Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:25 (GMT +7)

Tao Đàn – tạp chí chuyên về văn hóa, văn học, nghệ thuật đầu tiên trong nền báo chí nước ta trước Cách mạng

VNTN - Tao Đàn là tạp chí chuyên về văn hóa - văn học nghệ thuật đầu tiên trong nền báo chí nước ta trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tao Đàn ra đều kỳ được 13 số trong năm 1939 (từ tháng 3 đến tháng 7 là 2 kỳ/ 1 tháng; từ tháng 8 đến tháng 10 là 1 kỳ/ 1tháng) và 2 số đặc biệt (về Tản Đà - tháng 7, gồm 134 trang; về Vũ Trọng Phụng - tháng 12, gồm 88 trang), với tổng cộng 1.374 trang in. Đây là tờ tạp chí văn hóa - văn học nghệ thuật không những có vị trí đặc biệt mà còn có những đóng góp mở đầu to lớn, quan trọng về tư tưởng lẫn học thuật.

Năm 1998, trọn bộ tạp chí này được PGS.TS - Nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện và nhà nghiên cứu Lữ Huy Nguyên sưu tầm biên soạn từ phục nguyên bản gốc.

Bìa Tạp chí Tao Đàn số đặc biệt

Bộ biên tập và tuyên ngôn tạp chí

Bộ biên tập tạp chí Tao Đàn cũng đồng thời là những người chủ nhiệm và quản lý tạp chí, bao gồm: Thứ nhất, nhà văn, nhà báo Vũ Đình Long - Chủ nhiệm tạp chí. Ông đảm bảo tư cách pháp nhân của ấn phẩm; Thứ hai, nhà văn, nhà báo Lan Khai - Tổng thư ký quản lý tạp chí từ số 1 đến số 10. Ông vừa là người định hướng tổ chức bài vở của tạp chí liền trong mười số đầu, vừa là nhà sáng tác văn xuôi, một cây bút viết tùy bút, tiểu luận - phê bình. Ông bỏ nhiều công sức vun đắp xây dựng tạp chí đi đúng theo lộ trình và mục đích đã xác định; Thứ ba, nhà văn, nhà báo Nguyễn Triệu Luật - Quản lý tạp chí từ số 11 đến số 13; Thứ tư, nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Lư - đảm nhiệm hai số đặc biệt về Tản Đà và Vũ Trọng Phụng.

Tuyên ngôn của tạp chí được thể hiện trong lời “Cùng bạn đọc” đăng trên trang đầu của Số 1 tạp chí, bộ biên tập đã nói rõ mục đích của tạp chí: “Tao Đàn là tờ tạp chí không phải là cơ quan riêng của văn phái nào. Nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hóa Việt Nam”[5, tr.22].

Tao Đàn chủ trương tránh biệt phái, mà cố gắng trở thành một diễn đàn mở rộng, có khả năng tập hợp và hội tụ các lực lượng tuy chính kiến có thể khác nhau, nhưng có chung lập trường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không để rơi vào tình trạng mất gốc, tầm gửi vào các nền văn hóa ngoại lai. Rõ ràng, đó là mục đích cao đẹp mà Tao Đàn đặt ra, và quan trọng hơn là tạp chí đã nỗ lực để thực hiện trong suốt thời gian tồn tại. Trên thực tế đúng như tuyên ngôn đặt ra, Tao Đàn đã có đóng góp lớn cho nền báo chí Việt Nam cũng như cho nền văn hóa dân tộc.

Thể hiện tinh thần dân tộc và tính nhân văn của nền văn hóa Việt Nam

Tinh thần dân tộc và tính nhân văn của nền văn hóa Việt Nam trên Tao Đàn được thể hiện thông qua tuyên ngôn của tạp chí, các phần Nghị luận - Khảo cứu, cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?”, trang sáng tác (thơ hiện đại, văn xuôi hiện đại, kịch nói). Vấn đề phát huy truyền thống văn hóa dân tộc đã được khơi dậy trong những đề tài về tất cả các lĩnh vực hoạt động của văn hóa, văn học nghệ thuật trên bài vở của tạp chí.

Về phần Nghị luận - Khảo cứu, tạp chí Tao Đàn đăng tải các bài tiểu luận khảo sát, giới thiệu về tinh hoa văn hóa dân tộc qua văn học dân gian người Kinh và dân tộc thiểu số (các bài của Phan Khôi, Lâm Tuyền Khách - bút danh khác của Lan Khai); về văn học cổ điển viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (các bài của Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Ngô Tất Tố, Phú Hương...); về văn chương hiện đại (các bài của Trương Tửu, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trúc Đường).

Từ số 2, Tao Đàn đã chủ động tổ chức cuộc trao đổi ý kiến xoay quanh chủ đề “Gây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam như thế nào? Phải chăng có một nền văn chương muôn đời lấy lòng người dân làm căn bản? Giữa nghệ thuật và cuộc đời, cái nào là chính?”, lôi cuốn được các cây bút của hai phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” “nghệ thuật vị nhân sinh” tham gia thảo luận sôi nổi.

Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” đã thu hút nhiều nhà lý luận, phê bình, nhà văn tham gia. Cuộc tranh luận giữa hai phái này đã đặt ra nhiều vấn đề lý luận như cái tôi của người nghệ sĩ, công chúng văn học, tính giai cấp, tính dân tộc, đặc biệt về vấn đề “Gây dựng nền văn hóa Việt Nam như thế nào”. Có thể thấy, cuộc tranh luận về nghệ thuật giai đoạn 1935 - 1939 đã khép lại nhưng ý nghĩa của nó là sâu sắc và to lớn, để lại bài học trước tiên về cách tranh luận học thuật có văn hóa; là sự kiện có tầm quan trọng với văn học sử và có ý nghĩa thiết thực đối với lĩnh vực lý luận văn học; phản ánh được một phần tình hình văn học đương thời và những xu thế phát triển theo khuynh hướng tiến bộ. Tao Đàn đã đăng trọn màn cuối cùng cuộc tranh luận. Nó trở thành diễn đàn rộng rãi, trên đó diễn ra sôi nổi các quan điểm đối lập. Đây là cách làm khá độc đáo của Tao Đàn, cho thấy những nỗ lực trong việc gìn giữ, tiếp thu những tiến bộ văn hóa và đẩy lùi những tàn dư của nền văn hóa cũ.

Phát huy truyền thống văn học dân tộc

Trong thời gian hoạt động chưa đầy một năm, với 13 số đều kỳ và 2 số đặc biệt, Tao Đàn đã nỗ lực thu hút bài vở theo sự phân bố về phần mục và số trang đã định. Thành công của Tao Đàn có thể nói là do tạp chí đã thực hiện sát sao tôn chỉ đặt ra là phấn đấu xây dựng nền văn chương nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc của dân tộc. Tao Đàn đã thể hiện thành công tinh thần dân tộc và tính nhân văn của nền văn hóa Việt Nam. Theo nhận định của PGS.TS - Nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện, “Tao Đàn như một ngôi sao băng, vụt hiện trên bầu trời văn học nước ta, trong những ngày giông bão chiến tranh đang vần vũ, nhưng ánh sáng chói ngời của nó đã tỏa rạng, để lại dấu ấn khó quên trong tâm thức giới sáng tác và người đọc đương thời cũng như rất lâu về sau đến tận hôm nay”[5, tr.22]. Có thể nói, Tao Đàn đã tạo môi trường nuôi dưỡng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế, sắc thái Việt Nam trong nền văn hóa nhân loại.

Tạp chí Tao Đàn là bước nối tiếp mạch nguồn văn hóa dân tộc đã được khởi xướng từ những tờ báo trước đó, đồng thời là bước đệm vững chắc cho báo chí về sau trong việc nhìn nhận về văn hóa, qua đó đã để lại dấu ấn đặc sắc trong diễn trình văn hóa Việt Nam.

Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc điểm truyền thống và hiện đại luôn gắn chặt với nhau, thể hiện trong các lĩnh vực như: Thơ văn dịch; Ngôn ngữ; Lịch sử; Triết học; Tin tức - giới thiệu sách báo mới - tạp ký.v.v.. Việc đảm bảo tính truyền thống và hiện đại của bản sắc dân tộc chính là đã góp phần khắc họa được chân dung dân tộc ta trong cộng đồng thế giới.

Tao Đàn đăng tải cả những sáng tác văn học dân gian của người Việt và của người dân tộc thiểu số, như Lâm Tuyền Khách (Lan Khai) với Những câu hát xanh; Phan Khôi với Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học;...

Văn học cổ điển trên Tao Đàn chủ yếu đề cập đến chữ Nôm và chữ Hán, qua một số khảo cứu của các tác giả như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Tảo Trang, Kinh Dinh. Đáng chú ý trong đó là: Huỳnh Thúc Kháng cùng Trần Thanh Mại có bài “Một nhà viết sử bán nước - một bản sử nhục nhã” viết về quyển An Nam chí lược của Lê Tắc - tên Việt gian đời Trần đã đầu hàng quân xâm lược ngoại bang; Nguyễn Văn Tố cũng đề cập đến ngày cần phải làm tài liệu sử trong bài viết Đã đến ngày viết lại quyển Nam bằng sử chưa?.v.v..

Về văn học hiện đại, Trương Tửu có bài viết “Thưởng thức văn chương - Những cái hay của thơ Tản Đà”. Tác giả cho rằng Tản Đà làm thơ rất công phu, rất An Nam ở cách dùng chữ, nó sẽ còn mãi với thời gian. Coi đây như một ảo thuật gia về chữ, âm thanh, nhạc điệu, Trương Tửu gọi Tản Đà là người kỹ sư điều khiển cái máy từ ngữ Việt Nam.

Bản sắc dân tộc thể hiện trong ngôn ngữ là tiếng nói dân tộc. Ngôn ngữ tiếng Việt với tư cách vừa là công cụ - một phương tiện truyền đạt giao tiếp mang tính bao trùm lại vừa là tiếng nói tự thân bộc lộ tâm tình. Tao Đàn đã dành nhiều trang nói về ngôn ngữ tiếng Việt và chữ quốc ngữ, qua các vấn đề như: Ngôn ngữ dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng và quyết định vào việc hình thành và phát triển dân tộc, quốc gia; Ngôn ngữ dân tộc là một phương diện cho thấy đặc sắc riêng của văn hóa mỗi dân tộc; Ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua tiếng nói và chữ viết của dân tộc ấy là thước đo minh chứng về sự tồn tại và bền vững của dân tộc và quốc gia.v.v..

Đẩy mạnh giao lưu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam

Giao tiếp, trao đổi thông tin là nhu cầu thiết yếu của con người. Giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và các dân tộc đã tồn tại từ thời xa xưa. Sự phát triển giao lưu của xã hội trên tầm quốc tế đã nâng cao hơn nhu cầu tìm hiểu nền văn học của các quốc gia khác. Tao Đàn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu văn hóa. Tạp chí đã phát huy chức năng bộ lọc của văn hóa dân tộc, lựa chọn tiếp thu những yếu tố nhân bản, hợp lý, khoa học, tiến bộ của thế giới. Đó là những bài viết về vũ trụ quan duy vật và duy tâm của Khổng Tử, Trang Tử của các tác giả Hoài Thanh, Lê Chí Thiệp, Ngô Văn Triện, Phan Khôi; các bài về vấn đề phát huy tinh hoa của tư tưởng Á Đông; các bài giới thiệu và phê bình các học thuyết cổ kim của Tây Âu .v.v..

Tao Đàn tham gia vào quá trình tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, tạo cầu nối thông tin giữa bạn đọc với đời sống văn hóa luôn biến động trên toàn cầu. Trên tạp chí, chúng ta gặp Đông Hồ, Mặc Lan, Nguyễn Trọng Thuật, Tản Đà trong những bài dịch văn thơ nước ngoài, như: thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, thơ Biệt hữu nhân, Bài ca đập áo của Lý Bạch (Trung Quốc); truyện Gia đình và thế giới của Rabindranath Tagore (Ấn Độ).v.v..

Tao Đàn xác địch việc dịch văn thơ nước ngoài để làm giàu cho quốc văn là một sự cần thiết. Tạp chí coi như đó là một bổn phận cao quý bởi việc trích dịch tác phẩm ngoại quốc sẽ bổ cứu thêm vào văn học nước nhà, nhưng đồng thời cũng thể hiện một cách xem xét bình tĩnh, khách quan, không nhắm mắt vọng ngoại.

Bên cạnh đó, Tao Đàn còn tập hợp được đông đảo những cây bút tài năng tham gia viết bài. Tên tuổi của họ đã được khẳng định trong thời kỳ đó, và đến tận bây giờ vẫn để lại tiếng vang trên diễn đàn văn học. Họ là những nhà lý luận - khảo cứu, nhà phê bình, nhà sáng tác, nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu lịch sử và triết học.v.v.. Tao Đàn đã thu hút, gây được cảm mến trong đội ngũ cộng tác viên, nghệ sĩ tên tuổi. Họ đã tích cực đóng góp bài vở công phu, tâm huyết cho các chuyên mục định hình của tạp chí. Nếu như các tờ báo, tạp chí trước đó thường gắn liền với tên tuổi một người: Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh với Nam Phong tạp chí, Tản Đà với An Nam tạp chí,... thì Tao Đàn lại là tổng hòa công sức của rất nhiều nhân vật quan trọng trong làng văn, làng báo lúc bấy giờ. Tao Đàn khẳng định, vinh danh những bậc đàn anh, các trí thức văn nghệ sĩ tài năng, với những tên tuổi như Huỳnh Thúc Kháng, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh.v.v..

Tao Đàn còn chú trọng đặt ra việc xây dựng chuẩn văn hóa con người Việt Nam. Đặc biệt với 2 số Tao Đàn tập trung các bài viết về Tản Đà (số đặc biệt tháng 7/1939) và Vũ Trọng Phụng (số đặc biệt, tháng 12/1939), liền sau khi các nhà thơ, nhà văn lớn nói trên vừa qua đời. Tạp chí Tao Đàn có thể xem như đã mở đầu cho thơ văn viết về chân dung tác giả văn học để tưởng niệm, kịp thời ghi lại tình cảm sâu sắc, nóng hổi và sự đánh giá trân trọng của người đương thời, của đồng nghiệp đối với những văn nghệ sĩ đã có công đóng góp lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc.

Rõ ràng, chúng ta cần thừa nhận rằng, những tác giả đó đều là những “anh tài của dân tộc” mà Tao Đàn là mảnh đất tốt để ươm mầm, bồi dưỡng, phát triển cho nảy nở đến tận độ vậy. Điều này chứng tỏ thái độ dân chủ và tiến bộ của tạp chí trong việc tạo dựng một gương mặt riêng của mình trong làng báo. Cũng nhờ vậy mà Tao Đàn đã huy động, khuyến khích được đội ngũ anh tài, ghi được một dấu ấn rất sâu trong diễn trình báo chí cũng như văn hóa Việt Nam.

Thay lời kết

Qua hoạt động của mình, Tao Đàn không chỉ góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn đồng thời lọc bỏ những yếu tố văn hóa không còn phù hợp. Tao Đàn không chỉ tìm về cội nguồn và nhận ra cái cốt lõi căn cước đầu tiên của bản sắc văn hóa Việt Nam nhằm kế thừa, bảo vệ và phát huy những tinh hoa của văn hóa dân tộc, mà còn là một ngả đường quan trọng để tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới. Lịch sử đã lùi xa, nhưng những bài học về xây dựng văn hóa (mà tạp chí Tao Đàn là một điển hình) vẫn là những điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

Vi Thị Phương

Tài liệu tham khảo:

1. Hồng Chương (1987), Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 215tr.

2. Phạm Thanh Hà (2011), Giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 192tr.

3. Đặng Thị Thu Hương (chủ biên) (2016), Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 304tr.

4. Nguyễn Thành (1984), Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 345tr.

5. Nguyễn Ngọc Thiện - Lữ Huy Nguyên sưu tầm (1998), Tao Đàn 1939. Sưu tập trọn bộ, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 752tr.

6. Nguyễn Ngọc Thiện - Lữ Huy Nguyên sưu tầm (1998), Tao Đàn 1939. Sưu tập trọn bộ, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, từ tr.753 đến tr.1470.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy