Quanh chuyện bạo lực gia đình
VNTN - Trong các cuộc trà dư tửu hậu, những câu chuyện xoay quanh gia đình, con cái dường như là chủ đề bất tận. Chẳng thế mà diễn biến của các vụ việc như: “võ sư bạo hành vợ”, “chồng đánh vợ đang mang thai 8 tháng”, “chồng đánh vợ tới tấp trước mặt con”… thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người. Người ta không hoài nghi về một Báo cáo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khảo sát từ năm 2010, rằng có tới 58% phụ nữ từng bị bạo lực và 87% trong số đó không tìm đến các dịch vụ hỗ trợ từ cộng đồng khi trở thành nạn nhân của bạo hành. Tính từ năm 2012-2016, cả nước đã xảy ra trên 127.000 vụ bạo lực gia đình. Đối tượng gây bạo lực là nam giới chiếm 83,6%. Nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, chúng ta hiện có khoảng gần 7000 cơ sở hỗ trợ nạn nhân, gần 55 nghìn địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Song con số 87% không tìm đến dịch vụ hỗ trợ từ cộng đồng, hẳn là điều đáng nghĩ. Thành thực mà nói thì, ở Việt Nam rất nhiều phụ nữ trưởng thành, lập gia đình nhưng không thông tỏ về hành vi bạo lực gia đình gồm những gì. Khi nhắc đến bạo lực gia đình, người ta thường chỉ nghĩ đến hành vi đánh đập, bị gây thương tích (bạo lực về thể xác) mà không biết rằng nó còn biểu hiện ở nhiều hành vi khác như: bạo lực tinh thần (người phụ nữ thường bị sỉ nhục, lăng mạ, bị đe doạ vì bất cứ lý do gì…); bạo lực về kinh tế (phụ thuộc tài chính, phải làm việc quá sức…); bạo lực tình dục (bị ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn hoặc làm những việc có liên quan tới tình dục mà họ cảm thấy bị nhục nhã; phải “phục tùng” vì lo sợ có điều xấu xảy ra…). Theo khảo sát của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), thì trong gần 1.200 nạn nhân bị bạo lực gia đình mà Trung tâm giúp đỡ trong 12 năm qua, trong số đó có hơn 49% làm nghề tự do, 4,3% làm nội trợ, họ đều không có cơ hội tiếp cận với các thông tin liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của bản thân khi bị bạo lực, không biết tìm đến sự hỗ trợ của đoàn thể, đơn vị nào. Thông tin trên cho thấy rằng, tuyên truyền về bạo lực gia đình thực sự rất quan trọng, song dường như chúng ta đang thiếu hụt, hạn chế ở nhiều khâu. Mặt khác, do ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa Á Đông truyền thống, phụ nữ Việt “xuất giá tòng phu”, họ coi trọng danh dự, “xấu chàng hổ ai”, thế nên rất nhiều trường hợp im lặng chịu đựng để “con có cha”, hoặc sợ mang tiếng “chồng chê chồng bỏ”… Rõ ràng, việc tuyên truyền để người bị bạo hành có vốn hiểu biết, để họ thay đổi hành vi, ý thức rõ về sự lên tiếng, quả là việc không dễ. Nhìn vào những hành vi bạo lực gia đình kể trên, có những dạng bạo lực phổ biến và dễ nhận diện như bạo lực thể xác, song cũng có hành vi rất khó nhận biết như bạo lực tình dục. Cũng bởi vì khâu tuyên truyền chưa thực hiệu quả, thế nên hàng loạt các cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà chúng ta lập nên có lượng mà chưa có chất. Các nạn nhân không chủ động tìm tới các sự trợ giúp, bởi vì đa số họ đều không nắm rõ các quyền của mình để được tôn trọng. Có thể nói, vấn nạn bạo lực gia đình xảy ra ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở những nước phát triển. Ở Pháp, tính từ đầu năm tới nay đã có 101 phụ nữ bị giết hại trong các vụ bạo hành gia đình. Cũng đã có những cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ Pháp có các biện pháp cứng rắn hòng giải quyết vấn nạn này. Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Pháp đã thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 1 triệu euro nhằm hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức tại các địa phương trong cuộc chiến chống vấn nạn bạo hành gia đình. Đầu tư bổ sung 5 triệu euro để thiết lập thêm 1000 chỗ ở là nơi tạm trú cho các phụ nữ bị bạo hành; thiết lập các điều kiện cần thiết để họ có thể khai báo với lực lượng an ninh ngay tại các bệnh viện. Chính phủ Pháp cũng đang nghiên cứu xây dựng một dự luật, trong đó quy định những trường hợp đã phạm tội bạo hành gia đình sẽ buộc phải đeo vòng điện tử để nhận biết. Thiết bị này sẽ báo động cho nạn nhân cũng như cảnh sát khi người này đến gần nạn nhân. Sự vào cuộc mạnh mẽ trước nạn bạo lực gia đình là cần thiết, bởi một gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Trước mắt chúng ta cần làm tốt 3 việc đó là: khuyến khích sự lên tiếng của nạn nhân, tuyên truyền sâu rộng kiến thức về bạo lực gia đình, phát huy tối đa năng lực của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Làm được thế cũng đủ để tạo nên thay đổi tích cực rồi!
Thái Văn0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...