Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:45 (GMT +7)

Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 9: Lo cấp bách, tính lâu dài

VNTN - Trong năm 2020, ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; giảm thuế thu nhập cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp; bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; chuyển đổi 3 Dự án tuyến Bắc - Nam sang đầu tư công... đều đã được Quốc hội bấm nút cuối tuần qua tại kỳ họp thứ 9 - kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khoá XIV (lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến, kỳ họp không diễn ra liên tục mà chia làm hai đợt) để góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Nhưng Quốc hội không chỉ lo giải pháp cấp bách. Ngay trước khi bế mạc vào chiều 19/6, một nghị quyết quan trọng đã được thông qua, Nghị quyết "Về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ 2015 đến giữa năm 2019 là chuyên đề Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp này, với ăm ắp nỗi lo của đại biểu, như Văn Nghệ Thái Nguyên đã phản ánh. Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Qua giám sát, Quốc hội nhận định, chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nhiều nơi thiếu các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. "Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng", Nghị quyết nêu rõ. Theo đánh giá của Quốc hội thì những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, các luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em, Nghị quyết còn đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể với Chính phủ, cần thực hiện ngay trong năm 2020. Đó là: trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em. Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2020 ban hành Chương trình Phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục. Nhiệm vụ của ngành Giáo dục còn là tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả, lồng ghép nội dung này trong chương trình giáo dục tin học. Chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2020, ban hành Chương trình Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng là yêu cầu đối với Chính phủ, từ Quốc hội. Bộ Thông tin và Truyền thông còn được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo: trong năm 2020 ban hành Chương trình Phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Bộ còn được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em. Cũng trong năm 2020, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ ban hành quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại; các tổ chức giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại. Với Bộ Công an, nhiệm vụ Chính phủ chỉ đạo là tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bộ Công an cũng được yêu cầu ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên. VĨNH AN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy