Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
04:01 (GMT +7)

Thái Nguyên ơi sao mà nhớ mà thương

VNTN- Thái Nguyên là nơi đã lưu giữ thanh xuân của tôi với nhiều kỉ niệm vui buồn, đã nuôi dưỡng, cưu mang, che chở tôi suốt một chặng đường khá dài để bây giờ lòng tôi luôn níu náu nơi đây…

Tác giả (bên phải) và một sinh viên khóa sau

Anh đi giữa chiều đầy sương khói...

Thái Nguyên ơi dù đường dài cách trở...

Đó là những ca từ trong bài hát “Chiều quê hương” của nhạc sĩ Đặng An Nguyên (phổ thơ Nguyễn Anh Thuấn) mà tôi vẫn thường nghe vào mỗi buổi sớm khi còn ở phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên. Một lần mở radio tôi đã tình cờ nghe được những ca từ giản dị đó từ giọng ca của ca sĩ Trọng Tấn trên làn sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên. Những giai điệu đó đã đi theo tôi đến tận bây giờ và cả sau này nữa. Có phải ca khúc quá ấn tượng, hay tôi và Thái Nguyên đã có những duyên nợ mà nơi này thật gắn bó, gần gũi, thân thương. Mỗi lần nhắc đến Thái Nguyên tôi lại nhớ về những con người nơi đây, nhớ một thời tuổi trẻ trên một miền đất giàu truyền thống cách mạng, nhớ về những người thầy, người bạn trong ngôi trường có bề dầy lịch sử.

Trước đây Thái Nguyên đối với tôi là một miền đất khá xa lạ. Tôi chỉ biết nơi đây nổi tiếng với thép và chè. Nơi đây cũng có con sông Cầu chảy qua như Bắc Giang quê tôi, nhưng thời tiết về mùa đông thì chẳng dễ chịu chút nào. Này nhé: Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang (thơ Tố Hữu). Bố tôi bảo, Thái Nguyên có mùa đông lạnh nhưng tình người thì cả bốn mùa ấm áp. Bố từng kể với tôi, người Thái Nguyên có đức tính cần cù, hiền hòa, tốt bụng và rất chân tình. Đây là nơi đất lành chim đậu, người tứ xứ về lập nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây có tới 46 dân tộc cùng sinh sống, số dân tộc quần tụ về một tỉnh thuộc vào loại nhiều nhất cả nước (chỉ sau Đắk Lắk), tạo nên những nét tính cách, những bản sắc văn hóa đa dạng. Người với người dựa vào nhau mà sống, no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, yêu thương nhau như ruột thịt. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất Thái Nguyên (cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang) được Bác Hồ đặt niềm tin chọn làm Thủ đô kháng chiến sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

Ở huyện Phú Bình, bố tôi có một người anh em kết nghĩa, đó là bác Thấy. Nghe nói những năm 1980, bố tôi đi bộ đội đóng quân ở trên đó đã được gia đình bác giúp đỡ, cưu mang. Đó là một xóm nghèo, nhà bác cũng thuộc dạng nghèo nhất xóm, lại đông con, mà hễ bộ đội cần giúp gì gia đình bác cũng giúp, không tiếc thứ gì cả. Cảm kích trước tấm lòng của một con người đất Thái, bố tôi đã nhận bác Thấy là anh, hai gia đình vẫn đi lại cho đến tận bây giờ. Mỗi khi hai gia đình có việc lớn nhỏ đều không quên mời nhau về, có khi chỉ là ngày thường cũng mời nhau đến chơi. Hầu như lần nào xuống nhà tôi chơi bác cũng mang theo một ít chè biếu bố tôi, hẳn là ai đi đâu xa thăm người thân cũng cố gắng mang những đặc sản ngon nhất của quê hương đến với những người mình yêu quý nhất.

Từ nhỏ tôi đã có mơ ước được học đại học trên đất Thái nên khi nộp hồ sơ tôi đã chọn Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp. Khi đi thi, vợ chồng cô chủ phòng trọ rất thân thiện, luôn ân cần hỏi han, động viên tôi rất nhiều để tôi tự tin hơn trong suốt kì thi. Khách trọ trong nhà cô đến từ khắp mọi miền quê nhưng tôi nhớ nhất là một bạn nữ đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đưa em đi thi. Hai chị em cùng học ở Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, cùng quyết tâm theo sự nghiệp trồng người, cùng chọn Thái Nguyên là nơi ươm mầm ước mơ của mình. Nghe hai chị em kể về Thái Nguyên, nghe cách họ quyết tâm để vào trường sư phạm tôi cũng quyết tâm làm bài thật tốt nhưng cái duyên được học ở đất Thái vẫn chưa tới. Năm sau tôi lại khăn gói lên Thái Nguyên thi tiếp, lại vào nhà cô chú năm trước xin trọ và lần này tôi đã đạt được ước mơ của mình, cái duyên với Thái Nguyên cũng vì thế mà gắn bó.

Cổng Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã mở ra đón tôi cùng một lứa sinh viên mới từ bốn phương tụ về. Chúng tôi bỡ ngỡ khi phải xa gia đình, đi những bước chân đầu tiên trên một ngôi trường mới, nhà trường cũng bỡ ngỡ khi bắt đầu áp dụng học chế tín chỉ theo quy chế 43 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là hình thức đào tạo có nhiều điểm ưu việt, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên, nhưng cũng thật nhiều thách thức đối với cả thầy và trò. Song chúng tôi luôn quyết tâm chinh phục những kiến thức mới.

Nhớ về những năm tháng ấy tôi không thể không kể đến bạn Thanh lớp phó học tập, một người con Thái Nguyên thông minh và nhanh nhẹn, hay giúp đỡ tôi và các bạn khác những bài tập khó. Tôi nhớ thầy Tuyển, thầy Hiệu... những người thầy cực kì nghiêm khắc, dạy môn khí cụ điện, hệ thống điện... là những môn học khó, đầy ám ảnh đối với chúng tôi. Tôi nhớ thầy Phan Quang Thế, cựu sinh viên K10 Trường Đại học Cơ điện (tên cũ của trường tôi), một người con Thái Nguyên quê gốc Hưng Yên luôn nêu gương trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vốn là một sinh viên giỏi của trường, thầy đã ở lại trường làm giảng viên, tiếp nối, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ thầy cô đi trước. Thầy là một người có tư tưởng đổi mới, rất nghiêm khắc, luôn tận tâm với học trò, trăn trở với chất lượng dạy và học của nhà trường. Thầy Phan Quang Thế và thầy Nguyễn Đăng Bình là hai người thầy đã có công đưa học chế tín chỉ về trường từ khá sớm so với nhiều trường khác trong cả nước. Còn biết bao thầy cô có quê từ nhiều tỉnh thành khác nhau vì yêu mảnh đất Thái Nguyên mà đã chọn ở lại nơi đây cống hiến sức trẻ cho trường, cho thành phố này.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nhìn từ trên cao. Nguồn: edu2review.com

Năm năm sống và học tập trên Thái Nguyên là những năm học cực kì khó khăn và vất vả đối với chúng tôi. Song với quyết tâm và nỗ lực của cả thầy và trò, chúng tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy, học chế tín chỉ đã được áp dụng thành công tại một trường ở Thái Nguyên. Đã có nhiều trường trong cả nước đến trường tôi học hỏi kinh nghiệm phương pháp đào tạo theo học chế tín chỉ. Năm năm không phải là một khoảng thời gian dài so với một đời người nhưng cũng không phải là một khoảng thời gian ngắn để ta hiểu và thêm yêu một vùng đất. Thái Nguyên là nơi đã lưu giữ thanh xuân của tôi với nhiều kỉ niệm vui buồn, đã nuôi dưỡng, cưu mang, che chở tôi suốt một chặng đường khá dài để bây giờ lòng tôi luôn níu náu nơi đây.

Những ca từ, giai điệu trong trong ca khúc “Chiều quê hương” vẫn quyện lấy tâm hồn tôi: Thái Nguyên ơi sao mà nhớ mà thương/ Yêu tha thiết mỗi sớm chiều quê hương”. Quả thực tôi muốn hát lại đời mình, viết lại những kỉ niệm đời mình nơi đây. Giai điệu từ người con quê hương Đại Từ, Thái Nguyên kết hợp với lời thơ của một nhà thơ Kinh Bắc đã nói hộ tình cảm của biết bao con người sinh ra và lớn lên trên đất Thái, của bao con người đã từng sống và làm việc nơi đây, trong đó có tôi. Và tôi tin tỉnh Thái Nguyên sẽ làm tròn lời dạy của Bác Hồ trong lần cuối Người đến thăm nơi đây: "Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta". Đó cũng là mong muốn của tôi, của tất cả những con người luôn để Thái Nguyên trong trái tim mình.

Nguyễn Chí Diễn

(Việt Yên, Bắc Giang)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 5 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước