Quốc hội giám sát tối cao, đại biểu Thái Nguyên đề xuất giải pháp phân định trách nhiệm
VNTN - Xét kỹ về nguyên nhân các vụ cháy lớn đều do công tác phòng cháy chưa tốt, do chủ quan xem nhẹ công tác an toàn và công tác nghiệm thu, kiểm định do tác động lý hóa, và chung nhất là do thiếu trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.
Đó là phân tích của Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó Tư lệnh Quân khu I, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội, trong tuần qua. Mỗi kỳ họp, Quốc hội chỉ chọn một chuyên đề để giám sát tối cao. Thời gian cho hoạt động này thường được dành trọn một ngày và được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Kỳ họp này, Quốc hội chọn "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018" để tiến hành giám sát tối cao.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.
Một ngày thảo luận và tranh luận, nhiều vị đại biểu quan tâm, nhấn mạnh đến hai chữ trách nhiệm. Bởi, ngoài những vụ cháy đã xảy ra thì nguy cơ cũng rất lớn, khi mà hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Và tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, tại dự thảo nghị quyết sau giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đại biểu Phan Văn Tường thì cần bổ sung vào nghị quyết này nội dung phân định trách nhiệm và xác định trách nhiệm người đứng đầu thay vì lâu nay chỉ đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Sự cần thiết bổ sung nội dung này được vị đại biểu - thiếu tướng giải thích, xét kỹ về nguyên nhân các vụ cháy lớn đều do công tác phòng cháy chưa tốt, do chủ quan xem nhẹ công tác an toàn và công tác nghiệm thu, kiểm định do tác động lý hóa... Và chung nhất là do thiếu trách nhiệm của người chịu trách nhiệm, trong đó có người đứng đầu và người chịu trách nhiệm ở mỗi công đoạn trong phòng cháy, chữa cháy được quy định trong luật.
Theo vị đại biểu Thái Nguyên, nguyên nhân nhiều vụ cháy còn do hầu hết địa phương chưa ban hành các quy định xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Hầu hết các địa phương trên toàn quốc biện pháp, hình thức tuyên truyền vẫn mang tính rập khuôn, nặng về hình thức, thiếu chiều sâu về nội dung... Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao. Xét đến cùng là chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng. Nếu rõ trách nhiệm buộc họ phải tận tâm, tận lực, họ sẽ chủ động trực tiếp thực hiện, trực tiếp kiểm tra các nội dung liên quan đến cháy như quy hoạch, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng thiết kế, thi công và ít bỏ sót nguy cơ gây cháy trong phạm vi lĩnh vực mình chịu trách nhiệm. Công tác phòng cháy, chữa cháy ngày càng tự giác hơn. Những tiêu cực trong hoạt động phòng cháy thu hẹp dần, vì sự ràng buộc cả chính trị, pháp lý, kinh tế và luôn luôn gắn với trách nhiệm, đại biểu Phan Văn Tường phân tích.
Tiếp tục mổ xẻ, vị Phó Tư lệnh Quân khu I nói, phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ mang tính cộng đồng cao, sơ suất nhỏ của cá nhân như đốt vàng mã hoặc đốt nương có thể gây cháy hàng trăm ha rừng. Một chút bất cẩn khi hàn cắt gây chết cháy hàng chục người, tác động đến hàng nghìn người khác. Nếu chữa cháy không tốt thì có thể liên quan đến nhiều địa phương khác, thậm chí quốc gia khác.
Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, lấy phòng là chính, song chữa cháy cũng rất quan trọng. Muốn phòng tốt thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phải bao quát hết đối tượng, vùng miền để mỗi người và mọi người nhận thức đầy đủ về các nguy cơ gây cháy, cùng với tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy là cơ chế tự quản và giám sát lẫn nhau. Cha nhắc con, hàng xóm nhắc nhau, cơ quan này cảnh báo cơ quan khác kết hợp giám sát, kiểm tra chéo. Khâu này hiện nay rất yếu. Để khắc phục biện pháp hàng đầu là phân định trách nhiệm.
Trong chữa cháy, theo phân tích của Tướng Tường thì việc sớm phát hiện, thông báo, báo động kịp thời, nỗ lực xử trí các tình huống cháy ở gần cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng lâu nay vì trách nhiệm không rõ ràng, các phương án phòng cháy, chữa cháy thường là hình thức, có nơi còn làm hộ, làm thay nên tính khả thi thấp, hiệu quả chữa cháy chưa cao. Phát hiện chậm thông tin, thông báo không kịp thời, trang bị không sẵn sàng, chỉ huy lúng túng, tổ chức chưa chặt chẽ, một số vụ thì người xem nhiều hơn người đến chữa, thậm chí có hành vi cản trở hoạt động của lực lượng chữa cháy, cùng là do trách nhiệm chưa rõ ràng.
Phòng và chữa cháy cần ý thức, kiến thức và trang bị vật chất, kết hợp với trách nhiệm, năng lực tổ chức, chỉ huy. Cơ sở thực hiện hiệu quả phải từ trách nhiệm rõ ràng, trước hết là trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của chủ hộ, của chủ rừng, chủ phương tiện, trước đó là người có chức vụ, hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, ông Tường phát biểu.
Trở lại 50 vụ cháy lớn giai đoạn 2014-2018 được nêu tại phụ lục của báo cáo giám sát, ông Tường cho rằng chắc ai cũng xót xa về tổn thất, nuối tiếc khi nghiên cứu kỹ nguyên nhân. Bởi giá như trách nhiệm cụ thể hơn, cao hơn trong phòng cháy thì nhiều vụ sẽ không cháy hoặc cháy nhỏ chứ không cháy nghiêm trọng.
Với nhận xét quan sát xung quanh hằng ngày vẫn tiềm tàng nguy cơ cháy, đại biểu Phan Văn Tường nhấn mạnh, phòng và chống cháy hiệu quả cần phải nhân lực, vật lực và thời gian. Song, yếu tố còn tiềm tàng trong mỗi người có thể huy động trong phòng cháy, chữa cháy là hiệu quả, là trách nhiệm, cơ chế xác định trách nhiệm.
Đọc kỹ nội dung về trách nhiệm của 50 vụ cháy lớn vừa qua có thể khẳng định, nếu cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu rõ ràng, ý thức về công tác phòng cháy của mỗi người cao hơn, cụ thể trong kiểm tra, kiên quyết trong duy trì và bớt hà tiện trong công tác đảm bảo thì khoảng 40/50 vụ sẽ không cháy, ông Tường nói.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...