Quốc hội chuẩn bị những gì cho kỳ họp bất thường?
Năm 2021 sắp đi qua, như thường lệ thì đây cũng là khoảng thời gian các vị đại biểu Quốc hội có thể cho phép mình được "thả lỏng" đôi chút sau kỳ họp thứ hai vừa kết thúc vào tháng 11.
Nhưng, năm nay thì khác. Đất nước đã qua nhiều tháng đằng đẵng chống chọi với COVID-19 khiến cho cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều phải linh hoạt hơn trong ban hành và thực thi chính sách. Bởi vậy, dù đã có đến ba kỳ họp (một kỳ cuối của Quốc hội Khóa XIV và hai kỳ thứ nhất, thứ hai của Quốc hội khóa XV) thì việc chuẩn bị cho một kỳ họp bất thường đã được tính đến từ khi Quốc hội chưa bế mạc kỳ họp thứ hai và được gấp rút chuẩn bị ở cuối tháng 11 và trong tháng 12 này. Bởi những vấn đề dự kiến được đặt lên bàn nghị sự đều cấp thiết, nhưng lại rất khó, đòi hỏi phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV
Tối đa bốn nội dung
Cho đến đợt 1 của phiên họp thứ sáu (tháng 12/2021) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thể yên tâm với toàn bộ các vấn đề dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, mà chỉ có thể "chốt" là tối đa bốn nội dung.
Gồm, một là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Hai là Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ba là tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Và bốn là Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.
Cả bốn nội dung nói trên đều đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song mới chỉ có nội dung thứ nhất và thứ hai cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Với một luật sửa 8 luật, lý do Chính phủ trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp bất thường là xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc dùng một luật sửa 8 luật cũng đồng thời để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Với quan điểm phân cấp mạnh, một trong những điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này là, liên quan đến Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Theo đề xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Chủ tịch Quốc hội thì đây là dự án luật đặc biệt quan trọng và hồ sơ đã đủ điều kiện để trình được Quốc hội tại kỳ họp bất thường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội nội dung thứ hai - chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Dự án này có tổng chiều dài 729km, đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, tiến độ đặt ra là sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần theo quy mô phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí 119.666 tỷ đồng, trong đó Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, cần bổ sung 72.497 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025
"Gian nan" gói chính sách tài khóa, tiền tệ
Vì cần bổ sung 72.497 tỷ đồng từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nên dự án đường cao tốc mới nói trên gắn chặt với chương trình này. Song, dù đã qua nhiều vòng chuẩn bị, cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa thể qua được “cửa” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại đợt 1 của kỳ họp tháng 12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định gói này chưa đạt yêu cầu, phải chuẩn bị tiếp. Bởi thế, tất cả các con số của cả chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn chỉ là dự kiến, có điều khá chắc chắn là gói này sẽ đủ lớn, như khuyến nghị của nhiều chuyên gia cũng như cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XV
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu thiết kế gói chính sách hỗ trợ với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững. Ông Vương Đình Huệ cũng đặc biệt lưu ý, đây là những chính sách tài khóa và tiền tệ bổ sung, ngoài khung khổ chính sách đã được Quốc hội quyết định.
Trước khi tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại đợt hai của kỳ họp thứ sáu (ngày 21 - 22/12/2021), gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được Ủy ban Kinh tế tiến hành tái thẩm tra sơ bộ vào ngày 20/12.
Bên cạnh nội dung thứ ba, Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai về hai nội dung được Chính phủ đề xuất. Đó là dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
CẦN CÓ GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT Nêu quan điểm về gói chính sách tài khóa và tiền tệ, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành có khả năng phục hồi. Về khuyến nghị của một số chuyên gia về hạ lãi suất điều hành, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không hạ lãi suất điều hành thì vẫn có công cụ khác để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Một trong những giải pháp là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước, mà theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước thì 1 đồng tăng vốn tạo ra 8 đồng vốn tín dụng. Được biết, tại thời điểm này, Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, mức cấp bù lãi suất 2 - 3%/năm. Quy mô gói cấp bù, cơ chế giải ngân, đối tượng vay… đang được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tính toán cụ thể hơn. |
Các cơ chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý có nhiều điểm tương đồng với các thành phố lớn khác. Như, thành phố Cần thơ được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; được thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn theo hướng: HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa nước 2 vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. HĐND thành phố Cần Thơ được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. Chính sách này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách...
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...