Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:07 (GMT +7)

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Xã hội hóa sân khấu hay sân khấu độc lập là một phần tất yếu của nghệ thuật biểu diễn. Đây được xem là mảnh đất để những nhóm nghệ sĩ bộc lộ hết khả năng và niềm đam mê của mình với sân khấu.

Với sự tự do sáng tạo và tính thử nghiệm cao, sân khấu độc lập mang lại những trải nghiệm mới mẻ và khác biệt cho khán giả. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển trong môi trường nghệ thuật hiện đại, sân khấu độc lập đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Xã hội hóa sân khấu - xu hướng tất yếu

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đời sống sân khấu Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển đa dạng của nhiều loại hình sân khấu công - tư. Tuy nhiên, sự phát triển giữa hai loại hình này không đồng nhất, thậm chí có sự sa sút đáng kể ở loại hình sân khấu tư nhân. Gần đây, các sân khấu kịch: TKC, Hoàng Thái Thanh, Minh Nhí, Quốc Thảo, và Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Phú Nhuận... lâm vào cảnh "chợ chiều" khiến nhiều người lo ngại loại hình sân khấu này sẽ mai một. Dù biết, đây đều là những địa chỉ đỏ không chỉ dành cho người yêu nghệ thuật sân khấu mà còn của chính những nghệ sĩ gắn bó máu thịt với nghề. Song, ghi nhận chung, dù có những nỗ lực trong đầu tư hoạt động biểu diễn (kịch bản, con người, cơ sở vật chất) thì mong muốn có thể đỏ đèn thường xuyên của các sân khấu nói trên vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

Poster giới thiệu vở diễn của sân khấu Idecaf
Poster giới thiệu vở diễn của sân khấu Idecaf

Theo đánh giá của bà Ngụy Hải An (Trung tâm bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD), người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật cộng đồng, hiện nay nguồn lực hỗ trợ cho các dự án sân khấu độc lập nói riêng và dự án nghệ thuật độc lập nói chung tại Việt Nam còn tương đối hạn hẹp. Trên thực tế, việc không nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ hoặc các nhà tài trợ lớn, đã hạn chế rất nhiều hoạt động của sân khấu. Do đó, để duy trì hoạt động, hầu hết các nhóm nghệ sĩ độc lập phải tự mình tìm kiếm nguồn kinh phí, thông qua việc tổ chức các buổi diễn. Song, việc dàn dựng vở diễn, đầu tư kịch bản, sân khấu và mời diễn viên thường rất tốn kém, do đó nhiều sân khấu thay vì đầu tư vở mới đã chọn diễn lại những vở diễn cũ để hạn chế tối đa chi phí dựng vở. Không có nguồn tài trợ ổn định, các đoàn sân khấu độc lập phải dựa vào doanh thu từ vé bán ra, nhưng số lượng khán giả thường không đủ để bù đắp các chi phí này. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn: từ thiếu kinh phí dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các dự án chất lượng, và ngược lại, việc thiếu những dự án chất lượng đã và đang làm giảm khả năng thu hút khán giả.

Cảnh trong vở “Vang bóng một thời” của Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc . Ảnh  trong bài: Quang Khải
Cảnh trong vở “Vang bóng một thời” của Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc . Ảnh:  Quang Khải

Còn nhớ, giai đoạn 2021 - 2022 đất nước trải qua đại dịch COVID-19, đã khiến cho nhiều loại hình nghệ thuật của các đơn vị biểu diễn lâm vào cảnh chợ chiều. Các đơn vị nghệ thuật do Nhà nước (Bộ VHTT&DL) quản lý ít nhiều đã có nguồn hỗ trợ, còn sân khấu tư nhân buộc phải đóng cửa và đối mặt với nhiều khoản nợ.

Trường hợp của sân khấu Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận được xem là điển hình của những khó khăn về tài chính buộc phải chuyển hướng hoạt động: Chỉ diễn một hay hai vở mới theo mùa để giảm tải bù lỗ. Điều này đồng nghĩa với sự nhàm chán và mất dần khán giả bởi sự kém hấp dẫn của mình.

Cơ hội và hướng đi cho sân khấu độc lập

Theo các nhà quản lý và giới phê bình, mô hình sân khấu độc lập thường mang tính thử nghiệm cao gắn với các tác phẩm nghệ thuật đậm chất cá nhân và phá cách. Đây vừa là thế mạnh song cũng là điểm yếu của loại hình sân khấu độc lập. Và để lý giải cho nhận định trên, họ đã đi sâu phân tích yếu tố tâm lý chi phối khả năng tiếp nhận của khán giả. Với những người vốn quen với các hình thức biểu diễn truyền thống thì họ sẽ rất khó mở lòng để tiếp nhận những phá cách của kịch thể nghiệm, còn với người trẻ, họ lại không mấy mặn mà với sân khấu bởi việc quảng bá cho các buổi diễn thường không được đầu tư bài bản do thiếu kinh phí và nguồn lực, nên việc thu hút khán giả càng trở nên khó khăn. Kết quả, không có khán giả, sân khấu độc lập không thể tồn tại, và ngược lại, không có sự đa dạng trong nghệ thuật biểu diễn, khán giả cũng mất đi cơ hội trải nghiệm những giá trị nghệ thuật mới.

Cảnh trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ
Cảnh trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ.  Ảnh: QK

Theo NSND Doãn Bằng, bên cạnh bài toán về kinh tế, yếu tố nhân lực là một thách thức lớn đối với việc thực hành sâu khấu độc lập tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. Thực tế cho thấy, các nghệ sĩ làm việc trong sân khấu độc lập thường phải đối mặt với những điều kiện làm việc thiếu thốn, thiếu sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật. Diễn viên, đạo diễn, biên kịch và các thành viên trong nhóm thường phải tự mình đảm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc, từ sáng tạo đến quản lý, tổ chức sự kiện. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên các nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của các sản phẩm nghệ thuật. Sự thiếu thốn này khiến các nghệ sĩ trẻ đôi khi cảm thấy nản lòng và khó duy trì đam mê của mình. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Hội nghệ sĩ sân khấu nói riêng, nhiều chuyên ngành nghệ thuật nói chung đã chú trọng nhiều hơn đến sự công bằng trong hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. Họ cùng nhau hướng tới sự công bằng trong đời sống nghệ thuật: công cũng như tư cho một mục đích duy nhất là xây dựng và tôn vinh nghệ thuật đích thực.

Theo đạo diễn sân khấu và dàn dựng bối cảnh Hà Nguyên Long (Giám đốc Nghệ thuật XplusX Studio) việc nghiên cứu, triển khai các cá thể của thực hành sân khấu độc lập chính là việc cần làm ngay nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình này đối với khán giả. Hay nói đúng hơn là tìm ra thế mạnh để phát huy loại hình sân khấu này khi tiếp cận thế hệ khán giả mới ở Việt Nam - những người nuôi dưỡng nghệ thuật sân khấu cùng những người thực hành thông qua khả năng giao tiếp và phản biện xã hội của loại hình nghệ thuật này.

Cảnh trong vở “Tiếng thơ vang vọng đất trời” của Công ty TNHH giải trí Hero Film
Cảnh trong vở “Tiếng thơ vang vọng đất trời” của Công ty TNHH giải trí Hero Film. Ảnh: QK

Song, để làm được điều này thực không dễ. Sân khấu độc lập không thể duy trì hoạt động bằng việc góp vốn của các thành viên, biểu diễn ghi nợ… và mải miết đi xin tài trợ. Mà sân khấu độc lập cần có định hướng phát triển dài hơi. Và đặc biệt, cần có sự quan tâm của Nhà nước, thông qua những cơ chế cụ thể. Hay nói đơn giản: Nếu như đơn vị công lập được khoán biên chế, được giao tự chủ dựa trên nguồn lực sẵn có (cơ sở vật chất, con người) thì đơn vị tư nhân cũng cần có những hỗ trợ nhất định; được thuê sân khấu, địa điểm biểu diễn giá rẻ (thậm chí miễn phí), diễn viên, nhân viên, biên kịch… được đào tạo để nâng cao tay nghề… Và cuối cùng, bản thân các loại hình sân khấu tư nhân phải xây dựng kế hoạch dài hơn cho mình từ 3 đến 5 năm, phải dựa theo thị hiếu và tâm lý công chúng, năm nay sẽ làm những vở gì, sẽ đặt hàng nhà viết kịch nào, sẽ nhắm vào lứa tuổi nào, sẽ mời ngôi sao nào… Và phải có kế hoạch cụ thể, thì mới có chiến lược tiếp thị hoặc phương án xin tài trợ.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, sân khấu độc lập vẫn có những cơ hội để phát triển. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số mở ra những con đường mới để quảng bá và thu hút khán giả. Các đoàn sân khấu có thể tiếp cận lượng khán giả rộng lớn hơn, thậm chí toàn cầu, thông qua việc phát sóng trực tiếp các buổi diễn hoặc chia sẻ các nội dung hậu trường, quá trình sáng tạo của mình. Đồng thời, cần có những đạo diễn tài năng về hoạt cảnh, những nghệ sĩ đa năng vốn được coi là người của công chúng, để thông qua sự nổi tiếng của họ mời gọi khán giả đến với vở diễn.

 Ngoài ra, sân khấu độc lập cũng có thể tận dụng xu hướng nghệ thuật cộng đồng, xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khán giả. Thay vì chỉ tập trung vào việc biểu diễn các vở kịch lớn, các nhóm nghệ sĩ có thể tổ chức những buổi diễn nhỏ, các hoạt động giao lưu với khán giả, hoặc các dự án nghệ thuật tương tác, nhằm tạo ra sự kết nối và ủng hộ từ cộng đồng thông qua sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các quỹ văn hóa quốc tế cũng là một nguồn lực quan trọng giúp sân khấu độc lập tồn tại và phát triển. Những tổ chức này thường có mục tiêu thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật, và sẵn sàng hỗ trợ các dự án mang tính thử nghiệm và đổi mới. Vô hình trung, đây chính là hướng đi mới, triển vọng của sân khấu độc lập.

Hiện, xã hội hóa sân khấu đang được xem là một cuộc chơi trao quyền sàng lọc cho khán giả. Công chúng chọn lựa sân khấu theo khẩu vị của mình và bỏ tiền mua vé, chứ không phải đi xem bằng vé mời. Chính vì vậy, để tồn tại, sân khấu độc lập cần đổi mới một cách toàn diện để xứng đáng với vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng và sáng tạo của nghệ thuật biểu diễn. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, khán giả, và môi trường hoạt động, nhưng với sự quyết tâm và sáng tạo không ngừng, các nhóm nghệ sĩ độc lập vẫn có thể tìm ra những hướng đi mới để phát triển. Sự phát triển của sân khấu độc lập không chỉ mang lại lợi ích cho các nghệ sĩ mà còn tạo ra những giá trị nghệ thuật phong phú và độc đáo cho xã hội.

Quỳnh Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy