Sao bây giờ mới nói?
VNTN - Mở mạng xã hội thời điểm này, ta khá dễ dàng bắt gặp những thông tin nói về ông A bà B… là những người có chức quyền vi phạm khuyết điểm. Nào thì nhận hối lộ, quan hệ không trong sáng, giàu có bất thường; nào thì thăng tiến thần tốc, một người làm quan cả họ được nhờ… Đi kèm thường là một số hình ảnh, có khi cả video clip hoặc file ghi âm để chứng minh vụ việc trên là có thật. Những thông tin kiểu đó được đông người quan tâm đọc, chia sẻ, bình luận. Nhiều người Việt có tính hiếu kỳ, thấy cái gì lạ thì xúm vào hỏi han, nhìn ngó. Những vụ như hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tự tử… thường thu hút nhiều người đứng xem hơn là cứu giúp. Ngoài hiếu kỳ, không ít người còn mang tâm lý đám đông (a dua): Anh biết, tôi cũng phải biết; anh bàn luận tôi cũng tham gia ý kiến. Và thế là họ “thêm muối dặm ớt” thể hiện mình không thua kém, khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Thực tế cho thấy, đã có quan hệ giữa người với người là có mâu thuẫn, bất đồng. Vì thế, trong mỗi gia đình, mỗi làng/xóm, huyện, tỉnh, mỗi cơ quan đơn vị luôn có phê bình và đấu tranh. Thông thường người lãnh đạo (chỉ đạo) và cấp dưới (thực hiện) nảy sinh xung đột, cần phê bình, đấu tranh để đi đến thống nhất. Cách thức phê bình, đấu tranh rất phong phú. Có khi chỉ ghé tai “đóng cửa bảo nhau”; có khi đưa ra cuộc họp phòng, họp cơ quan mỗi năm tổ chức ít nhất mươi, mười lăm lần. Thực tế cũng cho thấy, ít nhà lãnh đạo nào “tuyệt hảo” trong mắt cấp dưới. “Độ phủ” quyền lực của người nào càng rộng thì độ không hài lòng càng lớn, người đó càng nhiều nguy cơ bị phê bình, tố cáo. Trong mối quan hệ giữa người tố cáo và người bị tố cáo, dư luận thường ủng hộ người tố cáo. Họ được đánh giá là thẳng thắn, cương trực, dũng cảm. Luật Tố cáo cũng dành hẳn 6 điều khoản bảo vệ người tố cáo. Không chỉ họ, mà cả người thân của người tố cáo như vợ/chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt cũng được pháp luật bảo vệ. Nhờ có những người như họ mà nhiều vụ việc kịp thời đưa ra ánh sáng; cái đúng, cái thiện lên ngôi; lòng tin của nhân dân được củng cố. Nhưng cũng có một thực tế khác, là cứ vào thời điểm chuẩn bị sắp xếp, bố trí cán bộ, nhất là trước Đại hội Đảng các cấp, tỷ lệ đơn thư tố cáo tăng đột biến. Đối tượng bị tố cáo thường là nhân sự trong diện xem xét đưa ra bầu hoặc được bổ nhiệm tiếp. Hiện nay, các tổ chức Đảng trong cả nước đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo con số của Ban Tiếp dân Trung ương, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Ban đã tiếp nhận trên 9.100 đơn các loại, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Chiếm trên 70% trong số đó là đơn không đủ điều kiện xử lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đánh giá: “Việc khiếu nại, tố cáo đã phần nào bị lợi dụng để cố tình tạo ra sự bất ổn tại nhiều cơ quan tổ chức, địa phương trước mỗi kỳ đại hội. Nhiều đơn thư, nội dung tố cáo sai sự thật, cố tình vu khống nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân, phá rối nội bộ, làm ảnh hưởng đến đại hội Đảng các cấp”. Không quá khó để nhận diện động cơ của người tố cáo. Nếu người nào thực sự vì lợi ích chính đáng thì họ thường tố cáo tức thời, trực diện ngay khi phát hiện sai trái. Nếu người nào nhằm mục đích bôi nhọ đối phương, làm giảm uy tín, sao cho người bị tố cáo “thân bại danh liệt” thì họ thường nằm im chờ thời điểm “nhạy cảm” nhất mới tung đơn thư nghênh chiến. Chỉ cần đặt câu hỏi: Sai phạm (nếu có) đã lâu, sao bây giờ mới nói? Thì mục đích, động cơ người tố cáo đã phần nào sáng tỏ. Tố cáo là quyền của công dân đã được hiến định. Việc tố cáo sai hay đúng đã có cơ quan chức năng xử lý. Chỉ có điều trong thời điểm này, chúng ta càng cần tỉnh táo để không vô tình tiếp tay cho ai đó nhân danh đấu tranh phê bình để làm điều xấu.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...