Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:26 (GMT +7)

Rừng nứa

VNTN - Tôi sinh ra và lớn lên ở một khu rừng nứa bát ngát. Loáng thoáng vài ba cây trám, vài ba cây lim, một đôi cây loại khác, xen vào là vầu, luồng, dùng nhưng nhiều nhất vẫn là nứa. Không to khỏe như cây khác nhưng nứa có thế mạnh là sinh con đẻ cái thì không bì kịp. Những cây nứa ngộ to như cổ chân, cổ tay óng ánh, nuột nà thẳng tắp vươn lên, cây nọ tựa vào cây kia, cây già cạnh cây non, cây cao, cây thấp, cây đủ lá, cây bánh tẻ nhú mầm như các cô gái tuổi dậy thì duyên dáng. Cây già, thân vàng óng, cây đủ lá xanh ngắt, cây non xanh mỡ màng, tầng tầng, lớp lớp nứa ngộ bề thế. Nứa tép thì khiêm tốn hơn. Không thể chen lấn được với nứa ngộ, nứa tép tìm những khoảng trống mà quây quần bầu đàn thê tử. Núp bóng ngay sau khu nhà sàn là hàng chục bụi nứa tép tròn như cái nong cái nia. Hưởng mầu mỡ trên nền đất buộc trâu, thả gà, thả lợn nên cây nọ cây kia xoắn xuýt vào nhau như các bàn tay xiết chặt. Những ngọn lá vươn lên xanh thẫm, cong cong, rung rinh rất điệu đà. Từng đàn chim chào mào, sáo sậu bay lên lượn xuống đùa vui ríu rít kiếm mồi hoặc rút những cọng rơm khô trong đống rơm vàng xuộm rồi chao mình liệng mất biến trong rừng cây.

Một số nứa tép kéo nhau chạy ra các bìa rừng. Bụi nọ sát vào bụi kia chỉ chịu dời nhau ra bởi các con đường, dòng suối và đá cứng. Có đoạn bìa rừng nứa tép như thành như lũy trơ trơ dưới nắng gió vô tình. Nứa tép còn ẩn mình hai bên dòng suối chảy sâu trong rừng. Nứa tép muốn bám vào nơi quanh năm nước ngọt chảy làm nguồn cho sự sống. Rặng nứa tép chen lấn nhau hai bên bờ, có chỗ gốc nứa trèo lên cả các phiến đá. Ngọn nứa tép vươn cao cong xuống đan vào nhau như che nắng cho dòng suối róc rách ngày đêm.

Cây nứa sống cùng đời người. Bà tôi bảo: Lúc đẻ ra, bà đã cắt rốn con bằng cật nứa. Ai đã từng sống với nứa thì hiểu rõ cật nứa sắc ngọt như thế nào. Chặt nứa về, đập ra làm phên rào vườn hoặc ghép lại thành tấm lợp mái chuồng trâu chuồng gà, buộc thành bức làm vách nhà kho để củi. Bố làm một mình không cho tôi đụng vào. Bố bảo nứa sắc lắm, sờ vào đứt tay đấy. Sao bố đập nứa thoăn thoắt, lia bàn tay vào bụng cây nứa, phanh nó ra, lấy bàn chân đè lên rồi ép xuống, lấy cây nứa đã đập giập khác đan vào mà không thấy bố đứt tay đứt chân. Bố thấy tôi chưa tin, liền cầm một mảnh nứa khô, một tay cầm đoạn nứa tước nhỏ, một tay cầm quả chuối xanh. Bố khẽ đưa mảnh nứa cứa vào vỏ quả chuối, cứa nhẹ thế mà nhát nào cũng đứt, vết đứt nhỏ không rõ mà nhựa trắng ứa ra. Bố bảo: da trẻ con non và mềm hơn vỏ quả chuối nên không được nghịch nứa. Bố giơ cật nứa lên bảo: cây nứa có lớp vỏ bọc ngoài rất cứng tựa như rất nhiều hạt cát già xếp vào nhau nên sắc như mảnh chai mảnh lọ vỡ. Đây cũng là nét riêng của nứa mà loài khác không có.

Nứa sống với người làm bầu làm bạn thủy chung. Từ hàng rào nứa tép vườn rau, cắm cho cây đỗ cây bầu cây mướp leo lên. Nứa đan phên che nắng che mưa che gió rét cho người cho trâu, bò, lợn, gà… Nứa tép làm việc nhỏ, nứa ngộ dùng vào việc lớn hơn. Những bè gỗ, tre, vầu cõng trên lưng những bó nứa xuôi dòng sông về đồng bằng theo tiếng gọi của đồng quê. Đã có một thời khá dài những tấm cót nứa bó tròn được sử dụng biết bao nhiêu công việc phục vụ đời sống nông thôn cũng như thành phố. Hàng ngày, bếp lửa cháy bập bùng, những cây nứa tép khô cháy nổ lép bép bên cạnh ngọn lửa gỗ âm thầm tạo nên âm thanh thật vui thật ấm áp. Lớn lên đi học thời kháng chiến chúng tôi chặt cây vầu, cắt một đoạn gỗ làm bánh xe lồng vào đầu to thành một cái xe một bánh. Nứa tép khô, đạp giập, bó lại thành bó dài khoảng hơn cánh tay, buộc chống vào cây vầu. Trước khi đi học, gắp một hòn than gỗ nhét vào đầu bó nứa. Tập trung ở một điểm, túi sách buộc chặt bên sườn hô “chạy”. Tất cả chúng tôi bắt đầu chạy vào đường mòn đến lớp học. Chạy đến đâu, ngọn đuốc sáng đến đó, chiếu rõ con đường trong rừng. Nghe có tiếng máy bay địch, có bạn hô “máy bay” tất cả dừng lại, bó đuốc lập tức tắt ngay. Đầu các bó đuốc chỉ còn lập lòe. Trong bóng đêm chúng tôi đều tủm tỉm cười vì che được mắt bọn “bà già” đáng ghét.

Nứa thật anh dũng. Trong kháng chiến chống Pháp căn hầm chữ chi đào dưỡi bụi nứa thật là mát mẻ, an toàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những căn hầm chữ A, được xếp trên nóc những bó nứa tép buộc chặt dựng đứng vào nhau. Hàng trăm ngọn nứa phạt sắc nhọn chổng lên trời thách thức. Một thời chưa có cốp pha tôn sắt, những cây nứa tép ghép sát vào nhau chặt xít, trên lót cót nứa đưa lên tầng làm cốp pha đỡ lấy hàng tấn sắt thép bê tông đổ mái…

Nhưng chặt nứa không phải dễ dàng. Chặt nứa phải dùng dao thật sắc. Quê tôi hay dùng dao quắm, loại dao đầu lưỡi có một đoạn cong lại. Khi chặt bàn chân phải cách xa gốc ít nhất một tầm dao. Sau nhát chém đứt, cây nứa bao giờ cũng lao thẳng cắm phập xuống đất. Nếu không để ý cây nứa sắc sẽ cắm ngập bàn chân vì nó dồn trọng lượng cả cây cộng với sức nén của gió và sức ép của cây khác trở thành tốc độ lao xuống nhanh vô cùng. Gốc càng cao chặt càng phải nhanh tay nhanh mắt mới bắt được cây nứa gọn gàng.

Lần đầu tiên đi theo bố ra suối chặt nứa tép tôi nhớ tới tận bây giờ. Vừa giơ tay vít ngọn một cây nứa xuống lối vào bụi nứa tép định chặt, tôi phát hiện ra không biết bao nhiêu là vắt. Vắt xanh, vàng, trắng đủ loại. Vắt tung hoành ngang dọc, những con vắt nhỏ đậu trên lá nứa cứng, nó mềm mại cong gập mình lại rồi như cái cánh cung, nó bật lên dính ngay vào bất kể chỗ nào trên mặt, mũi, quần áo. Chưa kịp phẩy con này xuống, con khác đã bay lên. Bố tôi cười bảo: “Cứ làm đi, càng đứng yên vắt càng tấn công. “Chặt xong một bó nứa thể nào cũng bị vài con vắt cắn no mòng”.

Ôi rừng nứa, dù đã chuyển nhà về thành phố vài chục năm, nhưng nhớ về rừng nứa ngày xưa, lòng tôi vẫn không khỏi bồi hồi.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước