Sống chung với… nghịch lý
VNTN - Ai đã qua tuổi học trò hẳn đều biết câu “học thầy không tày học bạn”, trong khi trước đó đã có câu “không thầy đố mày làm nên”. Phải chăng đây là “nghịch lý” đầu tiên mà mỗi người chúng ta được tiếp cận (hoặc tiếp nhận) khi vào đời.
Nói “đầu tiên” là vì, trong cuộc sống vẫn còn có vô số nghịch lý mà dù muốn hay không xã hội vẫn phải chấp nhận. Chẳng hạn, đã coi “thương trường như chiến trường” nhưng lại đòi hỏi doanh nhân phải cạnh tranh lành mạnh; đã yêu cầu “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, để giữ gìn kỷ cương phép nước, nhưng lại muốn vận dụng theo tư tưởng chủ quan để “phép vua thua lệ làng”; cũng không hiếm người luôn tìm cách khoe khoang về bằng cấp chữ nghĩa, dù chính họ không đọc được hoành phi, câu đối hay gia phả của ông cha để lại…
Đành rằng có những nghịch lý tồn tại “vĩnh cửu” do phụ thuộc thiên nhiên, song cũng có những nghịch lý đang được một số người ủng hộ hoặc không muốn xóa bỏ. Đó là chuyện nhiều cơ quan, đơn vị thật sự vững mạnh lại có tỷ lệ số người được khen thưởng qua các danh hiệu thi đua thấp hơn tỷ lệ tương ứng ở một số đơn vị tầm tầm hoặc… yếu kém. Đó là tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của các tỉnh luôn cao hơn, có khi gấp đôi GDP của cả nước. Đó là chuyện những ngôi biệt thự “khủng” của các cựu quan chức luôn khiến người dân đặt dấu hỏi về nguồn gốc của chúng, cũng như sự minh bạch trong việc kê khai tài sản của cán bộ công chức. Đó là chuyện 72000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi các hệ đào tạo thạc sĩ, cử nhân vẫn mở ra như bươm bướm mùa xuân. Đó là chuyện học sinh đạt điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi vào đại học vẫn có thể kể vanh vách về sử Tàu… Và, nếu để ý đến các nghịch lý ở dạng này sẽ thấy cả “hai vế” của chúng đều do chính con người tạo ra mà trong nhiều trường hợp, ai cũng là “đồng tác giả” của một nghịch lý nào đó.
Có thể thấy, suy cho cùng thì các nghịch lý cũng đều xuất phát từ sự đòi hỏi và ham muốn của con người, dù những đòi hỏi đó có chính đáng và lành mạnh hay không. Vì vậy mà đôi khi, trong mỗi một cá nhân cũng có sự mâu thuẫn. Cho nên, không có gì lạ khi có kẻ “tham nhũng đầy mình” vẫn được đăng đàn thuyết giảng về nhân cách đạo đức theo kiểu “làm theo tôi nói, không làm theo tôi làm”. Cũng đừng thắc mắc tại sao lắm kẻ phạm tội giết người cướp của cực kỳ dã man nhưng lại được gia đình và cả hàng xóm nhận xét là “ngoan hiền, lễ phép” (trước khi chúng sa lưới pháp luật)… Và cũng không thể phê phán những người bán báo dạo chỉ tập trung giới thiệu tin bài về tiền - tình - tù - tội cùng cướp - giết - hiếp mà không bao giờ đả động đến người tốt - việc tốt… (nếu việc làm của họ không bị Nhà nước nghiêm cấm).
Dù chưa nhìn thấy hổ bao giờ thì ai cũng thừa biết, nếu thấy con hổ vồ cả một con lợn thì cũng đành phải bỏ của chạy lấy người. Nhưng nếu thấy con mèo ăn vụng một miếng thịt thì lại tìm mọi cách đuổi đánh. Việc xóa bỏ những nghịch lý “luật bất thành văn” như vậy quả không dễ dàng, nên chăng phải trừ diệt cả “hổ báo” lẫn “ruồi muỗi”? Nhưng thôi, đó là chuyện mà một người âu chẳng lo nổi, chỉ để tham khảo vậy. Song, cho dù có sẵn sàng chuẩn bị một tâm thế “sống chung với nghịch lý” thì ngay cả người dân bình thường cũng không thể dửng dưng trước tình trạng “làm thì láo, báo cáo thì hay” đang hiện hữu ở nhiều cấp, nhiều nơi
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...