Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
15:00 (GMT +7)

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Trong thời đại số hóa và internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc trao đổi thông tin và tài liệu trực tuyến trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nó mang lại nhiều sự thuận lợi cho việc giáo dục. Tuy nhiên, cũng mang đến nhiều bất cập trong quản lý thông tin. Đặc biệt là hiện tượng đạo văn. Đạo văn không phải là một vấn đề mới đối với nhiều xã hội nhưng việc mua bán luận văn, luận án một cách công khai và có hệ thống trên internet là một hiện tượng cần bàn bạc thêm.  Đặc biệt gần đây, xuất hiện các trang web không thuộc nhà trường buôn bán các tài liệu như luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ trở nên phổ biến. Hiện tượng này đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng liên quan đến quyền tác giả, quản lý của các trường đại học và cả luật pháp. Bài viết này sẽ tập trung phân tích và thảo luận về các khía cạnh của vấn đề này.

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn
Một tài khoản rao bán luận văn trên mạng

Một trong những vấn đề chính mà hiện tượng buôn bán luận văn, luận án đặt ra là quyền tác giả. Luận văn, luận án tốt nghiệp là sản phẩm nghiên cứu cá nhân của sinh viên, là kết quả của nhiều năm học tập và nghiên cứu. Vì vậy, quyền sở hữu của luận văn, luận án này đương nhiên thuộc về tác giả - sinh viên viết luận văn, luận án đó. Đã có nhiều bài báo đề cập đến hiện tượng mua bán luận án, luận văn trái phép trên các nền tảng internet. Tuy nhiên, có một điểm đáng quan tâm là liệu luận văn này cũng thuộc quyền sở hữu của nhà trường hay không và trách nhiệm của nhà trường đến đâu khi để các luận văn được tuồn ra ngoài bán một cách hệ thống như vậy? Cụ thể, trên một nền tảng khá nổi tiếng trong việc mua bán tài liệu, tài khoản mang tên Sữa Voi đăng tải hơn 60.000 tài liệu chủ yếu là luận văn, luận án của một trường Đại học vùng. Tất nhiên nếu một cá nhân tác giả thì không thể có được số lượng luận văn lớn như vậy để tăng tải. Như vậy, liệu rằng 60.000 tác giả có luận văn bị rao bán như vậy đã đồng thuận với các trang mạng đó chưa và họ có được hưởng lợi nhuận từ chất xám của mình hay không?

Trở lại với các trường Đại học chủ quản của các luận văn, luận án trên. Trách nhiệm của các trường ở đâu khi để các luận văn, luận án học liệu của cơ sở mình được tuồn ra ngoài “chợ đen” như vậy? Luật pháp đã quy định rõ những mức phạt đối với các web đăng tải luận văn hay luận án mà không có sự cho phép của tác giả. “Việc các website đăng và rao bán luận văn trên mạng có thể bị xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp đúng với nội dung được quy định trong giấy phép; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định.” (lawnet.vn)

Việc các luận văn, luận án được buôn bán trái phép nhưng dường như việc xử lý cũng như rà soát nằm ngoài khả năng của các cơ quan chức năng nếu không có sự phối hợp, tố giác từ các đơn vị giáo dục. Các trường cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền tác giả của sinh viên và đảm bảo rằng tài liệu này không bị lạm dụng một cách trái phép. Mặt khác, ở nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới, các sinh viên, nhà nghiên cứu đều bắt buộc phải học môn “Đạo đức nghiên cứu” để có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng tài liệu của người khác một cách có đạo đức cũng như hợp pháp. Môn học Đạo đức nghiên cứu" (Research Ethics) là một lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu và học thuật, nhằm đảm bảo tính trung thực, đạo đức và tuân thủ các quy tắc đạo đức trong việc thực hiện nghiên cứu và công bố kết quả.  Có lẽ, các nhà trường ở Việt Nam cũng nên xem xét đưa môn học này vào giảng dạy một cách phổ biến để nâng cao ý thức của người nghiên cứu về các quy chuẩn của đạo đức khoa học.

Hiện tượng buôn bán luận văn, luận án trên các trang web đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quyền tác giả, quản lý của các trường đại học và luật pháp. Để giải quyết vấn đề này, cần sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm sinh viên, trường đại học, và cơ quan luật pháp. Chúng ta cần xem xét và thiết lập các chính sách và biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền tác giả và đảm bảo rằng luận văn, luận án tốt nghiệp thực sự là sản phẩm nghiên cứu cá nhân của sinh viên.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 6 tháng trước