Siêu trí tuệ và những “cỗ máy”
VNTN - Game Show Siêu trí tuệ Việt Nam có tên gốc là The Brain, là một chương trình truyền hình tìm kiếm những người có trí tuệ phi thường, kinh ngạc, khả năng đặc biệt,... do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty DID TV thuộc Datviet VAC thực hiện năm 2019, có bản quyền từ EndemolShineGroup của Đức. Sau một thời gian phát sóng, chương trình này đã thu hút đông đảo sự yêu thích của khán giả mọi lứa tuổi. Với tính chất trí tuệ và thi đấu cao, chúng ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của nó tới xã hội. Trong chương trình siêu trí tuệ Việt Nam, khi nhận xét về phần thi của thí sinh Tấn Kiên với khả năng siêu ghi nhớ, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhận xét rằng: “Khi đầu óc mình tập trung nhớ quá nhiều thứ như thế này thì mình có nhớ đến những cảm xúc của mình không?”. Câu hỏi này là cần thiết bởi nó giúp chúng ta nhận thức lại: Từ bao giờ cuộc sống trở thành một cuộc đua không mệt mỏi và con người được chuyên môn hóa nghề nghiệp như một cỗ máy? Sự chuyên môn hóa nghề nghiệp, kĩ năng là một sản phẩm của thời hiện đại. Nó gắn với nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Để kích thích sản xuất và sự phát triển, cuộc sống buộc phải trở thành một cuộc thi đấu, cạnh tranh. Mặt trái của sự phát triển là con người trở thành những “cỗ máy”, được chuyên môn hóa cho một nhiệm vụ nhất định. Vua hề Charlie Chaplin (một diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh trở nên nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm) trong bộ phim “Thời đại công nghiệp” đã châm biếm một cách cay đắng sự cơ giới hóa con người. Chaplin vào vai một công nhân trong nhà máy và đứng ở dây chuyền sản xuất. Ông lặp đi lặp lại hành đồng vặn ốc của mình đến mức ngay cả khi hết giờ làm tay ông vẫn không thể dừng lại được. Đằng sau những hành động ngớ ngẩn và hài hước của Chaplin, đó là một thế giới đen tối, tha hóa của thời hiện đại bắt đầu từ nền sản xuất kinh tế tư bản. “Thời đại tân kỳ phản ánh sự bóc lột sức lao động và cuộc sống bấp bênh của hàng triệu người trong thời kỳ khủng hoảng, mà theo Chaplin, là do hậu quả của thời đại tân kỳ. Bộ phim phê phán sự công nghiệp hóa, là nguyên nhân gây ra việc đánh mất cá tính, quyền cá nhân bởi áp lực thời gian và công việc vận hành đơn điệu, lệ thuộc vào máy móc.” (Hài hước và xót xa cảnh “vua hài” thử máy ăn tự động, 24h.com.vn). Đó là minh chứng của một guồng quay mà cả thế giới đang không cưỡng lại được với khao khát hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Và để đạt được nó, xã hội cần tạo ra những cá thể “thiên tài”, “siêu nhân” giống như trong chương trình siêu trí tuệ. Những con người dành toàn bộ thời gian để ghi nhớ những con số, những mã vạch, những sự kiện… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ trăn trở rằng, cuộc thi siêu trí tuệ tạo ra những thần đồng nhưng không hạnh phúc. Tuấn Minh (11 tuổi) trong video giới thiệu về bản thân đã tự nhận rằng: “Mọi người gọi cháu là thần đồng nhưng khi lớn lên có nhiều điều cháu không còn yêu thích nữa, nhiều điều cháu không còn làm tốt như xưa. Và nhiều người gọi cháu là thần đồng mất khả năng”. Tuấn Minh đến cuộc thi siêu trí tuệ để khẳng định lại bản thân mình. Khi em đã thắng cuộc, MC Trấn Thành đề nghị thêm một câu hỏi nữa, khuôn mặt em bộc lộ sự mệt mỏi, tức giận và gần như khóc òa lên. Đó là một bi kịch khi những đứa trẻ phải lớn lên một cách không bình thường với quá nhiều kỳ vọng từ người lớn. Dù thế nào, để một đứa bé phải chịu áp lực hay cảm giác tội lỗi khi không còn xuất sắc nữa. Đó chính là tội ác. Thiển nghĩ, siêu trí tuệ và nhiều khái niệm khác như hiện đại, phát triển, văn minh… rất cần được xem xét lại. Hãy nhìn lại sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra trên thế giới và những thảm họa môi trường mà nó gây ra. Thế giới đang chạy trên một đường đua cho khát vọng hủy diệt đó. Trước thế kỷ XIX, loài người vẫn sống mà không có chuyên môn hóa nghề nghiệp hay những cỗ máy. Hay nước Bhutan không cần phát triển công nghiệp hay theo đuổi chủ nghĩa hiện đại vẫn được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 Nam Á (Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, dantri.com.vn). Vậy nên hãy để những “siêu trí tuệ” được tự do “phát tiết” thay vì biến họ lập trình, thể hiện như những “cỗ máy”!
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...