Quê hương như một ngôn ngữ (2)
Những người lính lái xe miền Bắc tươi vui, hào sảng:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
(Phạm Tiến Duật)
Người sĩ quan miền Nam mộc mạc mà sâu xa, lãng mạn:
đánh giày, chùi súng xong xuôi
trải bao thuốc lá lên đùi làm thơ
(Luân Hoán)
Thơ trữ tình viết về chiến tranh cũng có hai khuynh hướng: hướng ngoại, như những câu thơ của Phạm Tiến Duật, hướng nội, như những câu thơ của Luân Hoán.
Những chàng trai dễ thương ấy, dù vui cười hay mơ mộng, sẽ bị ném vào ngọn lửa của cuộc chiến, sẽ chết hay sẽ trở về với chân tay để lại trên chiến trường, với mảnh linh hồn xước máu tan tác. Và kéo theo họ, không chỉ vành khăn tang thiếu phụ, mà cả một dân tộc, tiếp tục hận thù, chia cắt, tiếp tục làm cạn kiệt suối nguồn tâm linh tổ tiên để lại.
Những xung đột nội tâm và cá nhân, cảm giác hối hận hoặc tội lỗi có thể được tự do bày tỏ một phần nào trong thiết chế tự do và sẽ bị đè nén hoặc kiểm soát trong những thiết chế phi tự do. Trong trường hợp thứ hai, các xung đột và cảm giác tội lỗi sẽ được phóng chiếu vào những nhóm bên ngoài, vào đối phương. Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là văn học Việt Nam, trong nước và ngoài nước, thể hiện đến đâu nhiệm vụ của một nền văn học nạn nhân?
Đại biểu dự cuộc gặp mặt "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc", 2017. Ảnh: vanvn.net
Thoạt nhìn hoài niệm là nghĩ về quá khứ, hội nhập là hướng về tương lai, theo hai chiều ngược nhau. Trong thực tế lòng hoài niệm tăng cường hội nhập vì tâm trạng hưng phấn, tinh thần trách nhiệm với quá khứ, làm tăng sự cảm kích đối với những ngày vàng son, ân nghĩa sâu nặng với sự hy sinh của người đi trước, giúp họ nhiều nghị lực hơn để vượt qua khó khăn, thành công trong quá trình hội nhập vào xã hội mới. Thơ thường xuyên biến đổi, phản ảnh một thế giới không ngừng phát triển, thế nhưng nó vẫn không ngớt quay lại căn nhà cũ.
cây xõa tóc
xuống vai
vò nhàu mùi hương bạch đàn
chiếc cổ thiên nga
sông núi phai màu
linh hiển
tháng giêng. con giống nằm phơi thóc
trắng hai đồng tử lâm sàng
chết ngọt đứ đừ
trăng kiếm thức
15 phút tới giờ hỗn mang
anh không còn tin vào
những trận nháy mắt
cuộc hành trình bay vút mi cong
kéo khói mù mịt
những con tàu khởi hành
từ một thang điểm vệ sinh
không còn văn bản không còn thơ
miếng cơm cháy nguội
những đồng bạc lanh chanh
gặp một người đồng hương nói tiếng lèo
tết năm nào em trôi giạt?
(Hoàng Xuân Sơn)
Hoài niệm giúp nuôi dưỡng di sản văn hóa, giữ gìn sự kế tục. Truyền thống, trong trường hợp những phẩm chất tốt đẹp, quyết định số phận. Toàn bộ đời sống của một cá nhân là thông điệp được truyền lại từ những người đi trước. Và đến lượt, chính đời sống của bạn là một thông điệp. Những người đi từ một miền kế tục bút pháp văn chương của miền ấy, chỉ những thế hệ sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở hải ngoại mới ít chịu ảnh hưởng của chúng. Kế tục về bút pháp chứng tỏ sự bền vững về nội lực của một cộng đồng di dân. Đổi mới bút pháp chứng tỏ sức sống của cộng đồng ấy. Lòng hoài niệm có truyền thống lâu dài trong thơ Việt Nam, từ Nguyễn Bính bảng lảng:
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Từ Nguyễn Đình Toàn da diết, chưa xa lắm:
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Đến Nguyễn Thanh Châu, đương thời, rất khác:
ngồi xuống. khe khẽ hát
những ngón tay thô chùng phiếm guitar
rưng rưng phiến nguyệt tà. máu nhỏ
biền biệt nhớ người ơi
chừng hẹn nhau buổi nào
cắn đắng. cơn trốt cuồng thất tán
đóa lệ hồng. tuôn
âm âm trời bạt xứ
cũng đành. vẫn thiết tha
chút lòng vụng dại
hãy nuôi lấy những giấc mơ. mãi mãi
về đâu. khuya. dõi bóng tuyệt mù
Christa Wolf, nhà văn Đức nổi tiếng, bạn thân của Gunter Grass, viết: “Ký ức không được dùng tới sẽ lạc đường, ngừng tồn tại, rơi mất tăm vào hư vô- rất đáng báo động.Vì vậy, cơ chế để gìn giữ nó, để nhớ lại, nhất thiết phải được tạo ra, rèn luyện”(1)
Một trong những cơ chế ấy là văn chương.
Thực tế cho thấy trong người Việt hải ngoại, các tập hợp được thúc đẩy bởi lòng hoài niệm như các hội ái hữu, hội đồng hương, hoạt động khá hiệu quả trong việc tạo ra những liên kết, hỗ trợ lẫn nhau lúc hoạn nạn. Hoài niệm tập thể làm cho người và người ở nơi chốn tha hương gần gũi hơn, chia sẻ chung những mối quan hoài(2). Nếu có thể ví von rằng thơ miền Nam trước đây là thơ của cái tôi, thơ miền Bắc trước đây là thơ của cái ta, thì thơ hải ngoại hiện nay là thơ của cái tôi khác.
ba tao mất rồi
ga đóng cửa
Ðà-lạt dập dờn gió đập cửa ỉm im
ga lịch sử đi vào hạng mục di tích quốc gia
mất tiếng còi sương vọng xa
công nhân viên chức cán bộ cấp cao thấp
đại diện đại gia đa dại dân đen dân oan dân quèn buôn lậu bon chen chân trong ngoài
việt kiều yêu nước không yêu nước
bán nước
chia lìa từ dạo ấy
tụi mày thuộc loại nào
giờ ở đâu
mùa hè tao nhớ
Nguyễn Thị Hoàng Bắc nhớ Đà Lạt. Tâm sự tí tách với một người bạn thời nhỏ. Thơ ca của chị làm tuổi thơ bộc lộ sức hấp dẫn. Hoài niệm dẫn lối cho tuổi thơ về lại. Nhưng sự liên hợp giữa ký ức, giấc mộng, lòng thương nhớ, ý thức tự do, hiện thực, tạo ra những trục tọa độ khác nhau trong thơ ca, thay đổi tùy theo trường hợp xuất thân, hoàn cảnh ở hải ngoại, thành công và thất bại, kinh nghiệm, vui tươi hay đau buồn. Đối với người xa xứ, đất nước là thời thơ ấu. Thật ra, mặt khác, một tập thể lúc nào cũng sống trong trạng thái nghi ngờ, cảnh giác ta và địch, là tập thể bất hạnh, đáng thương. Trong cuộc đời họ có thể thắng hay thua, thất bại hay thành công, nhưng vì đánh mất hồn nhiên, không cách nào tìm lại được, nên lúc nào sống cũng bất an mà không tự biết. Vì hồn nhiên là lẽ phải. Chúng ta tiếc nuối sự hồn nhiên. Thời mới lớn, đọc trên tạp chí Văn chuỗi bài Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đi liên tiếp nhiều tháng, tôi nhớ cảm giác choáng ngợp.
Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này, em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú đậu ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy?(3)
Thuở ấy, thời chiến tranh chưa lan rộng, “Bắc Việt” của tác giả có lẽ vẫn còn như cũ, hay ít nhất trong lòng ông, mùa vải và chim tu hú và xã hội và cái người thơ thẩn dưới gốc cây kia vẫn còn nguyên vẹn. Xin đừng bắt ông phải chọn lựa giữa quê hương và tự do. Người Việt ngày nay sống ở hải ngoại, tôi e rằng còn khổ tâm gấp đôi Vũ Bằng, vì chẳng có gì mà lựa chọn; họ không chỉ thương nhớ mà còn thương tiếc, không chỉ thương tiếc mà còn đau xót. Tôi muốn bắt chước nhà văn Võ Phiến, trong một tạp bút(4)của ông, mà hỏi rằng:
- Cô Quỳ còn không?
Ký ức có hai chức năng: giữ gìn quá khứ và khôi phục nó. Một trong những phương cách khôi phục là lòng hoài niệm. Chúng ta viết và đọc để cứu chuộc quá khứ, để mở cánh cửa vào căn nhà sự thật, tìm ra động lực của các diễn trình lịch sử. Có hai nguyên cớ của văn học hoài niệm: vì nhớ dĩ vãng thiên đường hoặc vì trải qua đau thương, khốn khổ.
Hoài niệm sâu xa nhất là hoài niệm trong im lặng. Mai Thảo, trong Thủy tận:
Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Quyền năng của thơ là chuyển đổi một kinh nghiệm cá nhân thành kinh nghiệm của người khác. Thơ vừa là cái riêng tư vừa chống lại sự riêng tư. Sự thất bại của thơ ca hiện nay, trong nước cũng như ngoài nước, mà nhiều người nhắc đến, tôi thiết nghĩ, khởi đầu từ điểm này.
Yeats đã từng nói: “Tất cả những thứ riêng tư sẽ bị hư hoại trừ khi chúng được ướp trong muối hay trong nước đá” (All that is personal soon rots unless it is packed in ice or salt.). Muối và nước đá ở đây tất nhiên là ngôn ngữ văn chương, nghệ thuật thơ ca.
Tôi thích bài thơ của Mai Thảo, nhưng thú thật, tôi không chắc lắm nó đã ướp đủ muối hay nước đá.
Nhưng mỗi khi đọc câu thơ này: “Nghe mẹ nói anh có về hái ổi”, tôi lại không kịp băn khoăn về điều ấy. Thơ Tế Hanh, thời kháng chiến chống Pháp. Trong chúng ta, ai từng có mảnh vườn cha mẹ trồng cam, chanh, khế, ổi, tan nát vì bom đạn, nhiều năm xa quê nay vẫn hoang tàn, cố gắng lắm cũng chỉ về thắp hương vài năm một bận, có khi lúc sẫm tối, vội vàng, xe người bạn chờ mình ngoài đường nổ máy?
Nhưng ký ức quê hương biết đâu cũng chỉ là huyền thoại? Những thay đổi đến chóng mặt trên đất nước chúng ta, kỷ cương xã hội, lối sống thực dụng, lưu manh, cơ hội. Đâu phải chỉ người Việt xa xứ mới trông vời quê cũ? Nhà thơ khi viết câu hoài niệm từ nơi xa có khi cũng viết thay đồng bào mình trên cố thổ.
Nhưng ta không còn phải sống
những giây phút như thế
Thành phố ta ở không như thế
Những bộ mặt quanh ta không như thế
Ngôn ngữ ta nghe và báo ta
đọc không như thế
Âm nhạc ta nghe cũng không bị
nghe như thế
Và những giấc ngủ của ta
Những giấc mơ của ta
Không còn bị như thế
Duy có một điều
Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta
Ta cảm thấy vẫn còn như thế
Có lẽ mãi còn nguyên như thế
(Mai Trung Tĩnh, năm 1995, từ Hoa Kỳ).
Cách nói mới. Thơ ca và văn học hoài niệm không khởi đầu bằng các ký ức sự kiện mà bằng câu hỏivề ý nghĩa của chúng.
Thật ra ngày nay không một nhà thơ nào có thể viết một bài thơ thuần túy hoài niệm theo kiểu cũ, tức là nhớ cha mẹ, nhớ nhà, đằm thắm như trong ca dao “má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Ngày nay, không thể nào nghĩ tới hàng cây hò hẹn thuở mới lớn mà không nhìn thấy cảnh chúng bị đào tận gốc, chặt tận rễ, không thể nào nhớ một người thầy học cũ mà không chạnh lòng vì nền giáo dục.
Vì vậy, có một ngày mai của quá khứ, có tương lai của lòng hoài niệm. Chúng ta hoài niệm điều gì? Không phải quê hương đã xa, mà sắp mất, không phải cố quận tách lìa của người ly hương, mà bản quán ngày càng tiêu vong của người sống trên đất mình. Quê hương nào sắp mất? Quê hương của văn hóa, lòng tin cậy, tình làng xóm, nghĩa đồng bào, của thiên nhiên chuồn chuồn cây cỏ. Lòng hoài niệm ấy của chúng ta so với nỗi nhớ nhà của người xưa quả thật có thêm nhiều nỗi lo âu, bội phần khắc khoải.
Chúng ta hoài niệm nghi lễ của tình yêu.
Nguyễn Đức Tùng
Chú thích:
(1) Chista Wolf: “An unused memory gets lost, ceases to exist, dissolves into nothing- an alarm thought. Consequently, the faculty to preserve, to remember, must be developed.”, Patti Miller, Writing your life, p. 73, Allen and Unwin, Australia, 2001.
(2) Dịch chữ collective nostalgia. Wildschut, T., Bruder, M., Robertson, S., van Tilburg, W., & Sedikides, C. (2014). Collective nostalgia: A group-level emotion that confers unique benefits on the group. Journal of Personality and Social Psychology, 107.
(3) Vũ Bằng, Thương Nhớ Mười Hai, NXB Văn Học, 1989, p 82.
(4) Võ Phiến, Tuyển Tập, Văn Mới, 2001, USA, p. 209.
Các tài liệu tham khảo:
- Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.
- Gaston Bachelard, The poetics of space, Beacon, 1969
- Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985
- Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993
- Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993
- J.D. Mc Clatchy, The vintage book of contemporary world poetry, Vintage, 1996
- Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998
- Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000
- 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002
- Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005
- Jennifer Ashton, From modernism to postmodernism, Cambridge Press, 2005
- Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,
- Agnieska Gutthy, Exile and the narrative/ poetic imagination, Cambridge Scholars, 2010
- Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014
- Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người Việt Books, 2014.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...