
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Suốt cả tuần qua, sự việc 5 hiệp sĩ trong Đội hiệp sĩ Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) bị thương và tử vong khi trấn áp hành vi cướp xe của một nhóm trộm đã khiến cộng đồng xã hội như lên cơn “sốt”. Cảm giác kinh hoàng bởi chỉ trong vòng 13 giây ngắn ngủi, 5 hiệp sĩ bị hạ gục bằng những nhát dao chí mạng. Người ta hoang mang trước cái xấu ngày càng hoành hành tàn bạo; đau lòng biết mấy khi những người hành hiệp chính nghĩa đã phải đánh đổi mạng sống. 2 trong số 5 hiệp sĩ đã tử vong. Có người đang chuẩn bị kết hôn. 3 người còn lại bị thương rất nặng.
Nhiều năm nay, người Sài Gòn biết nhiều, nói nhiều về những người dân - hiệp sĩ. Đó là những người dân bình thường, với lòng tốt chất phác đã thành lập các đội nhóm, tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm. Họ săn bắt trộm cướp; có người tự chế xe, gậy gắn nam châm hút đinh trên quốc lộ… Họ không được phép sử dụng vũ khí dù rằng săn bắt cướp là công việc vô cùng nguy hiểm. Thứ mà họ có duy nhất, có lẽ chính là lòng hào hiệp, là sự bất bình trước cái xấu, cái ác. Còn thứ mà họ nhận về không phải là thu nhập, lương thưởng, mà là tình cảm của người dân dành cho mình. Mô hình “hiệp sĩ đường phố” là tự phát, nên họ không có cơ chế, quy chế nào bảo vệ, một đồng thù lao cũng không. Họ xả thân vì bình yên cuộc sống mà không đòi hỏi bất cứ một đặc ân nào. Tinh thần ấy đáng trân trọng và tự hào biết mấy!
Ở nước ta, cơ quan chức năng nhiều nơi, lâu nay bằng những hành động tung hô hay tưởng thưởng, đã chủ động khuyến khích người dân tham gia bắt trộm cướp. Nhiều thập niên, công việc đó được xếp vào tinh thần “toàn dân phòng chống tội phạm” mà chúng ta luôn tuyên truyền, vận động. Vậy nhưng tính đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được cơ sở pháp lý, căn cứ nào để chuẩn hóa mô hình hiệp sĩ.
Từ sự vụ của đội hiệp sĩ Tân Bình, có ý kiến cho rằng: “dù bất cứ lý do gì cũng không thể khuyến khích thêm việc người dân nhảy vào nguy hiểm, hứng chịu rủi ro thay cho những người có chức trách. Chúng ta chỉ có thể xem việc những hiệp sĩ vô danh tham gia vào xây dựng, quản lý xã hội như là giá trị cộng thêm, những tình huống đột xuất chứ không phải một giá trị thay thế thường xuyên và liên tục”. Có người thì gay gắt bày tỏ: ở Việt Nam, người dân vẫn đóng thuế để trả lương cho những lực lượng có chức năng bảo vệ luật pháp, thì ngay cả những loạn thế anh hùng như Lục Vân Tiên cũng không nên khuyến khích. Để bảo vệ những người tốt, để những chàng “hiệp sĩ” có thể sống, lan tỏa sự tử tế và lòng can đảm, thì lực lượng chức năng cần làm tốt công việc của mình! Đó là pháp lý, công lý, và đạo lý!
Thực tế là, các đội, nhóm “hiệp sĩ đường phố” hoạt động tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay, lực lượng công an TP cũng đã nghiên cứu, kiến nghị có quy định về mô hình này. Theo lời thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM, thì ““hiệp sĩ đường phố” làm việc nghĩa, nhưng người trong cuộc có thể bị mất mát, hy sinh nên cần được quản lý, cần được công nhận và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật để biết những gì được làm, không được làm. Không phải trong trường hợp nào “hiệp sĩ” cũng được bắt giữ người. Ngoài ra, có quy chuẩn, quy chế, chúng ta sẽ lựa chọn được đội ngũ, ít ra cũng đáp ứng quy chuẩn về mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất.”…
Dù hoạt động tự phát, thiếu quy chế và những khung hành lang pháp lý, nhưng suy cho cùng, thì sự hi sinh nào vì việc nghĩa cũng cần được nhận diện khách quan, hợp tình hợp lý. Có ý kiến băn khoăn cho rằng, có nên công nhận những hiệp sĩ tử vong là liệt sĩ?
Thiển nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét điều này, bởi đó là sự tri ân thiết thực đối với những hành động xả thân vì nghĩa của người dân trong thời bình. Theo khoản e, khoản đ, điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định cụ thể, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp: "Đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Chiếu theo điều 11 nêu trên và theo điều 17, Nghị định 31/2013, thì những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được công nhận là liệt sĩ.
“Hiệp sĩ đường phố” - những người tự khoác lên mình trách nhiệm lớn lao và sẵn sàng hy sinh thời gian, sức khỏe, tính mạng truy bắt tội phạm, bảo vệ an ninh cho mọi người. Với những gì họ đã làm được, thì mô hình này hoàn toàn có thể tồn tại với một cơ chế rõ ràng, quy định rõ quyền hạn, phạm vi, có sự phối hợp với các lực lượng khác và trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...