Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:51 (GMT +7)

Thái Nguyên cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo

VNTN- Trong dòng chảy bất tận của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, thì lịch sử cách mạng, lịch sử anh hùng và văn hiến của mảnh đất và con người Thái Nguyên đã được bồi lắng qua các địa tầng văn hóa…

Hồ Bi gù (xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên). Ảnh: Phan Thái

Thái Nguyên - Mảnh đất hội tụ linh khí của đất trời trong hình sông thế núi, trong muôn áng hùng văn, huyền tích và những vần thơ trác tuyệt như nét son sáng xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, thì lịch sử cách mạng, lịch sử anh hùng và văn hiến của mảnh đất và con người Thái Nguyên đã được bồi lắng qua các địa tầng văn hóa. Như mọi người dân Thái Nguyên khác, tình cảm và sự gắn bó của tôi với Thái Nguyên càng thêm sâu sắc khi hiểu rõ về cội nguồn nơi mình sinh ra và lớn lên.

Tôi không rõ mình có duyên nợ gì với Thái Nguyên hay không, nhưng những đơn vị tôi từng công tác tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đều ẩn chứa bao điều đầy huyền cảm ngân vọng từ quá khứ trong âm hưởng hào hùng của dân tộc.

Vào làm việc tại Mỏ than Phấn Mễ, tôi được biết người Pháp khai thác những tấn than đầu tiên vào năm 1910. Năm 1917 công nhân Mỏ đã kéo về tỉnh lị tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Năm 1926 - 1927, đồng chí Hoàng Quốc Việt về Mỏ làm thợ nguội và tuyên truyền mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Ngày 30/4/1945, công nhân mỏ đã nổi dậy giành chính quyền, chuẩn bị lực lượng tham gia Tổng khởi nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỏ than Phấn Mễ là nơi ta đặt Xưởng Quân giới sản xuất vũ khí do nhà khoa học Trần Đại Nghĩa trực tiếp chỉ đạo. Năm 1954 một lượng lớn tù binh Pháp tại các mặt trận được đưa về Thái Nguyên khai thác than cung cấp cho nhu cầu phát điện của Thủ đô.

Công tác tại cơ quan Công đoàn Công ty, chức năng của Công đoàn cho phép tôi có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các tư liệu lịch sử, các nhân chứng nhiều thế hệ và được biết tường tận về tinh thần của những người thợ Gang thép mặc áo lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, về hành động quả cảm của Sư đoàn Tự vệ Gang thép trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy hinh anh dũng của cán bộ đội viên Đại đội TNXP 915 tại khu vực ga Lưu Xá.

Thời gian triển khai Dự án đầu tư xây dựng Mỏ sắt Tiến Bộ tại xã Linh Sơn, tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến dấu tích về cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược và nơi Đại đội TNXP 915 đóng quân làm nhiệm vụ. Cũng thời gian này, tôi lại được các nhà sử học cung cấp tư liệu thời trẻ của đại thi hào Nguyễn Du khi ông là Chánh thủ Hiệu quân hùng hậu xứ Thái Nguyên kiêm quyền Trấn thủ Thái Nguyên.

Giữa những nguồn tư liệu, tôi đặc biệt ấn tượng về cuộc chiến chống quân Tống xâm lược năm 1077. Trận chiến đẫm máu diễn ra tại phòng tuyến Linh Sơn (còn gọi là Núi Thiêng) cách đây cả ngàn năm, nhưng lòng quả cảm và chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt vẫn râm ran bao huyền tích. Máu người xưa làm lên lịch sử, còn mãi đến muôn đời mọi cống hiến hy sinh đã hóa thành bất tử.

Trải lòng cùng tình sông thế núi, tổ tiên chúng ta đã gửi lại muôn sau một Linh Sơn đầy hoài cảm. Tạo hóa ban tặng con người nơi đây cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ vĩ. Dòng sông Mo Linh uốn lượn hợp lưu với sông Cầu tạo nên một Bến Tượng thơ mộng. Làng xóm ngự hướng địa linh, lưng tựa vào núi, mặt dõi về sông. Đại bản doanh của các tướng lĩnh Đại Việt đặt tại vòng cung núi thế rồng chầu hổ phục ấy. Cách Núi Thiêng không xa, “Cánh đồng trận” mênh mông khấp khểnh nối nhau như đủ loại khiên, áo giáp vương vãi. Cánh đồng này là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, xác giặc được thu gom chất thành đống. Một khu đất rộng với chiếc ao đá mang tên Ao Than. Đây là nơi khi giặc thua trận, những tên bị thương được quân ta đưa về chữa trị vết thương, chúng ngày đêm than khóc… Vùng đất này vẫn còn nhiều dấu tích kho vũ khí, quân lương, bến tắm voi bên sông Cầu.

Trong các trận đánh, nhiều tướng lĩnh và binh lính của ta đã tử trận dưới gươm đao quân Tống, những linh hồn binh sỹ tử trận lang thang. Nguyên phi Ỷ Lan trong một lần kinh lý đã cảm động ban chiếu lập đền thờ. Tấm bia đá khắc những vần thơ của bà còn hiện hữu bên hang núi.

Nhiều đêm nghỉ lại tại Linh Sơn để tiến hành mở mỏ, tôi cũng từng chứng kiến những khoảnh khắc kì lạ tại miền chiến địa xưa. Mùa trăng, những dãy đồi núi mơ màng uốn lượn sừng sững khảm khắc vào trời như bức cổ thạch. Dưới vòm cây, trăng như những hạt vàng lấp lánh lọt qua kẽ lá rắc lên cỏ. Làn hương từ trăng theo gió lan nhẹ. Tiếng quân reo, tiếng ngựa hí ngập tràn trăng cuốn tôi vào trận chiến ấy. Nếu không có những năm tháng sống và làm việc tại miền đất này, rất có thể con đường sáng tác văn học của tôi rẽ sang hướng đi khác.

Không chỉ trên các dòng lịch sử, tôi luôn bị ám ảnh bởi ký ức của những người từng đi qua năm tháng khốc liệt. Hành động của ông Trương, người công nhân già của Mỏ than Phấn Mễ giật bức tối hậu thư trên tay người chỉ huy cuộc nổi dậy, một mình đĩnh đạc bước tới cổng đồn Nhật và câu nói sau cùng: “Để tao vào. Tao ngần này tuổi, chết cũng được. Mày ở lại lo cho anh em”. Làn mưa đạn giặc găm trên cơ thể ông biến thành nguồn sức mạnh kì diệu trong những người thợ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Linh Sơn nhớ lại: Trong trận bom máy bay Mỹ ném xuống một đơn vị quân đội tại Linh Sơn, hàng chục cán bộ chiến sỹ hy sinh. Một chiến sỹ đơn vị ông bị thương vào bụng, ruột đứt nhiều đoạn văng ra ngoài. Trong vòng tay đồng đội, anh chỉ nói được mấy câu rồi tắt thở: “Mình không sống được đâu… Mới mua cho mẹ cái áo, các cậu gửi hộ… Túi mình còn hai hào, các cậu lấy một hào đóng cho mình Đoàn phí”.

Với độ lùi cần thiết về thời gian để trải nghiệm, kiểm chứng, tôi bắt đầu viết về đề tài lịch sử Thái Nguyên bằng sự hiểu biết và qua hồi ức của những người đang sống. Tuy nhiên, sáng tác văn học đã khó, sáng tác về đề tài lịch sử Thái Nguyên lại càng khó hơn. Bởi lẽ đề tài lịch sử là loại diễn ngôn đặc thù. Thái Nguyên có nét đặc trưng riêng về văn hóa, phong tục tập quán của nhiều dân tộc anh em. Xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử với đầy đủ mọi trạng thái từ hình ảnh đến yếu tố tâm lý là điều không dễ dàng.

Các cuốn tiểu thuyết đã ấn hành: “Nắng phía sau mặt trời” thể hiện cuộc sống chiến đầu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ đội viên Đại đội TNXP 915, “Linh Sơn tử chiến” viết về trận chiến chống quân xâm lược nhà Tống và “Bình minh máu” viết về cuộc nổi dậy của công nhân Mỏ than Phấn Mễ, dù có thể mới là những lát cắt, nhưng đã được tôi tái hiện một cách chân thực.

Tới đây cuốn “Thanh gươm và cây tính tẩu” viết về các tộc trưởng, tù trưởng Thái Nguyên trong đội ngũ các chiến binh Đại Việt chống kẻ thù xâm lược và cuốn “Thái Nguyên Hiệu quân sứ” viết về Nguyễn Du ra mắt độc giả, tiếp tục sẽ là lời tri ân sâu sắc.

Tái hiện lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào, kiêu hãnh của mảnh đất và con người Thái Nguyên với tôi cũng là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo. Nỗ lực nhiều hơn để có những tác phẩm văn học sử đích thực là điều tôi xác định.

Phan Thái (Số nhà 156, tổ 8, phường Chùa hang, tp Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước