, Liêm Châu, Khâm Châu. Trong đó, thành Ung Châu (nay thuộc địa phận Nam Ninh) nơi đặt tổng hành dinh chuẩn bị tấn công Đại Việt bị triệt hạ tháng 3 năm 1076, sau 42 ngày đêm quân ta vây hãm. Hạ xong thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt rút quân về nước và được phong làm Điện tiền Nguyên súy Phục quốc Thái úy. Nùng Tông Đản được phong làm Lang Trung tướng quân. Không chịu từ bỏ dã tâm thôn tính nhà nước Đại Việt, cuối năm 1076 vua Tống cử Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm 30 vạn quân sang đánh nước ta. Biết được mưu đồ của địch, Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, con sông chắn ngang mọi ngả đường từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào kinh thành Thăng Long. Phòng tuyến lập tại bờ nam sông Như Nguyệt, được đắp bằng đất cao, có nhiều lớp giậu tre dày đặc, dọc theo khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại, dài khoảng 100km. Đội quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy, đồn trú tại Yên Phụ (Yên Phong Bắc Ninh ngày nay). Lực lượng thủy binh do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy. Nùng Tôn Đản được giao chỉ huy toàn bộ quân các châu, phủ, khê động chặn bước tiến của quân Tống tên các hướng Quảng Nguyên (một phần của Cao Bằng ngày nay), châu Thất Nguyên, Lạng Châu (một phần nay thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn). Đối đầu với lực lượng xâm lược hùng mạnh, quân và dân các châu tiền tiêu: Châu Quảng Nguyên do Lưu Ký chỉ huy, Lạng Châu do Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, kìm chân địch từ tháng 10 năm 1076 tới tháng 1 năm 1077, tạo điều kiện cho hậu phương củng cố phòng tuyến chiến đấu. Phủ Phú Lương (nay là tỉnh Thái Nguyên) được coi như chiếc thòng lọng siết hai mũi tiến quân của chúng. Trận chiến Linh Sơn diễn ra vào tháng 2 năm 1077. Trước sức mạnh và sự tàn bạo của kẻ thù, quân dân Đại Việt đã thể hiện tinh thần quả cảm, xả thân vì nghĩa lớn. Mục đích hợp binh với lực lượng tinh nhuệ vượt qua ải Giáp Khẩu (tức ải Chi Lăng) tấn công kinh thành Thăng Long bị bẻ gãy. Trận chiến Linh Sơn chỉ là một trong vô vàn trận đánh khác.

- Vậy trận đánh này ta thắng hay thua ạ?

- Thành bại một trận chiến phụ thuộc vào nhận định của các sử gia. Đối mặt với đội quân xâm lược hùng mạnh, chúng ta đã biến chiến địa Linh Sơn thành mồ chôn quân xâm lược. Máu tướng lĩnh và binh lính của ta viết lên khúc khải hoàn trên sông Như Nguyệt.

- Chẳng lẽ người đời sau chỉ cần biết trận chiến sông Như Nguyệt, còn tất cả chìm vào quên lãng?

- Như Nguyệt là trận đánh quyết định số phận đạo quân xâm lược. Không ai có thể trách người chép sử của gần ngàn năm trước ấy. Họ còn nhiều việc phải làm hơn là ghi lại hàng trăm trận chiến lớn nhỏ. Tuy vậy ta biết họ đã lưu lại cho hậu thế thuật chiến kỳ binh: “Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”. Bộ tộc của ta và các ngươi đã chiến đấu như thế.

- Cháu đã gặp Lừ Cắm Sải, người tử trận trong lần đột nhập binh trại quân Tống.

- Tâm thức cũng đôi khi chỉ là khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy nhắc ngươi nhớ những chiến binh một lòng “trung quân ái quốc”, sống chết vì muôn dân.

Vầng hào quang vụt sáng rực. Không gian chiến địa ập tới khét đắng. Tân thấy mình trong binh phục uy nghi dưới bóng cờ Đại Việt. Trái tim cất lên từng giọt đàn tính tẩu. Mặt trời đỏ lừ như máu. Vị chủ tướng phát lệnh dùng cường binh quyết chiến. Tiếng trống đốc trận vang lên giòn giã. Cả một rừng mũi tên tẩm thuốc độc cực mạnh vùn vụt bay. Các cỗ máy bắn lửa được lệnh khai hỏa. Cỏ tranh, lau lách dưới chân quân Tống đùng đùng bốc cháy. Lớp lớp chiến binh vung gươm lao vào đội hình địch. Hàng ngàn quân Tống bị gọng kìm thép của quân sĩ Đại Việt siết lại. Ánh chớp từ thanh gươm của những người lính lấp lóa sáng với một sức mạnh kỳ lạ. Một khoảnh trời chợt tối sầm, ào ạt tiếng thét dũng mãnh của quân sĩ Đại Việt… Bất ngờ, tia chớp nhát kiếm quét ngang, mắt Tân nảy đom đóm và chới với, chếnh choáng. Nhìn thanh bảo kiếm ông lão đánh trống trận đặt trong lư hương, Tân bần thần:

- Linh hồn các chiến binh tử trận tụ khí trong thanh bảo kiếm này?

Ông lão cười, lắc đầu:

- Ánh chớp của thanh gươm chỉ có thể gọi các linh hồn lưu lạc. Ta nói nôm na thế này: Linh khí của những người ngã xuống ở trong lòng người. Mỗi khi đất nước có họa xâm lăng, nó sẽ làm nên khí phách. Thấy Tân nhíu mày suy nghĩ, ông ôn tồn: - Thanh gươm ấy chính là tinh thần Việt. Người xưa chết không đòi hỏi được ghi ơn, nhưng không muốn bị lãng quên. Đó là lý do vì sao có những người trở lại dương thế.

- Cháu nhỏ bé như bao người. Hạt nước không làm nên biển…

- Lịch sử hàng nghìn năm của đất nước này, há chẳng phải được viết bằng máu của những con người nhỏ bé sao?

Giữa không gian u tịch, bất ngờ tiếng ngựa hí, tiếng thét lạc giọng của quân sĩ vọng về. Ông lão vụt đứng dậy:

- Mũi tên xuyên qua người, ta trút hơi thở cuối cùng làm tiếng trống đứt quãng. Ta phải đi nhặt lại tiếng trống ấy.

Trong chớp mắt chung quanh đã cuồn cuộn gió mây vần vũ. Tân chưa kịp níu mây bám theo đã bị ông lão phảy tay, dằn giọng:

- Quay lại. Không được theo ta!

* * *

Tân giật mình choàng tỉnh, cây đàn tính tẩu ôm trong lòng. Rõ ràng đêm qua sau khi chơi đàn, Tân đã cẩn thận treo lên vách trước khi đi ngủ, vậy tại sao cây đàn lại ở đây? Tiếng chim cất lên lảnh lót. Ban mai ngập tràn. Khoảng rừng sáng tinh khôi, làn hương ngợp ngậy. Giấc mơ như một bộ phim chiếu chậm vẫn còn hằn rõ trong tâm trí Tân. Phải chăng tiếng đàn tính tẩu đưa Tân vào giấc mơ gặp những chiến binh Đại Việt? Năm tháng qua đi, rừng núi Linh Sơn không còn dấu vết của trận chiến đẫm máu, nhưng khúc bi hùng ngàn xưa dường như vẫn hiển hiện.

Như thể đang giữa các chiến binh trước giờ xung trận, Tân nâng cần đàn hào hứng dạo một khúc nhạc vui. Những tia nắng đầu tiên làm bản làng lấp lánh sáng lên sắc màu thật vi diệu.

Truyện ngắn. PHAN THÁI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước