Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:58 (GMT +7)

Tết của người Việt ở Nga

TẾT NGA DẦN TRỞ THÀNH TẾT VIỆT

Mới cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, ở Thủ đô Matxcơva, đã thấy rạo rực không khí đón Giáng sinh và năm mới, bởi các cây thông cao mấy chục mét nhấp nháy đèn màu được dựng lên tại Quảng trường Đỏ và những khu phố chính. Cửa hiệu nào cũng chăng đèn kết hoa và dòng chữ “Snovưm Godom” (Chúc mừng Năm mới).

 

Người Nga đua nhau đi sắm Tết. Đây là dịp tạo cơ hội cho người Việt kinh doanh ở chợ gặt hái từ túi tiền những người đi mua sắm. Vì thế, bà con mình phải tranh thủ bán hàng cho đến tận chiều ngày 31 mới nghỉ. Tết Dương lịch, người Nga được nghỉ ít nhất 10 ngày (theo lịch Grigorian trùng với các nước phương Tây). Ngày 13 tháng 1, họ lại còn ăn Tết truyền thống thêm một ngày nữa (theo Lịch Nga cũ - Lịch Juilian). Người Nga nghỉ Tết là xả láng vui chơi rượu chè, dân Việt mình bắt buộc phải nghỉ theo, bởi đi chợ bán hàng cũng chẳng có ai mua. Thời giờ rỗi không biết làm gì, thì dân mình tổ chức ăn Tết cùng với dân bản địa. Ở Nga lâu năm, họ dần cảm nhận được sự háo hức đón mừng năm mới của người Nga, cảm nhận được thời khắc Giao thừa Dương lịch ở trời Tây cũng rất thiêng liêng, coi Tết Dương lịch quan trọng gần như Tết Nguyên đán của mình.

 

Các bạn trẻ Hội Thánh “Lời sự sống” Việt Nam tại Matxcơva đón Giao thừa Dương lịch bên cây thông Năm mới ở Quảng trường Đỏ.

Thời khắc giao thừa càng náo nức, rộn rã khi Tổng thống Pu tin vừa kết thúc Lời chúc Tết trên tivi, chuông nhà thờ điện Kremli điểm 12 tiếng, tiếng pháo nổ bùng lên, cả Đất Trời sáng rực. Nam thanh nữ tú (trong đó có rất nhiều người Việt) đổ ra đường hò reo xem bắn pháo hoa và đón mừng năm mới. Những người không ra đường thì ngồi nhà uống rượu, mở ti vi xem chương trình ca nhạc mừng Xuân của Nga. Cách thức đón năm mới, sự may rủi hên xui của cả năm, cũng được nhiều người Việt xem trọng tính từ lúc Giao thừa Dương lịch. Nhiều năm nay, hàng trăm người Việt ở Hội Thánh Tin lành “Lời sự sống” Việt Nam tại Matxcơva có lệ đón Tết Dương lịch tại Hội trường Trung tâm Thánh kinh Lời sự sống, chung với các tín hữu người Nga và các dân tộc khác. Lễ bắt đầu từ 11 giờ đêm, nghe giảng bài và hát Thánh ca. Hội trường có sức chứa tới gần 2.000 người. Vào lúc 0 giờ kém 30 giây, trên màn hình lớn xuất hiện đồng hồ đếm Thời gian. Tất cả cùng đồng thanh đếm giật lùi. Đúng Không giờ, tất cả reo hò và vỗ tay mừng năm mới. Mục sư trưởng Matts Ola cầu nguyện chúc phước cho tất cả mọi người. Sau lễ đón Giao thừa, mọi người ùa ra sân cùng đốt pháo rồi trở về nhà hoặc rủ nhau đi chơi phố...

 

Khối công nhân may mặc người Việt tại Matxcơva, năm nào ít đơn đặt hàng thì đón Tết sớm hơn so với cộng đồng người Việt bên ngoài. Ở một số xưởng, có nhiều công nhân người Nam Định theo Thiên Chúa giáo, các chủ xưởng đã mời Cha xứ nhà thờ Công giáo đến tổ chức Lễ Giáng sinh và đón Tết cho công nhân. Họ tổ chức thi hát Thánh ca. Tập thể đoạt hạng nhất được trao giải thưởng. Mấy ông chủ ở đây hiểu tâm lý và biết thương công nhân, cho đón tết hoành tráng, có trang trí phông màn, dán câu đối, đèn màu rực rỡ. Họ tổ chức tiệc không kém phần thịnh soạn, sau đó tổ chức thi hát karaoke, hái hoa dân chủ có thưởng, nhảy múa suốt đêm. Cánh sinh viên Việt Nam tại các trường Đại học Matxcơva, sống trong các ốp (Ký túc xá - người Việt gọi tắt từ tiếng Nga) đón Tết hồn nhiên vui vẻ nhất. Họ đổ ra bờ sông Matxcơva và Quảng trường Đỏ xem bắn pháo hoa và chụp ảnh kỷ niệm. Tại các thành phố Tomxk và Irkusk ở vùng Xibiri thường lạnh âm 30 - 40 độ, năm nào Tết ít lạnh, khoảng âm 20 - 25 độ thì các bạn sinh viên ở đây chọn đến địa điểm cây thông ở Trung tâm thành phố để đón Giao thừa. Có năm sinh viên Việt Nam Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk thực hiện Bản tin Thời sự Truyền hình phát sóng số đầu tiên mừng năm mới, không kém gì Truyền hình chuyên nghiệp. Các bạn sinh viên ở Tula, Voronhez… ngoài việc tổ chức ẩm thực, còn có chương trình giao lưu văn nghệ rất sôi nổi…

TẾT TA RƯNG RƯNG NỖI NHỚ NHÀ

Vào lúc ở quê nhà rạo rực hoa đào, hoa mai nở, mọi người náo nức đón Tết Nguyên đán, thì bên này vẫn còn tuyết rơi mù mịt, băng giá có khi tới 15 - 20 độ âm, chẳng có vẻ gì là Tết cả. Dù vậy, người Việt không bao giờ quên cái Tết truyền thống ngàn đời đã ngấm sâu vào tiềm thức của mình.

 

Các gia đình người Việt thường tập trung ăn tết mỗi dịp Xuân về

Dù đã sống ở Nga mấy chục năm, người Việt Nam nào cũng vẫn coi Tết Nguyên đán cổ truyền là thiêng liêng hơn cả. Người Việt ở Nga đông, nhưng ít có người được nhập quốc tịch và sống định cư, bởi chính sách Nga đối với người nhập cư rất khắt khe. Vì thế, các chuyến bay cuối năm âm lịch đầy ắp người về Việt Nam ăn Tết. Các hãng hàng không thường phải tăng chuyến bổ sung. Vé máy bay dịp Tết Nguyên đán thay đổi từng ngày, có khi vé khứ hồi lên đến gần 1.400 USD (tăng so với ngày thường từ 3 đến 6 trăm đô), nhưng người ta chấp nhận để có một chuyến ăn Tết ở quê hương với cha mẹ, vợ con. Tuy vậy, lượng người ở lại ăn Tết vẫn đông hơn lượng người về.

 

Đại diện các Hiệp hội cộng đồng người Việt tại Nga đón Tết ở Hội trường Đại sứ quán.

Người ta sắm sửa ăn Tết ta to hơn Tết tây. Quà cáp biếu nhau, phong bao lì xì cho trẻ em nhiều hơn. Tuy Tết to, nhưng với người kinh doanh ngoài chợ, Tết Nguyên đán thường chỉ diễn ra chỉ được có một, hai ngày.

Tết âm lịch rất quan trọng với ta, nhưng lại là ngày làm việc bình thường của Nga. Tiền thuê chỗ bán hàng đã đóng trước cả tháng. Nghỉ một ngày là phí mất dăm trăm đô. Ngày 30 Tết vẫn phải bán hàng. Tiền thuê chỗ phải đóng trước cả tháng, nghỉ ngày lễ người ta cũng chẳng trừ cho một đồng nào. Ở Chợ Liublino, tiền thuê quầy bán hàng có diện tích 15m2 trung bình 500 đến 600 nghìn rúp 1 tháng. Nghĩa là khoảng gần 20 nghìn USD một ngày. Đấy mới chỉ tính tiền thuê chỗ thôi. Con số này, khi tôi nói ra, nhiều người trong nước kinh ngạc, trợn tròn mắt, họ không thể tưởng tượng nổi. Người Việt kinh doanh buôn bán ở Nga chịu nhiều áp lực. Bà con chỉ dám nghỉ chợ để ăn Tết ngày mồng một âm, còn lại gần như 360 ngày làm việc quần quật. Có năm, người ta tính: Mồng một năm nay là ngày đẹp, đi bán mở hàng lấy may, mồng hai mới nghỉ ăn Tết. Nếu chỉ tính riêng cường độ lao động, có thể nói đa số bà con người Việt ở chợ Liublino, chợ Sadovod (người Việt quen gọi là Chợ Chim) có thể được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Những người ở xưởng may, ở những trại trồng rau trong nhà kính, các cháu học sinh phổ thông cũng vậy, phải làm việc hoặc đến trường ngay từ sáng mồng 2. Không có thời giờ chuẩn bị Tết, tất cả trông vào dịch vụ. Các dịch vụ của người Việt hái ra tiền vào dịp Tết. Trước tết cả tuần, các hàng khô đã bày bán bánh chưng, mứt hộp, giò chả… Những năm đầu thập kỷ 90, bánh chưng phải đánh từ Việt Nam qua đường máy bay. Khi cộng đồng ổn định và các loại dịch vụ hình thành, người ta chỉ đánh mỗi lá dong sang theo máy bay. Còn gạo nếp chở sang bằng đường biển, vì gạo nếp Tasken (Uzơbekistan) gói không ngon bằng nếp Việt. Đỗ xanh, thịt lợn, các loại gia vị có sẵn từ các nước Trung Á chở lên rồi, chỉ việc gói và luộc bánh tại chỗ, giá thành rẻ hơn trước. Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… thứ gì cũng có, hệt như ở Việt Nam. Chiều 30 Tết, nghỉ chợ sớm hơn ngày thường, chỉ việc luộc con gà, hầm nồi măng chân giò, rán ít nem, thế là có mâm cỗ tất niên. Trong khói hương trầm chiều 30, người ta khấn tổ tiên, cảm tạ Trời Phật và cầu mong một năm mới tốt lành.

 

Các gia đình Việt kiều (chồng Việt vợ Nga) đón Tết Âm lịch tại Nhà hàng Hạ Long (Matxcơva)

Ở khu vực ngoại giao đoàn Obolenxki Pereulok, nơi có nhiều con em cán bộ Đại sứ quán và hơn 100 gia đình các doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, các bậc phụ huynh đã tổ chức mừng Noel và Năm mới cho các cháu vui vẻ và đầm ấm. Cây thông Noel được dựng tại sân chơi, kéo dài cho tới hết Tết cổ truyền của dân tộc, để khu nhà lúc nào cũng có không khí Tết. Thường vào ngày 26, 27 tháng Chạp, Đại sứ quán tổ chức liên hoan đón Tết cho cán bộ nhân viên, cùng đại diện các Hội nghề nghiệp, các Hội đồng hương, các công ty lớn của người Việt trên địa bàn Matxcơva. Có năm, Đại sứ quán hoặc Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức mời các ca sĩ trong nước sang biểu diễn phục vụ cộng đồng miễn phí. Các gia đình chồng Việt vợ Nga, thỉnh thoảng cũng dẫn con cái vào ăn Tết chung trong ốp cùng với cộng đồng, để vợ con hiểu thêm về văn hóa Việt. Mấy năm nay, các ký túc xá của Cộng đồng người Việt ở Matxcơva bị giải thể, bà con tản ra thuê các căn hộ biệt lập. Vì thế không còn cảnh các chủ ốp, chủ công ty tổ chức cho bà con đón Tết tập trung hoành tráng, nhộn nhịp như ngày xưa. Nhà nào biết nhà đó. Những ai sống cùng khu vực thì rủ nhau đến cùng uống rượu. Xa thì chúc Tết nhau qua điện thoại.

 

Tám giờ tối ở Nga, là bắt đầu giao thừa ở quê nhà. Tết Dương thì tha hồ đốt pháo hoa cùng người Tây nhưng tết Ta không ai dám đốt pháo hoa, sợ kinh động đến xung quanh. Người ta mở sẵn chương trình VTV4 dành cho kiều bào ở nước ngoài, để xem không khí Tết Việt Nam. Nhờ có VTV4, quê hương đất nước như thấy gần hơn. Hết ngày mồng Một là hết Tết. Người Việt tổ chức đón Tết Nguyên đán cho khỏi quên nguồn cội của mình, giữ lại một tập tục văn hóa đã ngấm vào máu thịt. Ở phương trời băng giá mù mịt tuyết giăng, dù có tổ chức cho to thế nào chăng nữa, vẫn không ra phong vị Tết quê nhà. Nó thiếu những hạt mưa phùn lất phất trên đường quê, thiếu sương xuân và hoa đào, thiếu sự quây quần đầm ấm bên cha mẹ, vợ con và họ hàng thân thuộc. Giờ phút Giao thừa, dù ở lâu năm hay mới sang Nga, ai cũng thấy rưng rưng nỗi nhớ nhà.

CHÂU HỒNG THỦY

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy