Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng đạo đức cách mạng đối với văn nghệ sĩ (kỳ 1)
Kỳ 1: Văn nghệ sĩ phải trau dồi tư tưởng và nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 26 tháng 11 năm 1962. (Ảnh tư liệu)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hóa văn nghệ. Người coi văn hóa văn nghệ là một trong ba lĩnh vực chính, quan trọng nhất của văn hóa. Bởi thấu hiểu đặc thù của văn chương nghệ thuật và giá trị của văn chương nghệ thuật nên Người luôn dành sự quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ.
Cùng với việc động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ đồng lòng chung sức xây dựng nền văn nghệ ngày càng phong phú, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, Bác còn nhiều lần khẳng định vị trí vai trò lớn lao, quan trọng của sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cũng như trọng trách của đội ngũ văn nghệ sĩ trong đời sống xã hội.
Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, định hướng cụ thể của Bác về nhiệm vụ, lập trường tư tưởng, chuẩn mực đạo đức của người làm công tác văn học, nghệ thuật luôn là kim chỉ nam, có giá trị lâu bền và còn nguyên tính thời sự qua mỗi thời kỳ phát triển của đất nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ văn nghệ sĩ bao gồm nhiều quan điểm lớn, phong phú. Những quan điểm ấy thể hiện rõ nét nhất trong chính quá trình hoạt động cách mạng của Người cũng như trong nhưng lời căn dặn khi Người phát biểu tại các Hội nghị, các cuộc họp với nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước.
Văn nghệ là mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng xã hội mới, con người mới
Tư tưởng này của Bác được thể hiện rất sớm, từ những năm 20 của thế kỷ thứ XX, khi chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc còn đang bôn ba ở nước ngoài. Từ bài viết đầu tiên Yêu sách của nhân dân An Nam đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp ngày 18/6/1919, đến hàng loạt bài báo và tác phẩm đăng trên báo Người cùng khổ như Đông Dương, Con rồng tre, Con người biết mùi hun khói, Hành hình kiểu Lin-sơ, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh..., ngòi bút xung trận của Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt tàn ác, âm mưu thâm độc của bọn thực dân đế quốc, tố cáo tội ác của chúng trước thế giới, đồng thời thức tỉnh nhân dân các dân tộc thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Chỉ riêng những tác phẩm này đã đủ để khẳng định: Hồ Chí Minh là người khai sáng và đặt nền móng cho dòng văn học cách mạng Việt Nam.
Đến đầu những năm 30 và sau khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam cho đến cuối đời, Bác trở thành nhân vật kiệt xuất trong vai trò một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Nhật ký trong tù, Ba mươi bài ca Việt Minh, Lịch sử nước ta (gồm 210 câu thơ lục bát), những bài thơ đăng trên báo Việt Nam độc lập, Sửa đổi lối làm việc, Đời sống mới, Cách viết, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Giấc ngủ 10 năm, rất nhiều bài thơ chúc Tết hay xướng hoạ với các nhân sĩ yêu nước, những bài thơ làm ở chiến khu Việt Bắc hay sau một buổi bàn việc quân, những bức thư gửi các hội nghị văn hoá, văn nghệ, những bài nói chuyện với giới văn nghệ sĩ…
Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, khi đến thăm Trường Đảng tỉnh, Người xem Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn. (Ảnh tư liệu)
Tất cả nhưng tác phẩm ấy đều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên nhân dân cả nước trong khởi nghĩa giành chính quyền, trong kháng chiến chống ngoại xâm, trong xây dựng nền văn nghệ mới, xã hội mới, con người mới. Trong đó, hai văn bản chính trị cực kỳ quan trọng là Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là hai tác phẩm văn chương chính luận đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng sự nghiệp văn chương đồ sộ mà Người để lại, Hồ Chí Minh thực sự trở thành một nhà văn lớn của thời đại với nhưng tác phẩm lưu dấu ấn tiêu biểu trong lịch sử dân tộc và trong nền văn học nước ta.
Không chỉ là người đặt nền móng cho văn học nghệ thuật cách mạng và xây dựng một nền văn nghệ mới, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên dành sự quan tâm sâu sát, chỉ bảo tận tình đối với văn nghệ sĩ, những người trực tiếp làm công tác văn hóa văn nghệ.
Cụ thể:
- Chỉ 5 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ và nói chuyện với các đại biểu về nhiệm vụ cụ thể của văn hóa trong giai đoạn nước nhà mới giành độc lập.
- Ngày 24/11/1946, Người đến dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Trong bài diễn văn khai mạc dài 40 phút, Bác đã nêu lên những luận điểm quan trọng xuyên suốt trong tư tưởng của Người về văn hóa, văn nghệ và nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
- Trong bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa ngày 10/12/1951, Bác nhấn mạnh đến nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng không chỉ riêng cho các họa sĩ mà còn cho cả những người làm công tác văn học nghệ thuật nói chung. Bác khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”, và Người không quên nhắc nhở: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng… phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
- Trong bài nói chuyện tại phiên bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai vào tối ngày 28/2/1957, Hồ Chủ tịch khiêm tốn nhận là “một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”. Người biểu dương những đóng góp và chỉ ra nhiệm vụ của giới văn nghệ vào sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và xây dựng hòa bình. Người nêu rõ: để hoàn thành nhiệm vụ ấy, văn nghệ sĩ phải trau dồi tư tưởng và nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng; phải đi sát sự thực; phải trau dồi đạo đức cách mạng, trước hết là đức khiêm tốn, đoàn kết, khắc phục khó khăn.
- Dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III vào ngày 1/12/1962, trong bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến tác dụng cổ động tinh thần cách mạng của văn chương, về những đóng góp của nghệ thuật vào công cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc. Người khẳng định: “Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Người căn dặn văn nghệ sĩ: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) năm 1947. (Ảnh tư liệu)
Lời căn dặn của Bác đối với văn nghệ sĩ thật rõ ràng, dễ hiểu, đó là những bài học giản dị mà sâu sắc, tinh tế, có giá trị định hướng cụ thể về nhận thức, tư tưởng và hành động, là kim chỉ nam trong rèn luyện đạo đức và cho con đường hoạt động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Văn nghệ phải gắn với thực tiễn của đời sống nhân dân
Thực tiễn đời sống của nhân dân ta là lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng cuộc sống mới. Văn nghệ vừa phản ánh thực tiễn ấy, vừa hướng cho nhân dân thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn ấy theo quy luật của cái đẹp. Chỉ có thực tiễn đời sống của nhân dân mới đem lại nguồn sinh khí vô tận cho văn nghệ. Thực tiễn ấy cung cấp những chất liệu không bao giờ cạn cho văn nghệ sĩ, từ đó với tài năng sáng tạo của mình và tinh thần nhân văn luôn hướng về những người lao động, văn nghệ sĩ có thể nhào nặn, thăng hoa để tạo nên những tác phẩm có giá trị, có sức sống vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Những tác phẩm văn nghệ lớn của những nghệ sĩ lớn thuộc nhiều dân tộc từ trước đến nay trở thành tài sản chung của nhân loại đã chứng minh điều đó.
Theo tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với chiến sĩ văn nghệ là phải "thật hoà mình với quần chúng" và không được quên rằng: "chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta".
Với thực tiễn phát triển đất nước thời kỳ quá độ, Người còn chỉ rõ: “Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v.. Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn. Nói tóm lại: phải có khen cũng phải có chê. Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ thẹn. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thu. Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.
Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của đất nước và dân tộc; phải phản ánh cho hay, cho chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân
Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ qua lời căn dặn văn nghệ sĩ tại Đại hội văn nghệ lần thứ III: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”.
Tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại phải là những tác phẩm miêu tả vừa hay, vừa chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Tác phẩm đó phải phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, được quần chúng yêu thích, đem lại những chuyển biến tích cực trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mọi người.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt".
Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. (Ảnh tư liệu)
Tính nghệ thuật cao còn phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm phải chân thực và phong phú, hình thức của nó phải trong sáng và vui tươi, tạo nên sự hấp dẫn vì sự bổ ích của nó đối với quần chúng. Phản ánh cho chân thực không phải chỉ dừng lại ở chỗ phản ánh những gì đã có trong đời sống của nhân dân, mà còn phải hướng nhân dân loại bỏ cái giả, cái sai, cái không đúng, cái dở, cái xấu để vươn tới cái đẹp, lý tưởng, đó chính là sự phản ánh có tính hướng đích của văn nghệ.
Từ những quan điểm của Bác về văn hóa văn nghệ đã nêu trên, chúng ta một lần nữa thấm nhuần hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng trong đội ngũ văn nghệ sĩ giai đoạn hiện nay.
(Còn tiếp)
Đặng Thị Thúy
Kỳ 2: Để văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ xung kích, quả cảm trên mặt trận tư tưởng, văn hóa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...