
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Cụm từ MeToo (Tôi cũng vậy) bắt đầu được sử dụng vào năm 2006 trên mạng xã hội Myspace, từ một nhà hoạt động xã hội và tổ chức cộng đồng. MeToo (bắt nguồn từ hashtag “#MeToo") là một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. Nhưng MeToo chỉ thực sự lây lan nhanh chóng vào tháng 10/2017, khi nữ diễn viên Alyssa Milano (Mỹ) khuyến khích loan truyền nó như là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm tiết lộ sự phổ biến của việc lạm dụng và quấy rối tình dục (QRTD). Hashtag được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội để giúp chứng minh sự phổ biến rộng rãi của vấn đề quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đây là chiến dịch của những nạn nhân dám đứng lên tố cáo hành động phi đạo đức này.
Điều khiến người ta vô cùng kinh ngạc, là chỉ sau mấy tiếng Milano đưa cụm từ "Me too" lên Twitter, nó đã được sử dụng hơn 200.000 lần vào cuối ngày. Sau một ngày, con số đó tăng hơn 500.000 lần. Trên Facebook, #Me Too được sử dụng bởi hơn 4,7 triệu người trong 12 triệu bài đăng trong 24 giờ đầu tiên. Trang mạng này tường thuật rằng, 45% người dùng ở Hoa Kỳ có một người bạn đã đăng bài dùng cụm từ đó.
Những con số trên có thấy rằng, bị quấy rối hoặc bị tấn công tình dục đã, đang là một tình trạng, nó là vấn đề của xã hội.
Chiến dịch #MeToo đã gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc… Tháng 4/2018, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Junichi Fukuda đã phải từ chức sau khi một nữ phóng viên đài truyền hình Asahi công bố bản ghi âm những lời gạ gẫm khiếm nhã của ông: “Tôi có thể ôm cô không?”, “Tôi chạm vào ngực cô được chứ?”, “Chúng ta có nên ngoại tình khi ngân sách được thông qua?”,…
Tại Hàn Quốc, một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2015 đã chỉ ra rằng, “cứ 10 người lao động nước này thì có 8 người từng là nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục. Nhưng 78% trong số đó chọn im lặng vì nghĩ rằng có hành động thì cũng không thay đổi được gì, thậm chí người bị hại có thể sẽ phải chịu tổn thất sau khi cáo buộc”. Nhưng phong trào MeToo đã bắt đầu bùng nổ vào tháng 1/2018, khi nữ công tố viên Seo Ji Hyun chia sẻ trên truyền hình về quá khứ từng bị một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp cưỡng hiếp vào năm 2010. Dù đã dũng cảm tố cáo hành vi của vị lãnh đạo trên, nhưng cuối cùng Seo Ji Hyun lại bị giáng chức để bưng bít mọi chuyện. Mất 8 năm chìm trong đau khổ và sự tự đấu tranh cô mới có thể công khai câu chuyện trên các phương tiện truyền thông. Chiến dịch MeToo đang sôi sục ở Hàn Quốc, cuộc vận động đã và đang đưa nhiều “yêu râu xanh” ở mọi lĩnh vực ra ánh sáng.
Gần đây nhất, Liên hoan phim cannes lần thứ 71 diễn ra tại Pháp đã khép lại (20/5) bằng bài diễn văn #MeToo gây rúng động của nữ đạo diễn Ý Asia Argento, tố cáo nhà sản xuất Harvey Weinstein cưỡng bức mình năm 1993. Lời tố cáo đanh thép khiến Asia trở thành một trong những người tiên phong của phong trào MeToo ở Hollywood.
Ở Việt Nam, #MeToo có lẽ bắt đầu từ vụ việc một nữ cộng tác viên (là sinh viên thực tập) tố cáo trưởng ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ cưỡng bức mình, khiến cô đau khổ muốn tự tử. Từ sự việc trên, vài ngày sau đó đã có rất nhiều phụ nữ khắp cả nước chia sẻ các câu chuyện bị quấy rối và lạm dụng tình dục. Họ đặt các hagtag như #toasoansach, #ngungimlang, và #MeToo. Cách đây ít ngày, giới giải trí Việt ồn ào với lời cáo buộc của các nạn nhân về hành vi QRTD của ca sĩ Phạm Anh Khoa…
Theo một khảo sát của tổ chức ActionAid với hơn 2.000 phụ nữ ở độ tuổi từ 16 trở lên tại 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì có tới 87% phụ nữ từng là nạn nhân của QRTD nơi công cộng, thế nhưng việc lên tiếng chống lại QRTD vẫn là rất hiếm ở Việt Nam. Do đó, mặc dù có sự ảnh hưởng nhưng phong trào #MeToo ở nước ta chưa mạnh mẽ.
QRTD không phải chỉ là chuyện của các ngôi sao Hollywood, hay giới showbiz, mà nó có thể diễn ra trong bất cứ môi trường nào. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thực hiện những ý tưởng về các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cho người lao động vấn đề này. Mặt khác, việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, trong đó quy định cụ thể về “quy tắc ứng xử chống QRTD” cũng vô cùng cần thiết. Thêm một số các giải pháp như tổ chức các khóa đào tạo về ứng xử nơi công sở, điều tra, xử phạt nghiêm minh các vi phạm…, hi vọng sẽ thực sự nâng cao nhận thức và cách ứng xử của cộng đồng đối với vấn đề nhạy cảm này.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...