Tâm sự của Nguyễn Khuyến qua bài thơ “Thu điếu”
VNTN - Hầu hết những bài viết quan trọng và những công trình nghiên cứu về văn thơ Nguyễn Khuyến đều không quên nhắc đến chùm thơ Nôm viết về mùa thu (Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu). Song trong những bài viết đó thường thiên về ca ngợi sự tinh tế trong cảm thụ cảnh thu làng quê Việt Nam. Tuy đây đó cũng có đề cập tới nỗi buồn của nhà thơ, nhưng dường như chỉ là nỗi “buồn thu” thoảng qua mà thôi. Mọi người gần như coi “chủ đề làng cảnh Việt Nam” là chính, quên mất nỗi u ẩn, tâm sự đớn đau trước thời cuộc của tác giả, mà theo tôi, đó mới là nội dung chính nhà thơ muốn nhân cảnh thu để gửi gắm một cách kín đáo.
Tìm hiểu và nghiên cứu văn thơ của tác giả vốn xuất thân từ khoa bảng Hán học xưa, ai cũng thừa nhận rằng: họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thi, Thư, Dịch, Lễ… và nền thơ ca cổ điển Trung Hoa như Sở từ, Hán phú, Đường thi… Dù những bài thơ tưởng như mang nặng tính “thù tạc” ngâm vịnh đi nữa, cũng không thoát ra ngoài tinh thần “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo” (thơ để nói chí, văn để tải đạo). Bởi thế những danh từ chỉ vật như Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông được nhắc đến trong thơ vịnh cảnh đâu phải chỉ là những danh từ chỉ vật, chỉ mùa đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.
Vì vậy những nhận định cho rằng “Thu điếu” chỉ là bài thơ tả cảnh “mùa thu câu cá” e rằng đã hiểu chưa đúng ý nghĩa thâm thúy của bài thơ. Tất cả những hình ảnh về nước, trời, ngõ trúc, lá vàng, bèo, cá, chỉ là những cái vỏ ngoài tuy chân thực đấy những đều mang tính ẩn dụ để gửi một nỗi niềm tâm sự sâu kín mà tác giả chưa biết ngỏ cùng ai. Bởi vì, giữa thời kỳ dân tộc ta đang đắm chìm trong vòng nộ lệ, người dân mất tự do đến nghẹt thở, ngay cả nỗi cay đắng thống khổ cũng chẳng dám kêu. Trong bài “Xuân nguyên hữu cảm” nhà thơ từng đau xót hé lộ điều đó:
Vô lịch ná tri thư Giáp Tý
Hữu cừu vị cảm độc Xuân Thu (1)
(Không lịch, biết đâu mà ghi được Giáp Tý
Kẻ thù còn đó, đâu dám đọc kinh Xuân Thu)
Trong hoàn cảnh như vậy, việc tác giả không dám nói thẳng nỗi lòng của mình cũng là đương nhiên. Không chỉ vậy, cách thể hiện “ý tại ngôn ngoại” trong thơ xưa nay vốn là đỉnh cao nghệ thuật mà thi ca mong đạt tới.
Xuất phát từ những lý do trên, nhìn nhận và đánh giá lại nội dung bài “Thu điếu” sẽ cho ta thấy rõ tâm sự của tác giả và chủ đề đích thực của bài thơ.
Xin được bắt đầu từ cái “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” mà nhiều nhà nghiên cứu từng hết lời tán dương, theo cách nhà thơ Xuân Diệu cho là “Điển hình nhất cho mùa thu Việt Nam, ở miền Bắc nước ta, chứ không phải nơi nào khác” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 1982).
Ngôi nhà của thi hào Nguyễn Khuyến ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Ảnh: B,H)
Mua thu, nước “trong veo” thì đúng. Nhưng nước ao “trong veo” lại chưa hẳn vào mùa thu ta mới thấy, nhất là nước ao có thả cá thì ngay cả mùa thu cũng khó mà “trong veo” được. Ao ở làng quê thì nhất thiết có thả cá, chứ không phải để làm cảnh! Vì vậy từ “trong veo” trong bài thơ hiển nhiên không phải mục đích tôn cảnh mùa thu mà lại là mùa thu “lạnh lẽo”. Các tác giả từng phân tích rất kỹ, hình dung từ “lạnh lẽo” theo ý nghĩa thời tiết đơn thuần và gán cho mùa thu một “thuộc tính” mới như sau: “… Sau một mùa hạ nóng nực kéo dài, cái lạnh lẽo của mùa thu thật đáng dễ cảm xúc hơn là từ một cái lạnh này sang cái lạnh khác dù có lạnh hơn…”(!) (Những bài văn chọn lọc - tập 1 trang 38 - Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh - 1994).
Ai cũng rõ, mùa thu ở xứ ta được coi là một mùa mát mẻ, dễ chịu, đâu có “lạnh lẽo”. Mà dù có sang tiết đông, cũng không nói tiết trời mùa đông lạnh lẽo. Người am hiểu tiếng Việt chỉ dùng từ “lạnh lẽo” để nói cảnh vật quạnh hiu, hoang phế, thiếu sự sống. Vì vậy, câu thơ “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” chủ yếu miêu tả khái quát không khí thiếu sự sống của “ao thu”. Đấy cũng chính là muốn ngầm chỉ cái “không khí” của xã hội nước ta thời tác giả sống. Một xã hội “tàn thu” và tù hãm như cái ao tù đọng! Họa chăng trên cái ao tù đọng đó chỉ có đám bèo (mà tác giả nói đến ở câu kết) sống nhờ ăn bám là nhiều!
Hãy lưu ý chút nữa về những cảnh vật ông tả quanh cái “ao thu lạnh lẽo”: nào là sóng gợn, lá vàng, ngõ trúc vắng, cá đớp động… Có người nhận xét: “Trong mấy câu này ông dùng cái động để nói cái tĩnh”. Nhận xét đó đúng, vì đó là phép tả cảnh thường gặp trong thơ cổ điển. Nhưng chỉ dừng ở đó thôi thì chẳng có phát hiện gì mới mẻ. Điều cần nói ở đây không phải là cái cảm nhận tinh tế của tác giả, mà mục đích chính là tác giả muốn làm nổi bật không khí tàn tạ và “lạnh lẽo” của “ao thu”, hình ảnh ẩn dụ mà phần trên đã đề cập. Càng không phải là cảnh vật điển hình thu của “làng cảnh Việt Nam” vùng chiêm trũng như nhà thơ Xuân Diệu nhận định và cũng từng được nhiều nhà phê bình, nhà giáo tán dương!
Ai từng sống ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ đều thấy không khí làng quê xưa đâu có quạnh hưu “lạnh lẽo” thiếu sức sống như thế vào mùa thu! Nhất là mùa thu lại đúng vào đầu vụ sắp thu hoạch lúa mùa. Trong không khí mát mẻ, dù vào ban mai, giữa trưa hoặc chiều tối thì trong “ngõ trúc quanh co” kia cũng chẳng hề “vắng teo”! Nếu vắng bóng người ra đồng, ra chợ vì đang bận công việc giữa buổi, thì cũng không thể vắng bóng trẻ con nô đùa, vắng tiếng gà gáy, tiếng chim hót… dù không ồn ào, nhộn nhịp như lúc về đồng thì cũng không đến nỗi buồn thiu đến “lạnh lẽo”, im ắng đến mức nghe rõ cả tiếng lá vàng rụng như Nguyễn Khuyến đặc tả.
Lại nữa, đường làng ngõ xóm, người Việt thường trồng tre chứ mấy khi trồng trúc, vì tre vừa làm bờ lũy bảo vệ làng, xóm vừa dùng vào nhiều việc, còn trúc thì bất quá chỉ trồng vài bụi để làm cảnh và làm cần câu là cùng! Lại vẫn biết trong chữ Nho, “Trúc” là để chỉ chung các loài thuộc họ tre. Nhưng sao ở đây nhà thơ lại không nói “ngõ tre” cho hợp với bài thơ Nôm, mà lại nói “ngõ trúc”? Ấy là bởi, “Trúc” trong thơ cổ điển luôn là biểu tượng cho người quân tử (quân tử trúc, trượng phu tùng). Vì vậy “ngõ trúc” đây có ý nói ngõ nhà người quân tử (người có nhân cách cao thượng, cương trực…) và “khách” ở đây cũng là “khách quân tử”. Khách quân tử mới vắng teo, chứ “khách tục” phỏng thiếu gì?!
Ta hãy tham khảo thêm các bài “thơ thu” bằng Hán văn và các bài “Thu ẩm”, “Thu vịnh” của chính tác giả, sẽ thấy tính ước lệ trong bút pháp thơ ca cổ điển được tác giả vận dụng rất nhuần nhuyễn ở chính những hình ảnh rất chân thực.
Cũng cần phải nói thêm rằng: Những nhà khoa bảng xuất thân từ Hán học xưa còn quan niệm mùa thu theo Chu Dịch. Mùa thu thuộc quẻ Bĩ là lúc “Âm trưởng”, “Dương tiêu”. Sang xuân, tháng Giêng, Dương mới hồi sinh và dần chuyển sang quẻ Thái. Quy luật của lịch sử cũng như quy luật của tự nhiên đều “hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai” như vậy. Theo nhận thức về Dịch như vậy, nên trí thức xưa đều trông thời cuộc (“kiến cơ nhi tác”) mà “hành tàng”, “xuất xử”.
Vì lẽ đó mà bao nhiêu bậc tiền nhân thời trước như Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều theo con đường “tỵ thế” (tránh đời) khi thấy triều đại đương thời suy đồi, tàn tạ không thể vực dậy được nữa.
Nguyễn Khuyến cũng không ngoài cách hành xử đó. Ông vốn là trí thức quân tử, từng ôm ấp hoài bão “kinh bang tế thế” nên mới gắng theo đuổi con đường cử nghiệp mong cứu đời, đâu phải chỉ vì mục đích “vinh thân phì gia” như bọn tiểu nhân? Chỉ cần lấy một việc ông từ bỏ cuộc sống quan trường giầu sang để trở về “vườn Bùi chốn cũ”, vui với cảnh dưa muối tương cà, quần manh áo vải nhưng thanh bạch, đủ để chứng minh cho nhân cách cao khiết của bậc chính nhân quân tử. Cách nhìn ngày nay, chê ông là “bi quan tiêu cực”, “yếm thế vô vi” sẽ không thể hiểu nổi đó là một nhân sinh quan theo đạo Dịch mà người xưa coi là tích cực.
Nguyễn Khuyến chẳng đã từng nhận thấy rằng ông sinh ra không gặp thời của người quân tử đó sao? Ông gọi đó là “buổi Dương cửu”. Trong bài “Khóc Dương Khuê” ông từng than: “Buổi Dương cửu cùng nhau hoạn nạn..!”(2) Trong bài di chúc có tên là “Tri mệnh” ông cũng nuối tiếc cho số phận mình: “Ngã số phùng cửu cửu”(3) (Số tôi gặp buổi Dương cửu).
Vì vậy Nguyễn Khuyến mới buồn phiền, thất vọng đau đớn, mới cảm thấy cô đơn, bơ vơ giữa cái “ao thu” xã hội tù hãm, “lạnh lẽo”, khách quân tử vắng teo, chỉ thấy trước mắt nhan nhản đám “bèo” tiểu nhân, xu thời ăn bám trên “mặt ao” thời đại! Trong bài thơ chữ Hán “Phụng họa Hiếu Đình nguyên vận”, ông gọi chúng là lũ “xú di” (rợ thối tha): “Mãn mục y thường thị xú di” (Đầy trước mắt tá bọn xiêm áo xênh xang toàn là lũ rợ thối tha).
Tuy nhiên, trong cái ao tù đọng đó, không phải hoàn toàn tắt hết sự sống, tắt hết hy vọng. Giữa cái ao tù đọng lạnh lẽo kia không phải chỉ có bèo nổi, lá vàng tàn úa mà còn có tầng mây với nền trời trong trẻo cao xanh, làn “sóng biếc” soi bóng trúc bên đường và quan trọng hơn là ở đâu đó, nơi mãi tận “dưới chân bèo” kia vẫn còn sự sống đang lay động: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo!” Những hình ảnh và âm thanh đó như báo hiệu với mọi người, với cuộc đời rằng sự sống không bao giờ tắt! “Cá” trong bài thơ phải chăng là biểu tượng cho mầm sống (Dương) tích cực ấy. Đây cũng chính là “đốm lửa” lạc quan còn le lói theo quy luật của đạo Dịch, trong tâm thức của tác giả.
Đến đây ta có thể thấy chân dung của tác giả hiện lên trên “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” kia, tuy nhỏ bé bơ vơ… nhưng rất rõ ràng là hình bóng một Khương Tử Nha (4) bên bờ Vị Thủy, một Nghiêm Tử Lăng (5) trên sông Đồng Giang và gần chúng ta nữa là một Chu Văn An bên suối Phượng Hoàng, một Nguyễn Trãi bên khe Côn Sơn, một Nguyễn Bỉnh Khiêm trên bến Trung Tân… Đâu có phải là một ngư ông kiếm kế sinh nhai bằng nghề câu cá, hoặc giả một ông Nguyễn tầm thường nào đó, đang chăm chú tìm món nhắm cho bữa rượu chiều?!
Ai đó đã quá tán tụng và thi vị hóa “mùa thu câu cá”, dù cho vô tình cũng đã dung tục hóa ý nghĩa của “Thu điếu”, vô tình đã biến cụ Tam Nguyên ẩn sĩ thanh cao, chờ thời, đồng hành với phường “giá áo túi cơm” vậy.
Rất tiếc là đến cả nhan đề bài thơ, không biết vô tình hay hữu ý, ai đó cũng diễn dịch thành “Mùa thu câu cá” hoặc “Câu cá mùa thu” để đưa vào văn bản chính thức trong sách giáo khoa mà giảng dạy cho học sinh, làm mất ý nghĩa hàm ẩn thâm thúy trong nhan đề bài thơ của tác giả là “Thu điếu” - vốn dĩ là từ Hán Việt.
Thiển nghĩ chắc hẳn cụ Tam Nguyên Yên Đổ chẳng thiếu chữ Nôm đến nỗi phải dùng từ Hán Việt để đặt đầu đề cho cả 3 bài thơ Nôm mùa thu: “Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm”. Đây hẳn có dụng ý. Bởi vì ngoài nghĩa ẩn dụ còn có cả phép dùng từ đồng âm (chơi chữ) mà cụ Nguyễn Khuyến vốn rất sành! (Xin tham khảo các câu đối và những bài thơ Nôm khác trong thơ văn Nguyễn Khuyến). Bởi lẽ âm “điếu”, nếu loại bỏ tự dạng của mặt chữ Hán, còn có thể hiểu là “xót thương” theo lối “song quan” (hai nghĩa). Như vậy nhan đề bài “Thu điếu” vừa có ý nghĩa “mùa thu câu …” (ý chỉ người ẩn sĩ chờ thời vì ở đây không có từ “ngư” là cá) theo tự dạng, lại vừa có nghĩa “mùa thu xót thương” theo nghĩa đồng âm, cũng không sai với nội dung bài thơ, không sai với chủ đề. Hiểu như vậy cũng đúng với tâm trạng của nhà thơ vẫn luôn canh cánh bên lòng khi ông từ quan về ở ẩn.
“Đời muôn sự chẳng vừa lòng
Cố đô lui gót một trông hai chờ…”
(Tập cổ)
Vậy theo người viết bài này thì không thể hiểu nội dung bài thơ “Thu điếu” là “mùa thu câu cá”, hoặc cho rằng chủ đề bài thơ chỉ là “mùa thu làng cảnh Việt Nam” như từ trước tới giờ nhiều người vẫn tán dương, mà bỏ mất nội dung sâu xa và chủ yếu mà tác giả muốn gửi gắm một cách kín đáo trong bài.
Chúng ta không thể vận dụng cách hiểu mùa thu theo lối tả thực trong thơ hiện đại như cách hiểu của nhà thơ Xuân Diệu để hiểu những bài thơ thu trong thơ cổ điển mà làm cho cụ Tam Nguyên ở nơi cửu tuyền thêm phiền lòng lần nữa!.
(1) Giáp Tý: Đơn vị đo thời gian trong lịch phương Đông. Ở đây có ý nói không dám nói lên sự thật của cuộc sống Xuân Thu (một trong Ngũ kinh của Nho gia, là bộ lịch sử cổ của Trung Quốc tương truyền do Khổng Tử soạn, nổi tiếng về chân thực, khách quan).
(2) Dương cửu: “Dương cùng ư cửu”: Dương phát đến tột cùng sau đó lại “tiêu” nhường cho Âm bát triển tức quẻ Bĩ (Theo Kinh Dịch)
(3)Không phải nghĩa Nguyễn Khuyến sắp chết như chú thích sai trong sách giáo khoa. (Tham khảo Kinh Dịch)
(4) Khương Tử Nha: Ẩn sĩ, câu ở bờ sông Vị Thủy, mãi 80 tuổi, vua Văn Vương nhà Chu (TQ) gặp, rước về làm quân sư, tôn làm Thái Công Thượng phụ (tôn trọng ngang cha). Ông giúp Văn Vương, Vũ Vương lập nghiệp nhà Chu.
(5) Nghiêm Tử Lăng tức Nghiêm Quang: Ẩn sĩ đời Hán, bạn của Hán Quang Vũ, ở ẩn làm ruộng ở Phú Xuân, câu bên sông Đồng Giang.
Trần Ngọc Chùy
1 đã tặng
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...