Tham nhũng và những câu hỏi “tồn kho” nhức nhối
VNTN - Hiện nay cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống tham nhũng trong đó có Ban chỉ đạo trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, thực tế việc phát hiện tham nhũng phần lớn từ cơ quan báo chí và nhân dân. Cử tri thắc mắc, vậy vai trò của các cơ quan chức năng, người đứng đầu của các cơ quan này ở đâu? Có hay không sự bao che, không trong sạch từ chính cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng?
Đây là một trong hàng ngàn kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, vừa được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp cùng với toàn bộ các kiến nghị khác, bao gồm cả phần trả lời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Gần 2.000 trang cả kiến nghị và trả lời, nhức nhối nhất vẫn là những câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng. Hầu hết những câu hỏi này đều đã được nêu từ nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng câu trả lời đều chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri nên vẫn cứ tiếp tục "tồn kho".
Không chỉ Thanh tra Chính phủ mà cả nhiều cơ quan khác nữa của Chính phủ, của Quốc hội đều nhận được những kiến nghị của cử tri với sự sốt ruột cao độ về hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng - vấn đề được xác định có liên quan đến sự tồn vong của chế độ.
Kiến nghị được nêu ở đầu bài viết là của cử tri thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị. Hồi âm nhân dân hai địa phương này, Thanh tra Chính phủ không đi thẳng vào trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng chống tham nhũng như câu hỏi của cử tri mà nói về người đứng đầu nói chung. Văn bản trả lời nêu rõ, số người đứng đầu bị xử lý khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị mình quản lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân chính là do còn có sự nể nang, né tránh trong xử lý; nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2016 có 11 người, năm 2015 đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 4 người bị xử lý hình sự (tăng 1 người so với năm 2014); 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang xem xét các hình thức xử lý. Hiện nay, quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng đang được xem xét, đưa vào nội dung sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua - cơ quan nhận kiến nghị hồi âm cử tri.
Bên cạnh trách nhiệm người đứng đầu, những kiến nghị "tồn kho" của nhân dân cả nước gửi đến cơ quan quyền lực cao nhất còn đề cập đến bất cập trong kê khai tài sản, xử lý các đối tượng tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng... Cùng với cử tri 19 tỉnh khác, cử tri Thái Nguyên gửi kiến nghị đến Quốc hội và cho rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, hiện nay hiệu quả chưa như mong muốn. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải có giải pháp kiên quyết hơn nữa trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, điều tra, quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và công khai cho công dân biết.
Nêu thực tế là tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, Thanh tra Chính phủ thừa nhận tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập...
Một trong những kiến nghị có mức độ "tồn kho" rất rất lâu được cử tri nhiều tỉnh, thành liên tục gửi đến Quốc hội là giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Hồi âm cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2016 kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong Nghị quyết 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội.
Theo Thanh tra Chính phủ thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách như một số quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng chưa được thể chế hóa kịp thời; các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm. Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản. Việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc xử lý người đứng đầu và thu hồi tài sản là những nội dung trọng tâm Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng để tới đây khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Từ các văn bản hồi âm có thể thấy, việc khắc phục các yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay được kỳ vọng rất nhiều ở sự ra đời của Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Lẽ ra dự án luật này đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, cuối năm 2016. Tuy nhiên, khi đó Chính phủ đã xin lùi để có thời gian sửa đổi toàn diện. Và, dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ ba khai mạc sáng 22/5 tới cũng chưa thấy xuất hiện dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Như vậy, tình trạng "tồn kho" các kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực nhức nhối này chắc có lẽ chưa thể sớm giải quyết.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...