Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Nghĩ về chuyện đọc sách

VNTN - Từ năm 2014, chúng ta có Ngày Sách Việt Nam (21/4). Và tháng Tư trở thành Tháng Đọc sách.

Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy một ngày trong năm làm ngày Sách là nhằm mục đích “khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”. Đồng thời cũng nhằm tôn vinh người viết sách, người xuất bản, người phát hành, lưu trữ và cốt lõi nhất là người đọc sách.

 

Sách tinh hoa chứa đựng những kinh nghiệm sống, bài học giá trị của những bậc vĩ nhân truyền lại. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Cổ nhân từng khuyên: “Chọn bạn mà chơi, chọn thầy mà học, chọn sách mà đọc”. Người may mắn sẽ có ba báu vật trong đời: Bạn tốt, sách tinh hoa và thầy hiền trí. Bạn tốt là người luôn dành cho ta lời khuyên chân thành nhất, sẽ luôn ở bên ta trong bất cứ hoàn cảnh nào; sách tinh hoa chứa đựng những kinh nghiệm sống, bài học giá trị của những bậc vĩ nhân truyền lại; thầy hiền trí là người hiểu biết rộng, sẵn lòng trao kiến thức cho ta. Chẳng may không có được cả ba báu vật đó, thì thực tế cho thấy: sách tốt vừa là thầy giỏi vừa là bạn hiền. Khoa học đã chứng minh 10 lợi ích của việc đọc sách: Kích thích tinh thần, giảm căng thẳng, làm giàu kiến thức, mở rộng vốn từ, tìm thấy bình yên trong tâm hồn, cải thiện sự tập trung, kỹ năng viết tốt hơn, cải thiện trí nhớ, tăng cường kỹ năng tư duy phân tích và là cách giải trí miễn phí.

Có phải vì những ích lợi to lớn như thế chăng mà nhu cầu đọc sách thôi thúc sự ra đời của sách rất sớm. Từ thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, con người đã làm ra sách. Những dải giấy có chữ viết được cuộn lại là những cuốn sách cổ còn giữ được trong Bảo tàng nước Anh. Ở châu Á, thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, người Trung Quốc đã viết lên những mảnh giấy được làm bằng vỏ cây mà tạo thành sách.

Trải qua hàng nghìn năm sử dụng sách giấy, từ năm 1950, sách nghe ra đời. Ta có thể nghe người khác đọc qua băng, đĩa. Năm 1990, sách điện tử (e.book) góp mặt khi thiết bị điện tử cho phép người sử dụng có thể tải các văn bản từ Internet và đọc chúng bằng thiết bị cầm tay.

Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, đọc sách càng thú vị hơn khi ta có thể phản biện tác giả, có thể lập forum, fanpage để tụ họp, giao lưu, bàn luận về một chủ đề cùng quan tâm. Sách điện tử sẽ đặt ra một loạt vấn đề về xuất bản điện tử, thư viện điện tử…

Tuy nhiên, sách giấy, sách nghe hay sách điện tử cũng chỉ là phương tiện. Người đọc vẫn là trung tâm “kích hoạt” các loại hình, “kích cầu” khâu viết và phát hành.

Đọc sách là quý, nhưng đọc sao cho hiệu quả mới là điều đáng quan tâm hơn.

Có người “vớ gì đọc đấy”, họ “ngốn” sách rất nhanh, rất nhiều. Có người thấy ai nói quyển gì hay thì lùng tìm cho bằng được. Có người thích đọc sách “đen”, sách “cấm” để thỏa chí tò mò. Họ có phải là người đọc sách hiệu quả?

Trong cuốn “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả” của nhóm tác giả Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Hoàng Ánh… do Công ty Alphabook phát hành, chỉ ra 6 thao tác tư duy để hình thành kỹ năng đọc sách hiệu quả. Đó là: Lựa chọn đề tài hoặc vấn đề cần đọc; lựa chọn sách phù hợp với bản thân; vận dụng linh hoạt các cách đọc khác nhau với từng loại sách; đọc có hệ thống và liên tục từ trình độ thấp lên cao, từ vấn đề đơn giản đến phức tạp; tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung; vận dụng vào thực tế những điều đã đọc.

Như vậy, đọc nhanh, nhiều, ngốn ngấu không phải cách đọc hiệu quả, mà đọc chậm, sâu, thấm và vận dụng vào cuộc sống của bản thân mới là cách đọc thông minh. Khi đó sách mới thực sự vừa là thầy vừa là bạn.

 

Đọc sách bền bỉ, thường xuyên chính là phương pháp tự học hiệu quả.

Cũng như nhiều mặt hàng khác, sách cũng có sách “giả”, sách “thật”. Xảo thuật quảng cáo có thể biến một cuốn sách vô bổ thành món hàng bán chạy như tôm tươi. Bước vào siêu thị sách, ta dễ hoa mắt trước vô vàn bìa sách bắt mắt, những tên sách câu khách mà có thể “nhặt” bừa, về đọc mới thấy chả ra gì. Vậy nên trước khi đi mua sách, cần xác định sẽ mua loại sách gì (chuyên môn, giải trí, tạo cảm hứng…), khi chọn được cuốn sách phù hợp thì cần “sơ tuyển” bằng cách đọc nhanh lời giới thiệu, mục lục để biết cuốn sách viết gì, đọc lướt các đầu bài để biết tác giả viết như thế nào. Nếu cảm nhận đây là cuốn sách hay, phù hợp thì ta mới quyết định mua nó.

Trở lại câu chuyện Ngày sách Việt Nam, chắc hẳn không ai đợi đến ngày 21/4 mới tìm mua sách, đọc sách. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã nói: “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Và đọc sách bền bỉ, thường xuyên chính là phương pháp tự học hiệu quả.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước