Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:34 (GMT +7)

Quan niệm phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu nhìn từ xu hướng phê bình văn học thời kỳ đổi mới

VNTN -1. Luận bàn về sự vận động và phát triển trong hành trình sáng tạo của ý thức người cầm bút, Nguyễn Minh Châu đã ví von một cách tinh tế và sâu sắc khi ông lý giải: “Từ bản năng đến giai đoạn ý thức của người cầm bút, ấy là cái giai đoạn người con gái trở thành một người đàn bà. Chỉ đến khi trở thành một người đàn bà thì người con gái đủ tài hoa, thông minh đến mấy cũng mới ý thức được đầy đủ và trọn vẹn cuộc đời của mình”1.

Để có thể đúc rút được kinh nghiệm trên của nghề viết, Nguyễn Minh Châu đã trải qua quá trình nghiệm sinh gian khổ - đó là quá trình “con người nhà văn lột xác ra từ người lính”. Sau vài chục năm cầm bút, trải qua “một cuộc thử thách lặng lẽ và tàn nhẫn” Nguyễn Minh Châu đã thấu hiểu thế nào là nhà văn chân chính.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Bên cạnh những sáng tác nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình, quyết liệt đổi mới về tư duy sáng tạo nghệ thuật thì những suy tư, trăn trở về nghề trong rất nhiều tiểu luận của Nguyễn Minh Châu cho thấy ông là một trong số không nhiều nhà văn ý thức sâu sắc về sứ mệnh của người cầm bút trước số phận của nhân dân và vận mệnh đất nước. Quan điểm đó được Nguyễn Minh Châu bày tỏ trên nhiều bình diện sáng tạo của người nghệ sĩ - những vấn đề quan thiết không chỉ đối với thiên chức của nhà văn mà còn đối với cả nền văn học ở những bài viết như: Các nhà văn quân đội viết về chiến tranh; Nhà văn, nhân vật và bạn đọc; Người lính, chiến tranh và nhà văn; Tính trung thực nghệ sĩ; Nghĩ về truyện ngắn; Bên lề tiểu thuyết; Chăm sóc câu văn; Hòa đồng cùng nhân loại; Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa, v.v… Và dù không phải là nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp, song với trực cảm tinh tế của một người sáng tác giàu thiên tư về lý luận phê bình, luôn khát khao sáng tạo, hướng đến khám phá cái mới, với tầm nhìn xa rộng, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận thấy vai trò khai phóng của lý luận, phê bình đối với sự vận động và phát triển của văn học nói riêng và xã hội nói chung nên trong “đêm trước” của thời kỳ đổi mới, ở thập niên bảy mươi và những năm đầu của thời kỳ đổi mới, ông đã tập trung thiên năng của mình để thay đổi hệ hình tư duy sáng tạo, không chỉ trong sáng tác mà cả trong lý luận phê bình.

Xuất phát từ xu hướng lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng sau hơn 30 năm, chúng tôi tập trung luận giải quan niệm về phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu xung quanh hai phương diện cơ bản là Công việc phê bình văn học và Tư cách của nhà phê bình… để từ đó khẳng định những đóng góp không nhỏ của Nguyễn Minh Châu đối với công cuộc đổi mới văn học nước nhà nói chung và lĩnh vực lý luận phê bình văn học nói riêng.

2. Có thể nói, trong đời sống văn học, ở mỗi thời kỳ, bên cạnh sáng tác thì phê bình văn học cũng là một lĩnh vực được xã hội quan tâm bởi nó luôn song hành cùng sáng tác và luôn tạo nên tính thời sự cho đời sống văn học. Tuy nhiên, trước năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, cần phải dùng văn học như một “công cụ” để tuyên truyền chính trị nên trước đổi mới phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa chiếm địa vị độc tôn và cùng với nó là phương pháp phê bình xã hội học, thậm chí xã hội học dung tục lấy mỹ học mác xít làm hệ qui chiếu duy nhất để thẩm bình các hiện tượng văn học, từ đó “đẻ ra” những kiểu phê bình quyền uy, phê bình xu phụ, phê bình kiểm dịch... làm vênh lệch tính dân chủ, tính khoa học trong lý luận phê bình, gây tâm lý ức chế, lo sợ trong lực lượng sáng tác và cả công chúng tiếp nhận.

Sau 1975, bước vào thời kỳ hậu chiến, tình hình đất nước ngổn ngang khó khăn, phức tạp. Khi Nguyễn Minh Châu trăn trở “Tại sao lại có tình hình lý luận phê bình và sáng tác ngồi quay lưng lại nhau hay gần như thế?” cũng chính là lúc nền phê bình nước ta lâm vào tình trạng trì trệ, bế tắc. Phê bình không theo kịp sáng tác và không thực hiện được vai trò khai mở của mình đối với đời sống văn học nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Vượt lên khuôn khổ tư duy đầy giới hạn của phê bình lúc bấy giờ, Nguyễn Minh Châu đã sớm đưa ra lời cảnh báo về tương lai của phê bình văn học khi ông xác quyết: “Công việc phê bình văn học bất kỳ ở đâu và bao giờ cũng không thể nào né tránh được cái sự biểu lộ thái độ khen chê có thể làm mếch lòng những người viết văn. Nhưng nếu phê bình văn học gần như chỉ làm có một việc khen chê mà thôi thì sớm muộn cũng trở thành cái đuôi của sáng tác, sớm muộn nhất định sẽ nhận lấy một chỗ đứng thụ động trong tiến trình phát triển của nền văn học”2. Ông nghiêm khắc phê phán lối phê bình thụ động mang tính “phải đạo”: “Công việc của nhà phê bình văn học vẫn chỉ là ban lời khen chê, là công việc của một người đi sau sáng tác, chờ anh ta làm được cái gì thì hạ bút xuống bình phán. Xin hãy chưa nói các việc bình phán văn chương đó hay dở, nông sâu, đúng sai thế nào, mà hãy nói cái cung cách làm việc đó chứng tỏ một tư tưởng và thái độ chờ đợi, thụ động”3.

Như vậy, đối với Nguyễn Minh Châu, phê bình văn học nhất quyết không phải là một công việc thụ động, lười nhác “ăn theo, nói leo” sáng tác. Nguyễn Minh Châu không chấp nhận lối phê bình “vuốt đuôi” theo kiểu “dĩ hòa vi quý” công thức, đồng phục, sơ lược, hời hợt, kém chất lượng, ông cho rằng “cung cách phê bình “trung dung”, “khen một tý, chê một tý” mà bất kỳ một cây bút phê bình bất tài mà biết “xu phụ” cũng có thể làm được, đã có phần lỗi thời”. Mặc dù khi đó bởi nhiều lý do, nhiều giới hạn do ảnh hưởng của thời đại lịch sử, Nguyễn Minh Châu chưa thể hình dung hết được hướng đi và sự phát triển của phê bình văn học nước nhà trong tương lai, nhưng bằng trực cảm tinh tế, bằng kinh nghiệm sáng tạo của nhà văn lão luyện Nguyễn Minh Châu đã thấu hiểu và khẳng định để có sự “chủ động”, thay đổi chất lượng trong phê bình văn học thì cần phải có những nhà phê bình chuyên nghiệp. Ông viết: “Xưa nay đây đó vẫn có những nhà phê bình chỉ chuyên môn làm công việc nghiên cứu phê bình tác phẩm, nghĩa là chỉ làm cái việc phân tích, khen chê, mà người đọc họ vẫn cảm thấy đây không phải chỉ là người hái quả mà còn là một người trồng cây”4.

Nguyễn Minh Châu nói đến “người trồng cây” chính là ông muốn tôn vinh người làm phê bình chuyên nghiệp như một chủ thể sáng tạo nghệ thuật chứ không phải chỉ hưởng thành quả lao động của người khác, hoặc chỉ như “cái loa” tuyên truyền giáo huấn đạo đức một cách máy móc, xơ cứng, khiên cưỡng như nhiều người đương thời đã và đang nghĩ. Đối với Nguyễn Minh Châu, nhà phê bình phải chủ động đối với công việc phê bình. Chủ động có lẽ cần được hiểu là trên cơ sở của sáng tác, phê bình văn học phải tiếp tục “sáng tạo trên nền sáng tạo”. Phê bình văn học phải có một tầm nhìn, dự báo về xu hướng phát triển của văn học nghệ thuật, định hướng chỉ đường cho sáng tác và tiếp nhận văn học.

Một vấn đề đặt ra tiếp theo là muốn sáng tạo trong hoạt động phê bình người làm phê bình phải có điều kiện “cần và đủ” tối thiểu như thế nào? Theo Nguyễn Minh Châu: “…ngoài thái độ trân trọng, thực sự cầu thị và không định kiến, người phê bình văn học đó bằng tư tưởng tiến bộ và tri thức uyên bác của mình, dù chỉ một lần viết nhưng đã chỉ ra cho người viết văn những điều cần suy nghĩ nghiêm chỉnh về mình”5; Ông cho rằng: “Trong thời đại mà chúng ta đang sống, mọi việc làm đều phải được lý luận soi sáng, phải là hệ quả của lý luận… đã đến lúc lý luận phải tiến lên trước, tự trang bị các mặt kiến thức, quan điểm lập trường và một tầm nhìn xa rộng, xem xét kỹ và nhận định đúng đắn thực chất giá trị các sáng tác văn học để có thể tự kiểm điểm xem mình đã góp phần vào đó những gì và đã có những ý kiến, những luận điểm nào đã từng cản trở sáng tác”6. Như vậy, quan niệm của Nguyễn Minh Châu về phê bình văn học đã gặp gỡ với quan điểm tư duy phê bình thời kỳ đổi mới, điều này được thể hiện rõ ở hai vấn đề: Thứ nhất, làm công việc phê bình văn học nghệ thuật phải có thái độ khách quan, khoa học, phê bình không thể mang định kiến chủ quan, cá nhân; Thứ hai, người làm phê bình phải có tư duy tiến bộ, được trang bị kiến thức nền tảng về lý luận văn học, triết học, mỹ học, văn hóa… Đây cũng là những vấn đề mà xu hướng phê bình thời kỳ đổi mới rất đề cao.

Xuất phát từ hai vấn đề trên nên trong quan niệm của mình, Nguyễn Minh Châu rất coi trọng việc tiếp thu tri thức văn hóa và lý luận văn học của nhân loại để tháo gỡ những khó khăn, giới hạn, phát triển nền phê bình văn học nước nhà. Ông khẳng định: “Nền văn học của chúng ta phải được coi như một bộ phận của nền văn học tiến bộ của thế giới… bởi vì biết bao vấn đề lớn nhỏ đặt ra cho lý luận và nghiên cứu văn học mà chúng ta mới chớm nghĩ đến, trong khi ấy thì các nhà lý luận, các nhà văn ở các nước xã hội chủ nghĩa đã bàn nát ra, đã đi sâu tới những khía cạnh, đã lập được những mối quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác… từ cổ chí kim, những nhà sáng tạo lớn, những nhà tư tưởng lớn cũng phải chịu ảnh hưởng lẫn nhau và tiếp thu lẫn nhau. Những nền văn học phong phú và rực rỡ đến đâu cũng mang những yếu tố chịu ảnh hưởng và kế thừa lẫn nhau”7. Trong khi nhiều người cầm bút đương thời vẫn giữ quan điểm “khép kín”, an phận để đảm bảo “an toàn” cho bản thân thì tinh thần tiến bộ, khai phóng, “hướng ngoại” của Nguyễn Minh Châu góp phần tích cực không nhỏ trong bước đầu thúc đẩy chuyển đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học trong thời kỳ lịch sử mới.

Thực tiễn đời sống văn học mấy chục năm đổi mới cho thấy, như một tất yếu của quy luật phát triển, phê bình văn học nước nhà đã cố gắng bứt phá để vươn đến một hệ hình tư duy khác trước, nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá những sáng tác mới của nhà văn, luận giải những vấn đề phức tạp của văn học mà nhu cầu đời sống hiện đại đặt ra. Các nhà nghiên cứu ý thức rõ phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những hệ thống lý thuyết khoa học làm hệ qui chiếu thì mới đáp ứng việc luận giải đầy đủ các giá trị của sáng tác văn học mọi thời đại - Điều này lý giải vì sao trong thời kỳ đổi mới mặc dù còn nhiều vấn đề chưa thuận lợi, nhưng các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình đã nỗ lực tiếp nhận các khuynh hướng lý thuyết phương Tây (Thi pháp học, Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa hình thức Nga, Mỹ học tiếp nhận, Tự sự học...) và coi đó như một “công cụ” hữu hiệu để ứng dụng trong thực tiễn nghiên cứu, phê bình văn học nhằm khám phá những giá trị của các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn khác nhau tạo nên sinh khí cho đời sống văn học vốn khá đơn điệu, nghèo nàn của thời kỳ trước đổi mới. Sở dĩ có được kết quả này, bởi đã có một sự chuyển đổi rõ rệt về hệ hình tư duy phê bình trong chính đội ngũ lý luận phê bình văn học. Nhiều nhà phê bình vốn trước kia chỉ quen với kiểu phê bình xã hội học, thậm chí xã hội học dung tục thì nay cũng có sự đổi mới trong tư duy phê bình thể hiện ở việc nhìn lại những đánh giá sai lệch, thậm chí cực đoan của mình, rõ nhất là các công trình phê bình về phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Đình Kỵ... Ngoài ra, trong đời sống lý luận - phê bình còn xuất hiện hàng loạt tác phẩm phê bình mang hệ hình mỹ học mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của công chúng văn học.

Chính tinh thần cầu thị tiếp thu tri thức văn hóa của thế giới đã đem đến cho đời sống phê bình văn học thời kỳ đổi mới một sức sống mạnh mẽ, không chỉ tạo nên sự đa dạng của phê bình văn học mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa nền phê bình văn học dân tộc vốn còn nhiều giới hạn so với nền phê bình hiện đại của thế giới. Những suy nghĩ coi trọng nâng cao chất lượng học thuật trong phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu ở thời điểm nền văn học nước nhà đang “chuyển giao” giữa cái cũ và cái mới cho thấy sự nhạy cảm, tầm nhìn sâu rộng, và trên hết là trách nhiệm, tâm huyết với văn chương của Nguyễn Minh Châu.

Có thể khẳng định, bên cạnh những sáng tác như: Bến quê; Mảnh đất tình yêu; Khách ở quê ra; Phiên chợ Giát; Cỏ lau… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc được Nguyễn Minh Châu viết với tinh thần triệt để đổi mới, quyết tâm “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” thì ở lĩnh vực lý luận, phê bình chúng ta cũng không thể phủ nhận Nguyễn Minh Châu là một trong số không nhiều nhà văn có bản lĩnh, bền bỉ, kiên tâm để đóng góp tiếng nói, “mở đường” cho phê bình văn học nước nhà tiếp tục hướng đến những chân trời mới. Nhờ có công cuộc đổi mới, với việc mở rộng biên độ giao lưu, tiếp thu tri thức bên ngoài, phê bình văn học nước nhà đã từng bước khắc phục bệnh công thức, giản đơn của phê bình văn học trước thời kỳ đổi mới, góp phần nâng cao nhận thức trong tư duy phê bình, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách thẩm định giá trị của các tác phẩm văn học, tạo nên một đời sống phê bình sinh động, phong phú, dân chủ, cởi mở, giải quyết được những yêu cầu của nền văn học dân tộc.

Trong quan niệm về phê bình văn học của mình, bên cạnh việc đề cao tri thức, trí tuệ, sự uyên bác, thông thái của nhà phê bình, Nguyễn Minh Châu còn đặc biệt quan tâm đến vai trò, tư cách, thái độ của người làm phê bình. Thiết nghĩ đây là những vấn đề chưa bao giờ xưa cũ. Bởi đây là những phẩm tính không thể không có ở nhà phê bình văn học. Sở dĩ nền phê bình văn học của chúng ta lâu nay vẫn chưa chạm đến những đỉnh cao của phê bình văn học thế giới bởi vì các nhà lý luận phê bình của chúng ta còn thiếu những phẩm tính tất yếu này mặc dù chúng ta có thừa “lập trường quan điểm”. Và đây là điều mà Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở, day dứt trong quan niệm phê bình văn học của mình, một nhà văn luôn khát khao được dấn thân đồng hành cùng nhân loại.

Không chỉ quan tâm đến phẩm tính của nhà phê bình mà trong quan niệm phê bình văn học của mình, Nguyễn Minh Châu còn lưu tâm đến mối quan hệ giữa nhà phê bình với nhà văn, hay nói rộng ra đó là mối quan hệ giữa lĩnh vực lý luận phê bình và sáng tác, khi ông xác quyết: “Một nhà lý luận phê bình văn học phải là một người bạn lớn của nhà văn”. Trả lời cho câu hỏi thế nào là “người bạn lớn của nhà văn”? ông khẳng định: một nhà lý luận phê bình văn học lớn hay không là ở chỗ anh ta tự nguyện làm người đỡ đầu cho một kiểu nhà văn nào? “…đang ủng hộ và tác thành cho một kiểu nhà văn tầm thường, kiểu nhà văn mô phỏng và khéo tay biết cài hoa kết lá vào những khái niệm chính trị sẵn có hay đang ủng hộ và tác thành cho những cây bút tài năng luôn dám khám phá cuộc sống và sáng tạo cái mới trong nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị xứng đáng với dân tộc và đất nước mình”8.

Như vậy, Nguyễn Minh Châu đã thẳng thắn chỉ rõ thái độ lựa chọn đối tượng phê bình cũng có thể bộc lộ “tầm” và “tâm” của người làm phê bình. Nhà phê bình chỉ được coi là người “bạn lớn” của những nhà văn khi bản thân nhà phê bình cũng dũng cảm dấn thân sáng tạo, có chính kiến, kiên định, đồng hành cùng nhà văn trên con đường sáng tạo nghệ thuật chân chính, đầy thử thách, nhọc nhằn, thậm chí ẩn tàng nhiều nguy hiểm. Và rõ ràng sự đồng hành giữa nhà phê bình với nhà văn, trong quan niệm của Nguyễn Minh Châu là điều kiện tất yếu để tạo nên sức mạnh, góp phần phá vỡ thế “cô độc” của những người cầm bút vì: “Nếu không được lý luận, phê bình ủng hộ thì người đi con đường ấy sẽ thấy cô độc”9. Nhà phê bình là người bạn tâm giao, nâng đỡ tinh thần, khuyến khích nhà văn sáng tạo nghệ thuật. Qua đây chúng ta có thể nhận thấy tư duy về phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu không những khúc chiết rõ ràng, thực tiễn mà còn mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc.

Nguyễn Minh Châu yêu cầu rất cao đối với nhà phê bình ở phương diện tư cách, phẩm chất, thái độ. Ông chú trọng sự cẩn trọng và khách quan, khoa học trong phê bình văn học: “Người phê bình cũng nên lắng nghe người viết văn một chút: tôi bỏ ra hàng tháng, hàng mấy năm để làm ra nó. Vậy thì anh cũng nên cố gắng bỏ công đọc nó lấy vài lần, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại, rồi hẵng hạ bút xuống. Có gì mà hấp tấp lắm đâu! Và nhất là tuyệt đối không được có một chút định kiến, ác ý”10. Nguyễn Minh Châu cho rằng nhà phê bình cần phải thực sự hiểu kỹ tác phẩm - đứa con tinh thần của nhà văn thì khi đó mới hạ bút để “phê bình” và một nguyên tắc đặt ra hết sức nghiêm túc đó là việc nhà phê bình phải có một tinh thần công bằng, khách quan khi phán xét tác phẩm của nhà văn. Thái độ “định kiến, ác ý” sẽ rất có thể khiến nhà phê bình “chụp mũ” nhà văn và thẩm định sai giá trị tác phẩm. Việc đánh giá sai tài năng, nhân cách, thậm chí làm tổn thương danh dự, sự nghiệp của nhà văn từng xảy ra trong lịch sử phát triển văn học dân tộc vẫn còn đó như lời nhắc nhở. Với Nguyễn Minh Châu, nhà phê bình phải có “con mắt tinh đời” và một tấm lòng bao dung để phát hiện và đánh giá đúng giá trị tác phẩm và tài năng đích thực của nhà văn: “Nhất thiết chúng ta phải phân biệt cho được những phần tử mang động cơ xấu lợi dụng ngòi bút với những người cầm bút có những phút yếu đuối, và những người cầm bút chân chính luôn luôn tìm tòi, thể nghiệm cho nên đã có những bước vấp váp. Với những bước vấp váp ấy, phê bình cần phải chỉ ra nhưng không nên thành kiến, lại càng không nên lấy đó để kết luận, ràng buộc vào cả một cuộc đời, một sự nghiệp. Một nghệ sĩ mà không còn khả năng sáng tạo thì coi như đã chết”11. Bài học kinh nghiệm về tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, khách quan và cách đối nhân xử thế của nhà phê bình chuyên nghiệp mà Nguyễn Minh Châu nêu ra mấy chục năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong quan niệm của mình về phê bình, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định sự tinh tế sáng tạo cũng là tư chất quan trọng không thể thiếu của nhà phê bình. Nhà phê bình phải đào sâu những tầng vỉa ý nghĩa, phát hiện các lớp thông điệp vang lên từ tác phẩm nghệ thuật: “Hãy lắng nghe, cảm thụ, rung động và đem từng chủ đề, từng nhân vật ra mà phân tách. Cũng như người viết văn khi quan sát đời sống thực tế, người phê bình trong khi quan sát tác phẩm cũng phải khám phá, tìm kiếm để đi đến với tác giả của nó, coi thử trong các mặt nội dung và cả hình thức, cái tiếng nói mới ấy đã thực sự đóng góp được những gì mới cho xã hội và văn học?”12. Bên cạnh đó, nhà văn còn cho rằng nhà phê bình phải hiểu biết văn hóa, thẩm mỹ để soi sáng, dẫn dắt dư luận xã hội: “Trong khi phê bình, người viết không những phải huy động sự từng trải đời sống và vốn tri thức của mình mà cả những xu hướng về lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của riêng mình. Những vốn liếng ấy, kể cả các xu hướng riêng, sẽ như một cái gậy và ngọn đèn giúp cho anh tìm đường đi đến tác phẩm, nhận rõ chất của cái tác phẩm đang được xem xét”13. Nguyễn Minh Châu cũng dứt khoát bày tỏ quan điểm không tán đồng lối phê bình hời hợt, mang tính chủ quan, hướng đến mục tiêu cá nhân: “đã thấy có những bài phê bình một cuốn sách cụ thể nào đấy nhưng thực chất tác phẩm của người ta chỉ là một cái đinh để cho người phê bình treo cái áo riêng của mình lên đấy, hoặc tác phẩm bị đem ra sử dụng như một dẫn chứng cho những luận cứ văn học riêng của mình”14.

Đọc những trang viết của Nguyễn Minh Châu chúng ta còn bắt gặp ông mang nhiều trăn trở xót xa: “Làm sao để cho có không khí trao đổi, tranh luận trong văn học thật cởi mở và bổ ích”15. Khát vọng cháy lòng của người nghệ sĩ về một nền phê bình dân chủ, bình đẳng chấp nhận ý kiến phản biện đa chiều để từ đó nâng cao chất lượng học thuật trong phê bình văn học cũng là khát vọng chung của nhiều văn nghệ sĩ nước nhà thời kỳ đổi mới. Nguyễn Minh Châu hẳn sẽ ấm lòng hơn nếu ông biết những thế hệ cầm bút tiếp nối ông đã phần nào thực hiện được ý nguyện cao cả của ông qua hơn ba mươi năm đổi mới. Sự cởi mở và đối thoại dân chủ của lý luận - phê bình văn học được khởi lên từ các cuộc tranh luận và thảo luận bàn tròn mà các báo, tạp chí tổ chức là việc không còn đề cao vai trò độc tôn của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong phê bình học thuật xuất hiện nhiều thuật ngữ mới như: dòng ý thức, huyền ảo, vô thức, hiện sinh, tâm linh, huyền thoại, điểm nhìn nghệ thuật, đa phức, đa thanh, đa giọng điệu, phong cách nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật, cấu trúc ngôn từ, giễu nhại... Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cũng đã được xác định lại trên tinh thần bình đẳng, khách quan, khoa học, không còn mang tính áp đặt như trước; Một số phạm trù như: điển hình văn học, tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, con người mới xã hội chủ nghĩa... hay các thuật ngữ như chủ đề, tư tưởng, đề tài, hình tượng điển hình... ít được đề cập đến trong phê bình văn học thời kỳ đổi mới. Tất cả cho thấy đó là dấu hiệu của tinh thần tự do tư duy sáng tạo nghệ thuât, tự do học thuật trong nghiên cứu, phê bình văn học. Từ tầm nhìn phê bình thời kỳ đổi mới có thể thấy những lo âu, day dứt, khát vọng của Nguyễn Minh Châu về một nền phê bình dân chủ, tự do học thuật là có căn cứ và cơ sở khoa học. Có thể coi những nỗi niềm đó của nhà văn như những ý tưởng đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền phê bình phong phú của nước nhà như nó vốn đang hiện hữu - nếu hình dung nó như một dòng sông thì đây là một dòng sông có nhiều bến đỗ, có nhiều dòng chảy, có nhiều nhánh sông vô cùng đa dạng, vận động với tốc độ nhanh. Có như thế, phê bình đổi mới mới có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của sự vận động và phát triển của nền văn học dân tộc.

3. Sinh thời, Nguyễn Minh Châu đã chia sẻ: “Đôi khi tôi thường nghe anh em bạn bè trong nghề văn nói con người ta vốn rất khó thay đổi. Nghiệm về mình tôi cũng thấy như thế, thậm chí tôi còn nghĩ một cách có phần bi quan: con người từ khi lọt lòng đã nhận được một thứ mã số về tính cách và con dấu đóng vào từng số phận riêng tư, cứ thế mà mang lấy cho đến hết đời”16. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Minh Châu đã minh chứng cho một sự thay đổi quyết liệt để vượt thoát khỏi “thứ mã số” lập trình số phận đó. Là một nhà văn nhạy bén và tinh tế, Nguyễn Minh Châu đã sớm có những thay đổi về hệ hình tư duy nghệ thuật cả trong sáng tác và lý luận, phê bình văn học. Ở lĩnh vực phê bình văn học, nhìn từ xu hướng của lý luận phê bình thời kỳ đổi mới hướng đến những giá trị hiện đại, có thể thấy Nguyễn Minh Châu đã nhanh chóng nắm bắt và đổi thay tư duy, ông đề cao vai trò quan trọng của phê bình văn học, đặc biệt nhà văn chú trọng bàn đến các phương diện cấp thiết như: nâng cao chất lượng học thuật trong phê bình văn học; trân trọng, tôn vinh tư chất, phẩm giá của người làm phê bình văn học. Quan niệm của Nguyễn Minh Châu về phê bình văn học cho đến nay, vì thế vẫn còn nguyên giá trị, vẫn sinh động, và nóng bỏng tính thời sự, luôn đồng hành cùng những người làm phê bình văn học chân chính.

Xin mượn câu nói của Nguyễn Minh Châu để kết thúc bài viết, cũng là sự tưởng nhớ trong niềm thành kính vô hạn với ông - một nhà văn có tầm, có tâm xứng đáng được tôn vinh như “người mở đường” dám dấn thân cả đời mình cho đến hơi thở cuối cùng vì sự phát triển của nền văn học nước nhà: “Tôi không nhiệt tình lôi kéo bất kỳ ai, thuyết phục bất kỳ ai về một vấn đề gì mà mình vốn hằng tin. Hãy để cho mỗi người tự đi tìm lấy lẽ phải trái cũng như chân lý và đức tin”17. Lời tâm nguyện đầy tính nhân văn này phải chăng cũng là quan niệm của Nguyễn Minh Châu về sự lựa chọn con đường để đổi mới và phát triển nền phê bình văn học dân tộc mà nhà văn muốn nhắn gửi lại cho thế hệ cầm bút mai sau.

Chú thích:

1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16,17: Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002; tr.100,241,242,242,243,244,245-246, 244,254,247,249,248,248,249,250,253,254.

Cao Thị Hồng

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy