Tác phẩm đoạt giải Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”
NHIỀU TÁC GIẢ
Nguyễn Thanh Mừng
(Giải Nhất)
Khúc luân vũ Thái Nguyên
Hăm ba tháng Chạp
Bạn đưa tôi về chốn ấu thời bạn từng tháng ngày bên mẹ
Sông Cầu các phụ lưu chi lưu như những
động mạch tĩnh mạch vũ điệu buồng tim
Trên khuôn ngực Thái Nguyên thùy mị
Đêm qua Táo Quân giũ bồ hóng áo mão cân đai
lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế
Tờ sớ đượm mùi cơm lam Định Hóa,
bánh chưng Bờ Đậu, nem nướng Đại Từ
Vị nham trám Hà Châu lá nhội lá sung lá khế
Tổ Quốc
Bắt đầu từ giọt sữa thiêng
Trên tao nôi thơ bé
Bắt đầu từ ấm tách nồi niêu dưới mỗi gia đình
Củi lửa hồn nhiên thỏ thẻ
Bạn mang theo cả nỗi niềm trống đồng rìu đá
động hang tiền sử buổi rạng đông
Trao truyền từ thảo thơm một trong mười lăm bộ
Văn Lang đến một trong sáu ba tỉnh thành đất Việt
Tổ Quốc gieo hồng cầu Rồng Tiên khế ước ngàn xưa
cùng mai sau ngày Quốc Tổ gốc lành rễ ngọt
Tổ Quốc cấy tơ duyên ràng rịt vị trầu cau
Tổ Quốc phả tư duy đất đai thành nương Hồng ruộng Lạc
Cả giống nòi nhận diện mình nơi cắt rốn chôn nhau
Tổ Quốc có mặt ở mọi nơi, từ những búp chè non
trong rừng già trên độ cao chỉ đại bàng quen thuộc
Đến gộp đá kỳ vĩ sông sâu
nơi những con cá anh vũ lẫy lừng quả cảm sởn sơ
Từ bóng vượn bồng con đến dáng chim xòe cánh ấp
Nâng trên tay gié lúa thơm trĩu hạt
Ta gọi theo tiếng vua Hùng thứ nhất
Kiệt tác của đất trời thưa mẹ Âu Cơ
Khi cơm niêu nước lọ mầm dại rau hoang xưa
giờ thành phẩm vật sấm rung chớp giật
Tổ Quốc gửi thông điệp trong từng đôi đũa cả đũa con
Khua ngàn muôn tiếng gà gáy nai kêu
Lòng xôi chè nhật nguyệt
Những tấm mẳn ốc cua qua mẹ hóa kho tàng
Muối chưa chắc đã mặn gừng chưa phải đã cay
nếu sự bao dung vắng mặt
Tổ Quốc gửi sự bao dung ấy cho từng mái nhà
nhờ trái tim mẹ hiền nâng niu ban phát
Điệu luân vũ tin yêu nồng nàn khung cửa bếp
Làm tươi mãi thực đơn ký ức
Thuở tin yêu đặt nơi bên ráo con lăn bên ướt mẹ nằm
Lưỡi mẹ lừa cá xương chắt chiu con phần nạc
Và sông suối gò đồi đã đọc
Những câu thơ bằng ống nứa, lá dong
Bằng vị nếp cái hoa vàng, nếp ả vằn, vị gạo bao thai
Bằng ngọn rau bò khai, chồi măng đắng,
bằng bánh ngải, bánh tro, bánh coóc mò
Chúng đã viết trên thúng mủng giần sàng
vạt áo nón mê mưa phùn gió bấc
Rằng người mẹ nào cũng vẫn không thôi ngóng chờ con
Chờ đến cả mọi khói mây lẩn khuất
Trong hòa điệu nước non ngày giáp Tết
Tổ Quốc không nguôi quên gửi hơi thở vừa dịu dàng
vừa hào sảng vào từng cánh hoa đào
Bập bùng trời xuân nhuận sắc.
Dương Thành Phát
(Giải Ba)
Về ăn cơm
Dẫu chốn cũ bầy cây không còn nữa
Những bóng chim đã nhạt nền trời
Giếng đã cạn. Ruộng bỏ không. Những tòa nhà
mọc lên từ nền kí ức
Má vẫn đứng lưng còng
chống đỡ buổi chiều vàng nhưng nhức
Cất tiếng gọi
Con ơi về ăn cơm.
*
Có đứa không kịp về giọng là gió là sương
Có đứa ghé ăn nhờ ngày mai về quê cũ
Má nhấm nháp tiếng từng đứa con
bụng no hơn cơm hơn thịt
Xoa từng vết thương
bằng chính bàn tay thẹo dày chi chít
Chỉ hàng cây cổ thụ còn biết
Và trời biết, đất biết
Má đã khóc bao nhiêu.
*
Nếu những cơn mưa đẩy lùi trận hạn bà chằn
Má gọi những chồi non đơm thơm cành xanh ngắt
Con xuôi ngược mấy nẻo đường về qua chợ gặp
Cởi nón cúi chào kêu con mình gọi nội đi con.
*
Lưng má còng như chữ S Tổ Quốc mình
Nhiều lắm những đứa con, má nhớ tên từng đứa
Đứa nằm lại chiến trường xa,
đứa nằm ngoài nghĩa trang liệt sĩ
Đứa đã về quê, đứa may mắn có vợ có chồng có con có cháu
Má không trách đứa nào quên,
má chỉ thương từng đứa con chưa tìm được
Mâm cơm nóng chờ đứa nào rảnh rỗi ghé thăm no bụng
Nén nhang trầm cầu đàn con đoàn tụ
Giọng run run má cất tiếng gọi
Con ơi về ăn cơm.
*
Tổ Quốc mình cần lắm những cái ôm
Như chữ S cong cong ôm lấy lãnh hải biển Đông
chưa bao giờ thôi dậy sóng
Đố ai nghe mà không khóc
Người má chắt từng hột gạo gửi ra khi hay tin
một đứa con ở xa gặp kì khốn khó
Chẳng mong nhận lại gì chỉ nhắn
Bữa nào ghé má ăn cơm.
Nguyễn Đức Hậu
(Giải Ba)
Vu Lan
Dòng sông nào chảy qua một cố hương
Người đánh rơi người bằng tiếng khóc
Nước ở bến quê đong bằng khóe mắt
Tháng bẩy con về
Cửa bể cô độc một thềm sông
Những ngọn sóng bờm xơm sau trận mạc
Hoài thai trong tiếng chuông trầm
Gióng lúa mẹ để dành - bốn mươi năm
vẫn một đời trinh bạch
Nhang án giữa mái lều - khói xám lặng dần đi
Những đêm vô chừng ngấm vào dáng núi
Một nấm đất chia đều từng ranh giới
Một đói nghèo gieo xuống mặt ruộng hoang
Một bến cát tiễn người đi người ở
Phía bàn tay hai khóe mắt - mưa dầm
Nguyện vọng của những vỏ trấu là trở về xứ sở
Những chiều nắng đỏ
Bóng đa đổ xuống đồng người -
nhang khói những tháng ngày lưu lạc
Vài nắm đất chơ vơ trên mặt đất
Tháng bẩy con lại về sông cũ
Mái gianh đầy gió
Bến quê chảy trong con một dáng lưng còng
Còn gióng lúa nào đợi con về báo hiếu?
Nguyễn Văn Song
(Giải Ba)
Mẹ tôi phơi thóc
Nắng vừa kéo tấm nhung đêm
Mẹ tôi phấp phỏng bên thềm đẫm sương
Vục từng thúng thóc ủ hương
Mẹ đem tãi cả về phương nắng bừng
Tay nâng những hạt rưng rưng
Thóc hay hạt ngọc đọng từng đắng cay
Đổ ra vàng một sân đầy
Hạt căng tròn để thêm gầy mẹ tôi
Tháng Năm cái nắng bỏng trời
Chân trần mẹ tãi, mẹ phơi, mẹ chờ
Chờ cho hạt gọi hạt khô
Mẹ ngồi mơ lúa đầy bồ tháng Ba
Những khi mưa gió tràn qua
Bàn chân hốt hải chạy ra, chạy vào
Tay chang, tay vục nháo nhào
Trong đôi mắt mẹ tác tao bão lòng
Con như hạt thóc khô cong
Gom từng giọt nắng mẹ hong lặng thầm
Bây giờ về cõi muôn năm
Mẹ thành nắng giữa thăng trầm đời con...
Đào An Duyên
(Giải Tư)
Thả xuống một dòng trôi
Dòng sông quanh co chảy qua tháng bảy
Con về ngồi bên bờ sông ngun ngún gió
Nghe xạc xào lời ký ức gọi con
Mái nhà mình vẫn nằm đấy. Lặng yên
Cỏ dại phủ lên ngày con đi bời bời giông bão
Những đêm mưa xót mắt con.
Mẹ bấm mười ngón chân xuống đường tấy đỏ
Manh áo mưa như cánh con cào cào mới trổ
Chỉ đủ che cho con. Mẹ ướt sũng phận người
Con lận đận nổi chìm trăm phía gió giông trôi
Lòng chưa lúc nào nguôi thương quê nhà phía bão
Hạt lúa chưa kịp chắc mình cúi nhìn nơi chôn nhau cắt rốn
Đã đớn đau mang phận nảy mầm
Con trở về ngồi lặng với dòng sông
Hun hút cuộc người. Trở về nhà mình như khách lạ
Chỉ có gió bao dung ngày cũ
Và cỏ vẫn xanh như con chưa từng xa
Ước có thể buồn cho một nỗi niềm xưa
Con gọng vó cong vào chiều cái nhìn ngơ ngác
Cánh bèo dụi chân con êm như lời hát
Giông bão phía cuộc người. Thả xuống một dòng trôi...
Trần Văn Lợi
(Giải Nhì)
Đại Việt của Ức Trai
Đại Việt của Người không dừng lại ở Mục Nam Quan
mà nước mắt theo cha dằng dặc qua muôn trùng ải bắc
mà chí hướng vời vợi Lam Sơn
trời mây tái xám căm hờn
buốt từng cơn bấc xiết.
Đại Việt của Người đời đời oanh liệt
Bạch Đằng, Như Nguyệt, Hàm Tử Quan…
giờ là nỗi con đỏ, dân đen
mười năm nằm gai nếm mật
bởi Đại Việt của Người không thể mất!...
Ngày non sông hoàn kiếm
đâu ngờ lòng người lạc loạn gươm đao
trên ngôi cao
có phải là minh chủ!?
nghĩ, lại muốn nôn mửa
rượu thề Lũng Nhai ôi!...
Bao nhiêu mưu lược Người dâng cho đất nước cả rồi
lòng muốn lành, kệ thói đời đen bạc
nhưng thế sự như bẫy chông gièm pha hiểm ác
nhát đao vung lên từ miệng lưỡi gian thần
chẳng thể tru di tấm lòng trung với hiếu
chẳng thể tru di vằng vặc ánh sao Khuê…
Đại Việt của Người dù mấy thịnh suy
vẫn “Côn Sơn ca”
vẫn “Bình Ngô đại cáo”
vẫn “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”
như thuở nào “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” *...
* Vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”(1980)
của Nguyễn Đình Thi, đề cập đến vai trò và
số phận của người trí thức luôn gắn liền
với vận mệnh của đất nước.
Phạm Tú Anh
(Giải Nhì)
Mùa xuân trên đỉnh núi
Có phải con về đó không
thơi thới mây ngàn
Trùng trùng thung núi
Những đám mây hành quân qua mùa xuân
Có phải con gọi đó không
Giọng rền như tiếng cồng
Vẳng trên đỉnh gió
Ngọn Tày Vày hát khúc tráng ca mặt trời đỏ
Mẹ vẫn nghe vào mỗi bình minh
Có phải con cười đó không
Lấp lánh dưới mặt trời
Gương mặt con rạng như núm chiêng đồng ngày hội
Mười sáu tuổi
Ngời lên mùa xuân
Mẹ đợi con…
nấm mồ không hài cốt
Mẹ nhớ con…
bàn thờ không di ảnh
Mùa hội nào mẹ cũng khăn áo đi chín bản mười mường
Tìm những đứa con trai mười sáu tuổi
Cánh tay vạm vỡ như cây nhò rừng
Gương mặt rạng như núm chiêng đồng
Giọng rền vang như tiếng cồng vọng từ vách đá
Ôi, bóng dáng con ở đó
Con của mẹ từ bao mùa xuân
Là mùa đầu tiên tròn tuổi làm trai bản
Biết hát khúc Xường yêu gọi bạn
Biết khua tay rộn rã nhịp trống chiêng
Là mùa đầu tiên
Con mặc vừa chiếc áo của cha
Từ chiến trường gửi về
cùng tờ báo tử ngày cũ
Giữa hội mường chiếc áo làm bóng con xanh như đại ngàn lộng gió
Con nắm tay mẹ khấp khởi chuyến hành quân…
Mùa Hội này mẹ không còn xuống hết chín bậc thang
Ngón chân run bấu xiêu hơi gió
Chiếc gậy run trên bàn tay khô
Mẹ trở vào ngồi tựa voóng cửa
Nhìn lên phía ngọn Tày Vày
Đợi con về trong trắng muốt mây bay
Đợi con gọi trong rền vang cồng chiêng đỉnh núi../..
Doãn Long
(Giải Tư)
Mùa đông
Không còn thấy căn lều nhỏ men sườn đồi
Có phải đã ngày giá buốt
Gà lạnh chân gáy trước vài tiếng đồng hồ
Nhà tôi sương trắng phủ.
Mẹ ít đi vào đi ra xem mùa cải nương độ trổ ngồng
Cha làm bạn bên bếp lửa mỗi ngày
Khói lên như dấu hỏi ngàn đời
Câu hỏi thả vào màn sương loãng.
Cha rót chén trà đặc quánh màu lửa
Mẹ buồn hơ tay như khúc củi đã khô rồi
Cha ngồi trầm ngâm như dáng núi
Lũ con tựa vào hơi ấm mọc làm cây.
Mùa đông
Không nhìn rõ bản
Không tìm thấy đường lên nương
Mình ủ vào nhau đợi mầm.
Quyên Gavoye
(Giải Tư)
Tổ quốc của những đứa con lai
Những đứa con lai
Những đứa trẻ sinh ra không cùng màu da, màu tóc
Bập bẹ tiếng nói cha ông
Các con có tổ quốc không?
Những đứa con lai
Những đứa trẻ sinh ra bên ngoài đường biên
Ngọng nghịu câu ca dao cò lả
Hồn nhiên khoe gốc gác mẹ cha
Tổ quốc của các con ở đâu?
Những đứa con lai
Những đứa trẻ sinh ra từ hai dòng máu
Quê mẹ, quê cha, nơi nào là tổ quốc của con?
Nơi mẹ sinh ra
Nơi cha cất tiếng khóc
Nơi con chập chững vào đời?
Các con có bao nhiêu tổ quốc?
Những đứa con lai
Những đứa trẻ có hơn hai tổ quốc
Là trái tim của mẹ
Là tình yêu của cha
Là giọng nói của ông bà trong giọng nói của mẹ
Bài học lịch sử dựng nước trong lời kể của cha
Những món ăn mang hương vị quê nhà
Mẹ nấu hôm qua, hôm nay con nấu
Tổ quốc của những đứa con lai hơn hai mà chỉ một
Là tổ quốc không giới hạn đường biên.
Nguyễn Ngọc Hưng
(Giải Tư)
Tôi là công dân Việt
Một con người, dĩ nhiên là thế
Một nhà thơ không có gì đáng kể
Một mảnh đời cho số phận đùa chơi
Nhưng bạn ơi, xin hãy nhớ lời
Từ sinh ra đến từ giã cõi đời
Tôi trước hết là một công dân Việt.
Rừng núi trung du đồng quê biển bờ mênh mang biêng biếc
Xứ sở dịu dàng ủ tôi trong chiếc nôi xanh
Bọc trong lời ru muối mặn gừng cay mía ngọt dưa lành
Và nuôi dưỡng tôi bằng sông suối đồng dao sắn khoai cổ tích
Dạy tôi biết yêu hòa bình nên chẳng ngại chiến tranh.
Có thể bạn chưa nhận ra ngay giá trị liên thành
Một bức tranh một bài thơ một câu hò hay một giai điệu nhạc
Nhưng với lòng yêu thương và trái tim khao khát
Chẳng khó chi để đồng cảm sẻ chia với xóm thôn làng mạc
Đang lặng lẽ vắt kiệt mình cho thơ nhạc thăng hoa.
Tôi chỉ là một ngọn cỏ nhỏ nhoi một con đom đóm lập lòa
Ăn nắng uống sương quê hòa nhịp trăng sao hát bài ca tang tình ba lý
Sông Vệ sông Trà dốc cho tôi mạch nguồn chung thủy
Núi Ấn, Đình Cương lại dạy tôi biết nhẫn nại kiên trì
Muốn nhận về phải thực bụng cho đi.
Tiếng chuông chùa rung ngọn gió từ bi
Không vọng tưởng không mưu cầu
những đen đỏ sắc màu danh lợi
Người dân quê dẫu hiền như củ khoai hạt thóc
nhưng địch họa đến nhà không lẽ làm thinh
Chẳng tấc đất ngọn rau nào ở Sơn Mỹ, Ba Tơ,
Vạn Tường muốn vang danh thế giới
Nhờ sông máu núi xương đổi cuộc sống thanh bình.
Sống là yêu yêu là sống hết mình
Gom góp từng xu nhặt nhạnh từng rễ khoai chạc sắn
Chắt chiu bồi đắp cõi bờ như những hạt phù sa hiến dâng thầm lặng
Có cả sông núi đất trời vẫn không quên tình muối dưa tấm mẳn
Khi Tổ quốc cần lại rất sẵn lòng đi.
Bạn ơi, nếu còn giữ trong lòng một chút thôi bóng đố kỵ hoài nghi
Đèn cao áp soi suốt ngày đêm cũng chẳng ăn thua gì đâu bạn
Chỉ có niềm tin mới thực sự cho con người ánh sáng
Vượt qua mù mịt tương lai sương mờ dĩ vãng
Những trái tim Đan-cô muôn thuở tỏa ngời...
Cao thấp cỏ cây vẫn sớm trưa đo bóng mặt trời
Mờ tỏ đóm đêm còn xanh đỏ thắp đèn xua tăm tối
Vừa cất tiếng oa oa đã có mẹ có cha có tổ tông nguồn cội
Sóng Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thôi sục sôi lan tỏa khắp ba miền
Có lẽ nào kê cao gối ngủ yên?
Một con người với thất tình lục dục, dĩ nhiên
Một nhà thơ, cũng thường thôi
Một mảnh đời trong cõi đời lắm bão giông khắc nghiệt
Đã yêu nước mình đến tận cùng cái chết
Tôi trước hết là một công dân Việt
Nguyện sát cánh tồn vong cùng trăm triệu trái tim son sắt Lạc Hồng!
Trần Quốc Toàn
(Giải Tư)
Bếp quê
Như đi qua thực tại một cơn gió
Tiếng chim thu cao
Nghiêng chiều mưa xứ sở...
Người gùi củi nghỉ chân bờ suối
Đàn bò ăn lá cây trong bụi rậm
Đá khắc vào đêm sự im lặng của nghìn xưa
Phía tiếng chuông chùa mỗi sáng thức giấc cánh đồng
Trái vông đu đưa
Hoa đu đủ đực bên giếng nước
Khói bếp phả vào hoàng hôn tâm thức làng...
Đất lắng nỗi niềm dấu chân con trâu sau buổi chiều cày xới
Tôi thấy dòng sông trở mình ôm lấy mảnh trăng khuya.
Quen với bốn mùa những món ăn dân dã được lấy từ sông,
từ núi, từ mảnh vườn cắm chái tre
những dưa leo, bầu bí,
Thấm vào hồn những đứa trẻ thơ.
Bếp quê, bếp quê, bếp quê
Gửi về cho những xa xưa
Nghe chuông chùa vọng vào câu hát đồng giao
" Hít tè tè, ra đầu hè ăn cơm nếp, vô trong bếp ăn cơm rang"
Không đâu ấm bằng bếp củi mẹ nhóm
Nơi con mèo còn để lại khuôn mặt ngái ngủ hơi ấm tàn tro
Nơi cây đèn dầu thắp soi thớt bánh bèo nóng hổi tối trời mưa gió.
Bếp lửa vẽ dáng ngồi bà mẹ quê
Quơ tay là đụng chiếc rế, hủ nghệ, ống thổi lửa
Xung quanh chiếc đòn tre đụng đâu cũng là kí ức...
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...