Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:49 (GMT +7)

Sự cố thân đập chính hồ Núi Cốc: Đã có phương án xử lý phù hợp

VNTN - Những ngày gần đây, sự cố thân đập chính hồ Núi Cốc đã trở thành vấn đề thời sự nóng hổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sự quan tâm càng lớn hơn khi đây là công trình “đại thủy nông” có sức ảnh hưởng rộng và đặc biệt nghiêm trọng đến vùng hạ du nếu để xảy ra vỡ đập. Bởi vậy, ngay khi có sự cố, UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triệu tập ngay các cơ quan, đơn vị, chuyên gia để cùng nhóm họp, đưa ra phương án xử lý nhanh nhất, tối ưu nhất. 


Phát hiện từ lâu nhưng chưa xử lý

Có một điều đáng quan tâm là không phải mãi tới đầu năm 2017, cơ quan chuyên môn mới phát hiện hiện tượng thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, gặp sự cố mà hiện tượng này đã được tìm ra và cảnh báo từ năm 2014.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình hồ Núi Cốc), đã xác nhận điều đó.

Theo ông Thịnh, trong quá trình quản lý, vận hành, Công ty đã phát hiện việc thấm qua đập chính gây nguy cơ mất an toàn từ lâu. Đến năm 2014, Công ty đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) báo cáo UBND tỉnh trình Bộ NN& PTNT về thực trạng trên. Bộ này đã đồng ý cho tỉnh triển khai thực hiện Dự án Nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn công trình hồ Núi Cốc với mức đầu tư dự kiến là 250 tỷ đồng, trong đó có hạng mục gia cố đập chính. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên Dự án vẫn chưa được thực hiện. Bởi vậy, phải đến gần đây, khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, đơn vị quản lý mới chính thức báo cáo tỉnh để có phương án cấp bách ứng phó.

 

Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và PTNT thị sát tình hình tại đập chính hồ Núi Cốc

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, đơn vị quản lý đã đưa ra nhận xét như sau: Việc thấm ở đập chính là thấm cục bộ, xảy ra ở từng điểm và từng lớp đất cụ thể trên mái hạ lưu đập. Nguyên nhân ban đầu được xác định, có thể là do một số lớp đất đắp đập không đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn, độ đầm nén chưa chặt. Do đập đã được vận hành khai thác sử dung lâu ngày, độ kết dính của đất đắp bị lão hóa không còn đảm bảo chống thấm cho thân đập. Hoặc có thể do trong quá trình thi công, các lớp đất đắp với nhau bị phân tầng lâu ngày, tạo ra đường thấm qua đập.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết thêm, với thời gian sử dụng hơn 40 năm, hiện nay, đất đắp thân đập có hệ số thấm đã vượt quá giới hạn cho phép gấp 3 đến 6 lần; đống đá tiêu thoát nước thân đập có hiện tượng bị tắc dẫn đến bịt kín đường thoát ra của dòng thấm mái hạ lưu. Ngoài ra, do được thi công từ những năm cuối thập niên 70, công cụ thi công đơn sơ nên chất lượng đất đắp thân đập có thể chưa đảm bảo theo yêu cầu thiết kế. Kiểm tra thực tế cho thấy, thân đập chính hồ Núi Cốc xuất hiện 5 điểm bị thấm nước.

Sự cần thiết công bố tình trạng khẩn cấp

Ngay khi sự cố được báo cáo lên, nhận thấy tính chất nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề, UBND tỉnh quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn. Dù việc vỡ đập là khó có thể xảy ra, song đưa ra cảnh báo và chủ động đề phòng tình huống xấu là rất cần thiết, nhất là đang trong mùa mưa bão, diễn biến thời tiết cực đoan khó lường. Các chuyên gia cho rằng, trong năm nay có thể xuất hiện mưa bão dồn dập với cường độ lớn trong nhiều ngày. Mưa lũ vượt tần suất thiết kế do biến đổi khí hậu như hiện nay sẽ rất nguy hiểm cho đập chính hồ Núi Cốc nếu không được xử lý kịp thời.

Bởi vậy, trong Quyết định công bố khẩn cấp, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành ngay việc cảnh báo và đặt biển báo khu vực đang có sự cố thấm thân đập; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến thấm và tiến độ khắc phục khẩn cấp về tỉnh. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên phải khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, có giải pháp khắc phục ngay, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ và các thông tin cảnh báo để chủ động tham mưu các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương vùng hạ lưu thông báo rộng rãi tình trạng khẩn cấp. Các địa phương, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Theo khảo sát thực tế, hiện nay mực nước trong hồ đang ở mức thấp, khoảng 40,05m, đúng  theo quy trình vận hành đã được Bộ NN& PTNT phê duyệt và quy định. Với mực nước này, việc thấm qua đập bị hạn chế nhiều và độ an toàn cho toàn bộ công trình vẫn trong tầm kiểm soát. Dù vậy, theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Văn Thắng tại buổi kiểm tra thực tế xung quanh sự cố đập chính hồ Núi Cốc mới đây, việc đảm bảo an toàn vận hành hồ Núi Cốc là nhiệm vụ quan trọng không thể xem thường. Do đó, tỉnh cần triển khai ngay các biện pháp xử lý cấp bách chống thấm thân đập.

Cơ quan quản lý kiểm tra các điểm thấm thân đập để có phương án xử lý

Đã có phương án xử lý tối ưu

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, UBND tỉnh đã quyết định lập ngay Dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc. Dự án được trao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên làm chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du, đồng thời, đảm bảo phát triển đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu dùng nước sản xuất, sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến hơn 76 tỷ đồng. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ thực hiện ngay việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập, làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập, sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập, sửa chữa mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng, khôi phục thiết bị quan trắc thấm và bổ sung thiết bị đo mưa...

Theo các chuyên gia, phương án xử lý trên được xem là tối ưu và phù hợp với tình trạng hiện tại của thân đập, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của vấn đề. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đoàn Văn Tuấn cho rằng, phương án đưa ra là hợp lý nhưng đòi hỏi các đơn vị chức năng phải ưu tiên xử lý ngay đống đá tiêu nước sau thân đập, bóc tấm bê tông ở mái hạ lưu đập và thực hiện khoan phụt thân đập theo phương án của đơn vị tư vấn đưa ra. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh xây dựng ngay phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du trong quá trình sửa chữa thân đập chính. Thời gian thực hiện sửa chữa trong khoảng 45 ngày (xong trước ngày 20/8/2017 để kịp tích nước hồ phục vụ sản xuất, sinh hoạt theo quy định).

Dự kiến, sau khi hoàn thiện các thủ tục của dự án, từ ngày 1/7 tới, đơn vị thi công sẽ tiến hành sửa chữa, khoan thí nghiệm và khoan phụt thi công vữa chống thấm (phấn đấu hoàn thành trước ngày 25/7). Đối với các hạng mục còn lại như: Sửa chữa thấm hạ lưu, đống đá tiêu nước, rãnh thoát nước... sẽ hoàn thành trong tháng 8/2017.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy