Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
10:46 (GMT +7)

“Quà cho con”: Cẩm nang giáo dục hay phương tiện phản giáo dục?

LTS: Sau khi đăng tải bài viết của tác giả Hoàng Xuân Tuyền với nhan đề Về cái gọi là “kỹ năng sống” trong tập “Quà cho con”, VNTN tiếp tục nhận được bài vở, ý kiến bàn luận về tập sách này.Tôn trọng tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, nghiêm túc, VNTN kì này giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của tác giả Trần Võ Thành Văn.


Bầu trời thi ca Việt lâu rồi dường như ảm đạm, bỗng ồn ào lạ. Lạ, bởi sự ra đời “chấn động”của tập thơ đầu tay của một tác giả nghiệp dư. Lạ, bởi tập thơ ấy được nhà sách Tân Việt mua bản quyền với giá “vô tiền khoáng hậu” - 550 triệu đồng!

Về cuốn sách“Quà cho con”, theo tác giả Nguyễn Huy Hoàng, ông “muốn thổi vào tâm hồn con trẻ những điều tử tế”.

Cuốn sách nhận được vô số lời khen, chê. Người khen thì lập luận: đề cao nội dung, ý nghĩa giáo dục mà cuốn sách mang lại. Và, có thể xem nó là cẩm nang giáo dục dùng trong nhà trường. Bỏ qua giá trị thi ca, nghệ thuật.

Tôi thử phân tích vài nội dung trong cuốn sách, xem nó đã đáp ứng được mục tiêu của tác giả và có xứng đáng với những lời khen trên.

Cảm ơn từ thuở lên ba

Cảm ơn đến hết tuổi già chưa thôi

“…hết tuổi già chưa thôi”, sau già là chết, người chết rồi vẫn nói cảm ơn được sao? Vô lý!

Còn đây:

Không sữa vẫn sống bình thường

Có sữa thì sẽ chắc xương khỏe người

Sữa bột cùng với sữa tươi

Mỗi ngày một chút đừng lười nghe con

Việt Nam nhiều loại sữa ngon

Sử dụng hợp lý thì còn hơn Tây

Con nên uống sữa hằng ngày

Nhẹ nhàng kẻo đổ ra tay, ra người…

Bốn câu đầu tạm chấp nhận được về mặt giáo dục, tức sự cần thiết phải uống sữa. Đoạn sau đích thực là đang quảng cáo sữa ta!

Phải biết phân loại được ra

Game nào bổ ích thì ta mới dùng

Ngày chơi hơn tiếng là cùng…

Khoảng thời gian “hơn tiếng” là cách nói cảm tính, nói bừa, nói đại khái cho có, cho hợp vần thơ chứ chả kết luận khoa học nào chứng minh đó là khoảng thời gian chơi game hợp lí cả.

Sẵn sàng chống trả khi cần

Nhằm chỗ hiểm yếu mà dần đối phương

Cái này thì nguy hiểm vô cùng. Phản giáo dục, kích động bạo lực học đường!

Cảnh giác những kẻ vật vờ

Tránh xa mấy gã hay sờ linh tinh

Ý thơ, thông điệp giáo dục giới tính dành cho bé gái. Nhưng tại sao đối tượng cần tránh lại là “kẻ vật vờ”? Đôi lúc, người ta buồn ngủ nên vật vờ uể oải thì sao. Nghĩ xấu, đề phòng họ thì thật oan.

Mặt xinh bị bẩn, lau ngay

Trước ăn cơm, nhớ rửa tay xà phòng

Áo quần tươm tất, sạch bong

Gọn gàng đầu tóc ấm lòng mẹ cha

Đang dạy về vệ sinh ăn uống nhưng ngoặt ngang:“Gọn gàng đầu tóc ấm lòng mẹ cha”. Và, tất thảy sự thể chỉ có vậy mà tác giả kết luận “ấm lòng mẹ cha”! Vênh lệch và nói ngoa!

Mạng in-tơ-net - on-lai

Con ơi đừng có chơi hoài nghe con

Ơ hay! Mạng in-tơ-net - on-lai là mạng gì? “Thuật ngữ”này thuộc chuyên ngành nào? Nói kiểu miền Tây, hiểu chết liền. Một cụm từ vô nghĩa.

Đó là một vài ý trích. Tập thơ “Quà cho con” còn vô số “bài học” ngô nghê, phi lý và mô phạm một cách sáo rỗng khác.

Đối với trẻ em, việc dạy học thường được ví nôm na là “dạy dỗ”, tức vừa dạy và vừa dỗ. Dỗ chúng học, dỗ chúng ngoan bằng tất cả năng lực, phẩm chất và tình cảm của người dạy chứ không phải áp đặt, dọa dẫm như cách mà tác giả thể hiện. Bởi hầu hết ở các bài thơ đều xuất hiện những từ, cụm từ mệnh lệnh: phải, hãy, nên, nhớ lấy.v.v..

Một cuốn sách đầy lỗi kiến thức, mập mờ nội dung, vậy mà lại được phép ra đời, được tung hô, quảng cáo rầm rộ và chui vào tận trường học khiến dư luận không thể không nghi ngờ, đồn đoán về những động cơ, hành vi mờ ám đằng sau nó. Ấy là chưa kể đến danh phận tác giả.

Thử hình dung vòng đời cuốn sách: bắt đầu là cú nổ nửa tỉ của quả bom độn vô số lời có cánh bốc mây xanh từ những nhân vật tên tuổi, có chuyên môn; trước khi kết thúc vòng đời, cuốn sách đã nhanh chóng “hồi vốn” cho nhà đầu tư ngay trong trường học bằng việc “rút ruột” tiền túi học sinh, phụ huynh. Khá hợp pháp. “Rút ruột” sự trong sáng, tính thẩm mĩ văn chương của học sinh. Lấp vào khoảng trống ấy là khối u đạo đức tật nguyền, nhẫn tâm, báng bổ dư luận và rẻ rúng giá trị con người. Đồng tiền sẽ quay vòng về tay ai? Điều này hẳn ai cũng biết.

Chúng ta muốn gửi thông điệp tử tế đến các em, đến xã hội, nhưng liệu chúng ta đã tử tế chưa khi cho ra đời một phương tiện giáo dục lỗi, lôi kéo hàng loạt tổ chức mang danh trí thức cổ súy nó. Kết quả tất yếu ắt ra đời sản phẩm giáo dục lỗi. Hậu quả ấy thật ghê gớm, lâu dài.

Xin hãy thử một lần truy vấn lương tâm!

Xin mượn lời thơ của nhà thơ Boris Leonidovich Pasternak để kết thúc ý kiến:

Mục đích sáng tạo là xả thân

Không phải trò rùm beng - không phải mưu thành đạt

Thật nhục nhã khi Anh chả ra gì

Mà tên tuổi Anh lại lẫy lừng khắp.

 

Trần Võ Thành Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy