Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
00:38 (GMT +7)

Tản mạn về chữ “chạy”

VNTN - Trong tiếng Việt, chữ “chạy” thuộc loại nhiều nghĩa nhất. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt, do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2006, thì tùy theo văn cảnh, mà nó có thể là động từ hay tính từ. Trong trường hợp là động từ, nó có tới trên 30 nghĩa. Cụ thể là, khi chữ “chạy” đứng riêng, nó có 12 nghĩa, còn khi nó đứng cùng với chữ khác, (có dạng: Chạy + A , trong đó A là một hay một nhóm chữ, có vai trò bổ nghĩa) thì có thêm 21 nghĩa nữa.

Trong bài này, chỉ xin nói về một vài trong số những nghĩa ấy. Cũng theo cuốn từ điển tiếng Việt nói trên, thì:

Chạy = Khẩn trương lo liệu để mau chóng có được, đạt được cái đang rất cần, rất muốn.

Chạy chọt = Cầu cạnh để xin, để lo việc gì đó.

Thật ra về nghĩa của chữ “chạy”, thì không có gì cần bàn. Điều đáng bàn, là những hành vi xã hội mang chữ “chạy”. Thật vậy, nhìn vào cuộc sống ngày nay, ta thấy khá nhiều chuyện người ta đang phải “chạy”. Phương thức “chạy” thì ngày càng tinh vi và mang nặng mùi vị thị trường. Đáng ngại hơn, dường như cả xã hội đã quen dần với việc “chạy”. Cái sự “chạy” ấy, cứ thầm lặng diễn ra như một tệ nạn, trái với luật pháp, chính sách, đạo đức truyền thống và lòng người. Vậy mà, cái chữ “chạy” ấy, ta ít thấy xuất hiện trên công luận, trên các diễn đàn quan trọng và nhất là trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Cách đây mấy năm, tại kỳ họp HĐND thành phố nọ, có ông đại biểu, là cán bộ Ủy ban Kiểm tra thành ủy nói, “chạy” một chỗ làm việc phải mất cả trăm triệu đồng, thì người ta nhận ra, đây là “phát súng” đầu tiên công khai bắn vào việc “chạy”. Có người khen đại biểu nọ đã dũng cảm nêu lên một hiện tượng mà chưa ai dám nói công khai trong hội nghị; có người thì lo ông sẽ gặp rắc rối, bởi lấy đâu ra bằng chứng đảm bảo cho phát ngôn này. May thay ông ấy đã không gặp chuyện gì. Rồi gần đây, trong Nghị quyết Hội nghị BCH TW lần thứ 4, khóa XII, trong phần nói về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, đã nói đến chữ “chạy” nhiều lần. Đó là, “chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu”; và, “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...”. Xem vậy đủ thấy, cái sự “chạy” ngày nay đang ở mức nào.

Thật ra đó chỉ là một số “phần tử” trong cái tập hợp có tên là “chạy”. Còn nhiều điều khác nữa, người ta đã và đang chạy, như chạy dự án, chạy chế độ, chạy khám, chữa bệnh, chạy trường, chạy lớp…, thậm chí đến cái sự bình an cho trẻ trong trường Mầm non, cũng phải…chạy.

Chúng ta không chỉ trích tất cả những gì gọi là “chạy”, mà chỉ nói đến những hành vi tìm mọi cách để được cái mình không đáng được, hoặc tránh cái mình đáng phải nhận. Ngược lại, cần cảm thông với những ai đã hoặc sẽ phải “chạy” mới có được điều mình đáng có, ví như một chỗ làm việc. Ta chỉ trích cái sự “chạy” ấy, là vì nó đã gây ra nhiều bất công trong xã hội và hạ thấp mối quan hệ vốn cao đẹp giữa người với người.

- Ai chạy? Chạy ai?

Đó là câu hỏi rất hay và rất cần, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà ai ai cũng biết là khó có câu trả lời. Vì sao vậy? Vì việc “chạy” thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Nhưng họ sẽ không bao giờ nói ra điều đó. Đặt mình vào vai người “chạy”, ta sẽ thấy: Không ai “chạy” xong việc, rồi đi tố giác người được “chạy”, vì người ta cho đó là hành vi không đẹp. Hơn nữa, những gì người ta đã bỏ ra để “chạy” và kết quả của nó, liệu có còn giữ được khi sự việc bị phơi bày, hay sẽ bị “mất cả chì lẫn chài”?  Ấy là chưa nói đến, cái sự “chạy” ấy phải xử lý bằng hình sự. Như vậy, “chạy” rồi lại nói ra, chẳng phải đã tự hại mình sao? Chính vì vậy, mà chuyện “chạy” sẽ được giữ kín; họa chăng, người ta chỉ có thể thì thầm với những người họ tin cậy mà thôi. Mà cái sự thì thầm này, thì không thể dùng làm căn cứ để xử lý được.  Còn người được “chạy” thì sao? Hẳn là họ phải giữ kín chuyện rồi. Chính vì thế mà việc tìm câu trả lời ai chạy? Chạy ai? là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Thế nhưng, nếu vì vậy mà coi chuyện “chạy” là không có thật, rồi từ đó không có sự tuyên chiến với việc “chạy” như một tệ nạn, thì sẽ là điều đáng tiếc.

Hôm nay, chúng ta nói đến chuyện “chạy” trong tình hình Đảng ta đã có nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…, mà chuyện chạy là một trong những biểu hiện cụ thể, cần phải đấu tranh để loại trừ. Điều này cho ta lòng tin, một ngày nào đó chuyện “chạy” sẽ không còn tồn tại trong xã hội và người dân không còn phải lo “chạy” mới có được điều mình đáng có. Tuy nhiên, trong xã hội cũng như trong tự nhiên, mọi vận động đều phải qua một quá trình. Cái sự “chạy” mà ta thấy hôm nay, không phải bắt đầu từ hôm nay, mà nó đã có những yếu tố xã hội và bắt đầu từ nhiều năm trước. Cũng do vậy, mà việc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nó, cần phải có thời gian nhất định. Không nên nghĩ rằng, có Nghị quyết rồi, thì cái sự “chạy” ấy ngay lập tức sẽ chấm dứt. Nghĩ vậy là chưa thấy hết sự phức tạp của nó, thậm chí còn dễ nản lòng trước những khó khăn của cuộc đấu tranh đầy phức tạp này.

Kết thúc bài viết, xin được nói rằng: Cuộc sống luôn thân thiện và hướng về phía trước. Những gì không thân thiện, sẽ bị loại trừ. Cái sự “chạy” cũng sẽ không ngoại lệ. Tôi tin như vậy và tin việc loại trừ cái sự “chạy” ấy, đã bắt  đầu

Nguyễn Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy