Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
13:53 (GMT +7)

Quảng bá du lịch nhìn từ “Sắc thu hồ Ba Bể”

Hồ Ba Bể vốn là một địa danh gắn liền với khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Cảnh đẹp riêng có và những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất vốn đã có từ ngàn đời nhưng lượng du khách lớn tìm đến “Ba Bể cảnh tiên” thường chỉ khi có Lễ hội Lồng tồng dịp đầu Xuân hoặc những ngày hè nóng nực. Vậy nhưng cuối năm 2022, khi địa phương này tổ chức Lễ hội “Sắc thu hồ Ba Bể”, du khách và các nhà chuyên môn đã có thêm góc nhìn khác về du lịch Bắc Kạn.

 

“Biển mây” trên đỉnh Đồn Đèn bồng bềnh giữa những thung sâu.
“Biển mây” trên đỉnh Đồn Đèn bồng bềnh giữa những thung sâu.

Có thể nói, hồ Ba Bể nói chung và những điểm du lịch nhỏ gắn với nơi đây như: thác Đầu Đẳng, động Hua Mạ, Ao Tiên, đảo An Mạ… không xa lạ đối với du khách cũng như trên các trang, tạp chí quảng bá, giới thiệu du lịch. Cảnh đẹp của vùng đất và sự hiếu khách, những nét văn hóa đặc trưng của con người nơi đây cũng đã chiếm được cảm tình của du khách mỗi khi tìm đến. Bên cạnh đó, mỗi độ Xuân về, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể được tổ chức thì hàng nghìn người lại đổ dồn về tham dự, trải nghiệm, du lịch khám phá.

Bởi vậy, khi huyện Ba Bể ban hành quyết định tổ chức Lễ hội “Sắc thu hồ Ba Bể”, rất nhiều tờ báo, website về du lịch, fanpage, cộng đồng mạng đồng loạt đăng tải thông tin chi tiết lịch tổ chức các chuỗi hoạt động trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn, tạo sức lan tỏa thông tin về sự kiện mạnh mẽ. Và thực tế, trong những ngày diễn ra sự kiện (từ ngày 4 - 6/11/2022), du khách đến đây đã được tham gia trải nghiệm tham quan, check-in tại những cánh đồng lúa ở các thôn Nà Mặn, Nà Hai (xã Quảng Khê); đạp xe, săn mây trên đỉnh Đồn Đèn (xã Khang Ninh); thăm rừng trúc, thác nước; thưởng thức món cá hồ tươi ngon hay tham gia giã bánh giầy, mua sắm sản phẩm OCOP tại thôn Pù Lầu, Phiêng Phàng (xã Yến Dương)… Cùng với đi thuyền, tham quan cảnh sắc vòng quanh hồ Ba Bể, đắm mình trong bầu không khí mát lành được bao quanh bởi vườn quốc gia với hệ sinh thái đa dạng, nguyên sơ, du khách còn được trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa đồng bào dân tộc Tày, Dao. Bên cạnh đó, địa phương còn mời các đơn vị khác tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoài trời như đua thuyền kayak, bay dù lượn… Buổi tối, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như cơm lam, cá nướng, rau rừng; nghe hát then, đàn tính; tham gia múa bát, nhảy sạp cùng đội văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Ngắm “Mùa vàng” tại Phiêng Phàng, xã Yến Dương.
Ngắm “Mùa vàng” tại Phiêng Phàng, xã Yến Dương.

Lễ hội "Sắc thu hồ Ba Bể" được tổ chức vào mùa đẹp nhất trong năm đã thu hút hàng chục nghìn du khách tìm đến. Tất cả hệ thống homestay, khách sạn, nhà nghỉ ven hồ và khu vực xung quanh gần như quá tải. Muốn có được chỗ nghỉ ngơi trong những ngày ấy, du khách phải đăng ký và đặt cọc trước nửa tháng. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về hiệu quả, nguồn thu từ sự kiện nhưng rõ ràng, "Sắc thu hồ Ba Bể" đã tạo một “cú hích” mạnh trong việc xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương, với sức lan tỏa không hề nhỏ. Ai đã từng tham gia vào hành trình trải nghiệm “Sắc thu hồ Ba Bể” sẽ có ấn tượng khó quên. Và ngay cả người bản địa có lẽ họ cũng không thể ngờ rằng quê hương mình lại có những cảnh đẹp đến mê hồn nhưng đang “ngủ quên” bấy lâu mà nay mới được “đánh thức”.

Chẳng hạn như thú “săn mây”, lâu nay, du khách và người dân nơi đây nghĩ rằng “tiên cảnh” này chỉ có ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai), Tà Xùa (Yên Bái) hay Đà Lạt… qua sách báo, ti vi, mạng xã hội. Nay, khi lên đỉnh Đồn Đèn (xã Khang Ninh), du khách sẽ được chìm đắm trong cảnh tượng đẹp đến ngỡ ngàng không thua kém những địa danh nổi tiếng kia. “Săn mây” trên đỉnh Đồn Đèn được nhiều người háo hức mong chờ và diễn ra từ 5 đến 9 giờ sáng nhưng thời khắc đẹp nhất khoảng 7 giờ sáng khi mặt trời vừa ló qua đỉnh núi, “biển mây” bồng bềnh giữa những thung sâu. Lúc này, du khách thoải mái check-in, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời như trong mơ. Nếu như “săn mây” cho con người đắm mình trong cảnh thơ mộng yên bình thì bay dù lượn lại đem đến những trải nghiệm mới lạ, phù hợp với những người ưa mạo hiểm, thích khám phá. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi dù lượn ở độ cao hàng trăm mét, bay bổng giữa trời mây, thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp bao quanh hồ Ba Bể trong xanh hay bản nhà sàn xinh xắn của người Tày…

Bay dù lượn đem lại cảm giác thú vị, mới lạ cho người dân và du khách.
Bay dù lượn đem lại cảm giác thú vị, mới lạ cho người dân và du khách.

Lễ hội “Sắc thu hồ Ba Bể” năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, những nét văn hóa và tiềm năng du lịch của Ba Bể nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Qua sự kiện, nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Ba Bể đã được “đánh thức”, thêm vào lịch trình khám phá, trải nghiệm của du khách, tạo thêm sức hút cho chốn cảnh tiên. Điều dễ nhận thấy là trong các hoạt động, chính quyền địa phương không cần đầu tư quá nhiều kinh phí để tổ chức sự kiện mà thực hiện dưới hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân thấy được vai trò của mình trong khai thác tiềm năng du lịch, trải nghiệm, đem đến cảm giác thoải mái, thú vị cho du khách. Đây cũng là điều đáng để du khách và giới chuyên môn cũng như chính quyền nhiều địa phương khác có cái nhìn khác về cách quảng bá tiềm năng du lịch của huyện miền núi vốn còn nhiều khó khăn như Ba Bể.

 

Rừng trúc tại Phiêng Phàng, xã Yến Dương đẹp như trong phim.
Rừng trúc tại Phiêng Phàng, xã Yến Dương đẹp như trong phim.

Chuyện quảng bá để thu hút khách du lịch không mới mà rất nhiều địa phương khác trong cả nước đã thực hiện từ lâu, nhất là đối với những tỉnh, thành có thế mạnh. Tuy nhiên, từ câu chuyện trên, khi nhìn lại việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Thái Nguyên, chúng ta thấy vẫn như còn “chới với”. Điển hình như Festival Trà – lễ hội cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011 với quy mô rất hoành tráng cùng với kinh phí không hề nhỏ. Lễ hội đã tạo được hiệu ứng và thu hút được đông đảo du khách, thương hiệu Trà Thái Nguyên không ngừng vươn xa. Sau thành công này, lễ hội được nhiều người mong đợi sẽ được tổ chức thường niên. Nhưng, vì rất nhiều lý do (như: kinh phí tổ chức lớn, dịch bệnh…) mà đến nay nó chỉ diễn ra 3 lần (gần đây nhất là năm 2015) và quy mô cũng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, Thái Nguyên có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và luôn được các phương tiện thông tin, truyền thông ca tụng như: hồ Núi Cốc, thác Mưa Rơi, hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, hồ Ghềnh Chè… cùng rất nhiều nét văn hóa đặc trưng, hấp dẫn khác.

Du thuyền trên hồ Ba Bể.

Vậy nhưng, những tiềm năng này hầu như chưa được các cấp, ngành tổ chức thành các sự kiện văn hóa, du lịch để giới thiệu, quảng bá, đồng thời phát hiện, khai thác thêm những tiềm năng, thế mạnh sẵn có khác. Du khách thường phải tự tìm thông tin, đến trải nghiệm, khám phá một cách tự phát và chúng ta gần như không có gì đặc biệt để “giữ chân” du khách lưu trú tại những địa điểm trên. Từ những thực tế trên, rõ ràng để quảng bá, giới thiệu và thu hút khách du lịch một cách chuyên nghiệp, có chiều sâu thì đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải có cách nhìn khác, cách làm mới để du lịch Thái Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước