Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
01:18 (GMT +7)

Tăng trưởng kinh tế 2017: Những dự báo thuận – nghịch

VNTN - Có thể nói, kinh tế Thái Nguyên gần như chưa năm nào có dấu hiệu tăng trưởng thuận ngay từ đầu như năm 2017 này. Kết thúc tháng 1, giá trị của hầu hết các lĩnh vực kinh tế địa phương đều tăng mạnh. Đó là điều đáng mừng, nhưng ngoài cái thuận dễ thấy ấy, các nhà phân tích còn đưa ra những nhận định nghịch chiều có thể tác động xấu đến nền kinh tế địa phương. 

Từ kết quả khả quan đầu năm

Các đơn vị sản xuất công nghiệp (CN) của tỉnh bước vào năm 2017 với tâm thế phấn khởi bởi kết thúc năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều gia tăng năng lực sản xuất vào dịp cuối năm để đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay như khu vực sản xuất sắt thép, dù là năm tương đối khó khăn, nhưng vào dịp cuối năm 2016 khi thị trường đảo chiều thuận lợi, các đơn vị trong ngành đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ mang về lợi nhuận cao. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng nhờ đó mà đạt lợi nhuận lên tới cả trăm tỷ đồng, đủ trang trải công nợ và thưởng Tết cao hơn cho người lao động. Khu vực sản xuất hàng may mặc cũng vậy, những tưởng năm 2016 sẽ không đạt được như năm trước, song dịp cuối năm các DN đã có những bứt phá ngoạn mục. Nhờ đó, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - đơn vị may mặc lớn nhất tỉnh với gần10 nghìn lao động đã đạt giá trị sản lượng hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Với khí thế đó, ngay trong tháng đầu năm 2017 chỉ số sản xuất CN của tỉnh đã vượt 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện thương phẩm tăng tới 29,4%, sắt thép tăng 18,3%, nước máy thương phẩm tăng 17,9%, điện thoại thông minh tăng 9,2%... Trong tháng 1, hai nhà máy sản xuất nhiệt điện của tỉnh là An Khánh và Cao Ngạn đã đạt sản lượng trên 100 triệu kwh điện, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị, DN khác như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên… cũng có những khởi sắc trong sản xuất ngay từ đầu năm.

Cũng tạo ra khí thế không kém, ngay trong tháng 1, khu vực xuất khẩu của tỉnh đã đạt giá trị trên 1,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù khu vực kinh tế trong nước giảm tới 21%, song giá trị xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm tỷ trọng lên tới gần 90% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh) lại tăng tới 22,6%. Điều đáng nói là, một số mặt hàng đang là chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu rất cao như: Linh kiện điện tử và phụ tùng khác đạt 323 triệu USD, tăng tới trên 86%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 16,7 triệu USD, tăng 75,6%; điện thoại thông minh đạt trên 1 tỷ USD, tăng trên 22%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 7,5%; chè các loại tăng 7,3%... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc khu vực vốn FDI luôn đạt giá trị cao là điều dễ hiểu, nhưng tăng trưởng mạnh ngay từ tháng đầu tiên của năm lại rất đáng được quan tâm. Sự khởi đầu tốt đẹp này theo dự báo sẽ giúp cho quá trình chinh phục mục tiêu xuất khẩu 21 tỷ USD trong năm 2017 của tỉnh sẽ thuận lợi hơn.

Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và dịch vụ cũng có những chuyển động tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ xã hội tháng 1 cũng đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế Nhà nước tăng 1,5%, kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14%. Tình hình tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh cũng tăng mạnh, vượt trên 50% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất chính là các sản phẩm truyền thống của tỉnh như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng. DN có bề dày về kinh doanh các sản phẩm CN của tỉnh là Công ty CP Thương mại Thái Hưng, trong tháng 1 vừa qua cũng xuất kho trung bình mỗi ngày khoảng 3.000 tấn thép các loại, phấn đấu kết thúc quý I này sẽ tiêu thụ khoảng 270 nghìn tấn thép.

Sắt thép và may mặc đều là những sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh. Năm 2017 là năm cả hai sản phẩm này đều có thuận lợi và khó khăn

nhất định tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế địa phương

Đến những dự báo thuận - nghịch

Chúng ta đều biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào khu vực sản xuất CN. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 sẽ là năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đối với ngành CN. Năm nay, các nhà xây dựng kế hoạch của tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh là 563.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Theo ông Đôn Văn Thủy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công thương), năm nay thị trường thế giới sẽ có nhiều tác động bất thường, trong khi sản xuất CN chủ đạo của tỉnh lại trông vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với sản phẩm xuất khẩu là chủ yếu.

Cũng theo ông Thủy, thời gian qua nhiều DN của chúng ta đã chuẩn bị các bước sẵn sàng để tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi Tổng tống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump có tuyên bố sẽ xem xét rút khỏi TPP. Dù chưa chính thức, song đây cũng là đòn tâm lý tác động không nhỏ đến các DN trong nước và của tỉnh. Từ đó, khiến các DN phải tính toán lại cơ cấu, quy mô sản xuất, có thể là chậm đầu tư, tạm đầu tư hoặc thu nhỏ mô hình sản xuất. Như vậy, sẽ có những tác động không tốt đến giá trị sản xuất CN của tỉnh.

Với những biến động khó lường của thị trường thế giới, nhất là sự chi phối từ thị trường Mỹ thì một số ngành CN nhẹ, xuất khẩu trong nước sẽ gặp khó khăn. Đối với tỉnh ta, dự báo khả năng ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực may mặc xuất khẩu. Đây là mặt hàng phụ thuộc chủ yếu vào hai thị trường Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại hai thị trường này đều gặp những khó khăn do phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công cao. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, nơi thương hiệu may mặc số 1 của tỉnh là TNG đang có thị phần tương đối cũng sẽ khó tránh khỏi những tác động. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã từng khẳng định với báo chí rằng, chính TPP sẽ giúp “xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa” trong đó có DN của ông. Tuy vậy, nếu Mỹ không tham gia TPP vì lo ngại về công ăn việc làm của công dân nước mình sẽ bị ảnh hưởng thì khả năng tiêu thụ sản phẩm của TNG năm 2017 khó tránh khỏi khó khăn. Nếu thị trường hàng may mặc không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất CN của tỉnh bởi khu vực này năm 2016 đạt sản lượng trên 51 triệu sản phẩm, trong đó xuất khẩu 46 triệu sản phẩm.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chuyên môn, mặc dù nhiều khả năng phải đối phó với những khó khăn trên, song cơ bản năm 2017 sẽ là năm thuận lợi cho toàn ngành CN. Đối với CN địa phương, nhất là CN khai khoáng, luyện kim hiện đã có dấu hiệu sôi động trở lại và dự báo năm 2017 giá các loại khoáng sản sẽ tăng. Do đó, năm nay tỉnh đặt mục tiêu CN địa phương đạt giá trị 19.600 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm trước. Theo nhận định của ngành Công thương, chỉ tiêu này là khả thi vì cùng với gần 100 DN chế biến khoáng sản, trong năm nay khả năng Dự án chế biến sâu khoáng sản của DN Vương Anh tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương) khởi động sẽ đóng góp khá lớn cho khu vực CN này. Cũng theo phân tích của ngành Công thương, những năm tiếp theo khả năng CN địa phương sẽ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm vì hiện tại toàn tỉnh đang tập trung cao độ đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó có dành quỹ đất, nguồn lực nhất định để phát triển CN, tiểu thủ CN, làng nghề.

Khu vực CN Trung ương năm 2017 cũng có mục tiêu tăng 3% so với năm trước mặc dù dự kiến các DN nội ngành sẽ không thay đổi nhiều về quy mô, dây chuyền sản xuất. Và khả năng hoàn thành kế hoạch là rất cao vì cũng không có nhiều tác động xấu từ thị trường.

Riêng đối với khu vực CN vốn FDI, nơi có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với toàn ngành CN của tỉnh cũng được dự báo là sẽ khởi sắc. Khu vực này năm nay có mục tiêu đạt 526.800 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm trước. Để có cơ sở đề ra mục tiêu cao như vậy, các nhà xây dựng kế hoạch đã trông vào một số năng lực mới tăng thêm, trong đó chủ yếu là từ Samsung và các DN phụ trợ đi kèm. Năm nay, nhiều khả năng từ đầu quý III, Dự án đầu tư giai đoạn 2 của Samsung sẽ chính thức đưa vào vận hành. Cộng với đó, ngay từ những tháng đầu năm một số dự án phụ trợ cho Samsung tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) cũng chính thức cho ra sản phẩm. Và như vậy, chắc chắn kế hoạch CN đề ra của tỉnh năm nay sẽ về trước kế hoạch và khả năng vượt kế hoạch là rất cao.

Như vậy, thông qua tình hình kinh tế đầu năm và những nhận định cả năm, các nhà phân tích đã cho chúng ta cái nhìn đa chiều và sát thực hơn về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cả năm 2017. Đây vừa là cơ sở để các nhà quản lý của tỉnh hoạch định cơ chế, chính sách và điều tiết kinh tế phù hợp, vừa là thông tin, động lực, là cơ hội, thách thức để các thành phần kinh tế nắm bắt, từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tốc độ phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy