
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Không biết cái lệ này hình thành từ bao giờ, rằng cứ vào dịp đại hội, kỷ niệm ngày truyền thống hay tổ chức sự kiện nào đó, y như rằng có tiết mục… tặng quà. Tùy vào khả năng tài chính của đơn vị, ngành, địa phương đứng ra tổ chức… mà nghĩ ra quà. Giản dị thì cuốn lịch, quyển sổ kèm cây bút; “xôm” hơn thì cái cặp số, đồng hồ treo tường, mảnh vải, tấm áo. Các đại biểu xúng xính, khệ nệ, được ăn, được nói, được gói mang về. Cuộc sống càng phát triển, món quà càng tinh xảo, phức tạp. Nhiều nơi nghĩ ra tặng lô-gô của ngành, đơn vị, địa phương với mong muốn món quà sẽ luôn ngự trị nơi phòng khách mỗi nhà, thành vật giới thiệu, quảng cáo đắc dụng cho nơi tặng.
Được tặng quà, những tưởng ai chẳng vui mừng. Vậy mà không hẳn như vậy. Chắc bạn đọc còn nhớ, cách đây hơn một năm, kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành than Việt Nam, 79 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn than khoáng sản (Vinacomin) đã trích từ nguồn tiền quỹ phúc lợi của đơn vị để mua quà lưu niệm cho 12 vạn công nhân. Quà là một lô-gô bằng bạc giá 640.000đ (gồm cả hộp đựng và túi giấy). Số tiền chi cho món quà gần chục tỉ đồng. Trong khi thời điểm đó, lương công nhân ngành than bị cắt giảm, đời sống người lao động gặp khó khăn, cái họ cần trước mắt là tiền để trang trải chứ không phải thứ để trưng bày. Vậy nên nhận được quà, đa số công nhân tức khắc mang bán, nhận về số tiền bằng ¼ so với trị giá món quà và được các chủ cửa hàng vàng bạc “khuyến mại” thông tin… đắng lòng: Theo cách tính của họ thì món quà được mạ bằng 4 chỉ bạc, nhân với 50.000 đồng/chỉ, cộng tiền công đúc, tổng chi phí 1 sản phẩm lưu niệm này khoảng 250.000 đồng. Từ đó, dấy lên trong dư luận câu hỏi: Số tiền chênh lệch gần 400 nghìn đồng/sản phẩm, tương đương với gần 5 tỉ đồng đã “chạy” vào túi ai? Thế là, từ một hành động để người công nhân thêm tin yêu, thành ra thêm ngờ và ghét.
Giá như số tiền phúc lợi đó lãnh đạo đơn vị dành mua đồ dùng học tập cho trẻ con, xây nhà cho công nhân nghèo, hỗ trợ gia đình công nhân bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp… thì chắc hẳn đã mang lại niềm vui thực sự cho họ và dư luận chẳng còn gì để bàn ra tán vào.
Vậy nhưng, gần chục tỉ đồng mua quà của Vinacomin chưa thấm vào đâu so với 65 tỉ đồng chi từ ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc để mua ấm chén tặng các gia đình có hộ khẩu trong tỉnh, nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017). Điều lạ là chỉ có 2 công ty trúng cả 9 gói do Hội đồng Nhân dân tỉnh chủ trì tổ chức đấu thầu. Đơn thư phản ánh: Bộ ấm chén bị “thổi” giá từ 70.000đ lên 200.000đ/bộ, hàng chục tỉ đồng nghi vấn chênh lệch “bay” đi đâu?
Với 65 tỉ đồng quý giá đó, sẽ biết bao công trình có thể được tạo dựng cho nhân dân Vĩnh Phúc no hơn, vui hơn. Trong khi, nếu không được tỉnh tặng bộ ấm chén bình dân kia, chắc chắn nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn uống nước bằng… ấm chén.
Những khúc mắc xung quanh chuyện tặng quà có thể kể ra rất nhiều. Gần đây nhất là tại Đại hội Đoàn Thanh niên toàn quốc, một doanh nghiệp tặng chén ngọc cho Đại hội cũng gây ra nhiều ý kiến về sự lãng phí, xa hoa.
Thật khó thống kê xem mỗi năm cả nước tổ chức bao nhiêu đại hội to nhỏ, bao nhiêu ngày truyền thống, bao nhiêu festival… và bao nhiêu tiền chi cho việc mua quà tặng? Món quà bỗng nhiên thành “tội đồ” khi bị dư luận đặt câu hỏi về động cơ tặng quà và nguồn tiền mua quà. Có thực sự vô tư không khi doanh nghiệp nào đó tặng cho mỗi đại biểu (đa số là người có chức có quyền) một món quà nhân dịp đại hội? Bên mua có “chấm mút, phần trăm phần nghìn” không khi giá mua quà luôn cao gấp bội so với giá thị trường?
Có đồng tiền đã khó, chi đồng tiền sao cho đích đáng, mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng chứ không phải vì mấy đồng “phết phẩy” còn khó hơn nhiều. Làm được việc khó ấy mới là điều nhân dân cần ở người lãnh đạo, dù ở cấp nào.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...