Sân khấu Việt bao giờ thoát nghèo?
VNTN - Dù rằng, hai năm 2015-2016, sân khấu Việt có được những “cú hích” đáng kể để tạo đà cho sự phát triển cũng như động viên nghệ sĩ biểu diễn cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Nhưng trong khi showbiz Việt rộn ràng với nhiều chương trình quy mô lớn, vé bán giá cao người xem vẫn tấp tập tìm mua thì hàng loạt nghệ sĩ, nhà hát đã có uy tín lâu năm, đặc biệt là các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn đối diện với cái nghèo. Làm sao để thoát nghèo vẫn luôn canh cánh với những nghệ sĩ đam mê nghệ thuật sân khấu.
Sau năm 2015, 2016 với hàng loạt Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, quốc tế, mang đến không khí sôi động, thêm việc Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa để nghệ thuật sân khấu có cơ hội thăng hoa trong thánh đường nhà hát. Ở TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án được thành phố tài trợ từ khâu kịch bản, dựng vở và biểu diễn… Tưởng chừng sang năm 2017 nghệ thuật sân khấu sẽ có tương lai lạc quan hơn, một số đơn vị có “thương hiệu” liên tục dựng vở mới, nhưng đã gần hết nửa năm, sân khấu Việt vẫn như một người đi chậm rãi và lặng lẽ. Mới chỉ có một hoạt động bó hẹp bộ môn kịch nói là cuộc thi "Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017" vừa diễn ra ở TP Nam Định từ ngày 26-31/5/2017.
Xem ra, sân khấu Việt chỉ tạm gọi có chút “hơi thở” ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn lại hơn 60 tỉnh thành kia gần như “thiền” bởi nghèo toàn tập. Thoát nghèo, luôn là mối quan tâm không chỉ với người làm nghề mà còn là với các nhà quản lý.
Một cảnh trong vở “Lâu đài cát” Nguồn: Internet
Nghèo kịch bản
Qua những đợt Liên hoan, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong 2 năm 2015-2016, cũng như trong kịch mục của sân khấu Việt nói chung, sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nói riêng, thấy rõ sự “nghèo” này. Một kịch bản thường được nhiều đoàn dàn dựng, hay một kịch bản gốc được chuyển thể cho nhiều loại hình sân khấu từ kịch nói, cải lương, chèo... Ngoài ra nhiều kịch bản cũ nổi tiếng được mang ra, làm mới, rồi diễn lại. Kịch bản mới có chất lượng rất ít, và chỉ tập trung ở các đơn vị có “thương hiệu” lâu năm. Nhiều vở diễn hiện tại ở các sân khấu, nhất là sân khấu TP. Hồ Chí Minh là những sản phẩm “ăn nhanh”, ngay cả ở các đơn vị có “thương hiệu” mạnh thì một năm, “được mùa” cũng chỉ có thể được vài vở mới, còn chủ yếu “cover” lại kịch bản cũ.
Những vở diễn mang vào Nhà hát Lớn Hà Nội, chỉ có một vài vở mới. Trong tháng 5/2017, các đoàn Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, Nam Định, Nhà hát Ca-Kịch Huế, Nhà hát Kịch Việt Nam, Tuổi Trẻ, Quân đội, Công an, Hà Nội diễn các vở: “Hừng Đông”, “Cung phi Điểm Bích”, “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, “Hồ Quý Ly”, “Không phải là vụ án”, “Súy Vân”, “Dây tràng hạt Diệu kỳ”. “Vương nữ Mê Linh”, “Vụ án Lệ Chi Viên”, “Dòng sông đỏ”, “Vòng phấn Kavkaz”, “Tất cả đều là con tôi”, “Công lý không gục ngã”, “Những mặt người thấp thoáng”, “Bỉ vỏ”, “Cát bụi”, “Lâu đài cát”, “Hăm-lét”, “Kiều”, “Đường đua trong bóng tối”, “Quyết đấu giữa sương mù”, “Dưới cát là nước”.
Nghèo thủ pháp sân khấu - ngôn ngữ sân khấu
Nếu như các loại hình sân khấu thế giới đã thể nghiệm nhiều thủ pháp mới trong sáng tác, tạo ra ngôn ngữ sân khấu mới lạ, thì sân khấu Việt vẫn chỉ mới rụt rè thể nghiệm vài “chiêu”, còn thì vẫn cứ “bổn cũ soạn lại”.
Những vở diễn của cùng một đạo diễn, được đem dựng cho nhiều đoàn, dù loại hình sân khấu khác nhau, nhưng có một kiểu “ngôn ngữ sân khấu” na ná nhau là vải hết phủ tạo bối cảnh, đến quấn vào người, hay làm bóng người ẩn hiện… Có vở đưa thủ pháp đồng hiện vào và coi đó là sáng tạo, nhưng thật sự đó lại là thủ pháp quá cũ so với sân khấu thế giới đương đại. Có vở nghĩ là sáng tạo mới khi đưa nghệ thuật truyền thống lồng ghép vào kịch bản cổ điển Tây phương, nhưng lại chọn một thể loại không có tính cộng đồng cao, nên cứ như lạc “tông”. Có vở thuộc loại hình sân khấu ca kịch truyền thống thì lại nói nhiều hơn hát, hát tân nhạc nhiều hơn cổ nhạc…
Ngôn ngữ kịch cũng là một cái nghèo. Kịch bản thiếu tính đối thoại, không nắm bắt nhu cầu của công chúng trước hiện thực “nóng” cuộc sống đang đặt ra, dẫn đến sự nhạt nhẽo. Quanh đi quẩn lại vẫn là cách bố cục cũ, không nhiều sự bứt phá, nếu có thì cũng ít tạo được sự xung đột để hướng đến những điều công chúng đang quan tâm. Nhiều vở diễn khai thác tiếng cười rẻ tiền, dựng những tình huống kịch khiên cưỡng, giả tạo, vô cảm trong diễn xuất, đối thoại. Thậm chí, sự đối thoại với công chúng bị biến dạng, thành hài nhảm, hài tục, những chuyện ghen tuông, đồng tính, ma quỷ...
Một cái nghèo khác nữa của sân khấu là nghèo công nghệ. Với sân khấu thế giới, công nghệ được áp dụng tạo hiệu ứng sân khấu đầy hấp dẫn, kích thích sự phán đoán, cảm thụ, đồng thời tính tương tác rất cao với khán giả, những sân khấu 3D, 4D… được dùng khá phổ biến, như một thành tố quan trọng - là nhân vật đặc biệt trong vở diễn. Nhưng sân khấu Việt thì công nghệ mới chỉ tạm có ở việc dùng các màn hình Led để thay bối cảnh, hay dùng các clip video để thay thế cho một số cảnh mà sân khấu không đáp ứng điều kiện dựng được. Công nghệ gây hiệu ứng sân khấu kiểu 3D, 4D vẫn còn ở thì xa vời bởi rất nhiều hạn chế khó khăn.
Nghèo nhân sự
Đầu tiên là nghèo lực lượng sáng tác kịch bản, “tre đã già mà măng chưa mọc”. Nhìn từ các Liên hoan, Hội diễn sân khấu toàn quốc, việc một tác giả có vài kịch bản là chuyện bình thường, và kịch bản của người trẻ thì vô cùng hiếm. Đặc biệt tác giả viết kịch bản cho các thể loại sân khấu truyền thống cực hiếm, như với cải lương, trong một Hội diễn toàn quốc, 1 biên kịch chuyển thể cải lương “chuyển” tới 7 vở cho 7 đơn vị.
Đạo diễn cũng “nghèo”. 10 năm nay sân khấu Việt vẫn cứ có chừng ấy khuôn mặt “chinh chiến”, phần đông là già và số ít không còn trẻ, có vài đạo diễn trẻ tài năng mới thì chỉ xuất hiện một vài vở rồi “lặn” đâu mất. Một Hội diễn, Liên hoan sân khấu, một đạo diễn có thể dựng cùng lúc cho 4-5 đoàn các vở khác nhau. Chính vì “nghèo” đạo diễn, nên việc lặp lại ý tưởng, nghèo sáng tạo là chuyện đương nhiên, khiến vở diễn thiếu hấp dẫn.
Nghèo diễn viên sân khấu cũng đáng lo ngại. Khi truyền hình, điện ảnh luôn “trình làng” những gương mặt diễn viên trẻ thì sân khấu lại thiếu trầm trọng, nhất là với sân khấu các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, đang khủng hoảng thiếu diễn viên trẻ, tài năng, đam mê nghề để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Ngay cả với loại hình sân khấu kịch nói, trong cuộc thi "Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017", chỉ có 35 tiết mục dự thi (trọn một vở và các trích đoạn) của 37 diễn viên thuộc 7 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Đoàn Kịch nói Nam Định, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hóa.
Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, và từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước cũng buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33, là lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ, nếu không thì chẳng có bao nhiêu người tham dự ứng thí.
Nghèo tiền đầu tư - khán giả - doanh thu
Nguồn kinh phí đầu tư dàn dựng các vở diễn của sân khấu đang ngày càng ít đi, tỉ lệ nghịch với sự lạm phát kinh tế thị trường. Hiếm có vở nào được đầu tư tiền tỉ như mong đợi. Ngay cả việc để có vở tham dự Hội diễn, Liên hoan, thì phải “nhịn” rất nhiều thứ để tập trung cho vở diễn. Ngay chi phí đầu tư ở hai thành phố có hoạt động sân khấu sôi động nhất, cũng khác nhau. Ở Hà Nội, một vở được đầu tư dàn dựng có kinh phí từ 800 triệu - 1 tỷ đồng và thường rơi vào các đơn vị Nhà nước, thì tại TP Hồ Chí Minh, một vở chỉ có khoảng 300 triệu đồng để hoàn tất dàn dựng từ cảnh trí, đạo cụ, phục trang, tác giả, đạo diễn, tiền tập - biểu diễn cho nghệ sĩ… và do tư nhân tự túc.
Một đặc điểm khán giả của sân khấu, phần đông là giải trí, thỏa mãn sự ưa thích, hay đổi món (khi chán gameshow, âm nhạc, phim…). Ít ai đến sân khấu để suy ngẫm bài học đạo đức, hay hình thành nhân cách, nên ở mặt nào đó, hút được khán giả rất khó. Vì thế sân khấu chuyên về chính luận, tâm lý kén khán giả, đặc biệt khán giả trẻ càng khó. Ngay cả với những vở có giá trị nghệ thuật cao, nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Việt Nam, được mang vào Nhà hát Lớn Hà Nội, thì khán giả mua vé vào xem cũng không khả quan.
Thăm dò lượng khán giả đến với các sân khấu cho thấy, khán giả thích xem dòng chính kịch, bi kịch hiện chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại, phần lớn vẫn chọn xem hài kịch vì có tính giải trí cao.
Những điểm sáng sân khấu tiền đề để thoát nghèo
Trước hết là những dự án “khai quật” các vở diễn đã từng tạo hiệu ứng sân khấu một thời với khán giả, làm mới theo phong cách mới, chủ yếu thu hút giới trẻ. Điển hình như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát cải lương Trung ương… Hay tổ chức các Liên hoan, Hội diễn sân khấu theo chuyên đề, thể loại như lâu nay Hà Nội đã làm định kỳ hàng năm, tạo một “nếp” sinh hoạt sân khấu hấp dẫn, thu hút khá đông khán giả hào hứng tham gia, và cũng là một “đấu trường” để các diễn viên được dịp sống hết mình với đam mê nghệ thuật của mình.
Diễn viên Mai Duyên - Huy chương Vàng với trích đoạn "Mê đê" trong Cuộc thi "Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017”
Việc đưa đơn vị đi lưu diễn ngoại tỉnh, cũng là hình thức để sân khấu luôn sáng đèn, vừa “nuôi” được nghệ sĩ cả vật chất lẫn đam mê nghề, vừa tạo thêm thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu với công chúng. Như thời gian qua, các đơn vị sân khấu trong Nam “Bắc tiến”, các đơn vị ngoài Bắc thì “Nam tiến”, tạo cho khán giả cảm giác mới mẻ, thú vị…
Trong các loại hình nghệ thuật, sân khấu đang nghèo “toàn tập”. Những nhà quản lý, những nhà hoạt động sân khấu Việt Nam đều nhìn thấu cái “nghèo” này, nhưng để thoát “nghèo” vẫn là bài toán nan giải, chưa có một giải pháp nào thật sự toàn vẹn để gỡ một cách nhanh chóng và tổng thể. Làm sao thoát “nghèo”, sân khấu Việt rất cần một hay nhiều giải pháp được hiến kế, đừng để những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, đậm tính nhân văn phải tự bơi trong cuộc ganh đua ở thị trường.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...