Thứ sáu, ngày 04 tháng 04 năm 2025
16:05 (GMT +7)

Sử dụng mạng xã hội và trách nhiệm với cộng đồng

VNTN - Ngay sau khi Hà Nội công bố phát hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên vào đêm 6 - 3 (người thứ 17 được phát hiện ở Việt Nam), người dân cả nước đối diện với “cơn lũ” thông tin giả xung quanh trường hợp này. Người vẽ “sơ đồ ăn chơi” của bệnh nhân, người đưa ra danh sách những ai ngồi gần, ai giao tiếp, ai di chuyển những đâu… khiến dân chúng hoang mang, sợ hãi. Nếu ví virus corona chủng mới (Covid-19) lây truyền theo cấp số nhân, thì tốc độ lây lan của loại “virus bịa đặt” này nhanh hơn gấp hàng trăm lần và nguy hại do nó gây ra không thua kém dịch bệnh. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan sang Việt Nam, thì đồng thời cũng xuất hiện “đội ngũ” những kẻ “ăn không nói có” hoang tin bịa tạc về thảm dịch đang được cả thế giới quan tâm này. Thái Nguyên cũng xuất hiện không ít kẻ như thế. Những kẻ tung tin thất thiệt ấy là ai? Người nổi tiếng muốn thể hiện “uy thế” trên mạng xã hội; người bán hàng online muốn tăng tương tác, tăng lượng người quan tâm để bán được hàng; người “vô danh tiểu tốt, vô công rỗi nghề” lâu nay không ai quan tâm thì “chơi lớn” để được chú ý. Một số nhân cơ hội “đục nước béo cò” gây nhiễu loạn xã hội vì mục đích thâm độc hơn. Chưa kể không ít người nhẹ dạ cả tin hoặc kém hiểu biết đã chia sẻ, bình luận khiến thông tin giả phát tán nhanh, góp phần lây lan “dịch bệnh” nguy hiểm này. Tình trạng thông tin giả không phải mới đây mới xuất hiện. Gần như thành quy luật, mỗi khi có sự kiện đặc biệt nào đó xảy ra cũng là lúc những kẻ ác ý ra tay bịa đặt thông tin xấu, độc. Tuy nhiên, gần đây những đối tượng này bị xử lý nhiều hơn, nghiêm khắc và nặng hơn. Theo con số của Bộ Công an, tính từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có gần 200 cá nhân tung tin sai lệch về dịch Covid-19 đã bị triệu tập, xử lý, buộc gỡ bỏ thông tin sai. Gần 50 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện đã đưa vào diện đề nghị xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng cấm hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”(điểm d, Điều 8). Để xử lý nghiêm khắc hơn với “dịch tin giả”, ngày 03/02/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/4/2020 (thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2014). Nếu như Nghị định 174/2013/NĐ-CP có 114 điều liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông thì Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ hơn, chi tiết hơn với 224 điều. Trong đó, Điều 101 “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” nêu rõ mức phạt với các “anh hùng bàn phím” như sau: “Bị phạt tiền 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Cũng theo Nghị định 15/2020, người vi phạm ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 6 tháng tới 7 năm tù. Thực tế cho thấy, tác hại do thông tin thất thiệt gây ra rất nặng nề. Chế tài mạnh là biện pháp đích đáng trừng trị những kẻ “ăn không nói có”. Tuy nhiên, không ít người sử dụng mạng xã hội thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã nhấn “thích” hoặc “bình luận” theo hướng tán dương, cổ vũ, gián tiếp góp phần lan tỏa thông tin xấu, độc, sai sự thật. Những hành vi này cũng cần phải lên án. Mạng xã hội không ảo như nhiều người nghĩ. Trang cá nhân của mỗi người khi tham gia cộng đồng mạng đã trở thành diễn đàn công khai. Vì vậy, hãy suy nghĩ thấu đáo, bình tĩnh nhận diện nguồn tin trước khi “thích”, “chia sẻ” hay “bình luận”. Tung tin giả, độc hại làm nhiễu loạn xã hội là tội ác và việc góp phần lây lan thông tin đó cũng là tiếp tay cho tội ác.

THÁI VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 3 tháng trước