Quen với điều thiết yếu
Lựa chọn yếu tố thiết yếu trong công việc, sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội là quy tắc cộng đồng, cũng là phương hướng ứng xử tự nhiên, tự giác của mọi người trong hoàn cảnh dịch bệnh nhiều phức tạp. Hai năm qua, “thiết yếu” trở thành một trong những từ ngữ quen thuộc nhất, được nhắc đến nhiều nhất bởi ý nghĩa đặc biệt của nó.
Xác định được thực phẩm thiết yếu, mỗi gia đình có thể yên tâm ở nguyên tại chỗ mà không phải lo “khuân” cả siêu thị về nhà, dù lệnh giãn cách, phong tỏa có được phát ra đường đột. Bình tĩnh lựa chọn đồ dùng thiết yếu một cách khôn ngoan, các F0, F1 bớt được “gánh nặng” theo nghĩa đen, nếu phải chuyển đến bệnh viện hay khu cách li giữa lúc nửa đêm. Đặt ra nhu cầu mua sắm thiết yếu, kinh tế gia đình bớt áp lực trong hoàn cảnh việc làm bất ổn định. Hạn chế công việc không thiết yếu, mỗi người bớt đi lí do để ra ngoài với đầy sự bất an. Thanh lọc những mối quan hệ không thiết yếu, chúng ta vơi dần nguy cơ nhiễm bệnh… Chẳng có gì khó khăn để liệt kê lợi ích của xu hướng sống tối giản với những điều thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng lại. Điều đặc biệt là, từ sự lựa chọn bắt buộc nhằm đối phó với tình huống nhất thời, tư duy gạn lọc sự dư thừa đã trở thành thói quen thông thường. Bằng trải nghiệm thực tế, người viết nhận ra rằng, có những điều tưởng như tất yếu, nhưng hoàn toàn vẫn có thể giản lược, đem đến hiệu quả về kinh tế, giảm bớt áp lực dư thừa và tạo ra sự tự do trong tâm trí.
Xác định được thực phẩm thiết yếu, mỗi gia đình sẽ không phải lo “khuân” cả siêu thị về nhà, dù lệnh giãn cách, phong tỏa có được phát ra đường đột. (Ảnh minh họa, nguồn: internet)
Cuối năm là thời điểm của các cuộc họp hành để tổng kết, kiểm đếm, đánh giá, nghiệm thu… Ở đó, in ấn tài liệu vốn được xem là tất yếu nhưng có thể khẳng định: một phần rất lớn những tư liệu giấy mực ấy không được xem xét kỹ lưỡng, thậm chí không bao giờ được mở ra. Chúng được gọi là những sản phẩm đi kèm, những minh chứng cho đủ thủ tục. Trải nghiệm làm việc online không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhiều nghi thức bên lề, mà còn giúp giảm thiểu lượng giấy tờ in ấn không thiết yếu. Vẫn biết, có những tài liệu không thể “mềm hóa”, có những thứ phải nghiên cứu trên bản in; tuy nhiên, rất nhiều tài liệu chỉ cần gửi đến người xem dưới dạng bản file, bản scan là quá đủ. Thiết nghĩ, trong cải cách hành chính, trong quy định làm việc của các cơ quan, nên hướng tới sự tối giản trong các thủ tục liên quan đến in ấn, bởi đầu vào của mực in, giấy in là tài nguyên, còn đầu ra của nó là rác thải gây lãng phí về tiền bạc, không gian chứa đựng, tạo sức ép môi trường một cách không cần thiết.
Từ xa xưa, người Việt đã ghép hai từ đơn “đông” và “vui” thành một từ ghép “đông vui”. Nó thể hiện tâm lí đặc thù của cư dân nông nghiệp: thích giao lưu, tụ tập, thăm viếng. Trong nhà thì “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”; trong xóm thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, “có chúng có bạn”, “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”... Chính vì thế, người ta lấy sự đông làm niềm vui, sự an tâm, nỗi hãnh diện. Đám cưới to tính bằng số mâm; đám hiếu trọn vẹn đo bằng lượt người viếng; hội hè lí tưởng ắt phải “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Sự năng đi lại, gặp gỡ được cho là điều kiện để tạo ra mối quan hệ bền chặt: “Năng mưa thì giếng năng đầy/ Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương”.
Hoàn cảnh dịch bệnh đã giới hạn những giá trị tinh thần ấy, bởi so với “nguy cơ mới” thì “niềm vui cũ” quả thực là điều không thiết yếu. Nếu như một năm trước, hình ảnh những đám cưới nhỏ nhắn, chỉ có gia đình, họ hàng “thiết yếu” được xem là hiện tượng của “thời Covid” thì đến nay, mô hình ấy đã không còn xa lạ, thậm chí, nhiều người bắt đầu nhận ra tính hợp lí của nó. Nếu như hàng trăm năm nay, lệ thăm viếng, biếu tặng là lệ tục hiển nhiên dịp lễ tết, khiến ngày vui đôi khi trở nên mệt mỏi thì nhờ nguyên tắc xã hội mới, không ít gia đình được giải thoát khỏi sự “kính chẳng bõ phiền”. Rõ ràng, việc bỏ đi những điều không thiết yếu đã mang đến vô số lợi ích, vượt qua ý nghĩa chống dịch.
Xã hội khó có thể đặt ra tiêu chuẩn chung để đo mức độ thiết yếu, giống như việc chiếc bánh mì là thiết yếu với người công nhân vừa tăng ca nhưng lại không thiết yếu trong những hoàn cảnh khác, khi nó chỉ có ý nghĩa như món ăn chơi, để gảy gót hay trang trí cho bàn tiệc. Những ví dụ trên đây chỉ mang ý nghĩa tương đối, xuất phát từ góc nhìn cá nhân. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chuỗi ngày thay đổi phong cách sống để ứng phó với dịch bệnh, sẽ giúp chúng ta có tư duy phân biệt để lựa chọn giữa cái “cần” và “muốn”, giữa việc “phải” và “có thể không”. Tư duy ấy chắc chắn cần có trong cuộc sống hiện tại, đối với tất cả mọi người, trong thời đại vừa phải phục hồi kinh tế vừa đối diện với “khủng hoảng dư thừa”.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...