Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:30 (GMT +7)

Sự đứt gãy văn hóa sau khi thay đổi ngôn ngữ

LTS: Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 15, ra ngày 14/4/2020, mục “Chữ và Nghĩa” có đăng bài “Thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể là đứt gãy văn hóa?” của tác giả Phan Nam Sinh. Trong bài, tác giả có dẫn ra quan điểm của nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu và đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên.

Sau khi đăng tải, Tòa soạn đã nhận được bài trao đổi lại của nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu.

Trên tinh thần cởi mở, khách quan, tôn trọng các quan điểm về học thuật nhằm cùng nhau tiếp cận thực tiễn và chân lý khoa học, kỳ này, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài trao đổi lại của nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu.

Trong bài “Thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể là đứt gãy văn hóa? (số 15, ngày 14/4), tác giả Phan Nam Sinh viết: Hơn trăm năm nay, chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán, chữ Nôm. Điều đó khiến nhiều người Việt không đọc được các bức hoành phi, câu đối ở đình chùa, miếu mạo, các văn bản hành chính của các triều đại phong kiến hay các áng thơ văn của cha ông để lại. Các nhà nghiên cứu gọi đấy là sự đứt gãy văn hóa. Điều đó là hoàn toàn đúng! Nhưng nếu nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu đem việc ấy so sánh với việc người Trung Quốc thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể mà cũng gọi đấy là một sự đứt gãy văn hóa thì hơi... lạ!”. Ông cho biết: “mặt chữ giản thể hầu hết đều hao hao mặt chữ phồn thể, chỉ bớt đi một số nét. Thí dụ: chữ “học” phồn thể viết là , giản thể viết là , chữ “vinh” phồn thể viết là , giản thể viết là ...”, rồi ông khẳng định: “lớp người già chỉ biết chữ phồn thể và lớp người trẻ sinh sau năm 1950 ở Trung Quốc chỉ học chữ giản thể, tôi tin rằng họ đều có thể đọc được hai loại văn bản bằng chữ phồn thể hay chữ giản thể”. Nói cách khác, tác giả Phan Nam Sinh không tin rằng việc thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể sẽ tạo ra sự đứt gãy văn hóa như nhận xét của tôi.

Vì thế tôi xin phép trao đổi đôi điều cùng ông như sau:

Có 2 hướng tiếp cận để thấy rằng, đó là sự đứt gãy văn hóa:

  1. Việc loại bỏ hệ thống chữ viết này để sử dụng hệ thống chữ viết khác sẽ dẫn tới tình trạng không thể đọc hiểu được văn bản.

Như dẫn chứng trên, nếu người Việt chỉ học chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ngày nay), sẽ không đọc được những văn bản chữ Hán, chữ Nôm của tiền nhân. Điều này cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ chữ viết A Rập để chuyển sang viết theo ký tự Latin vậy. Chúng ta biết rằng sau khi Liên Xô tan rã, các nước trong khối Liên bang Xô-viết trở thành các quốc gia độc lập, có những nước đã thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết của họ, đó là Azerbaijan (1991), Turkmenistan (1991) và Uzbekistan (1992). Họ đã chuyển từ việc sử dụng bảng chữ cái Cyrillic sang bảng chữ cái Latin. Đến năm 2017, Kazakhstan cũng chuyển từ chữ Cyrillic sang chữ Latin. Như vậy, trong tương lai, chắc chắn sẽ có sự đứt gãy văn hóa xảy ra, vì công dân trẻ của những nước này không thể đọc được văn bản chữ Cyrillic mà cha ông họ đã viết trước đó.

  1. Việc thay đổi cách viết trong cùng một ngôn ngữ cũng có thể dẫn tới sự không đọc hiểu được văn bản.

Thí dụ người Trung Quốc biết chữ giản thể không thể đọc hiểu được những văn bản viết bằng chữ phồn thể. Vậy nên, cho rằng “mặt chữ giản thể hầu hết đều hao hao mặt chữ phồn thể, chỉ bớt đi một số nét” là chưa hẳn đúng, bởi vì đây chỉ là một cách giản hóa mà thôi. Trên thực tế, có nhiều cách để tạo ra chữ giản thể và chúng có sự khác biệt so với chữ phồn thể.  Thí dụ:

- Theo cách hội ý: chữ “bảo” viết phồn thể là 寶, nếu giản hóa sẽ thành chữ 宝;

- Theo lối hài thanh: chữ “ưu” 優 nếu giản hóa sẽ thành chữ 优...

Ngoài ra, còn những cách như:

- Bỏ bớt bộ thủ: chữ “sát” 殺 thành 杀 (bỏ bộ thù 殳)

- Thay đổi bộ thủ: chữ “tả” 寫 (bộ miên 宀) thành 写 (bộ mịch 冖).

Trong trường hợp bộ thủ bị mất thì thật khó mà nhận ra nguồn gốc. Thí dụ:

- Chữ “bị” 備 (bộ nhân亻) giản thành 备;

- Chữ “mãi” 買 (bộ bối 貝) giản thành 买;

Nếu “cải tiến” tiếng Việt hiện nay theo cách viết của ông Bùi Hiền hoặc dùng bộ chữ Việt Nam song song 4.0 (chữ viết không dấu, chỉ sử dụng 26 chữ cái) thì chắc chắn sự đứt gãy văn hóa sẽ xảy ra. Người học 2 hệ thống chữ cải tiến này sẽ không đọc hiểu được văn bản tiếng Việt từ năm 2019 trở về trước và ngược lại.

Ông Phan Nam Sinh viết: “lớp người già chỉ biết chữ phồn thể và lớp người trẻ sinh sau năm 1950 ở Trung Quốc chỉ học chữ giản thể, tôi tin rằng họ đều có thể đọc được hai loại văn bản bằng chữ phồn thể hay chữ giản thể”.

Thưa ông, điều  này thật khó xảy ra. Chúng ta hãy nghe chính người Trung Quốc nhận xét. Trong bài “Vài suy nghĩ về việc cải cách chữ Hán”, nhà văn Ba Kim (巴金) cho biết tầng lớp học chữ phồn thể ở Đài Loan và Hồng Kông cảm thấy bất lực trước việc đọc hiểu những tài liệu được xuất bản từ đại lục, và ngược lại, giới học chữ phồn thể ở Trung Quốc đại lục thật sự cảm thấy khó khăn khi đọc chữ giản thể. Chúng tôi, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, đồng thuận rằng người chỉ biết chữ giản thể không thể đọc hiểu văn bản viết bằng chữ phồn thể.

Ông Phan Nam Sinh thắc mắc: “nếu gọi việc thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể là sự đứt gãy văn hóa trong văn hóa Trung Quốc thì từ văn ngôn chuyển sang bạch thoại hồi đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc không là sự đứt gãy văn hóa sao?

Xin thưa, đây chính là sự đứt gãy văn hóa. Chúng ta biết rằng Văn ngôn (hay Cổ văn) là loại ngôn ngữ viết của Hán ngữ thượng cổ, phát triển thành ngôn ngữ văn học thời Xuân Thu Chiến Quốc khoảng thế kỷ thứ 5 TCN đến cuối thời nhà Hán, sau đó được dùng trong sách vở, kinh điển cho đến thế kỷ 20. Văn ngôn sử dụng chữ phồn thể, có từ vựng và ngữ pháp cổ xưa, thật khác biệt so với văn Bạch thoại, loại ngôn ngữ sử dụng chữ giản thể. Ngày nay, Văn ngôn được xem là tử ngữ, chỉ dùng để nghiên cứu văn hóa, lịch sử các vương triều Trung Hoa. Người biết chữ giản thể phải học chữ phồn thể mới đọc hiểu được những sách cổ như Thi kinh, Luận ngữ, Lão Tử hay Trang Tử… , nếu không được học thì họ không thể hiểu cách viết theo kiểu Văn ngôn. Nhìn chung, phần lớn sách Hán cổ đều được chuyển ngữ và chú giải bằng Bạch thoại (Hán ngữ hiện đại), theo những cách mà giới nghiên cứu gọi là “ngôn văn đối chiếu”, “dịch chú”, “thông dịch”,  “đối dịch” hay “tân dịch” (bản dịch mới)…

Tóm lại, việc chuyển từ chữ phồn thể sang giản thể trong Hán ngữ là một sự đứt gãy văn hóa đối với người Trung Quốc, người chỉ biết chữ giản thể sẽ đọc hiểu văn Bạch thoại song không thể đọc hiểu những tác phẩm kinh điển viết theo kiểu Văn ngôn.

VƯƠNG TRUNG HIẾU

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy