Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:21 (GMT +7)

Tác giả Nguyễn Hữu Thịnh: Thích được đi và viết những điều tâm đắc

VNTN - Đã 85 tuổi nhưng nhà văn Nguyễn Hữu Thịnh, hội viên Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh, quê ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình vẫn còn minh mẫn. Dẫu bước chân đi đã có phần chậm hơn, tay cầm bút cũng đã run run nhưng tình yêu văn chương, niềm đam mê văn nghệ vẫn luôn thường trực trong ông. 

Ông Thịnh chia sẻ: Tôi bắt đầu sáng tác từ 1960 với tác phẩm đầu tay là bút ký “Phá bờ” viết về cuộc sống của người dân sinh hoạt trong Hợp tác xã Nông nghiệp. Bài viết được đăng trên báo Văn nghệ Việt Bắc. Sau thành công tác phẩm đầu tay, tôi tiếp tục viết và được đăng đều đặn trên báo. Nhiều bài tạo được hiệu ứng cao như “Mỹ tục làng quê”, viết về tập quán đẹp của nhân dân địa phương, đó là trước ngày nhập ngũ của tân binh, nhân dân trong xóm đến hỏi thăm động viên. Ngay sau khi bài báo được đăng, nhiều địa phương đã áp dụng và tạo thành một phong trào đẹp trong cộng đồng.

 

Đọc lại những trang bản thảo cũng là thú vui của tác giả Nguyễn Hữu Thịnh

Bao năm miệt mài sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm, ông Thịnh đã tuyển chọn và xuất bản hai tập truyện: Trái chín (xuất bản năm 2007) và Nghiệp đời (xuất bản năm 2014). Tập “Trái chín” gồm 10 truyện ngắn phản ánh một cách chân thực cuộc sống dân dã nơi làng quê. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những bài học sâu sắc. Ông tự nhận: Tôi thích phong cách viết của nhà văn Nguyễn Công Hoan, vừa hài hước chân thực vừa mang tính phê phán sâu cay. Cách viết của tôi cũng có phần nào ảnh hưởng bởi phong cách ấy. Các nhân vật trong truyện phần lớn lấy nguyên mẫu từ chính làng quê tôi. Như trong truyện ngắn “Thằng Câm”, nhân vật thằng Câm là nguyên mẫu anh chàng thợ rèn sống ở cầu Lang Tạ, xã Lương Phú. Thằng Câm có cuộc đời bất hạnh, 6 tuổi mồ côi mẹ, bố thì bỏ đi từ khi nó còn là trứng nước. Nó lớn lên trong sự cưu mang của người dân làng Gò và đặc biệt là gia đình cụ Sự. Cụ Sự sống trong cảnh gà trống nuôi con, khi người con trai trưởng thành đi công tác xa, 20 năm chẳng về thăm nhà. Cụ Sự có thằng Câm làm bầu bạn, giúp đỡ sớm hôm. Cảm kích trước lòng tốt của thằng Câm, cụ Sự đã quyết tâm ra xã làm giấy, nhận thằng Câm làm con nuôi và sẽ bàn giao toàn bộ tài sản cho nó.

Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm triết lý nhân sinh, mang tính giáo dục sâu sắc. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm của tác giả.

Nét mới trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Hữu Thịnh là việc đi sâu khai thác những suy nghĩ, cách nhìn mới mẻ của người dân quê. Họ đã dần thoát ra vỏ bọc của những hủ tục lạc hậu. Như trong truyện ngắn “Thằng Câm”, người dân trong xóm khi biết cô Mai Xèo không chồng mà chửa thì mọi người đều mừng cho cô ấy, động viên, giúp đỡ cô ấy đi viện mổ đẻ, rồi thương cảm khi biết con trai cô Mai Xèo không biết nói… Hay trong truyện “Trái chín” (1996), ông viết: “Người ta cũng như quả ổi xanh, cứng mãi rồi cũng phải mềm, phải chín” để nói về cách cư xử, cách đối nhân xử thế, tin vào cái thiện sẽ thắng cái ác. Hàng xóm láng giềng những chuyện nhỏ nhặt nên bỏ qua để hướng tới điều lớn lao hơn. 15 truyện ngắn trong tập “Nghiệp đời” là 15 bài học sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua từng tình tiết, nhân vật. Một số truyện ngắn đi sâu vào vấn đề đổi mới của nông thôn như “Thị Nở thời nay”, “Đồi hiếm”... Nông thôn đổi mới gắn liền với những con người mới và cách nghĩ mới. Cũng như các truyện trong tập “Trái chín”, nhiều truyện trong tập “Nghiệp đời” được xây dựng từ những nguyên mẫu của chính làng quê ông. Ông Thịnh vui vẻ kể về tình huống trong một lần xóm làm đường giao thông, tình cờ có người đọc được truyện ngắn của ông. Họ chuyền tay nhau đọc và thấy tâm đắc thấm thía vì các nhân vật, cảnh vật đều gần gũi, chân thật.

Ông Thịnh được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên năm 2000. Đây là cơ hội để ông được gặp gỡ và giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Thời gian đó, ông viết nhiều, viết khỏe và khá đều tay. Cần mẫn như con ong nhả mật cho đời, ông cặm cụi viết, sửa từng tác phẩm cẩn thận rồi thuê người đánh máy và gửi các báo, tạp chí. Ông tâm sự: Với tôi, niềm đam mê lớn nhất là được đi nhiều nơi và viết về những điều mình tâm đắc. Tôi mong là sẽ xuất bản được một tập bút ký nữa. Ông Thịnh đưa tôi xem tập bản thảo khá dày dặn với khoảng hai chục bài ký mà ông cẩn thận đóng quyển. Trong đó, nhiều bài đã được đăng ở các tờ báo trung ương và địa phương như: “Buồn từ làng ra phố”, “Bão qua làng” nói về thời kỳ bão giá, người dân chăn nuôi gặp nhiều thất bát… Chia sẻ về những lần đi cơ sở sáng tác, ông Thịnh cho biết: Có những tác phẩm, ông phải ăn ở vài ngày cùng người dân như: “Hơi ấm làng nghề” viết về làng nghề Xuân La (xã Xuân Phương, Phú Bình), ông ăn, ở cùng những người làm gạch để xem đời sống của họ như thế nào rồi đưa vào bài viết cho sinh động gần gũi. Hay trong bài bút ký “Dòng sông đỏ” nói về tình trạng ô nhiễm môi trường của dòng sông Đào, ông đã phải đứng hàng buổi quan sát dòng sông để viết được những dòng văn chân thực có sức lay động lòng người.

Tuổi cao, sức khỏe đã giảm nhưng niềm đam mê sáng tác vẫn không ngừng nghỉ trong ông. Giờ ông không còn đi nhiều viết nhiều như trước nữa, ông ngẫm ngợi lại những điều đã mắt thấy tai nghe từ trước đến nay để đưa vào trang viết. Bên cạnh ông luôn có chiếc đài FM làm bạn. Thời gian phát các chuyên mục văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam được ông thuộc nằm lòng. Ngoài niềm đam mê văn chương, ông còn đam mê câu cá, vui thú ruộng vườn. Cuộc sống điền viên nơi thôn dã vẫn như ngọn lửa giữ cho ông nguồn cảm hứng mỗi ngày với văn chương chữ nghĩa.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước